Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Mười một chữ vàng

Mười một chữ vàng

- Cao Huy Thuần — published 09/02/2013 18:00, cập nhật lần cuối 11/02/2013 16:04
Xin chú ý, không phải mười sáu !!!


MƯỜI MỘT CHỮ VÀNG


Cao Huy Thuần



Đây là tôi nói chuyện xưa, chuyện cách đây đúng 80 năm chẵn. Năm đó, 1933, Hitler lên nắm quyền ở Đức. Nước Đức dân chủ trở thành nước Đức quốc xã. Và từ nước Đức thất trận trong thế chiến thứ nhất, nước Đức quốc xã bùng lên với tất cả sức mạnh đe dọa thống trị Âu châu. Mà thống trị Âu châu hồi đó là thống trị thế giới.

Trước một sức mạnh ghê gớm như vậy, nước Anh, nước Pháp phải làm gì ? Ô hô, cả hai đều nghĩ rằng hiệp ước Versailles kết thúc chiến tranh năm 1919 quả tình đã làm nhục nước Đức và Hitler tận dụng cái nhục đó để kích thích chủ nghĩa bành trướng dân tộc, biến nước Đức thành cường quốc số một, thành bá chủ. Ô hô, cả hai đều nghĩ rằng nếu làm hòa dịu cái nhục chính đáng đó bằng một vài nhượng bộ thì Hitler sẽ thỏa mãn và sẽ đòi hỏi nhẹ nhẹ thôi. Chính sách thoa bóp hòa dịu đó, tiếng Anh ghi khắc trong lịch sử bằng từ « appeasement ». « Appeasement » gồm 11 chữ, đúng là 11 chữ vàng vì đó là quốc sách của thủ tướng Neville Chamberlain, quốc sách của kẻ yếu sợ kẻ mạnh.

Hitler có thỏa mãn không ? Ô hô, đầu tiên là ông tái võ trang nước Đức, bất chấp ngăn cấm của hiệp định Versailles. Quân lực được tăng cường, năm 1936 ông đưa quân vào vùng Rhineland và tháng 8 năm 1938 ông sát nhập nước Áo vào nước Đức. Gót giày tiếp theo của đế quốc là chuẩn bị dẫm lên Tiệp Khắc. Muốn thế, Hitler kích thích kiều dân Đức ở vùng Sudetenland nổi dậy đòi sát nhập vào nước mẹ dưới chiêu bài dân tộc tự quyết. Thủ tướng Tiệp Bénes kêu cứu, bởi vì nếu vùng đó mất, nước Tiệp coi như mở cửa ngõ chào đón đại quân.

Thế chiến thứ nhất đã để lại quá nhiều chết chóc và tan nát, dư luận ở Anh và Pháp không muốn thấy chiến tranh tái diễn. Nhưng nhiều người tự hỏi : mười một chữ vàng ấy có phải là chính sách đúng nhất để ngăn cản chiến tranh không ? Nhượng một bước trước tham vọng bá quyền, ai dám chắc Hitler sẽ không bước thêm bước nữa, rồi bước nữa, và bước nữa ? Và sự thật đã là như vậy. Chamberlain bay qua Đức ba lần để gặp Hitler, lần thứ nhất ở Berchtesgaden, lần thứ hai ở Godsberg chỉ một tuần sau, và lần thứ ba ở Munich ngày 29-9-1938 để ký hiệp ước mang tên Munich. Phe của ông reo hò : thắng lợi, thắng lợi ! Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay, anh và tôi đều thắng, hai anh em ta win-win ! Chẳng phải thế sao ? Hiệp ước Munich cho phép Hitler chiếm Sudetenland, ngược lại Hitler sẽ không đòi thêm đất biển gì nữa ráo. Đúng là « hòa bình trong thời đại chúng ta » như Chamberlain thuyết minh với đồng bào, với thế giới. Ngày 1-10-1938, quân đội Đức kéo vào Sudetenland không cần nổ một phát súng. Ấy là bước thứ nhất.

Bước thứ hai chỉ sáu tháng sau, tháng 3-1939 : Hitler chiếm trọn Tiệp Khắc. Bước thứ ba đương nhiên là Ba Lan, tháng 9 cùng năm. Nói cho công bằng, Chamberlain đã bắt đầu hoảng sau khi ký hiệp ước Munich, vì dư luận quân đội (tướng Ismay) đã báo động. Hoảng, ông bắt đầu chấp nhận tăng cường quân lực. Giữa Anh và Ba Lan lại còn có thêm một hiệp ước tương trợ an ninh. Cho nên, cùng ngày tấn công vào Ba Lan của Hitler, nước Anh tuyên chiến với Đức. Và chiến tranh thế giới thứ hai mở màn.

Mười một chữ vàng của appeasement, Winston Churchill coi như là vàng giả, vàng để cúng âm hồn. Cúng ma thì được, cúng bá chủ thì Hitler vuốt râu mũi mà cười cho. Chamberlain từ chức vào tháng 5-1940 và chết nửa năm sau đó, tháng 11. Churchill lên nắm quyền, và chữ V của ông phất phới trên vinh quang của độc lập, tự do. V như là Victory, không phải V như là vàng.

Chuyện lịch sử Munich này, ai mà không biết. Cho nên, dưới đây, tôi chỉ trích dịch vài tư liệu của văn khố lịch sử Anh cốt làm sống lại chút ít không khí thời đó, gọi là để kỷ niệm 80 năm ngày ra đời của một đại quốc bá chủ. Có thêm gì chăng nữa ở đây thì cũng chỉ nhắc lại câu nói danh tiếng của tổng thống Roosevelt : « Điều duy nhất mà ta phải sợ là chính cái sợ ». Câu nói sao mà tương tự một câu để đời của một bậc đại thần, chứa trọn cả linh hồn của một dân tộc chưa hề biết sợ : « Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã ».

*


Anthony Eden : Diễn từ trước Viện Dân Biểu,
giải thích tại sao ông từ chức bộ trưởng ngoại giao (21-2-1938)


Tôi không tin rằng ta có thể làm một tiến bộ gì để hòa dịu ở châu Âu nếu ta tỏ ra cho thế giới bên ngoài thấy rằng ta nhượng bộ dưới áp lực thường xuyên. Tôi chắc chắn rằng tiến bộ tùy thuộc trên hết vào bản lĩnh của dân tộc và bản lĩnh ấy phải được tỏ ra bằng một tinh thần cương quyết. Tinh thần đó, tôi biết chắc là hiện có tại đây. Không để cho tinh thần ấy có tiếng nói là không đàng hoàng với chính nước ta và với cả thế giới.


Winston Churchill : Diễn từ trước Viện Dân Biểu
về sự từ chức của Anthony Eden (22-2-1938)


Sự từ chức của cựu bộ trưởng ngoại giao có thể đánh dấu một cái mốc trong lịch sử. [...] Cựu bộ trưởng ngoại giao chủ trương theo chính sách cũ mà tất cả chúng ta đã quên. Còn thủ tướng hiện nay và đồng sự của ông theo một chính sách mới, khác. Chính sách cũ là cố gắng thiết lập quyền của luật pháp trên Âu châu và xây dựng, thông qua Hội Quốc Liên, một thành trì hữu hiệu để chống lại kẻ xâm lấn bằng bạo lực. Chính sách mới của thủ tướng này là thương lượng với các quốc gia độc tài toàn trị trong hy vọng rằng bằng những hành động quy phục lớn và lâu dài, không những có liên quan đến tình cảm và sự kiêu hãnh, mà còn liên quan đến những yếu tố vật chất, hòa bình có thể được duy trì.

Một thái độ vững chắc của nước Pháp và nước Anh, dưới uy thế của Hội Quốc Liên, đáng lẽ có thể là giải pháp buộc nước Đức phải rút quân khỏi vùng Rhineland mà không tốn một giọt máu, và hậu quả có thể là tạo cơ hội cho phép các phần tử thận trọng hơn trong quân đội Đức chiếm được vị thế của họ thay vì cho phép Hitler chiếm ưu thế tối thượng khiến ông ta thừa thắng xông tới. Nước Áo đã bị đặt dưới ách lệ thuộc, và ta không biết Tiệp Khắc có thể sẽ bị tấn công như thế không.


Ký giả Anh John Langdon Davies (1936) :


Chính phủ của nước ta sợ Cộng sản [Liên Xô] hơn là sợ Phát xít [Đức]


Robert Boothby (dân biểu, đảng Bảo Thủ),
trong Recollections of a Rebel (1978)


Phản ánh tâm trạng của cả nước, đảng Bảo Thủ thối nát đến tận tủy. Chuyện duy nhất mà họ quan tâm là tài sản của họ, tiền bạc của họ. Chuyện duy nhất mà họ sợ là có ngày nào đó bọn cộng sản khốn kiếp sẽ đến và cướp mất.


Henry (Chips) Channon :
Nhật ký (14-9-1938)


Vào khoảng cuối bữa tiệc, tin tức chợt đến – tin tức quan trọng làm chấn động cả thế giới – cho biết rằng Neville Chamberlain, thấy chiến tranh đến càng ngày càng gần, tự lấy sáng kiến đánh điện cho Hitler, nói ông muốn gặp và yêu cầu Hitler định một buổi gặp tức khắc. Chính phủ Đức, ngạc nhiên và hân hạnh, nhận lời ngay lập tức và như vậy Neville, ở tuổi 69, lần đầu trong đời lên máy bay sáng hôm sau và bay đến Berchtesgaden ! Đó là một trong những hành động tối hảo và gây hứng khởi nhất trong tất cả lịch sử. Toàn thể nhân viên đứng dậy như bị điện giật, y như tất cả thế giới đều phải như thế, và nâng ly chúc mừng ông. Lịch sử phải vùi đầu để tìm ra cho được một sự kiện tương đương như thế. Vậy là, bây giờ, giải pháp để thoát khỏi chiến tranh sẽ được tìm ra thôi. Do tưởng tượng của ông và ý thức thực tiễn đúng đắn của ông, Neville đã cứu thế giới.


Duff Cooper, First Lord of the Admiralty, (17-9-1938)
trong Old Men Forget (1953)


... Sau đó, Thủ tướng kể cho chúng tôi nghe chuyến thăm viếng của ông ở Berchtesgaden. Nghĩ lại những gì ông nói, điều lạ lùng đối với tôi bây giờ là ông đã kể lại kinh nghiệm của ông với ít nhiều hài lòng. Dù ông nói rằng cái nhìn đầu tiên đập vào mắt ông là Hitler trông giống như “ con chó con bình thường nhất ” mà ông đã từng thấy chứ chẳng có gì đặc biệt cả, dù vậy, ông vẫn tỏ ra hài lòng đối với những báo cáo mà ông đã nhận được sau đó nói về cảm tưởng tốt đẹp mà ông đã tạo ra. Ông kể cho chúng tôi với một sự hài lòng rõ rệt Hitler đã nói với ai đó rằng ông ấy cảm thấy rằng ông, Chamberlain, là “ một con người ”.

Nhưng sự kiện trần trụi của buổi tiếp xúc thật là khiếp đảm. Nhiều chương trình đã được soạn thảo cực kỳ kỹ lưỡng trước đó để Thủ tướng đưa ra trình bày, nhưng không chương trình nào được nói đến. Ông cảm thấy không khí không cho phép đưa ra. Sau khi dài dòng lớn tiếng với Thủ tướng, Hitler bắt qua vấn đề dân tộc tự quyết và hỏi Thủ tướng có nhận nguyên tắc ấy không. Thủ tướng trả lời ông phải tham khảo ý kiến đồng sự. Từ đầu đến cuối, Hitler không hề tỏ ra một dấu hiệu nhỏ nhặt nào nhượng bộ dù chỉ trên một điểm. Thủ tướng có vẻ chờ đợi tất cả chúng tôi chấp nhận nguyên tắc ấy mà chẳng cần bàn cãi gì thêm vì thì giờ không còn nhiều.

[...] Buổi chiều, chúng tôi họp lại. Tôi bàn luận rằng lợi ích chính của nước Anh luôn luôn là ngăn cản bất cứ cường quốc nào đạt được ưu thế quá đáng trên châu Âu, thế mà bây giờ chúng ta đối diện với một Cường Quốc có lẽ là khiếp đảm nhất đang ngự trị trên ấy, vậy thì chống lại Cường Quốc ấy rõ ràng là lợi ích của nước Anh. Nếu tôi nghĩ rằng đầu hàng sẽ mang lại hòa bình lâu dài, tôi sẽ đồng ý đầu hàng, nhưng tôi không tin rằng có thể có hòa bình ở châu Âu chừng nào Quốc Xã còn cai trị nước Đức. Hành động xâm lấn tiếp theo sẽ là xâm lấn mà chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn để chống lại. Giả sử đó là một cuộc tấn công vào một thuộc địa của ta. Sẽ chẳng có một nước bạn nào ở Âu châu giúp ta, ngay cả cảm tình của nước Mỹ mà ta đang có. Chắc chắn ta không nên đuổi bắt cho kịp nước Đức trong việc tái võ trang. Ngược lại, họ sẽ tăng cường ưu thế. Tuy vậy, viện mọi lý lẽ gì để bênh vực việc lấy một thế đứng vững mạnh bây giờ – và điều này hầu như chắc chắn sẽ đưa đến chiến tranh – tôi cũng bị cảm xúc mãnh liệt trước cái trách nhiệm đáng sợ gây ra chiến tranh mà ta có thể tránh được, mãnh liệt đến nỗi tôi nghĩ rằng cũng đáng trì hoãn chiến tranh với cái hy vọng mong manh rằng một biến cố nội bộ nào đó có thể làm sụp đổ chế độ nazi. Nhưng nhục nhã mà tôi sửa soạn để chấp nhận cũng có giới hạn. Nếu Hitler đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý dưới những điều kiện ngay thẳng, với sự kiểm soát quốc tế, tôi nghĩ ta có thể chấp thuận điều đó và làm áp lực trên Tiệp Khắc để họ nhận. Hiện tại thì ta không có dấu hiệu nào chứng tỏ Hitler sẵn sàng đi bước đó. Chúng tôi chẳng đạt được kết luận gì và từ giã nhau lúc 5g30.


Duff Cooper (24-9-1938)


Nội các họp chiều nay. Thủ tướng không có vẻ gì quan ngại về kinh nghiệm của ông Ông nói hơn một giờ. Ông kể rằng Hitler đã lấy lập trường ngay từ đầu và không từ bỏ một phân. Rất nhiều vấn đề quan trọng hàng đầu dường như không được đặt ra trong thảo luận, nhất là về việc bảo đảm quốc tế. Ông nói : ông đã bảo cho Hitler biết rằng ông ta đang tạo ra một tình thế căng thẳng. Ông cũng nhận rằng ông đã “ cười gằn ” với công phẫn khi ông đọc những điều kiện của Hitler. Sau khi nghe ông nói như vậy, tôi rất ngạc nhiên khi ông kết luận rằng, theo ông, chúng tôi nên chấp nhận những điều kiện đó và nên khuyên Tiệp Khắc chấp nhận.

[... ] Sau đó, thủ tướng đề nghị nội các ngưng họp để có thì giờ đọc và suy nghĩ trong đêm, sáng mai sẽ họp tiếp. Tôi phản đối đề nghị đó. Tôi nói rằng qua các lời Thủ tướng vừa nói, tôi nhận thấy rõ ràng người Đức vẫn còn tin rằng ta sẽ không chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào ; tôi nói rằng vẫn còn một phương pháp, và một phương pháp mà thôi để làm cho họ hiểu ngược lại và đó là tức khắc tuyên bố động viên toàn diện. Tôi nói rằng chắc chắn dư luận dân chúng sẽ buộc ta phải giúp dân Tiệp, rằng cho đến bây giờ ta đã đứng trước hai sự chọn lựa, hoặc là hòa bình không danh dự, hoặc là chiến tranh. Bây giờ tôi thấy còn có thêm một khả năng thứ ba, chiến tranh không danh dự, nghĩa là bị đá vào chiến tranh bởi đôi giày của công luận khi dân tộc mà vì họ ta chiến đấu đã bị thất trận. Tôi giải thích rằng các tướng lãnh trong Bộ Tổng Tham Mưu hôm qua đã báo cáo rằng một cuộc động viên tức khắc là quan trọng cấp bách và có tính cách sống chết, và tôi gợi ý rằng một ngày nào đó có thể ta sẽ phải cắt nghĩa tại sao ta đã không để ý đến lời khuyên của họ. Điều này làm Thủ tướng giận. Ông bảo tôi đã quên không nói rằng lời khuyên đó đã được đưa ra chỉ vì sự phỏng đoán rằng có nguy cơ chiến tranh với Đức trong vòng vài ngày sắp tới. Tôi nói khó phủ nhận một nguy cơ như vậy đã hiện hữu.


Neville Chamberlain :
Tuyên bố trên đài phát thanh (27-9-1938)


Thật là kinh tởm, thật là khó tưởng tượng, không diễn tả nỗi, nếu ta phải đào đường hầm, đeo mặt nạ chống hơi độc tại đây vì một xung đột nào đó ở một nước xa xôi, giữa những dân tộc mà ta chẳng biết gì cả ! Tôi sẽ không từ chối ngay cả việc đi Đức lần thứ ba nếu tôi nghĩ rằng việc đó là tốt.

Chiến tranh giữa các quốc gia đối với tôi là một ác mộng ; nhưng nếu tôi được thuyết phục rằng có quốc gia nào đó đã quyết định thống trị thế giới bằng cách làm thế giới sợ sức mạnh của nước ấy, tôi sẽ nghĩ rằng phải chống lại quốc gia đó. Dưới sự thống trị như vậy, đời sống của những dân tộc tin tưởng vào tự do sẽ không còn đáng sống nữa. Nhưng chiến tranh là một điều đáng sợ, cho nên trước khi lao vào chiến tranh, ta phải thấy rất rõ ràng rằng đó quả thực là vì những vấn đề trọng đại.


Neville Chamberlain và Adolf Hitler :
Tuyên bố chung sau khi ký hiệp ước Munich (30-9-1938)


“ Chúng tôi, Lãnh Tụ và Thủ tướng nước Đức, và Thủ tướng nước Anh, đã họp với nhau lần nữa hôm nay và đồng ý công nhận rằng vấn đề quan hệ giữa Anh và Đức là quan trọng hàng đầu đối với hai nước và đối với Âu châu.

“ Chúng tôi xem hiệp ước ký đêm hôm qua và hiệp ước về hải quân Anh-Đức là tiêu biểu cho nguyện vọng của hai dân tộc chúng tôi không bao giờ làm chiến tranh với nhau nữa. Chúng tôi quyết định rằng phương pháp trao đổi ý kiến sẽ là phương pháp được chấp thuận để giải quyết bất cứ vấn đề nào liên quan đến hai nước chúng tôi, và chúng tôi nhất quyết tiếp tục cố gắng để tránh những nguyên do bất đồng có thể xảy ra, và như vậy để góp phần tạo ra hòa bình cho Âu châu ”.


Neville Chamberlain đọc tuyên bố này trước ngưỡng cửa
phủ Thủ tướng ngay sau khi trở về từ Munich (30-9-1938)
và nói thêm :


“ Các bạn thân mến, lần thứ hai trong lịch sử của ta, một thủ tướng nước Anh trở về nước từ Đức đem lại hòa bình với danh dự... Các bạn hãy về nhà và ngủ ngon ”.


Báo The Observer (2-10-1938)


Đề nghị vinh danh Chamberlain, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, vì phục vụ lớn lao cho hòa bình của ông, tiếp tục được gợi ra trong nhiều nước Âu châu. Rất nhiều đề nghị đặt lại tên đường, quyên góp để dựng tượng được tỏ bày trong các báo Pháp, và tờ Le Figaro tuyên bố rằng thủ tướng nước Anh phải được tức khắc mời qua Paris để mọi người đều có thể hoan hô ông. Một tờ báo còn gợi ý quyên góp để xây tượng đài vinh danh “ Ân nhân của châu Âu hiện đại ” tại mỗi kinh đô trên thế giới. Thành phố Strasbourg đã tức khắc đổi lại tên đường : “ Đường Hòa Bình ” bây giờ là “ Đường Neville Chamberlain ”.

Theo một tờ báo ở Stockholm, đề nghị tặng giải Nobel hòa bình cho ông Chamberlain được tiếp nhận nồng hậu khắp nơi ở Thụy Điển, Na Uy và Anh. Thủ tướng Ai Cập Mahmond Pasha đã gửi điện tín đến ông Chamberlain bày tỏ lời cám ơn của chính phủ và nhân dân Ai Cập vì đã tránh được chiến tranh. Bức điện tín kết luận : “ Tên của ông sẽ được ghi sâu vào lịch sử như là một nhà chính trị đã cứu được văn minh ra khỏi phá hủy ”.


Dưới đây là trích sách của hai cựu thủ tướng và một cựu bộ trưởng


Clement Attlee (thủ tướng, thuộc đảng Lao Động, 1945-1951)
As It Happened (1954)


Khi Hitler, với nước Áo đã nằm trong túi, bắt đầu chiến dịch chống Tiệp Khắc vào cuối xuân 1938, tôi đã quan tâm rất nhiều. Tôi có nhiều bạn trong đảng Xã Hội Tiệp và tôi cũng biết rất rõ thủ tướng Benes và bộ trưởng ngoại giao Jan Masaryk. Tiệp Khắc là nước thực sự dân chủ duy nhất trong số các nước Đông Âu.

Tôi không tin rằng có thể bàn thảo về Hitler mà không để ý đến dự định nuốt trọn cái quốc gia chiến lược ấy vào Đế Quốc Đức. Đảng chúng tôi chống lại Phát xít dữ dội. Chúng tôi đã thấy với khủng khiếp sự đàn áp Do Thái và các thành viên của đảng Xã Hội ở Đức. Chamberlain cho tôi biết ý định của ông bay qua Đức để gặp Hitler, mà ông ta cho là một đường lối có thể tránh chiến tranh. Tôi nói với ông tôi chẳng mấy tin tưởng ở cuộc phiêu lưu đó, nhưng tôi không thể chống lại hành động của ông miễn rằng ông đứng vững trên nguyên tắc. Ông thông tin cho Viện Dân Biểu biết ý định của ông đúng vào khi chúng tôi sắp sửa tranh luận về ngoại giao. Tôi nói không nên bỏ qua một hy vọng gì để duy trì hòa bình mà vẫn không hy sinh nguyên tắc. Nhưng chính sự hy sinh đó đang là vấn đề. Khi ông Chamberlain trở về từ Munich với một mảnh giấy, chúng tôi nhận ra rằng thôi thế là mọi việc đã xong xuôi và chúng tôi ngồi im trong khi đa số dân biểu đảng Bảo Thủ đứng dậy vỗ tay.

Ngày 3-10-1938, Chamberlain báo cáo với Viện Dân Biểu về chuyến đi Munich. Tôi nhớ rằng trước khi Thủ tướng tuyên bố, Duff Cooper (sau là Lord Norwich) giải thích lý do đã khiến ông từ chức bộ trưởng hôm qua. Tức khắc ngay sau tuyên bố của Chamberlain, tôi nói khá dài và có lẽ quan điểm của tôi có thể tóm tắt trong hai câu ở đầu diễn từ của tôi : “ Những biến cố vừa xảy ra trong mấy ngày vừa qua là một trong những thất trận mà nước Anh và nước Pháp đã phải chịu. Chắc chắn đó là một đại thắng ghê gớm của Ngài Hitler ”.


Edward Heath (thủ tướng, thuộc đảng Bảo Thủ, 1970-1974)
The Course of My Life (1988)


Những người trong chúng tôi đã ủng hộ Eden đều chắc chắn rằng Hitler sẽ không tuân thủ hiệp ước Munich và Chamberlain đã dấn thân vào một con đường vô cùng nguy hiểm mà kết cục là thất bại, với một cuộc chiến tranh ở Âu châu và tất cả hậu quả liên hệ. Những lo sợ đó đã được Churchill bày tỏ hùng hồn nhất trong tranh luận giữa Viện Dân Biểu về hiệp ước ngày 5-10. Trình bày với những lý luận sắc bén khó chối cãi những nhược điểm của hiệp ước Munich, mà ông gọi là “ đại họa ”, Churchill kêu gọi một sự “ phục hồi tối thượng về sức khỏe tinh thần và sức mạnh quân sự ”. Ông có lý : ta phải chuẩn bị cho chiến tranh.

[...] Tranh luận sôi nổi như bão tố. Chế diễu hiệp ước Munich như là “ hòa bình bất chấp mọi hiểu biết ”, tôi tấn công Chamberlain đã chọn một “ chính sách đưa chúng ta đến bờ vực thẳm của chiến tranh mà chúng ta chỉ thoát ra với một giá khủng khiếp và chẳng biết sẽ đưa chúng ta đến một tương lai bi đát nào đây ”. Tôi cũng kết án Chamberlain đã “ tức khắc đưa đồng thời bốn má cho Hitler ”, một câu bình luận đã đem lại cho tôi vài chỉ trích. Tranh luận gợi lên được một sự quan tâm vô cùng to lớn và chúng tôi đã thắng với 320 phiếu trên 266, với Roy Jenkins bỏ phiếu cho chúng tôi cùng với nhiều dân biểu của đảng Lao Động.


Herbert Morrison (bộ trưởng)
An Autobiography (1960)


Hiếm có một ông thủ tướng nước Anh nào cảm thấy não nề và tan nát như Chamberlain vào mùa hè 1940 [...]. Khi ông làm thủ tướng, bi kịch của ông là ông sợ thực sự khả năng xảy ra chiến tranh và ông đóng vai trò của một người làm hòa bình vì ông tin rằng ông có cái tài chính trị để thực hiện hòa bình. Nhưng ông đã không có cái tài đó. Ông đã không hướng đến một chính sách an ninh cộng đồng đáng lẽ có thể đã ngăn Hitler, và Hitler đã không hề muốn có hòa bình đích thực.

Tôi tin rằng trong năm 1938 và 1939, ông thực sự cảm thấy Thượng đế đã gửi ông xuống thế giới này để làm hòa bình. Thất bại của ông có thể do hoặc không do tham vọng thống trị thế giới không thể tránh khỏi của Hitler, nhưng không có gì nghi ngờ rằng trong thái độ tinh thần của ông, Chamberlain đã đi lầm đường về việc đó. Từ giai đoạn đầu trong suy nghĩ của ông, ông đã quyết định xem Hitler như một người bình thường và một người bình thường quan trọng. Đến giai đoạn khủng hoảng Munich, tôi có nói nhiều điều trong các diễn văn của tôi hết sức chỉ trích ông thủ tướng nước Đức và kết quả là một trong các ông bộ trưởng quan trọng nhất của Chamberlain đến gặp tôi và nói tôi nên từ chức, bởi vì thủ tướng đã được báo cáo rằng Hitler tức bực vì chuyện này.

*

Chuyện còn dài nhưng xin tạm chấm dứt với câu nói này của ông bộ trưởng nước Anh. Nước Anh của Chamberlain còn có toàn vẹn chủ quyền nữa không khi một ông bộ trưởng được đề nghị bay chức vì đã làm ngứa râu ông thủ tướng nước Đức ?


Cao Huy Thuần




Chú thích : Có thể đọc tư liệu trong The British Appeasement Policy Before World War II

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us