Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nhớ Quên trong tiễn biệt

Nhớ Quên trong tiễn biệt

- Hà Dương Dực — published 17/10/2013 18:36, cập nhật lần cuối 17/10/2013 18:36

Nhớ Quên trong tiễn biệt


Hà Dương Dực



Đọc tin Đại Tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhớ lại khi trận Điên Biên Phủ kết thúc thì tôi vừa 18 tuổi, lớn lên được đi học trong không khí tương đối an bình, thơ mộng của Hà Nội, và cũng còn trẻ, thơ ngây nên tôi không biết nhiều về sự kiện trọng đại đó trên phương diện chính trị hay ảnh hưởng tới quốc tế.

Nay đọc các bài báo trong nước và ở Âu Mỹ ca tụng Đại Tướng nên tôi cũng xin góp vài ý nghĩ nho nhỏ. So sánh, suy nghĩ về lịch sử của Việt nam từ ngày lập quốc qua quãng đời Đại Tướng tôi nhận thấy lịch sử VN quả thật quá nhiều gian nan, khổ cực. Nhưng Việt nam cũng có nhiều thời kỳ huy hoàng dân chúng sống trong hòa bình hạnh phúc, và đã có nhiều bài học quý giá cho hậu thế. Nhân dịp nầy chúng tôi xin nhắc lại bài học lịch sử của VN mà theo chúng tôi Đại Tướng đã rất nhuần nhuyễn, đã đứng trong đó như cây thông đứng giữa trời mà reo.

Nhưng ĐạiTướng có khi nào nghĩ và muốn làm cây thông không? Các con ông tên gì nhỉ? Trong văn hóa Việt Nam tên con biểu lộ lòng mong ước của bố mẹ và tên con ông là Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc... Ông mong muốn hòa bình và hạnh phúc cho con ông và cho mọi người.

Ông có thể không cần lo lắng và không cần phải bày tỏ như vậy nếu...

Nếu ông Hồ không nhìn thấy tài làm tướng và đức độ của ông Giáp thì ông Giáp đã không được chỉ huy và phát triển giải phóng quân từ 34 người thành quân đội chính quy thắng cả Pháp và Mỹ....

Nếu Tưởng Giới Thạch không phản bội, bán quyền lợi VN cho Pháp thì...

Nếu Mỹ đã ủng hộ ông Hồ, đồng ý cho 50 sinh viên VN đi sang Mỹ học từ năm 1944 thì...

Nếu Pháp đã đồng ý cho VN tự trị ở trong Liên Hiệp Pháp trong 5 năm kể từ 1945 thì....

Nếu tinh thần cốt lõi, nền tảng tâm linh căn bản của dân VN trong dòng lịch sử là tinh thần đại đồng mà trong đó Phật Giáo được đa số dân theo đã không bị thực dân Pháp phá hoại thì...

Nhưng lịch sử không có chữ nếu, lịch sử chỉ có sự thật tàn nhẫn đôi rất khi tình cờ.

Sự thật tàn nhẫn là muốn đuổi ngoại xâm, nhất là khi ngoại xâm có sức mạnh hơn hẳn chúng ta thì không thể không có đoàn kết và hy sinh. Đoàn kết và hy sinh trên hết đòi hỏi: Giới lãnh đạo phải có lý tưởng cao; phải phát huy được tinh thần yêu nước cao trong nhân dân; quân đội và dân chúng phải có kỷ luật cao. Ba yếu tố đó đã được thể hiện rõ ràng trong thời Trần với đức độ Thiền Tu của các vị vua, với hội nghị Diên Hồng, với hịch của Trần Hưng Đạo.

Ba yếu tố đó nghe thì giản dị nhưng thật ra không phải vậy, có thể cần cả một quyển sách dày để giải thích, riêng câu hỏi Lý tưởng cao là cái gì? đã rất khó trả lời; là theo chủ thuyết đại đồng cộng sản chăng? là theo lời dạy của một vị Chúa của một tôn giáo chăng? Hãy nhìn lại nước Nga và nước Tàu ngày nay, hãy nhìn lại Ai Cập hiện nay...

Việt Nam thời Trần là thời tam giáo hòa đồng gồm Phật , Khổng và Lão giáo. Các vị vua nhà Trần tu theo một hệ phái của Phật giáo gọi là Thiền Tu. Thiền tu không phải là cách tu kiểu lễ bái và cầu xin mà căn bản là tu thân... và cố gắng giúp đỡ người khác một cách vô vị lợi. Sống thanh đạm thì mới hiểu được dân và dân cũng hiểu và quý trọng mình. Lý tưởng cao không phải là đội những cái mũ cối vô tri vô giác. Lo cho dân như vua nhà Trần lo đắp đê ngăn nước để dân cày cấy, lo cho dân như vua Lê lo ban hành luật để bảo vệ người đàn bà; đó chính là lý tưởng cao.

Nếu lãnh đạo sống thanh đạm và thực hành lý tưởng lo cho dân thì quần chúng tin cậy. Sống theo lý tưởng đó thêm hai yếu tố bình đẳng và kỷ luật; đó là vũ khí tối thượng giữ nước mà nhà Trần truyền lại cho dân VN mà HCM và VNG đã học được, đã áp dụng đầy đủ.

Thời 1944-45 VN đã bị mọi thế lực quốc tế phá hoại chỉ còn duy nhất một lực lượng ủng hộ, đó lại là lực lượng đặt rất nặng vấn đề kỷ luật trong đảng. Đó là đảng CS, đảng CS lại đưa ra một lý tưởng rất cao đẹp (thời đó) và một nghệ thuật tuyên truyền rất hữu hiệu.

Vì Độc Lập dân tộc Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã phải chọn con đường đó. Mặc dầu sau đó liên quan giữa HCM, đảng CS VN và Trung Hoa còn có nhiều khúc mắc, nghi vấn của lịch sử.

Riêng về Đại Tướng ta thử xét theo bài học của nhà Trần.

Dòng người đến viếng thăm Đại Tướng đã rất hùng hồn nói lên tấm lòng người dân. Người dân đã thấy rằng Đại Tướng, ngoài thiên tài quân sự, là người có lý tưởng cao, có tinh thần yêu nước cao và có kỷ luật cao, theo đúng như bài học các vua Trần để lại, không thể dị nghị.

Trong tinh thần đó Đại Tướng và quân nhân dưới quyền coi việc hy sinh cho Độc Lập của quốc gia là một vinh dự. Đó chính là điều mà các bình luận gia thế giới không thể hiểu, không hiểu nên họ nghĩ rằng Đại Tướng vô cảm khi trả lời là không có gì hối tiếc về việc nhiều quân lính đã hy sinh cho đại nghĩa giành Độc Lập. Không hiểu và thiên vị nên họ nói rằng Đại Tướng làm chết nhiều quân. Các ông có vũ khí tối tân cộng thêm các chất hóa học độc hại trong khi chúng tôi chỉ vay mượn được một ít vũ khí cần thiết để chống lại mà các ông nói rằng chúng tôi chết nhiều quá. Nói lấy được, không hiểu nổi hai chữ Hy Sinh mà vua Trần để lại.

Hay kiểu thấy sang bắt quàng làm họ / hay vu khống rằng Đại Tướng là Cộng Sản. Đại Tướng có bao giờ phân chia giai cấp trong quân đội do người chỉ huy không nhỉ? Nói như vậy là không hiểu nổi hai chữ Đoàn Kết các vua Trần để lại mà Đại Tướng đã áp dụng trong tranh đấu giành Độc lập.

Để cho rõ hơn chúng ta có thể viết theo công thức thời thượng:

Lý tưởng cao + tinh thần yêu nước cao + tinh thần kỷ luật cao = Đoàn kết và Hy sinh.

Đoàn kết và Hy sinh = Lý tưởng cao + tinh thần yêu nước cao + tinh thân kỷ luật cao

Công thức đó viết xuôi hay viết đảo lại đều có ý nghĩa và cũng rất uyên thâm nhưng lại giản dị.

Người đọc muốn biết Đại Tướng đã hành xử như thế nào trong thời bình thì xin đọc bài của Huy Đức nói về Đại Tướng trong sách Bên Thắng cuộc và bài: Một vài suy nghĩ về "Hiện Tượng"những ngày quốc táng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp của Bùi Minh Quốc đăng trên Viet-Studies 15 tháng 10/2013.

Hai bài đó nói nhiều tới cái thường được gọi là bi kịch trong thời bình của Đại Tướng nhưng tôi nghĩ để cho chính danh thì ta phải gọi đó là bi kịch của VN trong thời đảng CS cai trị từ 1956 tới 2013 mà Đại Tướng cùng dân chúng đã phải chịu đựng. Như thế mới giải thích đầy đủ hơn về đám tang Đại Tướng. (Theo tôi nghĩ trong thời gian đó còn có nhiều bi kịch chưa được mang ra ánh sáng.)

Riêng tôi khi nhớ tới Đại Tướng thì tôi nhớ tới Việt Nam Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc và mong bốn chữ sau mau được thể hiện mạnh mẽ, toàn bộ. Mong Hòa Bình, Hạnh Phúc như Đại Tướng mong.

Và quên đi thứ lý tưởng ảo vọng, thứ kỷ luật giai cấp vô nhân của đảng CS, thứ người hèn mọn ghen tỵ được nuôi dưỡng trong sinh hoạt bí mật của đảng CS...

Với tôi Đại Tướng là Cây Thông Đứng Giữa Trời.

Kinh Cẩn Tiễn Biệt Đại Tướng.

Hà Dương Dực


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss