Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Làm dáng trí thức, 2

Làm dáng trí thức, 2

- Nguyễn Trọng Văn — published 03/09/2007 13:27, cập nhật lần cuối 03/09/2007 13:53
Sau tai biến mạch máu cách đây hai năm và nhiều tháng khổ luyện, Nguyễn Trọng Văn đã cầm bút trở lại. Đây là bài mới tác giả vừa gửi cho Diễn Đàn. Đầu đề là LÀM DÁNG TRÍ THỨC, 2, tiếp theo bài số 1 viết cách đây 12 năm. Để tiện việc theo dõi, chúng tôi đăng luôn cả bài số 1.


Làm dáng trí thức, 2


Nguyễn Trọng Văn



Bài Làm dáng trí thức, 1 viết cách nay hơn mười năm, đăng trên Tuổi Trẻ tháng 8.1995. Người ta nói ngày vui qua mau, mới thoắt một cái đã mười năm trời. Để bạn đọc dễ dàng theo dõi và góp ý với Làm dáng trí thức,2  tôi xin lưu ý mấy điểm sau đây : thứ nhất, Làm dáng trí thức,1 chủ yếu nói về trí thức cộng sản, đây là một thiếu sót lớn vì tại Việt Nam chúng ta có nhiều loại trí thức chứ không phải chỉ có trí thức cộng sản. Ngay cả trí thức cộng sản cũng có nhiều điều đáng nói chứ không phải chỉ có mấy khuyết điểm có tính ngoại hình như thế. Trí thức là tinh hoa của các giai cấp, không nói tới thành phần, lý lịch... điều quan trọng là thái độ chứ không phải yếu tố nào khác, thái độ trong  chống Mỹ cứu nước trước kia, thái độ trước đổi mới hội nhập hiện nay (tích cực hay tiêu cực, thờ ơ, ai sao tôi vậy...) ; thứ hai, làm dáng chỉ điệu bộ, ngoại hình, dáng vẻ bên ngoài, làm ra vẻ..., làm như thể..., tất cả nhằm tạo  thái độ nguỵ tín (mauvaise foi) để lừa dối người khác và chính mình. Cuối cùng không biết mình là ai, không là ai, sống trôi dạt vật vờ nhưng luôn mồm bản sắc, bản ngã. Trước 1975, nguỵ tín được nói tới nhiều trong phạm vi văn học nghệ thuật ; ngày nay nó mang bộ mặt mới, lịch thiệp duyên dáng hơn, đối với người Việt trong nước cũng như hải ngoại.

Theo sự phân loại chủ  quan của tôi, tai Việt Nam hiện có bẩy loại trí thức, trong bài này  xin nói về trí thức tại chỗ và trí thức Việt kiều.



A. Trí thức tại chỗ


a. Tính hơn hẳn ?


So với trí thức cộng sản, trí thức tại chỗ có những điểm nào có thể coi như hơn hoặc hơn hẳn, đây là một điều khá tế nhị nhưng không phải không làm được. 

Ngoại ngữ chăng ? Trước kia trí thức cộng sản rành tiếng Nga nhưng bây giờ tiếng Nga không thịnh hành bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật... về điểm này xem ra trí thức tại chỗ nhỉnh hơn ? Tôi hoài nghi. Ngoại ngữ dùng trong giao tiếp, buôn bán thường ngày khác trong ngoại giao, đối ngoại, giữa các chính khách quốc tế, đó là điểm quan trọng phải nhấn mạnh. Một số chính khánh Việt Nam nói tiếng Anh rất lưu loát. 

Kiến thức uyên bác ? Đây là điểm thứ hai cần làm rõ : kiến thức uyên bác chung chung, kiểu mỗi thứ một chút chẳng thứ nào chuyên sâu... hay gắn liền tri và hành, truyền thống và thực tế. Nói như một giáo sư đại học “ một thời đạn bom, một thời hoà bình ” hoặc hai nhạc sĩ rất nổi tiếng từ bỏ quê người để trở về quê mình, kiến thức uyên bác của họ gắn liền với quê hương và dân tộc. Không biết bạn chọn thứ uyên bác nào ?

Về quyền lực và đời sống, mức sống ? Có vẻ mỉa mai khi so sánh trí thức tại chỗ và trí thức cộng sản về những mặt này ! Ai chẳng cho trí thức cộng sản quyền lực hơn, tôi không nghĩ vậy, ít ra về hai điểm ; thứ nhất, Aristote nói điều quan trọng không phải là nắm quyền mà là dùng quyền lực đó phục vụ ai : một người, một nhóm người hay toàn dân, nếu không người dân có thể nghi ngờ tính chính đáng, tính toàn dân của quyền ; thứ hai, về đời sống, mức sống, hồi 75-80 có câu Nam nhận họ, Bắc nhận hàng, nay (2007) có câu Nam Bắc (cùng) nhận hàng, mạnh ai nấy phất, nghĩa là không phân biệt trong và ngoài đảng, trí thức và không trí thức..., cơ hội đổi đời mở ra cho mọi người. Tóm lại, điều làm trí thức tại chỗ có thể hãnh diện so với trí thức cộng sản xét cho cùng chỉ là một ảo tưởng, hay đúng hơn, một thái độ nguỵ tín.


b. Truyền thống và hiện đại ?


Đây là đề tài được nhắc tới hàng ngày, qua báo đài. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập ngày nay ai mà không muốn nhắc tới truyền thống và hiện đại, nhất là trí thức nhưng nội dung cụm từ đó ý nghĩa ra sao ? Nói tới truyền thống và hiện đại là nói tới sự liên tục, sự kế thừa lịch sử văn hoá của dân tộc. Quà tặng từ trên trời rớt xuống hay phải đấu tranh cam go để nối kết truyền thống và hiện đại ? Người trí thức cộng sản có thể tự hào đã thay thế truyền thống ra ngõ gặp anh hùng bằng cách kiến tạo một truyền thống mới ra ngõ gặp doanh nhân. Còn trí thức không cộng sản ? Anh đã làm gì cho sự nghiệp nối kết truyền thống và hiện đại, nếu hiểu là bắt tay vào thực sự góp phần cải tạo truyền thống và hiện đại theo chiều hướng mới thì phải nhận là tôi chẳng hiểu gì cả. Còn anh, anh hiểu gì về hai thứ đó ? 


c. “ Ngồi nhà biết mọi việc” và “ Bất chiến tự nhiên thành ” ?


Ngoài đề tài truyền thống và hiện đại, trí thức tại chỗ cũng thường nói tới “ ngồi nhà biết mọi việc ”, “ bất chiến tự nhiên thành ”... Ngồi nhà biết mọi việc trong nước và ở nước ngoài có lẽ nhờ hiểu biết sâu rộng về công nghệ thông tin, thật là sung sướng và hạnh phúc tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiểu theo nghĩa nào ? Hiểu biết rất hoành tráng, mênh mông như trong các chương trình TV dành cho giới trẻ hiếu học và ham vui ? Chúng ta không coi thường thứ hiểu biết đó nhưng có lẽ chúng ta đang cần một thứ hiểu biết khác, thực tế, thậm chí “ thực dụng ” hơn.

Với những nhà trí thức có dáng tiên phong đạo cốt ưa nhìn cuộc đời bằng con mắt dửng dưng – nói cho đúng họ không nhìn cuộc đời mà so sánh cảnh đời trước mắt với cảnh đời trong tâm tưởng – thiết nghĩ không có chữ gì diễn tả đúng tâm trạng suýt ngộ đạo của họ bằng cụm từ “ bất chiến tự nhiên thành ”. Ung dung tự tại, không lo toan tất bật, không chạy tới chạy lui, mọi việc diễn ra như nó phải diễn ra, đúng như khi nói về cái dụng của Đạo “ vô vi nhi vô bất vi ” (không làm mà không gì không làm). Hồi học triết học Đông phương tôi rất tâm đắc ý tưởng này, nó cao siêu huyền ảo làm sao ! Giờ ngồi nghĩ lại, hình như có vấn đề : (a) Dịch “ vô vi nhi vô bất vi ” là “ không làm mà không gì không làm ” xem ra chưa ổn, theo thiển ý, nên dịch là “ làm như không làm mà không gì không làm ” nghĩa là có làm nhưng làm như không làm, có vẻ như không làm... (trước 1975 có chiếu cố đặc biệt tới Pháp, Mỹ nhưng hiện nay làm như không có chiếu cố đặc biệt) ; (b) Nói làm là nói tới ai làm, tới động tác làm, việc làm... của người nào đó, trong sinh hoạt con người, luôn luôn có chủ thể khách thể, chủ động bị động chứ không hề có hiện tượng bỗng nhiên..., khi không ... như trong khoa học tự nhiên ; (c) “ bất chiến tự nhiên thành ” đối với ai ? phe nhóm đảng phái nào, trong nước hay hải ngoại...? Ước gì mọi người, trong đó có những trí thức suýt ngộ đạo, đối đãi với nhau một cách hồn nhiên vô tư như các đạo sĩ trường phái Lão Trang, có thể lại hoá hay, đỡ mệt óc sói đầu !



B. Trí thức Việt kiều


Tôi thích gặp gỡ hoặc nói chuyện với trí thức Việt kiều, luôn luôn tôi học được nơi họ những điều mới lạ.


a. Đi xa về kể chuyện


Điều đầu tiên làm tôi thích thú là nghe Việt kiều kể chuyện, trong dân gian có câu “ đi một ngày đàng học một sàng khôn ”, đằng này xa cách mấy chục năm mới gặp lại, có biết bao nhiêu điều để nói. Ngoài Bắc cũng có một câu từa tựa như trên “ nghe ca-ve kể chuyện, nghe thằng nghiện nói chuyện làm ăn ” ám chỉ những chuyện mới lạ, hấp dẫn pha chút bá láp, hoang đường. Tôi nghĩ không hẳn như vậy, ngay sự hiện diện của người bạn khi lớ ngớ bấm chuông ngoài cổng đã có một ý nghĩa vô cùng lớn lao, không chờ đến khi nói năng, kể lể. Những giọt cảm xúc đôi khi nói nhiều hơn lời nói. Một bạn thơ của tôi có nói về những “ thằng bạn xa xứ ”:

                Bạn bè mấy đứa còn hay mất
                Đứa tận chân mây đứa cuối trời 

Nay những người bạn ở chân trời góc biển đó bỗng trình diện bằng xương bằng thịt trước mặt anh (hay anh trình diện trước mặt họ ?) chẳng phải tràn đầy vui mừng như một phép lạ sao ? Tuy nhiên tôi vẫn thích nghe bạn bè Việt kiều kể chuyện vì tiếng nói, ngôn ngữ, văn hoá là đặc trưng của con người. Tưởng tượng một buổi họp mặt sau nhiều năm xa cách mà không tiếng nói, tiếng cười... kể cũng kỳ quái ! Tôi rất thích nghe Việt kiều kể chuyện, chỉ nghe thôi chứ chưa nói tới nội dung câu chuyện ; chuyện vui, chuyện buồn, những kinh nghiệm sống tại hải ngoại..., lúc nào thư thả tôi phải phân tích hiện tượng tâm lý háo hức tới mức đam mê này.


b. Văn học không đầu


Cụm từ văn học không đầu được gợi ý từ phim Hiệp sĩ không đầu của Mỹ (người hiệp sĩ không có đầu nhưng rất khôn ngoan, đánh đấm rất hăng), khi dùng cụm từ này tôi muốn nói : (a) Có một thứ văn học không đầu, xem như ngoài luồng, không chính thống, không được công nhận, dù nó tồn tại thực nhưng lại bị coi như không tồn tại (thí du : văn học hải ngoại nhận xét từ 1975 đến giờ trong nước chẳng có tác phẩm lớn nào đáng gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa cả) ; (b) Văn học không đầu là một hiện tượng chung cho văn học Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại; có những mảng văn học “ da beo ”, “ giáp ranh ”, “ xôi đậu ” khó có thể nói nó không Việt nam (với thí dụ trên, văn học trong nước cũng nhận xét từ 1975 đến nay văn học hải ngoại luôn luôn nói đến thơ mới, tìm kiếm cái mới... rất xôm tụ nhưng... chẳng có gì đáng gọi là mới cả) ; (c) Tới một thời điểm nào đó hiện tượng văn học không đầu phải được đánh giá lại một cách công bằng và nghiêm túc. (Đúng ra nên nói : phải cùng được đánh giá lại... bởi giới làm văn học trong nước và hải ngoại ?)

Tuy gọi là văn học không đầu nhưng theo tôi nó có ba cái đầu ; thứ nhất, những nhà văn nhà thơ như Dương Thu Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Mạnh Hảo... tiêu biểu cho giới văn nghệ sĩ trẻ, khoẻ, từ ao tù ra sông lớn ; thứ hai, những nhà văn nhà biên khảo như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn... tiêu biểu cho giới trí thức hải ngoại, thành đạt, từ sông lớn ra biển cả ; thứ ba, những nhà văn nhà tiểu thuyết như Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Thế Uyên... tiêu biểu cho giới văn nghệ sĩ tên tuổi, thuộc thế hệ cổ lai hi, đang vùng vẫy ngang dọc ngoài đại dương. Mỗi cái đầu có vị thế, chức năng riêng trong phạm vi văn học nghệ thuật.

Có tới ba cái đầu sao gọi là văn học không đầu ? Ngoài gợi hứng từ phim Hiệp sĩ không đầu cụm từ văn học không đầu còn một gợi hứng thứ hai từ tạp chí Tiền Vệ, nhất là từ Nguyễn Hưng Quốc với đề dẫn mở đầu hội thảo Văn học hải ngoại, tổ chức tại California ngày 27.01.07. Trong cuộc hội thảo này Nguyễn Hưng Quốc nói văn học trong nước được coi là chính mạch, là thuộc về lịch sử... còn văn học hải ngoại bị coi là lưu vong, bên lề, phù phiếm... Bàn về “ bị/được ”, về “ tính hơn hẳn ” của văn học chắc sẽ rất hào hứng nhưng đòi hỏi nhiều thời gian trước khi đi đến kết luận chung cuộc, chưa có kết luận sao gọi văn học hải ngoại là văn học không đầu ? Những lỗ hổng, những rò rỉ cũng từ Nguyễn Hưng Quốc, trong khi so sánh văn học hải ngoại với văn học trong nước trên bốn điểm : (1) sinh hoạt văn học, (2) chất lượng tác phẩm, (3) kỹ thuật và mỹ học được khai mở, cái nhìn cởi mở thông thoáng hơn, (4) đóng góp có tính lịch sử và văn hoá nhiều hơn... anh quên một điều rất quan trọng ai quyết định đúng/sai, hơn/kém, vì cái quên này người ta thấy ẩn hiện một phức hợp khổ dâm - bạo dâm kỳ quái : một mặt tự coi là không chính mạch, không thuộc về lịch sử, lưu vong, bên lề, phù phiếm... một mặt lại tự coi như nhỉnh hơn, đáng tự hào hơn văn học trong nước về bốn điểm vừa nêu ? Hình như sự quên, cố ý hay vô tình, vén màn cho thấy sự không ổn về mặt lý luận văn học hay tâm lý học ; cũng có thể đó là một dạng tinh vi của nguỵ tín ?

Đôi khi chúng ta bực dọc vì cảm thấy rất rõ có nhiều thứ mình vừa thiếu vừa thừa, thiếu những thứ cần thiết và thừa những thứ không cần thiết, có thể gọi tên ra hoặc không gọi tên ra... Chẳng hạn những chuẩn mực để đánh giá. Những chuẩn mực tốt/xấu, nên làm/không nên làm... được tiếp nhận từ nhiều nền văn hoá đã từng có mặt tai Việt Nam, vấn đề là hiện nay chúng được sự đồng tình/không đồng tình của đông đảo quần chúng tới mức nào ? Mới đây trên một chương trình TV, người ta có nói tới những tiêu chuẩn thời hiện đại [1) Mức lương tối thiểu, 2) công bằng, bình đẳng nam nữ, 3) dám sống thực thời đại mình (chiến đấu, bao cấp, đổi mới, WTO...), 4) không mất cả cũng không được cả bao giờ, 5)...v..v..] Những tiêu chuẩn (3) và (4) rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Trước những đổi thay lớn lao của đất nước, có thể có những người trí thức cảm thấy xa lạ, lạc lõng. Tại sao trí thức không tìm hiểu về cái thừa và thiếu của chính tầng lớp mình, trong nước và hải ngoại ?


8/2007

   

Nguyễn Trọng Văn

trongvan@hcm.vnn.vn

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us