Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nhà công biến thành nhà riêng

Nhà công biến thành nhà riêng

- Hải Vân — published 15/10/2006 16:32, cập nhật lần cuối 13/03/2007 23:17
Nhờ báo chí, một số vụ "hoá giá" nhà công cho cán bộ cao cấp được phanh phui, và vài người đã phải trả lại nhà...

   

Hà Nội : « quả bom » nhà công biến thành nhà riêng của lãnh đạo


Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, báo Tiền Phong đã đưa ra công luận vấn đề - ầm ì từ lâu trong dư luận - của những nhà công ở thủ đô bị biến thành nhà tư của cán bộ lãnh đạo. Bài ‘Hà Nội : Bán biệt thự cho ông Hoàng Văn Nghiêm’ (ngày 27.9.) « khui » hai trường hợp của nguyên chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên uỷ viên Trung ương đảng cộng sản Hoàng Văn Nghiên (hiện còn là trưởng đoàn đại biểu quốc hội của thủ đô) và của nguyên phó chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố, nguyên uỷ viên thường trực Thành uỷ Hà Nội Phan Văn Vượng. Rồi đến bài ‘Nhà công biến thành nhà riêng thống đốc Ngân hàng nhà nước’ (ngày 3.10.) đưa ra ánh sáng trường hợp của đương kim thống đốc Ngân hàng nhà nước, uỷ viên Trung ương đảng Lê Đức Thuý.

1. Trường hợp ông Hoàng Văn Nghiên liên quan đến một ngôi biệt thự 410 m2, 2 tầng, ở phố Nguyễn Chế Nghĩa. Biệt thự này trước đây do Công ty quản lý nhà của thành phố kinh doanh và đă từng cho người Nhật thuê với giá 5000 USD/tháng. Song năm 2001, thực hiện một quyết định của Thường trực Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố thu hồi ngôi biệt thư để làm nhà công vụ và cho ông Nghiên, lúc ấy là chủ tịch thành phố, thuê với giá 460 ngàn đồng/tháng (bằng giá thuê trên thị trường một căn phòng 24 m2 trong một chung cư cũ). Thôi chức chủ tịch năm 2004, ông Nghiên không những không hoàn lại nhà công vụ mà, năm 2006, còn xin mua nhà theo thể thức hoá giá của nghị định 61. Sở tài nguyên - môi trường và nhà đất (TNMTNĐ) Hà Nội tiến hành các thủ tục bán nhà cho ông Nghiên với mức giá không đến 500 triệu đồng (trong khi giá thị trường không dưới 25 tỷ đồng, khoảng 1,5 triệu USD). Trường hợp ông Phan Văn Vượng cũng tương tự : một ngôi nhà 226 m2, 3 tầng, ở phố Tuệ Tĩnh, sở đề nghị hoá giá vài trăm triệu đồng (trong lúc giá thị trường không dưới 5-7 tỷ đồng).

Xin ý kiến của Uỷ ban nhân dân thành phố, sở TNMTNĐ nhận được công thư của Văn phòng uỷ ban xác nhận cho bán các nhà Nguyễn Chế Nghĩa và Tuệ Tĩnh « theo nghị định 61 ». Chính nội dung công thư này được báo Tiền Phong ngày 23.9 đăng lên, đặt Uỷ ban nhân dân và Thành uỷ Hà Nội vào thế lúng túng : phủ nhận công thư đó là ý kiến của uỷ ban, các lãnh đạo thành phố không cho biết ý kiến này là gì. Trong khi công luận ầm ì trong cả nước, Uỷ ban nhân dân Hà Nội đợi đến ngày 3.10. (6 ngày sau) mới cho biết rằng không có chủ trương bán nhà ở theo nghị định 61 cho hai ông Nghiên và Vượng, đồng thời thông báo quyết định thu hồi nhà công vụ mà hai ông đang ở và sắp xếp chỗ ở khác cho các ông. Việc hoá giá nhà « hụt » cho các ông Hoàng Văn Nghiên và Phan Văn Vượng làm nổi bật hai điều.

  • Quyết định thu hồi biệt thự Nguyễn Chế Nghĩa năm 2001 từ Công ty kinh doanh nhà về cho Uỷ ban nhân dân quản lý không được bàn trong Uỷ ban, và cả Ban can sự đảng cũng « không hề biết » - như ông Đinh Hạnh, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân lúc đó, tuyên bố với báo Tiền Phong (ngày 2.10). Theo ông Nghiên, vấn đề được Thường trực Thành uỷ quyết « hẳn hoi » và ông nêu tên người có mặt : ngoài ông và ông Vượng, còn có phó bí thư thường trực, chủ tịch Hội đồng nhân dân Trần Văn Tuấn, giám đốc sở công an Phạm Chuyên... (không rõ ba dấu chấm của bài báo bao gồm những ai nữa : phải chăng còn có bí thư Thành uỷ lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng, uỷ viên bộ chính trị và hiện làm chủ tịch quốc hội ?). Cả bốn người mà ông Nghiên nêu danh ở trên đều được Uỷ ban nhân dân bố trí nhà thuê (không rõ khi mãn nhiệm các ông Tuấn và Chuyên có hoàn lại nhà công vụ hay chưa, nhưng cho đến nay chỉ có các ông Nghiên và Vượng làm đơn xin hoá giá nhà). Bị đặt trước việc đã rồi, ông Đinh Hạnh cho biết ông và sở tài chính có phản đối vì biệt thự Nguyễn Chế Nghĩa dành để kinh doanh thu ngoại tệ cho ngân sách thành phố. Ông Đặng Hùng Võ, thứ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường, nhận định rằng việc lấy lại một ngôi nhà trị giá 5000 USD/tháng để cho thuê với giá 500 ngàn đồng/tháng « có thể coi là tham nhũng », bởi đó là « ăn bớt của dân » (số thất thu trong 54 tháng ông Nghiên thuê nhà được ước tính vào 270 000 USD).[*]

  • Cả hai nhà Nguyễn Chế Nghĩa và Tuệ Tĩnh đều không phải là nhà thuộc diện bán theo nghị định 61 ban hành năm 1994 : đó không phải là nhà ở do nhà nước cho thuê trước năm 1994, cũng không phải là nhà ở mà, sau nghị định, chính quyền có lập đề án cho bán (có hội đồng nhân dân phê duyệt - đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn phải được thủ tướng chuẩn y - và có công bố để người dân biết). Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân xác định : đã là nhà công vụ thì dùng vào việc công, « chứ không [ai] đặt bán nhà công vụ bao giờ ». Theo phân tích của thứ trưởng Đặng Hùng Võ, vụ bán biệt thự Nguyễn Chế Nghĩa « sai từ A đến Z » : từ ông Nghiên nộp đơn xin hoá giá nhà, sở TNMTNĐ Hà Nội tiến hành thủ tục bán nhà cho đến thái độ nhập nhằng của Uỷ ban nhân thành phố đều chứng tỏ rằng « cán bộ không đủ trình độ pháp luật hoặc không đủ đạo đức làm cán bộ ». Ông nhận định trên Vietnamnet (ngày 3.10) : « Để cho sự việc này diễn ra là đại vô lý đến mức không thể chấp nhận được ! Tôi nói như trên có người cho là nặng lời, nhưng công cuộc chống tham nhũng cần có sự rõ ràng, cứ ‘vuốt ve’ nhau thì không thể chống được ». Việc hoá giá 500 triệu đồng một ngôi biệt thự trị giá 22 tỷ đồng lại diễn ra ngay sau khi Quốc hội thông qua bộ luật chống tham nhũng và Ban chấp hành trung ương đảng có nghị quyết bài tham nhũng : « Ở đây có một cái gì đấy vi phạm pháp luật ở mức thách thức » chính quyền - thứ trưởng Võ khẳng định [Tiền Phong 3.10].

2. Trường hợp ông Lê Đức Thuý liên quan đến một nhà 77 m2, 2 tầng nay xây thành 5 tầng, ở phố Lý Thái Tổ. Là cơ sở làm việc của Ngân hàng nhà nước, căn nhà này, năm 2004, được ngân hàng chuyển đổi công năng thành nhà ở với sự chấp thuận của thủ tướng, rồi cho thống đốc Thuý thuê. Sau đó, căn nhà được ngân hàng bàn giao cho sở TNMTNĐ Hà Nội quản lý, rồi hoá giá cho ông Thuý theo nghị định 61, với giá bán 476 triệu đồng (trong lúc giá thực trên thị trường là hàng chục tỉ đồng). Khi vụ việc đổ bể sau bài báo Tiền Phong, ông Thuý đã trả lại nhà ngay và sẽ được Uỷ ban nhân Hà Nội hoàn lại tiền mua nhà, còn Ngân hàng nhà nước thì hoàn lại tiền xây cất. Cách ông Thuý biến hoá nhà công thành nhà tư rồi biến nó trở lại thành nhà công là quá dễ dàng !

  • Việc thay đổi công năng của nhà Lý Thái Tổ từ một cơ sở làm việc thành nhà ở là một quyết định « không đúng » của thủ tướng Phan Văn Khải căn cứ vào báo cáo « sai sự thật » của Ngân hàng nhà nước - như thứ trưởng bộ TNMT Đặng Hùng Võ tuyên bố với báo Lao Động (5.10.06). Trách nhiệm của thủ tướng càng rõ bởi chính ông Khải đã không tôn trọng trình tự quyết định, theo đó bản báo cáo phải được bộ tài chính xét duyệt và do bộ tài chính trình thủ tướng. Phó thống đốc thường trực Nguyễn Minh Tuấn, người ký tờ trình của Ngân hàng nhà nước gửi thủ tướng, nói rõ ông Lê Đức Thuý đã đi đường tắt, đi « xin riêng » ông Khải, « xin trực tiếp » thủ tướng phê duyệt không thông qua bộ tài chính : « Thủ tướng đồng ý thì chúng tôi [mới] làm văn bản trình thủ tướng ». Điều đáng chú ý khác là toàn bộ các thủ tục hành chính cho phép ông Thuý chuyền nhà công thành nhà riêng đã được tiến hành trong một thời gian kỷ lục : 2 ngày sau khi gửi tờ trình cho thủ tướng, Ngân hàng nhà nước nhận được công văn của Văn phòng chính phủ thông báo ý kiến chập thuận của ông Phan Văn Khải ; 4 ngày sau, Ngân hàng nhà nước ký hợp đồng cho ông Thuý thuê nhà ở ; chỉ sau đó 5 ngày, Ngân hàng nhà nước lại bàn giao căn nhà cho sở TNMTNĐ Hà Nội quản lý ; và 40 ngày sau, nhà Lý Thái Tổ được hoá giá và ông Thuý nhận được sổ đỏ !

  • Như một số ý kiến trong công luận nhận xét, ông Lê Đức Thuý đã nhanh chóng hoàn lại ngôi nhà Lý Thái Tổ « để giữ lại một cái gì đó khác ngoài ngôi nhà ». Thật không phải tình cờ mà nhà Lý Thái Tổ được đưa ra ánh sáng trong khi thống đốc Ngân hàng nhà nước phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều, liên quan đến an ninh quốc gia : từ năm 2003, Ngân hàng nhà nước in tiền bằng chất liệu polymer thay vì giấy sợi như trước - một quyết định mà thống đốc Thuý áp đặt mặc dù nó tốn kém hơn gấp đôi cho ngân sách nhà nước, và cho dù có không ít ý kiến phản đối trong nội bộ ngân hàng [**]. Chí ít từ kỳ họp quốc hội tháng 6 trước đây, lời chất vấn can đảm của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân (tỉnh Kiên Giang) đã công khai hoá hàng loạt « sự cố » của bộ tiền mới : tiền polymer khó đếm bằng máy ; bề mặt tiền bị trôi mực khi cọ xát vào nhau ; mệnh giá 10 000 đồng bị lỗi chế bản ; nhất là cả ba mệnh giá 50 000, 100 000 và 500 000 đều bị làm giả một cách tinh vi và vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo nhiều lời tố cáo, thống đốc đã trù giập các cán bộ lên tiếng phản đối, trong đó có phó trưởng ban thường trực của đề án bộ tiền mới, cục trưởng và cục phó phát hành và kho quỹ, phó vụ trưởng tổng kiểm soát, một số cán bộ thuộc nhà in tiền... Bà Nhân cũng không ngần ngại nêu câu nghi vấn về vai trò của công ty  Bank Tech, hoạt động cung ứng vật tư thiết bị in giấy bạc, mà phó giám đốc là ông Lê Đức Minh, con trai của thống đốc Thuý : « Như vậy có xem là công ty gia đình hay không ? ». Công luận đang chờ đợi kết quả của Thanh tra chính phủ về những việc có thể trở thành một vụ xicanđan ở tầm cỡ quốc gia. Vụ việc càng nhạy cảm vì ông Lê Đức Thuý được cựu tổng bí thư Đỗ Mười đề bạt và từng là phụ tá của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông Dũng làm thống đốc Ngân hàng nhà nước.

3. Trước mắt, công luận ghi nhận rằng chính báo Tiền Phong, chứ không phải ông Lê Đức Thuý, đã « trả lại ngôi nhà Lý Thái Tổ cho chủ nhân của nó là nhân dân ». Cũng như, báo chí mà không lên tiếng thì hai ông Hoàng Văn Nghiên và Phan Văn Vựơng đã mua trót lọt các nhà Nguyễn Chế Nghĩa và Tuệ Tĩnh : « Hàng chục tỷ đồng của nhân dân đã chảy vào túi cá nhân một cách hợp pháp » [Tiền Phong ngày 29.9 và 6.10.2006].

Câu hỏi mà người dân đặt ra tiếp theo là còn bao nhiêu trường hợp tương tự chưa được biết đến ? Theo một thống kê của cục Quản lý nhà thuộc bộ Xây dựng, còn 80 trường hợp khác ở Hà Nội đang ở nhà công vụ như ông Nghiên và ông Vượng. Trả lời báo Tuổi Trẻ (ngày 9.10), trưởng ban dân vận quốc hội Lê Quang Bình cho rằng không chỉ thủ đô Hà Nội mà Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu đếu có tình trạng đó, và đề nghị chính phủ cho rà soát lại và công bố rộng rãi cho người dân biết : « Hiện nay cứ mập mờ thành ra nghi ngờ lẫn nhau. Có nhiều cán bộ cấp cao rất gương mẫu nhưng bị đánh đồng cả làng, nhiều người dân cho rằng cán bộ có chức có quyền thì đều lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân ».

Yêu cầu của công luận đối với chính quyền là công khai hoá các công sản mà nhà nước đang quản lý với mục đích sử dụng. Chí ít, nếu chính quyền muốn giới hạn sức công phá của « quả bom » nhà công biến thành nhà riêng của lãnh đạo thì tiêu chí hàng đầu chỉ có thể là « công khai và minh bạch ». [***]


Hải Vân


[*] Trước vụ nhà phố Nguyễn Chế Nghĩa, ông Hoàng Văn Nghiên còn được biết đến như « nhà lãnh đạo Hà Nội cưỡi 3000 con trâu » : khi mãn nhiệm chủ tịch thành phố Hà Nội năm 2004, ông Nghiên đã sang làm phó bí thư Thành ủy và sử dụng xe công vụ hiệu Lexus đời mới giá trên 5 tỉ đồng, tức trị giá hơn 3000 con trâu. Xem Diễn Đàn số 146 tháng 12 2004.

[**] Xem http://www.thanhnien.com.vn/Xahoi/2006/10/8/165232.tno và nhiều bài khác trên báo chí trong nước.

[***] Xem bài ‘Doanh nghiệp nhà nước : Không thể giữ bí mất tài chính mãi được nữa’ của ông Trần Ngọc Thơ (trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) trên Tuổi Trẻ ngày 14.10 2006.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss