Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Mấy vấn đề kinh tế cấp bách

Mấy vấn đề kinh tế cấp bách

- Vũ Quang Việt — published 15/05/2008 22:48, cập nhật lần cuối 18/05/2008 18:41
Bài này đã được đăng trong ba số báo Lao động từ ngày 13 đến 15.5.2008. Địa chỉ mạng bài đầu là: http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2008/5/88253.laodong. Dưới đây là nguyên văn do tác giả gửi tới Diễn Đàn.

Những vấn đề kinh tế cấp bách cần nhìn nhận lại


Vũ Quang Việt


Mấy ngày qua những phát biểu của quan chức Việt Nam trên báo chí vừa làm sáng tỏ thêm những vấn đề cấp bách phải đối phó hiện nay nhưng cũng không thiếu những cái có thể gọi là “nhiễu thông tin”. Bài viết này nhằm góp thêm tiếng nói để làm sáng tỏ thêm các vấn đề kinh tế cấp bách hiện nay. Hy vọng nó không tạo thêm sự nhiễu loạn thông tin.


1. Dự báo hay thực thi nghiêm chỉnh việc công bố thông tin?


Dự báo tất nhiên bao giờ cũng cần vì nó cho ta một cái nhìn về tương lai, để từ đó ta có những sửa soạn cần thực hiện, những chọn lựa phải làm.

Tuy nhiên hiện nay, “dự báo” được nhiều quan chức bàn đến, chỉ mang tính nhiễu loạn thông tin và hiểu biết, không hiểu vì thiếu kinh nghiệm hay là thủ thuật được sử dụng tràn lan chỉ để che đậy cái không thực hiện được: đó là chỉ tiêu kế hoạch. Giống như bàn về “đầu ra, đầu vào; quay hộp đen” thời chưa đổi mới. Tôi chưa thấy trong lịch sử điều hành kinh tế trên thế giới có ai đó lại đánh giá là khủng hoảng là do yếu kém về dự báo của chính phủ, và là nguyên nhân của những nguyên nhân đưa đến khủng khoảng. Điều này ám chỉ rằng nếu ta làm dự báo tốt (hay nói trắng ra ý ngầm là kế hoạch tốt) thì ta tránh được khủng hoảng?

Điểm thứ nhất cần nói là cho đến nay ở những nước tư bản phát triển không ai lại đánh giá tầm quan trọng của dự báo đến như thế. Tất nhiên cũng có thời, cũng như những nhà kinh tế kế hoạch, người ta đã tin rằng có thể dùng các mô hình kinh tế với các lý thuyết đã được tìm ra để làm dự báo, qua đó có thể xóa bỏ khả năng xảy ra khủng hoảng. Họ tin rằng họ đã nắm được qui luật điều hành kinh tế. Nhiều mô hình to lớn như Chase Econometrics, Wharton Econometrics, DRI, cũng như các mô hình ở Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, v.v. đã ra đời, nhưng rồi những mô hình tốn kém này đã bị xóa bỏ chỉ vì chưa bao giờ chúng tiên đoán đúng được những bước ngoặt của nền kinh tế. Thực chất nó còn sai lầm hơn cả các tiên đoán của các nhà kinh tế có hiểu biết thực tế và theo dõi sâu sát tình hình với cái bút chì và những hình vẽ đơn giản mô tả thống kê các chỉ số, số liệu thống kê theo thời gian. Sai lầm thường không phải từ phương pháp dùng trong mô hình mà từ chính việc không nắm đầy đủ để cảm nhận được sự phát triển của thực tế, và đặc biệt là không có đầy đủ thông tin. Những phát biểu này dựa trên chính kinh nghiệm của tác giả khi sử dụng các mô hình lớn vào những năm 80.

Điểm thứ hai là, dự báo là nói về tương lai nhưng dù cố gắng làm việc nghiêm chỉnh, ta có thể có thông tin khá hoàn hảo về quá khứ, và về hiện tại, nhưng khó lòng có được thông tin hoàn hảo về tương lai, bởi vì tương lai luôn bất trắc, bất trắc theo nghĩa không thể xác xuất hóa được. Nếu tính được xác xuất cái có thể xảy ra thì đó cái biết được, không còn là bất trắc. Thông tin chính xác hoặc mang tính xác xuất thống kê chính là chìa khóa giảm thiếu bất trắc. Người làm dự báo phải thay đổi dự báo, có thể hàng ngày, thậm chí hàng giờ nếu thông tin về hiện tại và tương lai, về chính sách của các đối tác thay đổi. Dự báo là cần thiết để ta thấy được hướng đi một cách logic dựa vào những tiền đề đặt ra. Tiền đề chính là chính là thông tin về hiện tại và đặc biệt về tương lai. Và chính những người làm chính sách cũng là tác nhân góp phần thay đổi các tiền đề này qua các quyết định mang tính chính sách.

Điểm thứ ba là hệ luận của hai điểm trên: đó là sự cần thiết của thông tin. Khi thông tin về quá khứ không đầy đủ thì khó lòng đưa ra các tiền đề có thể về tương lai. Càng thiếu thông tin thì lại càng mất khả năng giảm thiểu bất trắc. Dự báo đòi hỏi sự hiểu biết về lý thuyết kinh tế, hiểu biết thực tế để có thể xác xuất hóa những cái tưởng như là bất trắc một cách nhanh nhạy, và tất nhiên không phải là người nói theo.

Vấn đề của Việt Nam là hầu hết thông tin về tài chính và tiền tệ, và doanh nghiệp nhà nước nếu có đều bị độc quyền, không được công bố chính thức và cập nhật. Vì thông tin không được công bố, không được rà soát đánh giá khoa học và độc lập cho nên sự tin cậy của chúng luôn đáng ngờ, và giá trị của chúng nếu có cũng rất hạn chế vì chỉ dành cho cấp cao, những người có thể không đủ trình độ để đánh giá. Hệ thống hiện nay dường như cố tình bảo mật thông tin nhằm hạn chế tính phản biện độc lập của xã hội. Nhân dân không có thông tin thì nhân dân sẽ hành động theo cách của người không có thông tin, thí dụ như vụ tăng đột biến giá gạo vừa qua. Nhân dân nói ở đây cũng bao gồm chính các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp và chính nhà nước. Chỉ mới đây mới thấy hé lộ trên báo chí là năm 2007 dư nợ tín dụng tăng hơn 70%, khối lượng tiền tăng hơn 40%, vượt ngoài suy nghĩ của mọi người, nhưng vẫn không biết đó có phải là sự thật không. Ở một môi trường như thế thì đầu cơ là chuyện khó tránh. Gọi là đầu cơ trên thị trường chứng khoán chính là vì thông tin về các công ty trên sàn không đầy đủ và không cập nhật và do đó người đầu tư dựa theo tin đồn mà lướt sóng kiểu đánh bạc. Đó là chưa kể sự cần thiết phải giáo dục người đầu tư chứng khoán về nguyên tắc vận hành của thị trường.

Nếu cần nhìn lại thì không phải là xem xét khả năng dự báo, mà Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính phủ trong việc công bố thông tin, và cần đặt ra yêu cầu xử lý những cơ quan thiếu làm trách nhiệm.Thử hỏi cho đến nay ai đã đứng lên đòi hỏi áp dụng kỷ luật đối với tuyệt đại đa số các công ty, đặc biệt là tập đoàn doanh nghiệp quốc doanh không cung cấp thông tin đầy đủ và đúng kỳ các báo cáo tài chính về công ty. Ai được phép biết tài chính điện lực như thế nào và điện được sử dụng ra sao với giá cả ra sao?

Cho nên, khi gần hai năm sau đổi mới mà tình hình thông tin về kinh tế xã hội vẫn chưa thực sự chuyển đổi, Quốc hội cần có biện pháp thích hợp, như đưa vào chương trình nghị sự việc lập một ủy ban xem xét các thông tin cần thiết cho xã hội và dựa vào đó ra nghị quyết yêu cầu chính phủ công bố thông tin này theo chi tiết và lịch trình Quốc hội qui định. Ủy ban này sẽ tiếp tục theo dõi và báo cáo việc thực hiện nghị quyết này, và có quyền yêu cầu luật pháp trừng trị những đơn vị nhà nước hoặc tư nhân không tuân thủ..


2. Nên bỏ chỉ tiêu tăng trưởng GDP


Xin giảm chỉ tiêu phát triển có thực sự là điều Quốc hội cần bàn không?

Về mặt kinh tế, cuộc bàn cãi về việc xin cho chỉ tiêu GDP trong Quốc hội gần như là chuyện đùa dai. Đối với các nhà kinh tế, hay cả những người sản xuất họ sẽ chẳng thấy có ích gì khi chỉ tiêu GDP được định tăng 9% hay 5%. Quốc hội có thể quyết định trên giấy nhưng nền kinh tế vẫn hoạt động với hàng chục triệu cái đầu suy nghĩ nên làm gì để có lợi nhất cho họ. Họ nhìn vào sức mua trên thị trường, lãi suất, tình hình giá cả, để quyết định. Trong một nền kinh tế vĩ mô ổn định, các thông tin kinh tế rõ ràng và ổn định thì mọi quyết định của họ sẽ tập trung chính vào sản xuất. Còn khi nền kinh tế bất ổn, suy nghĩ chính của họ là nhằm đối phó với tình hình, tự vệ hoặc chớp cơ hội, nói chung là đầu cơ nếu có thể. Khi giá tăng vùn vụt, họ tích trữ và chỉ bán ra khi có thể mua vào ngay những gì cần thiết là chuyện đương nhiên. Có chỉ tiêu cao cũng không thể đẩy nền kinh tế lên cao nếu đó là nền kinh tế thị trường, và không phải nền kinh tế quốc doanh hóa.

Quá trình nhằm đạt chỉ tiêu là một con số thống kê trừu tượng như GDP thường hết sức tiêu cực khi nhà nước dồn sức vào việc đạt nó bằng cách tung tiền ngân sách, thả lỏng chính sách tiền tệ, để tự đầu tư hoặc bơm tín dụng nhằm khuyến khích đầu tư vào những công trình không sinh lợi, đặc biệt vào các tổng công ty quốc doanh luôn lỗ vốn, mà lại phá hoại môi trường, biến đất công thành đất tư. Như nhà kinh tế Keynes đã viết, và những người biên soạn GDP đều biết, người ta có thể đào đường lên, rồi lại lấp đi làm lại, xây cầu rồi lại phá đi, cứ như cách làm hầm Văn Thánh, GDP cũng vẫn tăng, có thể theo như ý muốn. Nhưng hoạt động phá phách này cũng có thể mang lại lợi ích khi nền kinh tế suy sụp, tốc độ GDP âm, còn khi mà nền kinh tế vẵn tăng ở mức cao như ở Việt nam thì việc làm này chỉ đưa đến lạm phát. Đó là điều cái nhà nước ta đã làm trong nhiều năm qua và đặc biệt năm 2007 cho nên cái giá phải trả ngày hôm nay là lạm phát đang phi mã là điều dễ hiểu. Cái giá thứ hai sẽ phải trả nữa là chỉ tiêu càng cao thì nợ nước ngoài càng nhiều, với tình trạng tăng vọt vốn đầu tư ngắn hạn trên thị trường chứng khoán thì khi chúng tháo chạy nền kinh tế khó lòng không suy sụp, hay ít nhất là gặp khó khăn khó lường.

Việc cần làm là nên bỏ việc quy định chỉ tiêu GDP vì người sản xuất không cần nó và vì lợi bất cập hại. Dự báo dài lâu cho tương lai tất nhiên vẫn cần thiết để hướng dẫn đầu tư và hạ tầng cơ sở. Nhưng dự báo là đánh giá những khả năng có thể xảy ra trong tương lai, không phải là chỉ tiêu phải đạt bằng mọi giá.


3. Nên bàn rõ để có nghị quyết về mục tiêu giảm lạm phát


Điều mà Quốc hội cần bàn đáng lẽ phải là chỉ tiêu lạm phát, hay hợp lý nhất trong lúc này là nghị quyết đòi hỏi chính phủ giảm lạm phát từng tháng trong năm. Đây là những điều chính phủ có thể làm vì bản thân lạm phát, chủ yếu, là xuất phát từ các chính sách mà nhà nước theo đuổi, như chi tiêu công hay các chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng nhằm bảo đảm sự thống soái của doanh nghiệp nhà nước; và chính cái van in tiền, nơi trực tiếp gây ra lạm phát, nằm trong tay nhà nước.

Tình hình lạm phát đang ở mức nghiêm trọng và sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu như không có những biện pháp cứng rắn. Nó nghiêm trọng ở chỗ, nếu từ tháng 5 trở đi lạm phát bằng zero, thì lạm phát vào tháng 12 năm 2008 so với tháng 12 năm 2007 vẫn là 16.9%, và lạm phát trung bình cả năm là 19,7%. Nếu giảm mức lạm phát những tháng sắp tới xuống 1% thì lạm phát vẫn trên 21.6%. Và nếu ở mức 2,2%/tháng như hiện nay thì lạm phát sẽ lên 33%.

Như vậy, nếu có làm tốt nhất như đã nói ở trên thì năm 2008 sẽ lạm phát ở mức của năm 2007 (chưa kể đến tác động tăng giá hàng nhập từ nước ngoài). Mức lạm phát như tác giả tính ở trên sẽ bùng nổ mạnh hơn nếu phải tăng lương lao động và là điều không thể không làm. Chỉ có thể hoãn hoặc tăng lương ít nếu như muốn đưa lạm phát về gần zero ngay những tháng sắp tới. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đuổi lạm phát vì giá lên lương lên. Muốn đưa lạm phát xuống gần zero những tháng sắp tới, tổng cung tiền và tín dụng không thể vượt quá 20%. Điều này đòi hỏi việc cắt giảm đầu tư mạnh hơn chứ không phải chỉ giảm 10% là đủ. Giảm đầu tư nhà nước có thể cần lệnh của Thủ tướng, nhưng quan trọng hơn chính là tác động của lãi suất mang tính thị trướng (sẽ nói thêm sau). Như vậy cần gắn liền việc điều hành tăng cung tiền và tín dụng với cắt giảm đầu tư. Đối với khu vực nhà nước, có thể không những phải cắt ngay những đầu tư mới bắt đầu mà chưa thật cần thiết và có thể phải sửa soạn ngừng toàn bộ những đầu tư mới của nhà nước nếu tình hình đòi hỏi thế.

Chỉ tiêu GDP là bánh vẽ nhưng lạm phát là hiện thực đối với người lao động. Cho nên ở đây Quốc hội có sự chọn lựa: hoặc mục tiêu ổn định kinh tế là thống soái, hoặc nhằm đạt một tốc độ tăng trưởng 7% được định một cách vô căn cứ nào đó.

Đây cũng là lúc nên rút bài học mà cho đến nay nhiều nhà lãnh đạo vẫn tiềm ẩn coi lạm phát là điều cần thiết để phát triển. Cần nhận thức là đời sống của đa số nhân dân lao động sẽ khó khăn nếu như lạm phát vượt quá 5% một năm, và sẽ cực kỳ khó khăn, tạo ra tâm lý lạm phát nếu vượt ngưỡng 10%. (Dĩ nhiên không có lý thuyết kinh tế nào nói về điều này, nhưng kinh nghiệm các nước cho thấy điều này) . Lạm phát tạo ra sự mất tin cậy ở chính quyền, và sự mất tin cậy sẽ đưa đến kỳ vọng lạm phát ngày càng cao hơn, và các biện pháp tự vệ, đầu cơ bất lợi cho sản xuất. Chính bài học mất Trung hoa lục địa đã làm chính quyền ở Đài Loan coi lạm phát là kẻ thù số một sau khi vượt qua được thời kỳ lạm phát kéo dài tới tận năm 1952; lạm phát gần như không vượt 5% trừ những năm (73-74, 79-80) do giá dầu hỏa trên thế giới tăng vọt vào những năm 1970. Kiểm soát lạm phát đòi hỏi nhà nước phải nắm thông tin, theo dõi tình hình để có các hành động kịp thời. Thông tin phải đáng tin cậy và cập nhật nhất có thể được.


Nên tôn trọng sự vận hành của thị trường đối với giá cả


Tình hình mất tin tưởng vào chính sách như hiện nay đã đưa đến hiện tượng nhiễu loạn mục tiêu: tôn trọng sự vận hành của thị trường hay yêu cầu nhà nước can thiệp. Điển hình là việc đòi hỏi nhà nước làm chuyện bất khả, đó là việc không tăng giá sản phẩm khi giá thành tăng, nhất là đối với những mặt hàng mà thị trường tự động quyết định. Giá xăng dầu không nằm trong tay nhà nước mà là do cung cầu trên thị trường thế giới quyết định. Việc giữ giá sẽ đòi hỏi bù lỗ, xuất lậu, và có thể đưa đến tình trạng in khống tiền chi trả, tạo thêm lạm phát. Giá điện cũng thế, nó phải có mục đích quân bình cung cầu, nhất là khi việc sử dụng điện để sản xuất cùng một giá trị hàng hóa ở Việt Nam gấp nhiều lần so với các nước khác. Điều này đáng lẽ đã phải làm vài năm trước khi nền kinh tế giới và cả Việt Nam ở trong tình trạng giảm phát. Nhưng dù thời cơ đã qua, không thể không làm nếu như ngân sách không cho phép. Ở đây cần thấy giải pháp chống lạm phát phải mang tính trọn gói. Giá xăng, giá điện tăng lên sẽ đưa đến giảm chi tiêu, giảm đầu tư, và với các biện pháp kiểm soát cung tiền và tín dụng chặt chẽ, mức tăng giá nói chung sẽ bị kiềm chế. Nhưng chính điều này đòi hỏi toàn bộ lợi nhuận của tập điện thu thêm được phải nộp lại cho ngân sách, vì đây là tập đoàn độc quyền nhà nước.

Cùng một cách nhìn như thế cũng cần được áp dụng đối với lãi suất. Đặt trần lãi suất là một hành động phi thị trường nhất là lại đặt trần thấp hơn cả tốc độ lạm phát. Trong tình hình lạm phát, lãi suất tăng là yêu cầu khách quan nhằm giảm cầu đặc biệt là đầu tư, và khuyến khích để dành. Cái cần đặt trần, chủ yếu nhằm chống cho vay nặng lãi kiểu bóc lột, là chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất ký gửi.


Và điều cần cảnh giác


Điều cần đặc biệt cảnh giác để sửa soạn đối phó trong thời gian tới là sự thiếu hụt đồng đô la, sự mất giá của đồng Việt Nam và áp lực của nó đối với lạm phát, ngược lại những gì xảy ra trong thời gian qua.

Vừa qua, do đầu tư quá đáng, thiếu hụt cán cân thương mại (buôn bán hàng hóa) với nước ngoài năm 2007 đã lên mức 12,4 tỷ US, bằng 16,5% GDP (so với mức thiếu hụt của Mỹ là 5%, nguyên nhân sâu xa tạo ra khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay). Đây là điều chưa từng xảy ra trong nền kinh tế Việt Nam. Nếu kể thêm thiếu hụt thương mại dịch vụ, thì tổng thiếu hụt là 14,1 tỷ. 4 tháng đầu năm 2008, chỉ thiếu hụt cán cân thương mại đã lên đến 11 tỷ, hơn cả toàn năm 2007. Và nếu tiếp tục như hiện nay, thiếu hụt cả năm có thể lên đến trên 30 tỷ US.

Thiếu hụt năm 2007 được giải quyết bằng ba nguồn tài chính từ nước ngoài đổ vào: (1) người Việt sống và làm việc ở nước ngoài chuyển nhượng về nước 6,3 tỷ US bằng 9,8% GDP, (2) đầu tư trực tiếp của nước ngoài khoảng 4 tỷ, và (3) phần còn lại là đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán và vay mượn ngắn hạn.

Với tình hình bất ổn như hiện nay, khả năng đầu tư gián tiếp có thể dự đoán là không tăng, nếu không nói là đổi chiều rút ra; đầu tư trực tiếp thực hiện cũng khó lòng tăng hơn năm 2007 như tín hiệu đẹp lúc đầu năm. Khả năng nguồn vốn bù đắp từ ngoài có thể là 7-10 tỷ US năm 2008. Vậy sự thiếu hụt từ nhập siêu có thể tới 30 tỷ như hiện nay được bù đắp từ nguồn nào? Dự trữ ngoại tệ gần 30 tỷ hiện nay có thể cất cánh bay đi rất nhanh.

Yêu cầu ngoại tệ như trên tất nhiên sẽ làm đồng đô la tăng giá, tạo thêm áp lực lạm phát, nhưng là qui luật kinh tế thiết yếu để giải quyết vấn đề nhập siêu.

Nói tóm lại, hãy sửa soạn cho việc lên giá của đồng đô la và có biện pháp thích hợp.


Tình hình cung cầu ngoại tệ năm 2007 :


Tỷ US

Tỷ lệ GDP

Thiếu hụt trong cán cân thương mại

-12,4

-16,5%

Thiếu hụt trong cán cân dịch vụ

-1,7

-2,2%

Kiều bào và lao động xuất ngoại gửi về

6,3

8,4%

Thiếu hụt trong cán cân thanh toán được giải quyết bằng đầu tư trực tiếp, gíán tiếp và vay nước ngoài

-7,3

-9,8%

GDP = 75 tỷ US (dự đoán)




Vũ Quang Việt


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us