Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Môn Giáo dục công dân và thời sự

Môn Giáo dục công dân và thời sự

- Bùi Trọng Liễu — published 26/05/2009 23:00, cập nhật lần cuối 27/05/2009 01:59


Môn Giáo dục công dân và thời sự


Bùi Trọng Liễu



Theo báo Thanh Niên điện tử ngày 12/5/2009, bộ Giáo dục Đào tạo cho rằng “Môn Giáo dục công dân phải gắn với thực tế cuộc sống” 1

Một nhà báo có nhã ý hỏi ý kiến tôi về môn học Giáo dục công dân này; tôi không thể từ chối, nên đã trả lời tóm tắt ngắn gọn. Dưới đây là nội dung rộng của ý kiến của tôi về vấn đề này.


1. Môn Giáo dục công dân trong trường học, nói chung : 


Đây là môn học “tế nhị” vì nó không mang tính “nội tại” (intrinsèque). Tôi nói chung cho cả mọi nước. Nó không phải chỉ là vấn đề của nhà trường; nó liên quan đến khung cảnh tổ chức xã hội, đến thể chế, đến quốc giáo (thần tiên hay trần tục), đến mức sống ngoài đời, và trong nhà trường, nó cận kề đến những môn như sử học, vv. Ngay cả những khái niệm về luân lý cơ bản (kính người già, bênh vực nguời yếu, tránh sự hung bạo, vv.) cũng không thể hoàn toàn tách rời ra khỏi khung cảnh của xã hội : thí dụ, như sự kích động đấu tố, dị biệt, khi được chính thức khuyến khích, hoặc khi mức sống ngoài đời quá chênh lệch, đẩy một số người vào cảnh vì quá nghèo nàn mà biến thành đạo tặc, hoặc khi gia đình từ nhiệm đối với con em của mình, hoặc khi nạn tham nhũng tràn lan ngay cả ở cấp cao làm gương xấu hàng ngày, có thể làm cho con người vượt ra khỏi cái luân lý đó. Huống hồ, Giáo dục công dân còn phải đề cập đến những vế xa hơn như những khái niệm về tự do, dân chủ, nhân quyền, vv.

Tuy vậy, dù khẩu hiệu “học gắn với hành” đang ở trạng thái nói suông, thà rằng có một chương trình nghiêm chỉnh cho môn học này, còn hơn là luộm thuộm thả lỏng làm cho con người mất hết mọi mốc để định hướng; tôi muốn nói là thà học “chay” còn hơn không học. Cũng cần tin tưởng là trong xã hội nào, dù thối nát, cũng vẫn còn những người “tử tế”.


2. Sơ lược về môn học này tại Pháp :


Nói rất tóm tắt, chương trình ở Pháp hiện nay là :

- Ở các lớp Tiểu học (tương đương với các lớp 1,2,3,4,5) có môn học gọi là “Giáo huấn công dân và luân lý” (Instruction civique et morale).

- Ở các lớp Trung học cơ sở (tương đương với các lớp 6,7,8,9) có môn học gọi là “Giáo dục công dân” (Education civique).

- Ở các lớp Trung học phổ thông (tương đương với các lớp 10,11,12, có môn học gọi là “Giáo dục công dân, pháp lý và xã hội” (Education civique, juridique et sociale).

Tôi dẫn vài điểm trong chương trình tiểu học để làm thí dụ: một trong những mục tiêu là dạy cho trẻ em những qui tắc về lễ độ và cách xử sự trong xã hội ; tập dần dần tiến tới cách biết tự hành xử trong sự hòa nhập vào cuộc sống chung của tập thể, vv.

Cũng xin dẫn vài điểm trong chương trình trung học để làm thí dụ : có 8 khái niệm được đề cập đến như tự do, bình đẳng, chủ quyền, công bằng, lợi ích chung, an ninh, tinh thần trách nhiệm, đạo đức. Nhưng nước Pháp là nước tư bản, theo tam quyền phân lập, đa đảng, bàu cử tương đối tự do, có khả năng thay thế cầm quyền (alternance), nhưng lại có chính quyền tập trung; tuy theo nền kinh tế thị trường, nhưng Nhà nước can thiệp điều chế khi cần thiết, (dùng ngân quĩ do thuế của dân) gánh hỗ trợ về mặt xã hội (trợ giúp các gia đình có thu nhập thấp), cáng đáng giáo dục (không chấp nhận giáo dục là hàng hóa thuận mua vừa bán, trường công lập miễn phí là chính, trường tư thục đóng vai hỗ trợ, xa lạ với vấn đề cổ phần hóa trường học). Pháp lại có quá khứ lịch sử về cuộc Cách mạng 1789, nên nhạy cảm về vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, vv. Cho nên cách diễn giải các khái niệm nói trên cũng không phải là nước nào cũng áp dụng được, đặc biệt là các nước có thể chế chuyên chế.


3. Vài suy nghĩ về môn học này ở Việt Nam


Trước khi đề cập đến tình hình hiện nay, tôi muốn nhắc lại chút lịch sử nước nhà, nhìn qua lăng kính chủ quan của tôi. Từ thời đại tự chủ, kể từ các triều đại Ngô, Đinh, Tiền-Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, trước khi bị Pháp đô hộ, những quan niệm về đạo đức xã hội chịu ảnh hưởng của Khổng học rất là nặng. Nhưng nói chung, các vị vua khai lập triều đại và những quần thần phò tá đều có tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi khi dòng họ trị vì bị tha hóa, thì xã hội coi sự thay đổi triều đại là việc chính đáng. Lễ giáo Khổng Mạnh, có mặt dở mặt hay : cản trở tiến hóa và o ép con người 2, nhưng những “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, “dân vi quí”, và “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri” 3, vv. cũng một thời đáp ứng được trật tự xã hội, nền tảng gia đình, đạo đức làm người. Ở các đời thịnh trị, chính quyền cũng biết nghiêm cấm, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội như cấm rượu chè be bét, ăn tục chửi thề, mê tín dị đoan, trừng trị kẻ tham nhũng, bảo đảm cho lương dân một sự an ninh để yên tâm làm ăn. Chứ một nền giáo dục mà có người gọi gọn là “tiên học lễ, hậu học văn”, tự nó không đủ để bảo đảm thái độ và cách hành xử của con người.

Đối với láng giềng khổng lồ phương Bắc, sách lược “trong đế, ngoài vương” mềm dẻo đối ngoại nhưng bên trong đoàn kết cương quyết giữ nước – (trừ giai đoạn (1414-1427) nước ta vì lòng người li tán, bị nhà Minh xâm chiếm – cũng đã góp phần bảo vệ được nền tự chủ lâu dài.

Nhưng cũng có những “bất ổn” mà theo tôi, lẽ ra không nên có. Như việc Văn miếu ở Hà Nội (thành lập năm 1070), thờ Khổng tử, Chu công, Tứ phối (Nhan tử, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử) và Thất thập nhị hiền (72 người học trò giỏi của Khổng tử) đều là người Trung Hoa, còn người nước ta chỉ có Chu Văn An (đời Trần) được “thờ phụ” ở đó 4. Nếu coi nơi này chỉ là Khổng miếu thì chẳng có gì đáng nói; nhưng coi nơi này là tượng trưng đỉnh cao cho việc đào tạo trí tuệ cho đất nước thì tôi nghĩ là không thỏa đáng 5. Hoặc như Võ miếu ở Huế xây dựng năm 1835 thời vua Minh Mạng, gồm miếu chính thờ 12 danh tướng Trung Hoa như Khương Tử Nha, Quản Trọng, Tôn Võ, Điền Nhương Thư, Hàn Tín, Trương Lương, Gia Cát Lượng, Nhạc Phi, Lý Tĩnh, Quách Tử Nghi, Lý Thanh, Từ Đạt, còn tại miếu phụ mới thờ 6 nhân vật Việt Nam là Trần Quốc Tuấn, Lê Khôi, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Trương 6. Khó có thể lấy đó làm thí dụ minh họa cho những bài học giáo dục công dân.

Thuở tôi còn nhỏ, lúc chưa ra Hà Nội học trường Pháp (năm tôi lên 9), tôi có vài năm học ở trường ta ở tỉnh. Sau này tôi còn nhớ mãi một số bài học luân lý thời đó. Nay tôi đọc lại cuốn sách “Luân lý giáo khoa thư, lớp đồng ấu” (do các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận soạn), tất nhiên nội dung và ngôn ngữ sử dụng không còn phù hợp cho ngày nay, nhưng tôi thấy cách đặt vấn đề của các tác giả là hợp lý. Cuốn sách gồm các bài ngắn, dễ hiểu dễ nhớ, tập hợp trong 3 chương: chương nhất nói về “bổn phận” của trẻ em trong gia đình, chương nhì nói về “bổn phận” của trẻ em ở trường học, chương ba nói về tính tốt (nên theo), tính xấu (nên bỏ) của trẻ em 7. Từ ngữ có thể có chỗ không phù hợp, vì thời cuộc, nhưng hình như không thấy có bài nào trong sách này dành cho việc tán dương chính quyền bảo hộ, không thấy các khẩu hiệu sáo rỗng, hô hào suông. Rồi ngay cả trong cuốn “Việt văn giáo khoa thư” dành cho việc tập đọc tập viết, những câu chuyện nhỏ dẫn điển tích cổ, hay các bài ngụ ngôn, Đông hay Tây, thường cũng mang nội dung luân lý.

Trong thời gian Toàn quốc kháng chiến chống Pháp, tôi có học hai năm ở truờng trung học Nguyễn Khuyến trong vùng tự do. Nhưng do tôi học tắt, nhảy lớp, nên chỉ nhớ mang máng là có vài buổi học “công dân giáo dục” 8, nhưng không nhớ nội dung.

Rồi đầu năm 1950, nhỉnh 15 tuổi, tôi đã du học ở Pháp rồi định cư ở nơi đây. Sau 5 chuyến được mời về làm việc ở Hà Nội hoặc thăm trong nước (1970, 1975, 1977, 1979, 1981), từ năm 1981, do sức khỏe, đã 28 năm tôi không có khả năng về nước nữa.

Do đó, tôi không theo dõi cụ thể vấn đề giáo dục công dân hiện nay, mà chỉ qua báo chí , và qua nhận xét cá nhân về cách hành xử của một số người Việt Nam, tôi biết được là có những bức xúc 9. Tôi có nhiều câu hỏi hơn là những khẳng định. Tuy nhiên, qua những điều tôi đã phát biểu trên đây, tôi hy vọng cũng đã góp được một phần nhỏ gợi ý cho một giải pháp cần thiết. Giải pháp đó là có được một bản chương trình môn giáo dục công dân phù hợp và có được các nhà giáo có trình độ để giảng dạy, và đồng thời mong có được một sự quan tâm của toàn xã hội.


Bùi Trọng Liễu



1  Bản tin của Tuệ Nguyễn, cho biết bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá : “ Sách giáo khoa môn Giáo dục công dân ở cả cấp THCS và THPT có một số bài kiến thức nặng so với trình độ nhận thức của học sinh, một số bài viết dài, một số bài về đạo đức trình bày quá cụ thể về kế hoạch dạy học trên lớp làm cho giáo viên khó thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học. Trong khi đó, việc kiểm tra đánh giá còn có hiện tượng nặng về yêu cầu tái hiện kiến thức, chưa chú ý đến yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề, tình huống thực tế... Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: việc dạy học giáo dục công dân trong thời gian tới phải được đổi mới theo hướng gắn với thực tế cuộc sống, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức đã học để phân tích, giải quyết các tình huống, các vấn đề trong cuộc sống ”.

2 Thí dụ như “tứ đức” (công, dung, ngôn, hạnh); “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử); “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (có 1 con trai là có, có 10 con gái là không có”), vv.

3 Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, thế là biết.

4 Theo Đại việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967.

5 Theo một nguồn (Wikipedia): “Văn Miếu được xây dựng từ "tháng 8 năm Canh Tuất (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, đắp tượng Chu Công, Khổng TửTứ phối, vẽ tranh tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử giám, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử. Đời Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử”. (Tôi không có điều kiện kiểm chứng theo nguyên bản cổ).

6 Nhắc lại là theo bài « Võ miếu ở Huế » của Phan Thuận An, trong « Hồn Việt » số 2, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, nxb Văn Học, 2004, tr. 291-309 : Võ miếu ở Huế được bắt đầu xây dựng vào năm 1835, thời vua Minh Mạng, đến 1836 thì xong. Tại Miếu chính thờ 12 danh tướng Trung Hoa sau đây : ở án chính trung, thờ Khương Tử Nha (thời nhà Chu) ; ở án phía đông, thờ 6 nhân vật : Quản Trọng (nước Tề thời Đông Chu liệt quốc), Tôn Võ (nước Ngô thời Đông Chu liệt quốc), Hàn Tín (nhà Hán), Lý Tĩnh (nhà Đường), Lý Thanh (nhà Đường), Từ Đạt (nhà Minh) ; ở án phía tây, thờ 5 nhân vật : Điền Nhương Thư (nước Tề thời Đông Chu liệt quốc), Trương Lương (nhà Hán), Gia Cát Lượng (nhà Hán thời Tam quốc), Quách Tử Nghi (nhà Đường), Nhạc Phi (nhà Tống). Tại 2 Miếu phụ (Tả Vu và Hữu Vu), thờ 6 nhân vật Việt Nam ; ở Tả Vu, thờ 3 vị : Trần Quốc Tuấn (1226-1300, nhà Trần) ; Nguyễn Hữu Tiến (1602-1665, thời các chúa Nguyễn), Tôn Thất Hội (1757-1789, thời Nguyễn Ánh) ; ở Hữu Vu, thờ 3 vị : Lê Khôi ( ?-1446, nhà Lê), Nguyễn Hữu Dật (1603-1681, thời các chúa Nguyễn) ; Nguyễn Văn Trương (1740-1810, thời Nguyễn Ánh-Gia Long). Với binh lửa và thời gian, hiện nay, chỉ còn 10 bài vị thờ 5 nhân vật Trung Hoa (Quản Trọng, Trương Lương, Gia Cát Lượng, Lý Thanh, Quách Tử Nghi) và 5 nhân vật Việt Nam (Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Trương). 5 bài vị thờ người Tàu thì được sơn son thếp vàng, trang trí kỹ, đều một cỡ cao khoảng 52,5cm ; 5 bài vị thờ người Việt Nam sơ sài hơn, sơn son nhưng không thếp vàng, cũng không trang trí gì, không cùng một cỡ, nhưng nói chung nhỏ hơn (cao từ 47cm đến 48cm).

7 Thí dụ như bài số 49 « Tàn bạo » của cuốn sách Luân lý giáo khoa thư đó, dạy « Tàn bạo là một tính rất xấu. Người ta đối với kẻ hèn yếu hay giống súc vật, bao giờ cũng phải nhân từ thì mới phải đạo ». Điều này làm tôi liên tưởng tới hai chuyện ngày nay:

- a/ Trong bài “Thú rừng khóc than ở phố” của tác giả Bùi Lương Việt đăng ngày 12/01/2008 : 

“Thời gian gần đây, liên tiếp những đường dây buôn bán động vật quí hiếm bị triệt phá nhưng không vì thế mà thịt thú rừng lại trở lên khan hiếm trên đất Hà thành. […]. Có lẽ, kinh hãi nhất đối với tôi ở cái quán thịt thú rừng này là khi chứng kiến cảnh giết thịt con cu li (có nơi gọi là con lười- một loài vật thuộc họ hàng nhà khỉ). Nó được đưa tới chiếc bàn nhậu bằng một chiếc lồng sắt được thiết kế khá đặc biệt, ôm gọn lấy con vật, đến nỗi nó chỉ còn thò đúng hai tay hai chân ra bên ngoài. Con vật đưa ánh mắt sợ sệt thò tay quềnh quào như van xin. Mặc, đám thực khách vây quanh đưa ánh mắt vô cảm chờ đợi. Tiếng một ai đó trong bàn hô bắt đầu, con vật bị hai thanh sắt như chiếc kìm từ từ nâng lên, một đoạn đầu nhô ra khỏi lồng. Chai rượu trong tay gã đầu bếp đổ tràn trề trên đầu con vật. Phập, một lưỡi dao sáng loáng lướt qua, con cu li giãy rụa. Mảnh hộp sọ được lật ra, rượu tiếp tục đổ, đĩa chanh để sẵn trên bàn được đám thực khách vắt vào đầu con vật, rồi rượu nâng lên. Từng người tay cầm thìa, múc từng thìa óc con vật bỏ vào miệng như chẳng có chuyện gì xảy ra” (trích).

Đấy là chuyện xảy ra ở Hà thành, ở nước Việt Nam, thời nay. Tôi không rõ những người nhậu nhẹt này, sau đó, có theo thời thượng, mua vàng mã, hương hoa, mang cúng tế ở đền miếu với ý hối lộ cả quỉ thần, mong sau này hồn khỏi phải xuống âm phủ không. Nhưng đó là chuyện tâm linh, tôi miễn bàn.

-b/ Cách đây không lâu (tháng 4/2009), đài truyền hình Pháp-Đức ARTE có chiếu một phim về quán ăn Trung Hoa lớn nhất. Đó là quán ăn Tây Hồ ở tỉnh Hồ Nam (5000 chỗ). Ở đây, tôi không có ý quảng cáo cho quán này, mà chỉ muốn kể đoạn phim được xem. Đó là một cuộc thi đầu bếp giỏi nhất, mà một món thi là món cá chép rán. Các “thí sinh” phải làm con cá rán, nửa phía đuôi con cá đã được đánh vẩy, bỏ vào chảo mỡ sôi rán chín ròn, đổ nước sốt cà chua, và có rau thơm bày quanh, nhưng khi bưng ra, thì nửa trên con cá vẫn còn sống, mồm vẫn còn ngáp ngáp, nếu không thì coi là không hợp lệ. Thật là khủng khiếp. Nhưng đây là chuyện phương Bắc, nhưng những tục phương Bắc nhập vào phương Nam, là chuyện thường xuyên.

8 Tên gọi “ngược” theo thời đó.

9 Tôi dẫn linh tinh một số thông tin đọc được, như:

- Các vụ nữ học sinh “đánh hội đồng”, nơi công cộng

- Hoặc như bài “Đừng hỏi Bộ trưởng vì sao nhà trường thiếu nhà vệ sinh”.

- Hoặc như bài “Ngôn ngữ 9X: nghe mà hãi, đọc mà kinh”, đăng ngày 24/5/2009 trên Tuần Việt Nam.

- Hoặc bao nhiêu chuyện khác như những chuyện cán bộ uống rượu trong lúc thi hành công vụ,  

- Hoặc chuyện kinh doanh kinh dị, nên có bài thơ nhái dưới đây :

Chinh phụ Ngâm bị nhái :

Thuở trời đất nổi cơn khói bụi,
Tâm với Tầm nhiều nỗi truân chuyên.
Thiên tào thăm thẳm ngự trên,
Vì sao gây dựng nên nông nỗi này ?
Cồng rẻo cao lung lay khí việt,
Bụi công trường mờ mịt bóng ngô.
Lòi đâu ra lũ ngây ngô ?
Hay gì mà cứ xì xồ triển khai …



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss