Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Làm dáng trí thức 1

Làm dáng trí thức 1

- Nguyễn Trọng Văn — published 03/09/2007 13:22, cập nhật lần cuối 03/09/2007 20:19
Những quan chức "làm dáng trí thức". Hay... nguỵ trí thức ? Xin đọc tiếp : LÀM DÁNG TRÍ THỨC 2.

Làm dáng trí thức

                                                                                                        

   Nguyễn Trọng Văn

 

Làm dáng trí thức là dùng lời nói, cử chỉ, dáng điệu để làm ra vẻ mình là trí thức, chứng tỏ mình là trí thức nhằm tạo uy tín, ảnh hưởng lên người khác thông qua sự thuyết phục, lý luận, lập thuyết nhưng rất thường là thông qua những yếu tố “ phi trí thức ”. Người ta làm dáng trí thức khi tự cảm thấy mình chưa phải, chưa đáng hoặc chưa đúng mức để người khác yêu quý kính trọng nghe theo nên phải làm ra vẻ, phải vay mượn những yếu tố ngoài trí thức để tạo cho mình một dáng vẻ trí thức chẳng khác gì một số bà quý phái phải độn mông độn vú để tạo cho mình kiểu dáng mà họ cho là đẹp. Xét cho cùng, làm dáng để bù trừ vì mặc cảm tự ti cũng là điều bình thường nhất là khi người ta biết mình làm dáng và luôn luôn có tinh thần cầu tiến tự vượt mình để trở thành người trí thức thật, không cần làm dáng nữa. Làm dáng chỉ trở thàng vấn đề khi đóng kịch mãi để lừa dối người khác cuối cùng chính mình cũng tưởng thật, tự lừa dối mình, lẫn lộn thực và giả. 

Trong một số các hội nghị, hội thảo, khoá bồi dưỡng v.v... chúng ta thấy vài kiểu làm dáng trí thức đặc trưng của thời mở cửa, kinh tế thị trường khá phổ biến nơi các báo cáo viên. 

Bài này đã đăng trên báo Tuổi Trẻ số 34-95, ngày 27.8.1995. Chúng tôi đăng lại để bạn đọc tiện tham khảo khi đọc bài Làm dáng trí thức 2 mà chúng tôi đưa lên mạng cùng lúc.

Nguồn : bản do tác giả gửi.

Trước nhất là dựa vào uy tín của các vị lãnh đạo cao cấp, như trường hợp báo cáo viên cho biết mình vừa mới làm việc với đồng chí A ở Bộ Chính trị, mới họp với đồng chí B ở Trung ương Đảng... để tăng sức mạnh và sức thuyết phục cho bài báo cáo. Sức mạnh của người trí thức chủ yếu dựa vào chất xám của mình, vào sự chặt chẽ của lý luận, vào tính chân thật của những bằng chứng, vào tầm mức khái quát cao, vào phương pháp tiếp cận mới mẻ, khoa học...., lối làm dáng dựa vào uy tín của ông lớn được gọi là argumentum ad hominem, một thứ cáo mượn oai hùm.

Lối làm dáng thứ hai là khoe rằng mình mới đi (với ông lớn) tham quan nước ngoài về, dĩ nhiên là các nước tư bản phát triển như Pháp, Mỹ, Bắc Âu... Thứ làm dáng này ít ra nói lên hai điều : thứ nhất, mặc cảm tự ti đối với nước mà mình tới tham quan (giống tâm lý khinh hàng nội, chuộng hàng ngoại) ; thứ hai, thái độ tự cao đặc quyền đặc lợi của những người được ra nước ngoài.

Lối làm dáng thứ ba là dựa vào áp lực quần chúng (argumentum ad populum) : đáng lý phải phân tích vấn đề một cách khoa học, dựa trên những luận cứ chắc chắn để thuyết phục người nghe chấp nhận một chân lý, một giải pháp thì lại dựa vào áp lực số đông (lợi ích toàn dân, quyền lợi dân tộc, yêu cầu lịch sử...). Lối lý luận này đặt người nghe vào trạng thái tâm lý phức tạp khó xử : không đồng ý thì sợ mang tiếng là không yêu nước, không dân tộc, không thấy yêu cầu lịch sử mà chấp nhận thì vẫn cảm thấy có cái gì không thoải mái, không tự nguyện. Ai cũng biết chân lý hay sai lầm thể hiện trong thực tiễn kiểm nghiệm chứ không căn cứ trên số đông hay số ít : cả nhân loại cho rằng mặt trời quay và trái đất đứng yên nhưng tất cả đều sai lầm, chỉ có một số rất ít người (Copernic, Bruno, Galilei...) cho rằng mặt trời đứng yên, trái đất quay nhưng số ít này đã có lý.

Thứ tư, phải kể tới lối làm dáng rất kỳ quái, đáng sợ : lý luận căn cứ trên sức mạnh (argumentum ad baculum) thay vì dùng lý lẽ, lập luận để giải thích, thuyết phục người ta dùng sự de doạ, áp lực vật chất hoặc tinh thần để bắt người khác chấp nhận một điều mà người này chưa tự nguyện chấp nhận. Có điều lạ lùng là bản thân sức mạnh không đủ để giải thích hành động sức mạnh, nó luôn luôn phải nhờ tới những lý lẽ để biện minh cho hành động sức mạnh của mình. Khi có sức mạnh mà không có lý luận, không biết cách đặt vấn đề trước nhà trí thức thì anh ta không thể thuyết phục được ai. Sức mạnh của lý luận không thể thay thế bằng lý luận của sức mạnh.

Thời đại của tri thức. Có tiền, có quyền, có chức vị nhưng người ta vẫn cảm thấy thiếu thốn nếu không có tri thức. Tri thức lý luận là đặc trưng cơ bản xác định bản chất con người, có lẽ vì vậy mà Aristote đã định nghĩa con người là sinh vật có lý trí chứ không hề định nghĩa con người là sinh vật có tiền, có quyền, có chức vị. Sinh hoạt trí thức, nghiên cứu khoa học là một sinh hoạt đặc biệt so với các loại sinh hoạt khác. Sinh hoạt trí thức chỉ có thể được tác động bằng một sinh hoạt trí thức khác chứ không thể bởi những yếu tố phi trí thức, phản trí thức. Trí thức và làm dáng trí thức là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Nguyễn Trọng Văn

 
 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss