MẠT PHÁP PHẬT GIÁO VIỆT NAM, CÁI SẢY NẢY CÁI UNG ?
MẠT PHÁP PHẬT GIÁO VIỆT NAM,
CÁI SẢY NẢY CÁI UNG ?
HOÀNG HƯNG
Những vụ “Cúng sao giải hạn” hằng năm làm tắc đường Hà Nội của chùa Phúc Khánh, rồi “trả nghiệp theo giá ra của Vong” ở chùa Ba Vàng quá trắng trợn phản Phật pháp gần đây, cùng với hội chứng start-up đua nhau xây chùa to để buôn thần bán thánh, chỉ là bước “cái u” biến thành “ung thư” của tình hình Phật giáo nước nhà.
“Cái u” đã được cảnh báo từ lâu, bởi không ít thiện trí thức. Ngay ít
lâu sau khi mới về nước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gửi tới Chủ tịch
Nguyễn Minh Triết bản kiến nghị 10 điểm, trong đó có điểm yêu cầu cải
tổ tổ chức Phật giáo đã bộc lộ nhiều sự suy thoái. Tức là đã mọc “u”.
Bản chất của “cái u” đó và liệu pháp cho nó là gì? Hãy nghe phân tích
của Thiền sư Thích Nhật Hạnh trong thư 7 điểm gửi trực tiếp cho Thủ
tướng Phan Văn Khải năm 2005. Điểm đầu tiên chính là: Tách Giáo quyền
ra khỏi Chính quyền:
“Ngày xưa vua Lý Thái Tổ đã yểm trợ
đạo Phật xây dựng cơ sở giáo hội, và thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ bày thêm
cho vua về các đường lối kinh tế, văn hóa, đạo đức và chính trị. Nhưng
vua không chen vào để kiểm soát Phật giáo và thiền sư cũng không nhận
trách vụ gì trong guồng máy chính trị. Nhà nước bảo đảm là từ nay các
vị xuất gia sẽ không bị mời làm dân biểu quốc hội, trở nên thành viên
hội đồng nhân dân các cấp và của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hoặc trở nên
đảng viên của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Xen vào lãnh vực
chính trị như thế các vị xuất gia sẽ phạm giới, làm mất uy tín của giáo
đoàn Phật giáo và cũng làm cho chính quyền mang tiếng là sử dụng những
vị ấy để kiểm soát tôn giáo. Từ nay các vị xuất gia sẽ không còn nhận
huân chương của chính quyền”.
https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/bay-diem-de-nghi-cua-thien-su-nhat-hanh/
Vì sao khẳng định: cái U gốc của bệnh ung thư Phật giáo hiện nay chính
là việc nhập nhèm giữa chính quyền với giáo quyền?
Khỏi cần truy lại lịch sử xa xưa, khi Phật giáo là quốc giáo vào thời
Lý, Trần. Vua trở thành sư, Sư làm quốc sư. Có thể nói Phật giáo đã cho
dân tộc sức mạnh tinh thần để giữ được độc lập, chiến thắng ngoại xâm.
Nhưng rồi, với cái lọng che quá lớn của thế quyền, Phật giáo cũng thoái
hoá, bị lạm dụng, trở thành nơi “trốn việc quan”, để rồi chính quyền
phải ra tay… dọn dẹp, và sau đó là mất địa vị quốc giáo suốt các triều
đại kế tiếp.
Cho đến thế kỷ 20. Sau thời gian Việt Nam trở thành thuộc địa, đạo Ki
tô được chính quyền thực dân tạo thuận lợi để phát triển, thế lực vượt
trội so với Phật giáo. Một phong trào chấn hưng Phật giáo đã được các
thiện trí thức phát động, nằm trong công cuộc phục hưng tinh thần dân
tộc, nuôi dưỡng lòng yêu nước để đòi lại độc lập. Có thể nói, đó là
tiền đề để sinh ra ý tưởng “chính trị hoá” Phật giáo của Đảng Cộng sản
sau Cách mạng 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và thôn tính miền
Nam, cũng như của cả những lực lượng Phật giáo không CS chống lại Ngô
Đình Diệm và Ki tô giáo được gia đình ông Diệm bảo trợ.
Các đảng viên Cộng sản khoác áo thầy chùa, cũng như các thầy chùa trở
thành đảng viên CS, các ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng là chuyện
rõ như ban ngày. Gần đây, không ít vị cao tăng đã công khai thân phận
“đảng viên lão thành” của mình khi lâm chung.
Mặt tích cực của Phật giáo “nhập thế” có thể được biện minh trong công
cuộc toàn dân đánh giặc để giành độc lập. Nhưng cái “sảy” cũng sinh ra
từ đó, để rồi “nảy cái ung”.
Cái “sảy” này xuất phát từ việc nhà cầm quyền CS, thấy được sự lợi hại
của tôn giáo trong việc dắt dẫn quần chúng, bèn quyết nắm chặt lấy Phật
giáo là tôn giáo của đa số nhân dân và có truyền thống yêu nước, đi
cùng với mình trong hai cuộc chiến, trong khi Ki tô giáo vẫn bị coi là
“ngoại đạo” gắn với kẻ xâm lược cũ và họ khó lòng thâm nhập. Nhưng bây
giờ, mục đích không còn là để hướng Phật giáo “nhập thế” cứu nước, mà
là để giữ vững “ổn định chính trị”, nói trắng là giữ cho chặt quyền
thống trị của mình.
Chính trị hoá Phật giáo với khẩu hiệu trắng phớ “Dân tộc, Đạo pháp và
Chủ nghĩa xã hội”, với tổ chức Phật giáo nằm trong sự khống chế của các
Đảng viên và nhất là công an khoác áo thầy chùa không có gì là bí mật.
Những nhà lãnh đạo Phật giáo tốt nghiệp trường Đảng, từng là cấp tá
công an, tướng quân đội… có thể thấy ở nhiều ngôi chùa lớn.
Bản thân tôi đã có thời gian học thiền ở một ngôi chùa lừng danh có vị
Phó Viện trưởng được giới thiệu là nguyên đại tá an ninh, vị Tri khách
tự giới thiệu là nguyên Thiếu tướng quân đội.
Cũng đã từng được một sĩ quan an ninh đến theo dõi ở một ngôi chùa lớn ở Ấn Độ. Vị này rất thành thạo kinh sách, rất siêng năng trong vai một tín đồ thuần thành, tin kính, rất mẫu mực. Sau này, anh ta thật thà khoe về quá trình rèn luyện rất gian khổ để đi vào lòng Phật giáo, từng có thời gian luyện du hành khắp các chùa bên Tàu chỉ với một bao gạo, một lon nước và cái bật lửa!
Ít năm sau, vị Sư trụ trì này khi về nước báo cho tôi một tin giật gân: - Cái anh theo dõi mình hồi đó giờ đã lên… tướng!
Tôi không lên án tất cả các vị đảng viên và công an khoác áo thầy chùa.
Rất có thể nhiều người trong đó có đạo đức, có lương tâm, họ thành thực
nghĩ rằng họ nên đóng vai trò đảm bảo để Phật giáo không bị lôi kéo vào
những âm mưu chính trị chống lại chính quyền. Tôi cũng chưa muốn chê
trách đại đa số trong Giáo hội Phật giáo chính thống lâu nay hầu như
luôn “sống chung hoà bình” quá ngoan ngoãn với chính quyền, không hề
cất một tiếng dù chỉ là kêu thương cho dân lành chịu bất công oan khuất
trong đời, tức là vứt bỏ tinh thần “nhập thế” tích cực của chính mình
trong thời giành độc lập!
Nhưng vài chục năm may, một khi bản thân chính quyền đã tha hoá, biến
chất, bộ phận phản bội ngay lý tưởng “vì dân vì nước” của các bậc tiền
bối đã đông đảo như nấm mọc sau mưa, thì đương nhiên những kẻ “ăn theo”
trong “ngành” Phật giáo tội gì không… vứt bỏ mũ ni áo chùng để thoải
mái ăn thịt, uống rượu, chơi đồng hồ xe hơi xịn hay hơn thế nữa…
Dựa vào tình trạng mất lòng tin hoàn toàn vào “lý tưởng” bánh vẽ, vào
công lý xã hội, vào chính quyền, cộng với óc mê tín sâu nặng vốn là
truyền thống của người dân ở xứ sở kém phát triển, “một bộ phận không
nhỏ” thầy chùa bắt đầu đua nhau… kinh doanh “tâm linh”, buôn thần bán
thánh!
Một câu hỏi: Tại sao không thấy tình trạng buôn bán nhảm nhí như thế ở
những ngôi chùa thuộc các tổ chức “phi quốc doanh” như “tàn dư” của
Giáo hội Phật giáo VN thống nhất (miền Nam cũ) hay giáo phái Làng Mai
(Bát Nhã, Lâm Đồng). Tại sao có sự trùng hợp: trong khi những ngôi chùa
này đều bị nhà nước quyết triệt bỏ, thì những ngôi chùa buôn thần bán
thánh linh đình đều được sự ưu ái của các quan chức cao cấp (như những
gốc cây kỷ niệm, những bức hình chụp đã thừa sức tố cáo) và cũng “tiên
phong” trong việc biến các lãnh tụ chính trị thành “Phật” để thờ cúng
trong chùa?
Hỏi là đã trả lời.
Cái “u” thuở nọ nay đã thành “ung thư”: sự gắn kết giữa một hệ thống
Phật giáo với chính quyền vì mục đích chính trị nay đã “chuyển hoá”
thành sự lợi dụng của bọn “đậu phụ nhà” kết cấu với bọn tham quan và
gian thương biến chùa chiền thành nơi ô uế, phá hoại Phật giáo, chỗ dựa
tinh thần cuối cùng của dân tộc.
Tội ác này, bệnh ung thư này phải trị tận gốc: Trả lại Phật giáo cho
các Phật tử chân chính. Chấm dứt việc chính trị hoá tôn giáo, chính
quyền-công an thọc tay vào Giáo hội. Tôn trọng thực sự quyền tự do tôn
giáo bằng cách tôn trọng các tổ chức tôn giáo độc
lập!
Hoàng Hưng
Các thao tác trên Tài liệu