Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nhìn lại chủ trương lấy quốc doanh làm chủ đạo

Nhìn lại chủ trương lấy quốc doanh làm chủ đạo

- Vũ Quang Việt — published 25/02/2016 15:58, cập nhật lần cuối 25/02/2016 15:58

Từ bài học kinh tế đã qua nhìn về tương lai:


Nhìn lại chủ trương
lấy quốc doanh làm chủ đạo


Vũ Quang Việt



Để có thể phát triển lành mạnh trong thời gian tới, không thể không đánh giá lại những chính sách đã tạo ra bất ổn trong nền kinh tế từ năm 2006 đến nay.

Sự bất ổn này có thể kể ra gồm lạm phát cao, nợ cao khó trả, ngân sách thiếu hụt lớn, chênh lệch giàu nghèo. Tất cả là kết quả của chủ trương xây dựng doanh nghiệp lấy quốc doanh làm chủ đạo - không hẳn là theo đúng tinh thần Hiến Pháp 2013 và trước đó.

Và đi cùng với chủ trương này là việc cho phép lập hàng loạt các công ty con, kể cả ngân hàng chứng khoán, xây dựng và buôn bán địa ốc, nửa công nửa tư ăn theo - chủ yếu là các loại doanh nghiệp dịch vụ đầu cơ, rồi tập trung vốn cho chúng.


hinh-1
hinh-2

hinh-3

hinh-4


hinh-5


Quốc doanh chủ đạo cái gì và đang đi về đâu?

Nhà nước có vai trò quan trọng trong bất cứ một nền kinh tế nào. Ở các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, nhà nước nắm toàn bộ và áp đặt kế hoạch tập trung, còn vai trò tư nhân không đáng kể. Ở các nước thị trường, nhà nước có vai trò xây dựng và thi hành luật pháp nhằm bảo đảm các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, và chính quyền chỉ can thiệp vào chính sách vĩ mô nhằm ổn định thị trường, đồng thời thực hiện các đầu tư công mà khu vực tư nhân không muốn hay không có khả năng đáp ứng. Kinh tế tăng trưởng mạnh hay yếu là tùy thuộc vào sự cạnh tranh vì lợi nhuận của tư nhân.

Việt Nam cổ võ cho tư duy lấy quốc doanh làm chủ đạo, công hữu hóa đất đai mà thực tế là giao cho chính phủ quyền làm chủ đất đai và phân phối cho những ai thuộc phe cánh hẩu của giới cầm quyền, dùng tiền ngân sách và tín dụng mà mình kiểm soát lập ra các doanh nghiệp quốc doanh, từ đó giới có quyền thế tạo ra các công ty con nửa nhà nước nửa tư nhân, trong một hệ thống gọi là tập đoàn để lợi dụng ưu đãi về tín dụng và thu dụng đất công làm của tư.

Không những thế, Luật các tổ chức tín dụng lại cho phép các tập đoàn này có thể làm chủ ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty địa ốc, vì thế họ đã sử dụng mối quan hệ và quyền lực để vay vốn không cần thế chấp, rồi đầu cơ vào địa ốc chứng khoán, kể cả mua ngân hàng để nắm nguồn tín dụng. Hệ thống trên đưa đến lạm phát cao, nợ và tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích lũng đoạn thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính tín dụng. Điều này, tất nhiên dẫn đến bấn ổn và khủng hoảng. Tư duy cơ bản này cho đến nay vẫn chưa được xét lại.

Doanh nghiệp, tức là các công ty được tổ chức bài bản theo luật doanh nghiệp là cơ sở cho bất cứ một nền kinh tế hiện đại nào áp dụng phương pháp quản lý chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến để phát triển.

Tuy vậy, khu vực này ở Việt Nam đã không phát triển đáng kể, qua số liệu mà Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố cho những năm, từ năm 2009-2013. Năm 2013, lao động trong toàn khu vực doanh nghiệp bao gồm cả công lẫn tư chỉ tạo ra 11,6 triệu việc làm, chỉ bằng 22% tổng số lao động trong toàn nền kinh tế là 52,2 triệu, dù có tăng một chút từ tỷ trọng 18,3% năm 2009.

Vai trò quả đấm thép của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì tệ hơn, dù nắm sở hữu rất lớn về tài sản vẫn không tạo ra nhiều công ăn việc làm. Thí dụ, năm 2013, DNNN chiếm gần 40% giá trị tài sản trong doanh nghiệp nhưng chỉ tạo ra 1,7 triệu việc làm, bằng 14,4% tổng số việc làm trong khu vực doanh nghiệp và bằng 3,2% tổng số lao động trong nền kinh tế. Số lao động trong DNNN thậm chí giảm so với năm 2009. Gần 60% việc làm là từ khu vực tư nhân và 26% là từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI).

6. Lao động trong nền kinh tế


2009 2013 2009 2013
Triệu người
Tỷ trọng so với
tổng lao động (%)
Tổng lao động 47.7 52.2 100 100
Phi nông nghiệp 23.1 27.8 48.5 53.2
Công nghiệp 6.4 7.3 13.5 14.0
Nông nghiệp 24.6 24.4 51.5 46.8
Doanh nghiệp (DN) 8.7 11.6 18.3 22.2
Công nghiệp trong DN 4.1 5.3 8.6 10.2
DNNN 1.8 1.7 3.5 3.2

Xem xét về mặt công nghiệp hóa nền kinh tế, thì rõ ràng mục tiêu này thất bại: vào năm 2013, số lao động trong khu vực công nghiệp trong doanh nghiệp (5,3 triệu lao động), là khu vực tiên tiến chỉ chiếm một nửa trong toàn khu vực doanh nghiệp (11,6 triệu lao động). Tuy nhiên, so với toàn bộ số lao động trong nền kinh tế là 52,2 triệu thì lao động công nghiệp còn quá nhỏ, chỉ chiếm 10%. TCTK không công bố số liệu lao động trong công nghiệp của DNNN nên không rõ về vai trò công nghiệp hóa của DNNN.

Như vậy, doanh nghiệp vừa chưa chiếm lĩnh vai trò chủ chốt, vừa chủ yếu tập trung vào các hoạt động gia công như dệt may 40%, thực phẩm thuốc lá 11%, đồ gỗ 11%. Hoạt động sản xuất máy móc hoặc ngay cả lắp ráp điện tử cũng vẫn còn rất nhỏ.

Hai lần thất bại trong chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo để nhắm tốc độ tăng GDP cao

Lấy quốc doanh chủ đạo làm quả đấm thép để đạt tốc độ tăng GDP cao từ năm 2006-2014 đã thất bại hai lần liền. Lần thứ nhất sau năm 2006 nhằm đạt 8-9%, không những làm tốc độ tăng GDP giảm mạnh và lạm phát tăng phi mã, đạt đỉnh điểm hơn 23% năm 2008. Bộ Chính trị phải ra chỉ thị ổn định tình hình bằng kết luận 22/KL/TW ngày 4-4-2008.

Không tự rút kinh nghiệm, chính sách này lập lại lần thứ hai năm 2009, đẩy mạnh tín dụng và kích cầu cũng thất bại. Lạm phát trở lại gần mức 20% năm 2011. Bộ Chính Trị lại một lần nữa ra nghị quyết đặt ưu tiên hàng đầu kiềm chế lạm phát bằng Kết luận số 02-KL/TW ngày 16-3-2011.

Lạm phát trở lại vì các nhà làm chính sách vẫn chủ quan cố đạt tăng trưởng GDP với tốc độ cao bằng các chính sách sai lầm từ việc lấy quốc doanh chủ đạo đến việc phát hành tiền cấp tín dụng. Họ cứ tưởng in tiền (trung bình năm là gần 30%) để tăng tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp quốc doanh và tài trợ cho chi tiêu của chính phủ là giải quyết được vấn đề.

Thời kỳ 2006-2014, GDP giảm hẳn xuống, đạt dưới mức trung bình 7% tính cho cả khoảng thời gian 1997-2014. Chính sách tiền tệ vẫn trồi trụt từ 2011 đến nay, lúc giảm tốc, tăng 12% (2011), lúc tăng tốc 24% (2012), sau đó lại xuống 4% (2013), và năm 2014 là 17%. Nói chung, không thể dùng chính sách in tiền để phát triển mà cần một chính sách tiền tệ ổn định, bảo đảm mức tăng phát hành tiền và tín dụng trong khoảng 10-15% một năm để ổn định tình hình.

Thực tế là các chính sách này đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng kéo dài đã tám năm từ năm 2006 đến nay. GDP không tăng nhanh lên mà thấp hẳn xuống, thậm chí thua khá xa hai nước chung quanh là Lào và Campuchia ở đáy của ASEAN, đặc biệt từ năm 2006 đến nay. Các nước ASEAN có thấp hơn cũng chỉ vì nền kinh tế họ đã phát triển ở mức cao hơn nhiều.

Bơm tiền quá đáng tất đưa đến lạm phát. Lạm phát cao đưa đến sự mất giá của đồng tiền, tỷ giá phải tăng để bù đắp sự mất cạnh tranh trên thị trường xuất nhập khẩu; điều này lại có khuynh hướng đưa đến lạm phát cao kéo dài. Do tỷ giá không được điều chỉnh đầy đủ theo sự mất giá của đồng bạc do lạm phát, nhập siêu trở nên nghiêm trọng từ năm 2006-2010.

Nếu tính từ năm 2006-2014, tổng nhập siêu là 35 tỉ đô la Mỹ, nó là một trong những yếu tố làm nợ nước ngoài tăng mạnh. Chỉ sau khi chính sách kích cầu bị loại bỏ năm 2011, cán cân thương mại với nước ngoài mới khá lên.


hinh-6


Từ bài học kinh tế đã qua nhìn về tương lai: Tám vấn đề cần được giải quyết

Như đã phân tích ở trên, chính sách phát triển lấy quốc doanh làm chủ đạo đã không mang lại những kết quả như mong muốn mà còn đưa đến nhiều hệ lụy khác về mặt kinh tế. Dưới đây chỉ nêu một vài hệ lụy chủ yếu.

Đầu tư quá sức để dành đưa đến tăng nợ nước ngoài

Nhìn chung, ta thấy dân chúng Việt Nam (VN) có tỷ lệ để dành khá cao so với nhiều nước khác (thường ở mức 30% GDP hay hơn), nhưng vẫn không đủ để đáp ứng với mức đầu tư quá đà cho tập đoàn để GDP tăng với tốc độ cao. Có năm như năm 2007 đầu tư lên tới 40% GDP. Đầu tư như thế tạo ra thất thoát, chỉ vỗ béo cho hệ thống tham nhũng, chứ không tăng được GDP tương ứng (coi 8).


hinh-7


Khi để dành không vượt đầu tư, nền kinh tế phải vay mượn nước ngoài: và đây là chuyện bình thường trong phát triển, nhưng rất tiếc tăng nợ đã không tương xứng với tăng phát triển, không tạo được sức đẩy năng suất, một phần vì quyết định chọn lựa dự án đầu tư sai lầm (Vinashin, Vinalines, bô xít, luyện thép, v.v.), một phần vì tham nhũng. Nợ nước ngoài tăng mạnh từ 18,6 tỉ đô la Mỹ năm 2006 lên 72 tỉ đô la năm 2014, tức là tăng 3,9 lần, trong khi đó GDP chỉ tăng 2,8 lần. Hay nói cách khác, chủ trương tăng trưởng quá sức bằng chính sách không phù hợp không những không đạt được mà còn đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Nhật và Nam Hàn thành công, đạt mức tăng GDP cao bởi vì họ dựa vào doanh nghiệp tư nhân và họ chỉ đạo khắt khe việc nhập công nghệ tiên tiến và có kế hoạch làm chủ chúng, chứ không chhỉ dựa và FDI và nhập máy móc lỗi thời để gia công như Việt Nam.

Và làm tăng nợ công và tổng nợ của toàn nền kinh tế tăng

Nợ công tăng mạnh là kết quả của chính sách quả đấm thép, lấy quốc doanh làm chủ đạo vì cần tiêu ngân sách và vay mượn trong và ngoài nước để tài trợ. Thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, hiện nay ở mức 4-5% GDP theo Ngân hàng châu Á (ADB) - nếu đo bằng dự toán thu chi (coi 4).

Tuy nhiên, nếu dựa vào thực chi – thực thu (chỉ có được sau 2-3 năm) thì con số thiếu hụt này lên tới ít nhất 6-6,5% GDP (dựa vào số liệu mà tôi đã kiểm tra, so sánh dự toán và kết toán thì thường kết toán cao hơn dự toán là 30-40%). Do ngân sách thiếu hụt lớn để tài trợ quả đấm thép mà nợ công ngày càng tăng cao.

Nợ công cuối năm 2014 bằng 90,8 tỉ đọ la Mỹ, khoảng 53% GDP trong đó 45 tỷ đô la là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu kể cả nợ của DNNN thì nợ công bằng 144 tỉ đô la, bằng 84% GDP. Nhìn vào tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp trong nước (coi 9) thấp hơn lãi suất tiền gửi trên 10% năm 2009 và 7,6% năm 2013, vốn thà bỏ vào ngân hàng còn lợi hơn đem đầu tư.

9. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của các loại doanh nghiệp (%)



2009

2013

DNNN

7.5

6.8

DNTN

5.9

2.4

FDI

17.5

14.7


Để đánh giá sức khoẻ nền kinh tế, cần biết thêm nợ của cả nền kinh tế, chứ không thể chỉ xem xét nợ công. Theo tôi tính và đã công bố trên TBKTSG, nợ của toàn bộ nền kinh tế, kể cả nợ công và tư, vào cuối năm 2014 bằng 303 tỉ đô la Mỹ, lên đến trên 164% GDP. Ở Việt Nam, tăng GDP chỉ khoảng 6-7% nhưng nợ tới 164% GDP mà lãi suất ở mức 6-7% cũng không đủ trả nợ. Thu nhập từ phát triển như thế chủ yếu rơi vào túi tầng lớp có vốn cho vay.

Khi nợ nhiều, lãi suất cao thì tất nhiên rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đắn đo trong việc đầu tư mới. Một số doanh nghiệp tư hoặc là công ty con của DNNN chạy theo vay vốn cũng đã rơi vào nợ nần cao.

Lạm phát cao và tư duy đầu cơ làm tăng nguy cơ nợ và nợ xấu

Lạm phát ở mức cao vài chục phần trăm thường đẩy nền kinh tế vào tình trạng đầu cơ về đất đai, chứng khoán, vàng và ngoại tệ. Người vay để trả nợ sẽ có lợi thế vì giá trị thật của món tiền vay giảm nếu giá cả và giá tài sản tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu giá tài sản xoay chiều, giảm thì lại mang đến nguy cơ phá sản vì không trả được nợ.

Ở đây chỉ nhắc qua là VN-Index tăng từ 304 đầu năm 2006 lên mức 1170 tháng 3-2007, sau đó tụt xuống 241 vào tháng 3-2009, và hiện nay 544 (tháng 2-2016). Điều này cho thấy tình hình đầu cơ vào những năm 2006-2007 và khủng hoảng sau đó. Tình trạng giá đất cũng tương tự, đưa đến tài sản không bán được, nợ và nợ xấu.

Vì nhiều cá nhân và doanh nghiệp nợ cao và không trả được, nợ xấu ngân hàng tất phải tăng cao, có lúc được các nhà phân tích nước ngoài ở Việt Nam cho rằng lên cao hơn 13%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tuyên bố nợ xấu ngân hàng đã giảm xuống dưới 3% (một ngưỡng mà các nhà kinh tế coi là ngân hàng có vấn đề khi đánh giá ngân hàng). Có hai lý do cho việc giảm này: báo cáo không đúng sự thật, hoặc nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mua với giá zero, tức là nhận về những khoản nợ xấu này (ít nhất trong khoảng 5 năm).

Chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo và xây dựng tập đoàn nhà nước làm quả đấm sắt đã đưa nền kinh tế đến tình trạng lụn bại trên. Chính sách này bị phê phán nên được hãm phanh một thời gian ngắn. Nhưng sau đó, với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ vào năm 2008, chính quyền Việt Nam lại nhân cơ hội, đưa ra chính sách kích cầu, vì cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam đình đốn là do khủng hoảng toàn cầu, mà không nhận chân là khủng hoảng trong nền kinh tế là do chính sách nội địa, xây dựng các tập đoàn quốc doanh và lấy chúng làm chủ đạo.

Nhìn về phía trước

Những bài học trên đòi hỏi chính phủ Việt Nam sắp tới phải xem xét áp dụng những vấn đề sau:

1. Đặt nhiệm vụ của chính quyền là tạo bình đẳng trong hoạt động kinh tế, giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân, tạo ổn định trên thị trường, nhất là giá cả, và đó phải là nhiệm vụ cơ bản của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Nếu lạm phát không thấp thì việc trả nợ sẽ rất khó khăn với tình hình nợ cao như hiện nay, nhưng đây không phải là lý do tạo lạm phát, đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn.

2. Khi Hiến pháp 2013 viết với điều 51 là “ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không có nghĩa là “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo”. Hoàn toàn có thể diễn giải “kinh tế nhà nước là chủ đạo” theo nghĩa vai trò điều chỉnh trong chinh sách tiền tệ, chi tiêu ngân sách và các chính sách kinh tế của nhà nước. Tôi nhớ được nghe tranh luận giữa hai phái canh tân và bảo thủ thời những năm 1990, chữ “kinh tế nhà nước trong điều 19 của Hiến pháp năm 1993 ” và lập lại trong Hiến pháp 2013 là sự thỏa hiệp của hai phái với mục đích để ngỏ giữa hai ý: vai trò can thiệp của nhà nước hoặc quốc doanh là chủ đạo.

3. Nếu muốn ổn định giá cả, cần xem xét lại ý nghĩa nghị quyết của Đại hội XII về việc cho phép thiếu hụt ngân sách khoảng 4% GDP. Tỷ lệ thiếu hụt ngân sách trên GDP này là vượt mức tập quán thế giới cho phép 3% nếu như không có khủng hoảng. Trước tình hình nợ công rất cao hiện nay, việc cho phép một tỷ lệ thiếu hụt như trên là khó chấp nhận.

Ngoài ra, cần biết rõ chỉ tiêu trên là dựa vào dự toán chứ không phải kết toán. Nếu là kết toán thì tỷ lệ có thể sẽ cao hơn 30-40% như thường xảy ra cho đến hiện nay, tức là ít nhất sẽ lên đến 5,2%. Bơm tiền để tài trợ chi tiêu cho nhà nước sẽ làm tăng lạm phát. Một trong những lý do mà Quốc hội không kiểm soát được ngân sách là việc tóm tổng hợp ngân sách trung ương và địa phương. Quốc hội có trách nhiệm thông qua và kiểm soát ngân sách trung ương và Hội đồng nhân dân các tỉnh và thành phố có trách nhiệm với ngân sách địa phương. Luật ngân sách cũng đã phân quyền các khoản tự thu, tự chi và các khoản phải thu, phải chi có phân chia giữa trung ương và địa phương (theo các tiêu chí kinh tế xã hội khách quan đã được định trước), cho nên việc áp dụng phân quyền triệt để là điều kiện để hạn chế biên chế nhà nước và chi ngân sách ngày càng phình ra không kiểm soát được.

Ít có nước nào có thu nhập thấp như Việt Nam lại chi ngân sách lên đến 27% GDP - số dự toán trung bình trong 9 năm qua - như Việt Nam (và con số thật có thể ít nhất 35% GDP).

4. Xem xét lại chính sách lấy DNNN làm chủ đạo, ít nhất là chấm dứt việc lập doanh nghiệp mới, cấm các DNNN tự quyết lập công ty con (quyết định lập doanh nghiệp mới hay công ty con phải do Quốc hội quyết định), chấm dứt ưu đãi về vay vốn cho DNNN.

5. Khuyến khích việc lập doanh nghiệp tư nhân (công ty đăng ký theo Luật Doanh nghiệp) là cơ sở cho phương pháp quản lý và công nghệ tiên tiến.

6. Chính sách của nhà nước là phải khuyến khích sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, đồng thời có thể hỗ trợ bằng cách xác định các công nghệ cơ bản mà các ngành sản xuất phải làm chủ được, thay đổi hệ thống giáo dục nghề để thực hiện được mục đích trên. Cũng cần đòi hỏi DNNN phải có biện pháp chuyển giao công nghệ khi làm ăn chung với nước ngoài. Cho đến nay có thể nói là VN không có chính sách về công nghệ (điều này khác hẳn việc có dự án đầu tư), thí dụ xây cầu là hoạt động của dự án xây dựng, nhưng nắm được toàn bộ kỹ thuật xây cầu tiên tiến là công nghệ. Nếu không nắm được công nghệ thì VN sẽ phải mãi mãi dựa vào thầu Trung Quốc.

7. Cổ phần hóa DNNN phải làm thận trọng, có đánh giá của chuyên gia độc lập (có thể có hai đánh giá: của chính phủ và của Quốc hội, dựa vào đánh gía sơ khởi của công ty); việc bán vốn nhà nước phải được quảng bá rộng rãi trên báo chí. Hướng chính là giảm tỷ trọng sở hữu của nhà nước trong doanh nghiệp về tài sản.

8. Sửa lại Luật các tổ chức tín dụng, xóa bỏ quyền một doanh nghiệp phi tài chính được sở hữu ngân hàng và công ty chứng khoán và ngược lại.


Vũ Quang Việt

2/16/2016

Bản tác giả gửi cho Diễn Đàn



Nguồn tài liệu:


1. ADB, Key Indicators for Asia and the Pacific 2015.

2. UN, National Accounts Main Aggregate Database.

3. Tổng cục Thống kê, Điều tra doanh nghiệp năm 2013. Số liệu của điều tra năm 2012 không thể kết hợp được với số liệu mới này vì cùng một năm 2012, số liệu ghi trong kết quả điều tra mới của tất cả loại doanh nghiệp điều chỉnh cao hơn từ 1 đến 5% nhưng số liệu về số doanh nghiệp, vốn, và doanh thu DNNN lại bị điều chỉnh thấp đi khoảng 2-5% nhưng lợi nhuận lại được điều chỉnh cao hơn gần 7%.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss