Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Năm ngày Thụy Sĩ của tôi

Năm ngày Thụy Sĩ của tôi

- Trần Tố Nga — published 23/02/2023 20:55, cập nhật lần cuối 27/02/2023 19:10

NĂM NGÀY THỤY SĨ CỦA TÔI


Trần Tố Nga


Tôi đi Thụy Sĩ với mục đích đền ơn đáp nghĩa vì đã nhiều năm qua, Hội Thụy Sĩ - Việt Nam không những đã gắn bó cùng với Việt Nam mà cũng đã luôn ở bên tôi trong bảy năm tôi đứng kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ đã từng cung cấp chất khai quang trong đó có chứa một hàm lượng lớn chất dioxine phá hủy môi trường giết hại con người. Tôi đi Thụy Sĩ cũng vì vừa phát hiện ra ba người đã từng cách đây 50 năm, đúng ngày chính thức mở bốn bên  Hội nghị Paris sau những đấu tranh gay go, leo lên tận đỉnh cao gần 100 mét của nhà thờ Đức Bà Paris để treo lá cờ Mặt Trận Dân tộc Giải phóng MNVN. Lá cờ MTDTGPMNVN hiện hữu, được báo chí thời bấy giờ nói đến, nhắc đến, được người dân VN cảm phục và báo chí thời bấy giờ nhắc đến, nhưng không ai biết tác giả là ai. Nghĩa cữ anh hùng ấy làm tôi, một cán bộ năm xưa của MT xúc động đến tận cùng , nên tôi khăn gói lên đường đi tìm họ .


Ngày thứ nhất : Paris - Zurich

Trời lạnh âm 3 độ C, chuyến đi dài gần 5 tiếng trên chuyến tàu cao tốc chạy 300 km/giờ, đủ thời gian cho tôi tưởng trăm ngàn điều. Anjuska Weil, bà chủ tịch Hội Thụy Sĩ - Việt Nam vừa mổ cột sống, đi đứng còn khó, đã có mặt ở ga để ôm cầm lấy người mà bà ấy vẫn gọi là chị cả.

18 giờ, tất cả thành viên của Hội đã có mặt đầy đủ tại nhà hàng mang tên Xí Muội, mà người chủ trẻ tên Hoàng luôn để những hình ảnh của nạn nhân da cam trên một cái bàn trước cửa để trao cho khách đến ăn, khi nghe tôi đến từ Pháp, đã quyết định tặng bữa ăn cho cả Hội. Cứ ngỡ sẽ phải trình bày gì đó như trong mỗi hội thảo, nhưng tôi đứng lặng khi biết mọi người đã đọc rất nhiều về vụ kiện, kể cả xem phim, nên thay vì tôi nói thì chính họ đã bày tỏ tình  cảm của họ đối với cuộc chiến đâu đòi công lý cho nạn nhân da cam. Tôi chỉ còn có thể cám ơn Hội vì với số tiền Hội vừa gởi, ở nhà đã có điều kiện giúp trang bị cho 3 xưởng làm nhang mà người chịu trách nhiệm là hai cậu bé da cam. Xúc động dâng lên cao trào khi Marius, một thanh niên trẻ còn chưa hết những rộn ràng vì vừa từ Việt Nam về, cùng với Anjuska căng một tấm biểu ngữ bằng tiếng Đức Đoàn kết với Trần Tố Nga và tất cả các nạn nhân da cam.


aasv



Ngày thứ hai : Zurich


Một cuộc gặp ấm tình đồng hương với Hoàng, một Việt kiều đầy nhiệt tình và hết sức vô tư muốn giúp cho nạn nhân da cam với yêu cầu mãnh liệt là chị không để cho một xu thất thoát, không hối lộ, không đi cửa sau. Biết nói sao được, tôi mời cháu – gọi cháu vì cháu nhỏ hơn cả con gái út của tôi, tôi mời cháu cùng với tôi về Việt Nam để thăm tại chỗ rồi quyết định.

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến ngày 21 tháng một năm 2021, khi mấy người luật sư đã dùng bốn giờ để nói dối, để phun ra những lời độc địa hòng đánh bại tôi , thì tôi lại mời họ cùng về Việt Nam với tôi, cùng tôi đi thăm một nạn nhân da cam, chỉ một nạn nhân thôi, thì tôi chắc chắn họ sẽ còn lòng dạ nào mà bảo vệ thân chủ của họ. Họ lúng túng, không biết trả lời lời mời ấy như thế nào. Đâu cần đao to búa lớn để chứng tỏ sức mạnh của mình, khi chân lý thuộc về mình.

Còn với cô gái đáng yêu tên Hoàng này thì lời mời chân thật sẽ dẫn đến nhiều điều tốt đẹp sau này cho tình người, và cho cả các nạn nhân da cam.

Cuộc gặp tiếp theo khiến tôi nghẹn ngào. Anjuska đưa tôi đến một nhà dưỡng lão, gõ cửa phòng của một người bịnh nặng tên Marc Rudin. Khi tôi nói tại sao tôi đến, ông ấy cứ nhìn tôi hồi lâu, rất lâu rồi nước mắt lăn dài. Khó khăn lắm ông mới nói được ba chữ : tôi xúc động lắm. Marc, cách đây 50 năm đã cùng một số bạn treo cờ Mặt Trận DTGPMNVN lên nóc nhà thờ Berne, hiện là thủ phủ của Thụy Sĩ. Chuyện đã qua, ông không nhớ, nhưng dù đóng vai trò gì trong chiến công ấy, thì người Việt Nam như tôi phải nhớ, nếu không sẽ có lỗi với lịch sử.

Biểu ngữ đoàn kết lại được một lần nữa treo lên phòng của tổ chức “medico international suisse” (y quốc tế thuyi sĩ) đã rất nhiều năm ủng hộ cuộc đấu tranh da cam, mà bà Anita, điều phối viên dự án, đã từng là người tham gia bảo vệ cấc nước bị áp bức.

Vì là ngày 14 tháng hai nên Khấn, chủ của Xí Muội đã rất ý nhị tặng cô một bình phong lan nhỏ, chỉ mong cô giữ sức khỏe cho nhiều năm nữa .

Tôi mang mãi hình ảnh con người Zurich không ồn ào mà đằm thắm, nặng tình. Không ồn ào mà đậm tình, như không nói mà Hội Hữu nghị lặng lẽ gởi 5000 euros để tiếp sức trong chương trình xây dựng những công trình nhỏ nhỏ đào tạo nghề, giúp cho các nạn nhân da cam có thể tự sống ngẩng cao đầu. Không nói mà Ạnjuska cử cô Dung, phó chủ tịch Hội đi với tôi tới Lausanne chỉ để chăm sóc tôi dọc đường đi.

Anjuska lại nhúc nhắc lấy xe điện đưa tôi ra ga. Cũng phải nói rõ là hệ thống giao thông của Zurich chằng chịt cả thành phố, nhưng vô cùng tiện lợi theo chủ trương bảo vệ môi trường của chính phủ. Rất ít xe tư nhân, không ồn ào mà người dân cũng không mất thời gian chờ đợi, chậm trễ vì kẹt xe như ở Paris, đúng giờ, đến bến, lên tàu, ngồi yên tới nơi. Ngồi trên tàu, một cô bé chừng 6 tuổi, đi cùng với mẹ, vẫy tay chào và ra dấu hỏi tôi có muốn ăn bánh không ? Trái tim của bà ngoại và cô giáo già này tan theo cái đáng yêu và lễ phép của cô bé.


Ngày thứ ba : Lausanne 


Dung đã có mặt ở ga chính, nhận bàn giao người của Anjuska. Trong hai ngày, tính mạng của tôi sẽ được giao cho người đẹp Việt kiều. Vé tàu cho chị Nga đã được lấy sẵn cho một chuyến đi khắp Thụy sĩ trong ngày, cuộc tâm tình của hai chị em đầu bạc bắt đầu. Dung đã ở Thụy Sĩ hơn 50 năm, học kinh tế mà bỏ ngành đi theo hoạt động cộng đồng, giúp đỡ từ người già tới người trẻ, mở lớp dạy tiếng Việt và là tổng thư ký Hội người Việt Thụy Sĩ. Từ Dung, tôi càng hiểu thêm là người Việt xa xứ, dù vì bất cứ lý do gì, trái tim vẫn cứ là trái tim Việt Nam. Những người như Dung, như Hoàng, như Khẩn... có nhiều và có ở khắp nơi, sẽ là những hạt nhân cho hòa hợp cộng đồng và từ đó, hòa hợp dân tộc.

Cô bạn tóc bạc chuẩn bị cho tôi từng miếng trái cây, từng hớp nước và điều tôi không ngờ, vừa thấy mặt tôi đổi sắc tái, Dung đã vội đưa tôi thuốc uống cho tỉnh. Bao nhiêu năm xa nhà, không phải lúc nào tôi cũng nhận được giọt thuốc tình nghĩa đó.

neige



Đến ga Solothurn, chúng tôi được anh nhà báo Peter Jagghi đón. Peter Jaeghi trong rất nhiều năm qua đã quan tâm đến nạn nhân da cam, đã đi Việt Nam, đã qua Pháp, đã viết nhiều bài và chúng tôi cũng đã trở nên thân thiết. Cứ tưởng sẽ phải trả lời một cuộc phỏng vấn như đã được thông báo trước, nhưng tình người đã cho tôi thêm một bất ngờ ngọt ngào. Anh đưa chúng tôi đến một nơi du lịch có tên Weissenstein – núi trắng bởi những tảng đá trắng muốt làm nên núi, đi một đường cáp treo rất dài để lên đến đỉnh cao hơn 700m. Tôi lặng im vì bất ngờ, vì xúc động trước tình người tứ phương hợp lại, mà cũng vì cảnh đẹp không gì tả được. Xa xa là dãy núi Alpes quanh năm tuyết phủ. Dung hỏi tôi có muốn chụp ảnh không, tôi chỉ chụp một ảnh ngồi trên tuyết để gởi về nhà khoe với mọi người. Kể cả ở Pháp, mấy năm nay cũng ít có tuyết rơi. Không có phỏng vấn, không có chính trị, Chỉ cùng chia sẻ một bữa trưa đơn giản, chỉ có thăm hỏi tin tức các nạn nhân da cam Việt Nam, chỉ dặn TTN phải giữ sức khỏe, Peter sẽ cùng đi theo vụ kiện đến cùng.

Trở lại ga để đi tiếp, không nỡ chia tay ngay, anh chàng cứ nấn ná trên  tàu, đến lúc tàu chạy mà không xuống được, đành phải cùng hai chị em đi tiếp thêm một đoạn đường. Lo cho Peter bị lấy xe nhưng mà vui cho đoạn đường tình nghĩa .

Sao mới có hai ngày mà hai chữ TINH và NGHĨA cứ lặp đi lặp lại !


Lausanne


Vì lá cờ Mặt Trận xanh đỏ sao vàng này mà tôi đến Lausanne. Đến để tận mặt những người anh hùng vô danh trong 50 năm đã không quản cả tính mạng của mình, đã đi từ Thụy Sĩ trên một chiếc xe cà tàng hai ngựa – sinh viên mà, làm gì có xe đẹp, để trong buổi tối rạng ngày mở đầu cho hội nghị bốn bên của hội nghị Paris bắt đầu, lá cờ Mặt Trận 15m2 phất phới trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris. Tôi đến để nói lên tiếng nói của người Việt Nam, trực tiếp cám ơn những con người anh hùng không cần được vinh danh, vì “ thông điệp quan trọng hơn người mang thông điệp ”.

Olivier, một trong ba người đã có mặt ngay cửa xuống tàu, và dĩ nhiên, tôi được giải phóng khỏi các hành lý nặng trĩu. Chia tay tại khách sạn đã giữ sẵn phòng, Olivier chỉ nói : 6 giờ tôi đến đón đưa các bà đến một địa điểm bất ngờ. Bất ngờ ? hai chị em đoán già đoán non mà không nghĩ rằng, ông ấy đã xin phép mục sư cho mở của nhà thờ Lausanne là một nhà thờ lớn của Thụy Sĩ, và trong nhà thờ rộng mênh mông chỉ có ba người chúng tôi, Olivier đã đàn tặng tôi ba bản nhạc của Bach.

bach  sach


Tôi ngồi ngẩn, mặt ngơ ngác, không phải vì thưởng thức nhạc của thiên tài. Mù nhạc như tôi, dù có làm bộ đung đưa người hay lắc đầu trái phải thì cũng vẫn cứ là mù thôi. Không nói nên lời vì tự nghĩ cái vinh hạnh lớn lao này sao lại cho mình ? Phải được sự đồng ý của nhà thờ mới có chìa khóa mở cửa trong giờ không có giáo dân, không có lễ, sử dụng đàn chỉ cho một người thưởng thức. Không tin là thật  dù là thật. Không dám nói lời cám ơn dù lòng mang ơn. Olivier thừa nhận đó là tiếng nói của trái tim ông gởi gấm điều đã không nói trong năm mươi năm qua ba bản nhạc của người thầy mà ông ngưỡng mộ. 

Đêm Lausanne huyền diệu với Bach, với những người quý nhau vì nghĩa lớn, với tình người trao cho nhau những gì đẹp nhất của mình.

Cám ơn Lausanne.


Ngày thứ tư : Fribourg


Olivier đưa tôi và Dung lên tàu đi Fribourg, nơi có hẹn với tòa báo La Liberté, có 150 tuổi, bắt đầu từ cộng đồng các bà soeur dòng Saint Paul. Tiếp chúng tôi là Pascal Fleury, lịch sự, trịnh trọng và nội dung phỏng vấn được chuẩn bị tỉ mỉ vì đã đọc nhiều trên các trang mạng và các báo khác. Có một câu hỏi mà không chỉ nhà báo này mà nhiều người khác, cả ở nhà, ở Pháp và những nơi tôi đến, những người tôi gặp đều hỏi : sao không chịu hòa giải ngoài tòa, chấm dứt kiện tụng và lấy một số tiền. Lớn tuổi, bịnh hoạn, chọn giải pháp đó không khỏe hơn sao ?

Nếu ông gặp ánh nhìn hy vọng của những nạn nhân đa cam ở VN, nếu ông hiểu rõ như thế nào là thắng hay thua trong cuộc chiến đấu cuối cùng thì ông sẽ hiểu rằng, tiền không phải là mục tiêu của chúng tôi. Cựu chiến binh nạn nhân da cam Mỹ đã nhận tiền, tiền hết và họ cũng hết quyền đòi công lý. Tôi có thể chết vì các di chứng của da cam, nhưng hiện nay, đội ngũ trẻ đã sẵn sàng tiếp nối cuộc đấu tranh đòi công lý cho tất cả nạn nhân da cam trên thế giới.

Cuộc chiến hôm nay không còn là cuộc chiến của Trần Tố Nga mà là cuộc chiến đấu của chúng ta đòi Công lý.


Ngày thứ năm LAUSANNE  - PARIS


Tôi lên tàu với hành trang là hai bài báo của La Liberté  và Le Courrier  dành cho nguyên trang cho cuộc chiến đòi công lý.

Năm ngày Thụy Sĩ của tôi đã cho tôi đầy ắp điều đã trở thành khẩu hiệu đi tới của chúng tôi KIÊN NHẪN - CAN ĐẢM - HY VỌNG

Trần Tố Nga


 


 





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us