Nhà văn Nguyên Ngọc nói về đề thi môn văn
Phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc về đề thi văn
“Có google, việc gì phải… học thuộc!”
– Bác ạ, quả như bác nói hôm trước, gần đây đúng là có nhiều đề thi hay thật đấy bác nhỉ, khiến cháu bỗng muốn… được đi học trở lại!
– Chuyện này đúng là đang dần có những chuyển biến tích cực đấy, thật mừng! Bắt đầu có những cuộc phá lệ, “vượt rào” mạnh dạn và thông minh hơn, dám từ bỏ lối ra đề máy móc, giáo điều cũ. Những đề thi không có chỗ cho mấy anh học vẹt hay quay cóp; không chỉ là nơi để các em trả bài mà còn là một dịp giúp các em trải nghiệm…
– Và thậm chí, có thể khiến các bậc phụ huynh cũng phải suy nghĩ đấy bác nhỉ? Chẳng hạn như đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 chuyên THPT tại Hà Nội vừa rồi*, với câu chuyện về giá trị sống, tình yêu thương đồng loại – không phải trích từ sách khoa khoa mà là từ tủ sách “Quà tặng cuộc sống”. Một đề thi rất dài nhưng một mặt, lại kiệm lời đến nỗi còn không có cả từ: “Em hãy…”, hay bất kỳ một câu cầu khiến nào…
– Và với những đề thi như vậy, chúng ta khỏi lo thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, đúng không, khỏi lo tái diễn chuyện “Đồi Ngô” vì lấy đâu ra đáp án chung cho những đề thi tự luận? Chống gian lận trong thi cử, thử hỏi, cách nào hay bằng cách ra đề? Thế nên, theo tôi, không việc gì phải cấm cản chi cho mệt, cứ mặc cho thí sinh được mang tài liệu vào phòng thi thoải mái và vô hiệu hóa điều đó bằng những đề thi tự luận. Trên đời này có biết bao nhiêu thứ để ra đề hay, cũng như có bao nhiêu cách để lĩnh hội tri thức hay giải mã một đề thi mà không nhất thiết phải bằng cách học thuộc…
– Tận tới giờ, bác còn nhớ đề thi nào bác từng gặp và từng thích nó hay không?
– Thời của tôi, người ta ra đề hay lắm. Người ta thậm chí còn ra đề cho cả giáo viên chứ không chỉ học sinh. Chẳng hạn như đầu kỳ, họ đưa cho giáo viên một tờ giấy, trong đó vỏn vẹn mấy cái gạch đầu dòng, ghi mấy cái tên: Nguyễn Du, Tú Xương, Nguyễn Khuyến… (đại loại thế!). Đấy, năm nay tôi cần anh dạy ba ông đấy cho tôi! Còn thì nói gì, nói sao cho đáng tầm về ba “ông lớn” đấy thì đó là việc của anh. Tác giả, tác phẩm, người ta cũng không ham số lượng, và rất linh hoạt trong từng trường hợp. Chẳng hạn, ông “lớn vừa” thì người ta chỉ yêu cầu học trích đoạn, hoặc cùng lắm thì một tác phẩm tiêu biểu, nhưng ông “lớn đùng” thì anh nhất thiết phải đọc toàn tập, không thì đừng mong làm tốt bài thi. Thời thầy tôi – Giáo sư Hoàng Tụy, cả năm người ta cho anh học bao nhiêu thứ, nhưng tới lúc thi tốt nghiệp, đề thi chỉ vỏn vẹn có 9 chữ, đúng 9 chữ: “Thế nào là một con người có văn hóa?”. Chị thấy đề thi có hay không? Hay chứ, bởi nó không chỉ để dùng một lần, mà có thể, còn theo mình suốt cả cuộc đời…
– Song, bác có nghĩ những đề thi kiểu đấy, “rằng hay thì thật là hay”, nhưng cũng có thể tạo ra một thế hệ học sinh… lười học không, vì học mà không để thi thì… học làm gì?
– Nói thật là khi bước chân vào nghề giảng dạy, tôi cũng từng có những lo lắng không đâu như chị. Mới đây thôi, khi tiễn các em sinh viên khóa 2 của trường tôi (ĐH Phan Chu Trinh – Quảng Nam) ra trường, nói thật là trong lòng, tôi cũng nghĩ mông lung lắm! Tôi lo với những con điểm thực chất ấy, những chuyên ngành (không phải “thời thượng” ấy)…, không biết các em có xin việc nổi không. Thế nhưng, thật mừng là nhiều em báo lại rằng: Thầy ạ, nhiều nhà tuyển dụng bây giờ họ thông minh lắm, họ chả thèm nhìn bằng đâu, chả cần biết mình được đào tạo chuyên ngành gì mà chỉ cần đo năng lực qua những cuộc phỏng vấn trực tiếp và theo dõi thái độ làm việc trong mấy tuần đầu. Quả là, nhà tuyển dụng thông thái – đã đành, nhưng đám trẻ ngày nay họ cũng năng động hơn chúng ta tưởng rất nhiều, để mà phải quá lo ngại. Mình hiểu nó chưa bằng xã hội hiểu nó…
– Cho trò điểm thấp vì “tội” viết chệch ra ngoài ô ly, nhưng một mặt cô giáo của con cháu lại rỉ tai cháu: “Nghiêm thì vẫn phải nghiêm thế thôi, chứ lớn lên, cái bàn phím nó làm thay việc hết ấy mà, việc gì phải… viết chữ đẹp!”. Tương tự, là tâm lý trông cậy hết cả vào… google. Thế, theo bác, có gì là bất ổn?
– Đúng là không nên và không thể trông cậy hết cả vào google vì google không phải là ông Thánh trong mọi chuyện. Nhưng đúng là, có những cái, theo tôi, quả cũng không nhất thiết phải để trong đầu làm gì cho rối, không nhất thiết phải ghi lòng tạc dạ. Ông này ông kia sinh năm nào, đỗ tú tài năm nào theo tôi quan trọng gì đâu, có google, việc gì phải học thuộc! Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, trong đề thi của họ, tôi thấy còn ghi kèm các công thức toán – là những thứ mà sau này, nếu quên, người ta có thể tra google, không sao hết. Học sử, chẳng hạn, điều quan trọng hơn hết theo tôi là làm sao qua đó mình nắm bắt được các quy luật lịch sử, hiểu được lẽ đời thông qua thế sự trầm luân… Ghi ơn các anh hùng, vỹ nhân, theo tôi không nhất thiết phải bằng việc nhớ các vị ấy sinh năm nào, đánh bao nhiêu trận… mà quan trọng hơn cả, là hiểu được tầm vóc tư tưởng và những đóng góp để đời của họ…
– Nói thật là dù rất yêu quý nhiều tác phẩm của bác (không chỉ trong sách giáo khoa) nhưng cháu cũng không nhớ được… ngày sinh của bác đâu nhé! Và kể cả quê, nếu như bác không còn nói giọng Quảng Nam!
– Có sao đâu, miễn là google nhớ!
Thư Quỳnh (thực hiện)
(*) ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 CHUYÊN THPT TẠI HÀ NỘI
Câu 1 (4,0 điểm)
Một chàng trai đứng giữa thị trấn và tuyên bố trái tim mình đẹp nhất vì nó chẳng có tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông cho rằng đó là trái tim đẹp nhất. Một cụ già xuất hiện và nói rằng trái tim mình đẹp hơn. Chàng trai và mọi người ngắm trái tim đang đập mạnh mẽ, đầy sẹo lởm chởm, rãnh khuyết,…Anh khẳng định trái tim mình hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá nhiều vết cắt. Cụ già nói:
– Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người tôi yêu…Tôi lấy một phần trái tim mình trao cho họ, thường họ cũng trao một phần tim của họ để tôi lắp vào. Nhưng những phần tim chẳng hoàn toàn giống nhau: cha mẹ trao cho tôi phần lớn hơn tôi trao cho họ, ngược lại với phần tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến. Thỉnh thoảng tôi trao phần tim của mình nhưng không nhận được gì nên tim có vết khuyết. Dù đau đớn nhưng tôi luôn hy vọng ngày nào đó những rãnh khuyết sẽ được bù đắp…
Những giọt nước mắt lăn dài trên má, chàng trai bước tới, lấy một phần trái tim mình trao cho cụ. Cụ cũng lấy một phần trái tim đầy vết sẹo trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp, tạo nên những đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết…
(Phỏng theo Quà tặng cuộc sống, báo Tuổi Trẻ – NXB Trẻ, 2004)
Câu 2 (6,0 điểm)
Trong tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng”. Giải thích ngắn gọn nhận định trên và làm sáng rõ tư tưởng “náu mình, yên lặng” trong bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh).
Nguồn:
Báo Đẹp
online
Các thao tác trên Tài liệu