Mê tín, giai đoạn khốn cùng của cuồng tín
MÊ TÍN, GIAI ĐOẠN KHỐN CÙNG CỦA CUỒNG TÍN
Nguyễn Ngọc Giao
Trong lịch sử hiện đại, không hiếm những nhà lãnh đạo quốc gia, khi cận kề cái chết, đã bấu víu vào lời tiên tri của những ông đồng bà cốt : Brejnev và Mitterrand (không thể nói ông này thiếu văn hoá) là hai ví dụ điển hình. Nhiều khi không phải là cái chết hay bệnh tật, mà là sự bất trắc của chính trị, cũng đủ làm cho người ta tin vào đồng bóng. Trường hợp tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee và nữ tổng thống con gái ông, bà Park Geun-hye là như thế. Có điều đặc biệt là sự cha truyền con nối – phải chăng là một đặc trưng của chính trị Triều Tiên, bên này hay bên kia vĩ tuyến 38 ? – lại diễn ra ở cả phía « cố vấn tâm linh » : bố là ông đồng cho tổng thống độc tài, con gái là bà cốt cho bà tổng thống thắng cử qua một cuộc đầu phiếu dân chủ.
Trong bối cảnh chung của một thế giới đang khủng hoảng và đảo lộn, Việt Nam không phải là một biệt lệ về tin nhảm. Nhưng, cũng như nạn tham nhũng, mê tín không tập trung ở những trường hợp cá biệt, mà nó tràn lan, từ trên xuống dưới, trong bộ máy cầm quyền. Chỉ cần liệt kê những vụ việc mà dư luận đều biết : ông Nông Đức Mạnh, khi còn làm tổng bí thư Đảng cộng sản – chứ không phải khi đã về hưu, lấy vợ kế khi chưa đoạn tang vợ cả – đã quyết định xây toà nhà quốc hội trên phần đất của Hoàng thành Thăng Long, vì nghe lời thầy địa lý phong thuỷ, sợ đứt long mạch.
Gần đây, theo lời tố cáo của ông Lê Văn Toàn, một cán bộ Văn phòng chính phủ về hưu, thì đương kim thủ tướng đã « ra lệnh đập bỏ các tòa nhà (văn phòng chính phủ) này, vì thầy tâm linh nói với Thủ tướng rằng để các tòa nhà đó thì chắn ngang con đường sang đông Hùng Vương, có nghĩa chặn việc lên Tổng Bí thư của Thủ tướng » (xem ở đây ; thông tin này cần được kiểm chứng, nhưng câu chuyện long mạch xem như đã trở thành tín điều cơ bản của các quan chức).
Ở ngay dưới chóp bu, các quan chức hàng năm mang xe biển xanh đi xin ấn là chuyện công khai. Kín đáo hơn, vào nửa đêm, ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo, các bà đốt vàng mã (đúng hơn là vàng, đô la, những con « mẹc », « lexus » và iPhone 6, 7, iPad xịn…) trước mồ « Chị Sáu » để xin « Chị » phù hộ cho « nhà em trúng Trung ương » vào những mùa đại hội đảng, hay hội nghị trung ương giữa nhiệm kỳ, là những điều không phải ai cũng biết, nhưng có thể kiểm tra dễ dàng qua danh sách hành khách VIP các chuyến bay từ Hà Nội hay Sài Gòn.
Hối lộ thần phật để hoạn lộ hanh thông không chỉ vươn ra Biển Đông, mà nó còn vượt đại dương và đại lục : bà con Việt Nam ở Cộng hoà Séc, cách đây hai ba năm, đã từng thấy ông đại sứ đi hầu bóng ở thủ đô Praha để cầu mong cho « người của ta » được cử làm đại diện cho cộng đồng Việt Nam trong hội đồng các dân tộc thiểu số (Thánh Mẫu bị jetlag mất thiêng, hay chính quyền Séc biết tỏng « người của ta » là người của… « cá », nên việc không thành, nhưng đó là rủi ro nghề nghiệp, không làm giảm giá trị của sự thành tâm kết hợp nhuần nhuyễn khả năng thắng lợi ngoại giao lừng lẫy với hi vọng thăng quan tiến chức).
Hiện tượng mê tín trong giới chính quyền Việt Nam, mà hiến pháp đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng mang danh nghĩa vô thần, còn gắn liền với một hiện tượng khác : luồng tiền và con cái gửi ra nước ngoài, xin thẻ xanh, nhập quốc tịch, cho thấy phần khao khát tâm linh không triệt tiêu, mà sánh đôi và bổ sung những tính toán rất ư đời thường.
Xét về mặt chính trị và lý luận, nó là chỉ dấu không thể nhầm lẫn của sự cáo chung được báo trước, của một chủ nghĩa mà phần không tưởng, thậm chí hoang tưởng, đã lấn áp, triệt tiêu ý tưởng khoa học, được thực hiện trong một bối cảnh xã hội lạc hậu, tiền khoa học. Khi chủ nghĩa chỉ là ngôn từ, động cơ là lòng yêu nước và ý chí độc lập, thống nhất, động lực là đông đảo những thành phần dân tộc, thì cuộc đấu tranh đã giành được những thành quả kỳ vĩ, với cái giá mà ngày nay dân tộc vẫn chịu đựng hệ quả. Nhưng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, giáo điều đã gây ra những thất bại dây chuyền, nhiệt tâm biến thành khát vọng quyền bính và tiền bạc, lòng tin biến thành mê tín nhảm nhí.
Nghiêm trọng hơn, sự mê tín của số nhỏ cầm quyền lại nằm trong sự mê tín phổ biến của một xã hội đã đánh mất những giá trị tinh thần và đạo lý. Tất nhiên, chúng tôi không hề phủ nhận sự trỗi dậy của niềm tin tôn giáo lành mạnh (trong Phật giáo, cũng như trong Ki-tô giáo…), đang góp phần giúp xã hội tìm lại những giá trị đang mai một. Nhưng không thể không lo ngại trước sự bát nháo ở các nơi thờ cúng, đặc biệt ở các đền chùa ngày nay.
Hơn bao giờ hết, sự phát triển của xã hội dân sự / công dân, và sự củng cố, chuyển mình của các giáo hội đích thực lại cấp thiết như vậy trong tình hình đất nước hiện nay. Những hoạt động đa dạng từ hai ba năm nay, đặc biệt sau vụ Formosa, cho phép chúng ta tin tưởng rằng cuộc đấu tranh cho quyền sống, sự sống, dân chủ, nhân quyền và tự do, còn khó khăn, lâu dài, nhưng nhất định sẽ thành công.
21.3.2017
Nguyễn Ngọc Giao
Các thao tác trên Tài liệu