Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Những cái lý để từ chức

Những cái lý để từ chức

- Nguyễn Hữu Vinh — published 11/10/2007 10:11, cập nhật lần cuối 11/10/2007 10:11
Ông bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải không cần băn khoăn gì nữa.


Thảm hoạ sập cầu Cần Thơ

 

Những cái lý để từ chức

 

Nguyễn Hữu Vinh

 

Trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ nỗi đau nào của con người cũng rất cần được một sự xoa dịu an ủi nào đó. Có nhiều đối tượng cần có cử chỉ xoa dịu với những người có nỗi đau, nhưng tựu chung chỉ có hai loại : người trợ giúp và kẻ phải đền bù. "Trợ giúp" là từ phía những người vô can, tức là không mắc lỗi đối với nỗi đau đó. Còn "đền bù" là từ những kẻ liên can, mắc lỗi ít nhiều gây ra nỗi đau. Về hình thức, cũng có nhiều cách để trợ giúp và đền bù, nhưng chỉ dưới hai dạng : vật chấttinh thần. Trợ giúp hay đền bù về vật chất đều không khác nhau bao nhiêu (cả hình thức lẫn mức độ nhiều ít) gồm sức lực, tiền bạc, của cải, hay một phần cơ thể như hiến máu, tủy, nội tạng. Còn về tinh thần thì trợ giúp và đền bù lại khác hẳn nhau (cả hình thức lẫn mức độ). Trợ giúp là bằng tiếng nói, lời ca, vần thơ, câu chuyện ... tường thuật, phân tích, an ủi, ca ngợi, động viên, và bằng hành động làm chứng trước công luận, tòa án. Còn đền bù là bằng lời nói hối lỗi, tự xỉ vả và hành động nhận lỗi từ xin chịu hình phạt bằng thôi công việc, từ chức, chịu kỷ luật, bị trục xuất, nhận tội rồi đi tù, cho tới tự tử, hoặc chuộc lỗi là làm việc gì đó để hạn chế, bù đắp tổn thất. Một khi không tự giác đền bù thì sẽ không tránh khỏi búa rìu dư luận, cao hơn sẽ có biện pháp tổ chức, xử lý hành chính, hình sự, đây cũng chính là điểm khác nhau căn bản nữa giữa "trợ giúp" và "đền bù"  đó là ý thức tự giác.

Mỗi loại, mỗi dạng xoa dịu đều có những giá trị, ý nghĩa khác nhau.

Từ đó, ta thử nhìn lại thảm hoạ sập cầu Cần Thơ (xem VietNamNet ngày 26/9/07) vừa qua, gây nên nỗi đau ghê gớm không chỉ cho những gia đình có người thân bị nạn, mà cho tất cả những người dân Việt  trong, ngoài nước, cho cả ít nhất là những người không phải dân Việt nhưng có liên quan ít nhiều, như đang sống, làm việc ở Việt Nam, yêu quý người dân Việt Nam v.v.. Hai dạng xoa dịu  vật chất, tinh thần  chúng ta đều đã rõ trong mấy ngày qua, nhiều tỉ đồng, bao nhiêu thời gian, công sức và máu, những bài báo, thư điện, đoàn lãnh đạo, quần chúng thăm hỏi. Trong hai dạng đó có đủ hai loại  trợ giúp và đền bù ? Quả tình chúng ta mới chỉ thấy những người trợ giúp, là tất cả những con người, cơ quan, tổ chức "vô can" trong vụ này. Còn loại xoa dịu bằng đền bù từ những người "liên can" thì sao ? Đó chính là điều đáng bàn ở đây.

Lần đầu tiên sau 3 ngày cầu sập, ngày 29-9-2007 đã có cuộc họp báo (Tuổi Trẻ 30/9/07) của chủ đầu tư  Bộ Giao Thông Vận tải và nhà thầu chính  liên danh TKN. Đây thực chất là những bên "liên can" cần phải có những cử chỉ đền bù để xoa dịu nỗi đau cho cả trăm triệu con người. Và họ đã làm gì ? Chủ tịch tập đoàn Taisei và những người đại diện cho các nhà thầu Nhật Bản đã gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân Việt Nam và hứa "chăm sóc tốt gia đình những người bị nạn và những người bị thương". Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cũng gửi lời "xin lỗi tới toàn thể nhân dân, người bị nạn và gia đình". Đó là một phần của sự đền bù bằng tinh thần. Còn cao hơn, như nói ở trên, bằng xin thôi công việc, từ chức, đi tù... thì chưa có. Bộ trưởng Dũng khi được hỏi về trách nhiệm thì ông nói "nhà thầu chính sẽ chịu trách nhiệm chính, chủ đầu tư là Bộ GTVT cũng có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước"; thậm chí ông còn phủ nhận là ngày 27-9 ông đã nói "trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư dự án". Về khả năng xin từ chức, ông bảo "phải đợi đến sau khi điều tra, xác định nguyên nhân từ đâu và trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu, từ đó chiếu theo quy định của pháp luật tôi sẽ xem xét đến việc có từ chức hay không".

Đến đây nổi lên một điều quan trọng là trong hai đối tượng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ sập cầu này, một  nhà thầu Nhật Bản  gần như sẽ phải chờ tới phán quyết của cơ quan pháp luật, còn một  chủ đầu tư, Bộ GTVT  lại không hẳn phải như vậy. Ông bộ trưởng Dũng nói việc ông có xem xét tới chuyện từ chức hay không còn phải chờ kết quả điều tra, nhưng ông lại quên chính điều ông nói ngay trước đó là Bộ GTVT của ông "cũng có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước". Mặc dù ông đã cố làm nhẹ vấn đề bằng những từ ngữ dễ gây cho người đọc phẫn nộ về thái độ lẩn tránh trách nhiệm, nhưng ít ra cũng gợi nên cho bất cứ ai am hiểu có thể nhận ra rằng việc đi tù thì phải đợi tới kết quả điều tra, nhưng việc làm kiểm điểm, xin từ chức, chịu kỷ luật đảng v.v.. thì lại không cần phải đến vậy, đó chính là cái trách nhiệm về quản lý nhà nước mà ông nói. Cũng như trong câu hỏi của nhà báo, rằng ở các nước khác, khi xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy, bộ trưởng thường từ chức, họ đâu có phải như ông  đòi đợi có kết quả điều tra ? Ông cũng như họ, đều có cái trách nhiệm về quản lý nhà nước, một khi xảy ra sự cố nghiêm trọng thuộc phần hành mình quản lý, lẽ đương nhiên mình phải chịu trách nhiệm tức thì.

Có điều, ở đây ta cũng thử đi tìm sự cảm thông nhất định với ông Dũng, đó là từ việc cất nhắc cho tới từ chức của ông còn phụ thuộc vào "tổ chức", vào sự sắp xếp của đảng, ông không dễ "tự ý" mà xin được. Vậy thì ông có thể "xin" được tự kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật nào đó trong trách nhiệm người cán bộ, đảng viên hay không ? Ông có rất nhiều "vũ khí" cho mình, ví như tinh thần "phê, tự phê" của người đảng viên chẳng hạn. Nhất là nếu như ông còn là bí thư hay phó bí thư Đảng đoàn, Ban cán sự cơ quan Bộ nữa.

Một lần nữa cảm thông với ông Dũng khi ông nói cần "chiếu theo quy định của pháp luật" để xét việc ông có xin từ chức hay không, ta thử lần tìm tới văn bản pháp luật liên quan. Đó là Pháp lệnh công chức 1998 (được sửa đổi năm 2000 và 2003, xem ở đây), thì chỉ có 6 hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc - Điều 39) chứ hoàn toàn không có hình thức "xin từ chức". Điều này quá dễ hiểu vì đã là "xin" có nghĩa phải là "tự", là tự giác. Liệu ông bộ trưởng GTVT có biết điều này ? Hay "pháp luật" mà ông nói ở đây là Luật Xây dựng, Luật Hình sự ? Dĩ nhiên hai bộ luật này (cùng kết quả điều tra) chỉ xác định trách nhiệm cụ thể, thường là gián tiếp, của ông trong thảm hoạ sập cầu Cần Thơ chứ không quy định việc ông có phải tự "xem xét đến việc có từ chức hay không".

Thế nên thật rõ ràng rằng việc "xin từ chức" chính là một giải pháp nằm ngoài quy định của pháp luật, tuy nhiên, nó lại gắn liền, nằm ngay sau những quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, của công tác tổ chức cán bộ, thái độ gương mẫu của người lãnh đạo, của phẩm chất người đảng viên, và nằm trong cái đạo lý của một con người bình thường, cao hơn thì ở cái tiết tháo của một "nhà quan", khi đối mặt với những đau đớn tột cùng của muôn người, không thể không tự nhận cho mình một hình phạt để tựa như sự đền bù cho những tổn thất mà mình phải gánh phần trách nhiệm chính. Ông có thể tham gia hiến máu cho những người bị thương, có thể nghẹn ngào khi đọc lời tạ lỗi, nhưng với cương vị một bộ trưởng "liên can", từng đó thôi chưa đủ, chưa xứng, thậm chí dễ gây nghi ngại thành phản tác dụng cho đòi hỏi phải xoa dịu nỗi đau.

Có một cái lý đời thường nữa, là nếu người lãnh đạo thực sự nghiêm minh, có năng lực, ý thức trách nhiệm thì đương nhiên bộ máy của mình sẽ ít khả năng gây ra tổn thất lớn, còn một khi thực tế ngược lại (để xảy ra sự cố vừa qua) thì có nghĩa ông ta đã không đủ tiêu chuẩn cho vị trí của mình. Vẫn biết rằng ông rất dễ lại đổ cho "cơ chế", thế nhưng cái "tập quán" này cũng không thể để tiếp tục "sống" dai dẳng; đơn giản là cũng nhờ "cơ chế" nên mới có bao nhiêu cái ơn mưa móc, để những con người không đủ tiêu chuẩn vẫn được cất nhắc lên những vị trí trọng yếu, vậy thì khi gây ra tổn thất, không thể quay ra đổ tại cho nó được. Càng cần thiết phải nghiêm khắc hơn khi mà ngành GTVT đã có quá nhiều những bê bối lớn nhất trong lịch sử nước nhà, từ vụ lật tàu E1 cho tới vụ PMU18 nhưng không hề có sự nhận lãnh trách nhiệm thoả đáng của người lãnh đạo đầu ngành, chỉ thấy họ được "hạ cánh an toàn". Thêm nữa, tổn thất trong vụ sập cầu này cũng quá lớn về tiền của, nhân mạng, lòng tin vào chính quyền, lợi ích kinh tế của đất nước, đời sống dân sinh của hàng triệu bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long, ... đâu dễ tiếp tục lối tránh né đó mãi ?

Tới đây, liệu có cần thêm một câu hỏi rằng có phải đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn đang phát động, chắc phải bằng hành động chứ không phải lời nói suông (?), một đợt "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kéo dài trong nhiều năm ? Và đây rõ là một thử thách khốc liệt cho chính những người lãnh đạo lãnh trọng trách phải đi đầu, làm gương trước dân trong đợt học tập này.

Đó là những cái lý giúp cho ông bộ trưởng GTVT không phải băn khoăn nhiều đến việc xin từ chức.


Nguyễn Hữu Vinh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us