Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Ngồi trên dư luận

Ngồi trên dư luận

- Hòa Vân — published 20/05/2008 01:07, cập nhật lần cuối 20/05/2008 10:07
Nhưng nếu việc bắt hai nhà báo (báo chính thống, của chế độ) có thể được coi như một vụ trả thù (hèn hạ) của một phe trong cuộc đấu đá đó, việc bắt toàn bộ báo chí im miệng, không được đề cập tới sự việc, mới là điều đáng nói tới.

Khi nhà báo phải câm miệng…

Hòa Vân


Trong bài viết Có những khi dư luận phải ngậm đắng nuốt cay… của mục Phát ngôn và hành động ấn tượng trong tuần 9-16.5.2008, báo điện tử Tuần Việt Nam, nhà báo Bùi Dũng nhận xét :

« Nếu ngày thứ Tư (14/5) và trước đó, trên các mặt báo còn sôi lên sự việc hai nhà báo là Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) cùng với Thượng tá Đinh Văn Huynh, Trưởng phòng 9, C14, điều tra viên cao cấp vụ PMU18 bị bắt tạm giam,  Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C14), Bộ Công an, Trưởng ban chuyên án PMU18 bị khởi tố thì sang ngày hôm sau (15/5),... Hết ».

Thế nhưng, nếu hôm nay bạn muốn tìm lại đoạn viết trên bằng cách bấm vào đường dẫn về địa chỉ mạng của nó thì… cái câu cuối « thì sang ngày hôm sau (15/5),... Hết » đã được thay bằng ba dấu chấm và một đoạn khác, nêu lên nhiều câu hỏi không phải không xác đáng về vụ bắt giam các nhà báo, nhưng cái thông tin « Hết » như được phù phép biến đi…

Lạ ! Muốn biết thêm thông tin, đành phải lướt mạng, tìm đến các blog. Và đây, trên blog của Ngoc N, một nhà báo báo Pháp luật Việt Nam (bài Chuyện bên lề bài báo "vượt luật") :

« Chiều ngày 14/5/2008, BBT báo Pháp Luật Việt Nam cũng như tất cả các BBT những tờ báo đều nhận được chỉ thị qua điện thoại của sếp cao nhất Ban tuyên giáo TƯ về việc cấm tiếp tục đăng thông tin về vụ 2 nhà báo bị tạm giam và tướng Quắc bị khởi tố… ».

Té ra, « Hết », vì có người đã ra lệnh, không ai còn được nói gì nữa. Chấm dứt cuộc chơi. Ngay cả nói rằng cuộc chơi đã chấm dứt cũng không được, nên Tuần Việt Nam mới phải sửa bài viết.

Dễ hiểu là nhất loạt báo chí… xếp hàng, im.

Ngay cả báo Tuổi Trẻ, một người trong cuộc, cũng không được phép đưa thêm tin về nhân viên của mình đang còn bị tạm giam, và phải tìm cách lách bằng những bài báo viết về tai nạn nghề nghiệp của… các nhà báo nước ngoài. Nhưng thế cũng không được ! Loạt bài Khi nhà báo rơi vào vòng lao lý vừa ra được hai kỳ (Cái giá của thông tin…, ngày 16.5 và Miller thà ngồi tù, không lộ nguồn tin, ngày 17), thì một cú điện thoại đã gọi đến tòa soạn, và « Kỳ 3 : William Farr ôm bí mật xuống đáy mồ », đúng như cái tựa tiền định của nó, đã lập tức bị chôn xuống đáy mồ, dù đã được quảng cáo trước ! Dĩ nhiên, người ta sẽ không biết Tuổi Trẻ có định đăng gì hay không cho bài kỳ 4, vào đúng ngày sinh nhật cố chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vụ PMU18 đã từng được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi là vụ tham nhũng lớn nhất cần sớm được giải quyết (không tham nhũng thì ông tổng Bùi Tiến Dũng lấy đâu ra cả triệu đô la để chơi cá độ ?). Thế mà, hơn hai năm sau, vụ án vẫn chưa được mang ra xử, trong khi nhân vật nổi cộm nhất, cấp trên trực tiếp của tổng Dũng, nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến vừa được trả tự do, được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyên bố vô tội đối với hai trong ba tội danh mà ông ta bị truy tố, và miễn trách nhiệm hình sự với tội danh thứ ba (« thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng »)… Và tướng Quắc bị khởi tố về tội « lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ », thượng tá Huynh và hai nhà báo bị khởi tố và bắt tạm giam về cùng tội danh. Dễ hiểu là nhiều người cho rằng đằng sau vụ này là một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực ở cấp cao, mà những người bị bắt chỉ là ruồi muỗi.

Nhưng nếu việc bắt hai nhà báo (báo chính thống, của chế độ1) có thể được coi như một vụ trả thù (hèn hạ) của một phe trong cuộc đấu đá đó2, việc bắt toàn bộ báo chí im miệng, không được đề cập tới sự việc, mới là điều đáng nói tới. Nói như người Pháp, cái sự im lặng đinh tai ấy của báo chí là bằng chứng hùng hồn nhất của sự khinh miệt nhân dân, khinh miệt trí thức của kẻ cầm quyền. Xin cho tôi không bình luận về những lời tố cáo tính « hèn hạ » của trí thức VN, mà nhà báo là một bộ phận đáng kể, nhất là trong việc phản ánh những tệ nạn xã hội cũng như những bức xúc của người dân. Vì đơn giản là trong thời gian qua họ đã từng can đảm viết lên nhiều điều rất trái tai người cầm quyền. Nhưng đối với nhiều vấn đề thì họ không có chỗ để viết. Có những nhà báo phải mượn blog để nói lên uất ức của mình, vì có đưa bài thì cũng không được đăng. « Lệnh » từ rất cao, tuyệt đối, bất chấp dư luận đang đòi hỏi làm rõ sự việc, với những minh chứng cụ thể, thuyết phục cho quyết định bắt người của Viện kiểm sát (dù là những minh chứng đó vẫn có thể bị tòa án bác bỏ sau đó). Bắt là bắt, không cần trưng ra lý do. Và anh không được cãi.

Nghe nói người ta đang bàn bạc về cái đề án gọi là « Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế ». Những người đã đưa ra cái lệnh « Im ! » đầy khinh miệt kia cũng là những người chủ trì cuộc thảo luận. Kết quả (ngắn hạn thôi, dài hạn lại là chuyện khác) tưởng chẳng cần nói…


Hòa Vân


1 Đối với những người không nằm trong hệ thống, sự đối xử hèn hạ này còn thêm tính dã man nữa. Xem vụ “nhà báo tự do” Hoàng Hải, tức blogger Điếu Cày bị bắt (ngày 20.4.2008 tại Đà Lạt), và nhiều blogger khác cùng chính kiến với anh bị công an sách nhiễu suốt những ngày cuối tháng 4 – nhân vụ “rước đuốc thế vận hội Bắc Kinh” đi qua TPHCM - trên website của “Câu lạc bộ nhà báo tự do” : http://clbnbtd.com/index.php.

2 Câu này không hàm nghĩa coi các nhà báo này là thuộc « một bên » trong cuộc đấu đá. Cũng không hàm nghĩa phủ nhận tính tích cực mà nhiều người đề cao của hai nhà báo trong những bài viết liên quan. Chỉ nói lên cái khả năng là những người ra lệnh bắt họ coi họ là thuộc phe kia. Việc đánh giá hai nhà báo cụ thể trong vụ này không thuộc chủ đề của bài viết, còn đánh giá chung thì… tùy. Mặc dầu cái thói bôi xấu những người bị khởi tố, dù họ chưa bị/được đem ra xử, là rất cần bị phê phán, tôi tin rằng không phải nhà báo VN nào cũng là « nhà báo công an » chuyên nghề bôi bẩn những người khác ý…

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us