Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Những thách thức của nền kinh tế Việt Nam

Những thách thức của nền kinh tế Việt Nam

- Phạm Nam Kim — published 12/04/2017 22:45, cập nhật lần cuối 10/04/2017 23:13

Những thách thức của nền kinh tế Việt Nam


Phạm Nam Kim


Xuân thường mang đến những tin vui, những niềm hy vọng mới, nhưng xuân năm nay chỉ mang đến những nỗi lo lắng cho nền kinh tế Việt Nam. Thật vậy, nền kinh tế hiện đang gánh chịu hậu quả của 30 năm phát triển nhếch nhác qua cái gọi là ‘thời kỳ đổi mới’ và cái cơ chế ‘Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ mà không một đồng chí nào có thể định nghĩa, giải thích rõ ràng. Thêm vào đó, 2017 đánh dấu những thay đổi cực kỳ quan trọng của nền kinh tế thế giới. Do vậy Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn lao, nếu không vượt qua được e rằng không tránh được sự tụt hậu.


Mô hình phát triển kinh tế


Thách thức căn bản nhất của nền kinh tế Việt Nam là tìm cho mình một hướng đi, một mô hình phát triển kinh tế. Có thể nói từ Đại hội VI của đảng Cộng Sản, quyết định đổi mới nền kinh tế, ngoài những từ ngữ trống rỗng Việt Nam không áp dụng một mô hình nào ngoài bãi bỏ những ‘công thức’ xã hội chủ nghĩa, từ hồi 54, đã đưa đất nước đến sự cùng kiệt ở mức thực sự ‘vô sản’. Vì không có chính sách cụ thể, con người tất nhiên đi theo cái bản năng tự nhiên của mình và áp dụng một cách ngộ nghĩnh quy luật căn bản của kinh tế, luật "nỗ lực tối thiểu" (loi du moindre effort/ law of least effort). Cái lãnh vực ít tốn công sức nhất là đầu cơ, ngồi nhìn giá thị trường lên xuống mà ăn tiền thì còn gì nhàn bằng, sướng hơn nữa khi lại cấu kết với quyền lực, lấy quyền lục tạo giá thì chỉ còn 'ngồi mát ăn bát vàng'. Nếu cố gắng hơn tí nữa thì nhảy vào buôn nhà, buôn đất, vì với thể chế cộng sản đất là của toàn dân và Nhà nước đứng ra quản lý. Nhà nước có quyền lực định đoạt trên quyền sử dụng đất và theo đó tạo giá vì cơ chế độc quyền, cho nên, để làm ra tiền thì còn gì bằng đầu tư cấu kết với quyền lực Nhà nước. Do đó bất động sản là lãnh vực thu hút hết đầu tư quốc gia và tạo ra một nền kinh tế 'ảo' chưa từng thấy. Cái ‘thực’ nó ngay trước mắt chúng ta, các đại gia tỷ phú Việt, đa số đều là trên lãnh vực bất động sản, và sánh vai với các ‘quan lớn’ trong guồng máy Nhà nước. Những đại gia còn lại dù có danh nghĩa là làm công nghiệp, làm dịch vụ nhưng chính thức những năm vừa qua chỉ sống nhờ đầu tư ngoài ngành trên bất động sản.

Rồi thời kỳ hội nhập bắt đầu, Việt Nam mở rộng cửa ra toàn thế giới. Với sự gia nhập tổ chức WTO, vốn đầu tư FDI đổ vào Việt Nam, vì nhân công rẻ và cũng vì luật bảo vệ môi trường gần như không có và nếu có cũng có thể bôi trơn, bịt mắt các quan chức. Giới đầu tư trong nước liền hưởng ứng tích cực, nhưng thay vì tham gia vào nỗ lực công nghiệp hoá, sản xuất phụ liệu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ thì họ lợi dụng cơ hội đổ tiền vào bất động sản, xây dựng khu công nghiệp và biến đất nông nghiệp thành khu đô thị mọc chung quanh khu công nghiệp. Mặt khác, đầu tư cũng lợi dụng sự cấu kết với quyền lực để hưởng đặc quyền khai thác tài nguyên quốc gia có thể nói rất bừa bãi và kém hiệu quả.

Kết quả là mô hình phát triển của Việt Nam, một cách rất tự nhiên, hướng về hai lãnh vực : gia công giá rẻ và khai thác tài nguyên - thực sự thì khai thác tài nguyên, từ than, bô xít, ti tan, vonfram, gỗ quý, chưa bao giờ thành công và phá hủy trầm trọng môi trường. Hướng thứ ba và cũng là hướng chính là bất động sản vì tất cả nguồn lực quốc gia đổ dồn vào đầu cơ bất động sản, không một tia hy vọng từ công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo chủ trương của nhà cầm quyền. Có thể nói, hiện tại ở Việt Nam, công nghiệp là của nước ngoài còn Bất động sản là thuộc trong nước.

Với mô hình trên, nỗi lo thường trực cho giới đầu tư trong nước là bao giờ bong bóng bất động sản xì, nếu nó xì thì tiền ảo bay hơi tức thì, nhưng nguy hơn là hệ thống tài chính ngân hàng sẽ tiêu tan, nợ xấu khổng lồ hiện có còn nằm đó, thêm vào khủng hoảng bất động sản thì làm sao chịu nổi.

Cái nguy lớn cho phát triển công nghiệp là sự bành trướng của phong trào bảo hộ ở những quốc gia phát triển sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mô hình gia công giá rẻ. Chỉ lấy trường hợp sắc thuế biên giới BAT (Border Adjustment Tax) của chính quyền Trump, khi được áp dụng Samsung, LG sẽ chuyển khâu sản xuất cho thị trường Mỹ ra khỏi Việt Nam, hệ quả sẽ ra sao? Nếu sắc luật BAT này đưa đến cuộc chiến thương mại thế giới thì mô hình gia công giá rẻ sẽ còn bị rung chuyển mạnh hơn.

Nhưng có lẽ Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ hoàn toàn chôn vùi mô hình gia công rẻ tiền. Thật vậy, khi đội ngũ rô bôt chiếm lãnh công xưởng thì mức lương công nhân không còn là trọng tâm của doanh nghiệp công nghệ. Và rô bốt hoá công xưởng không còn là chuyện khoa học viễn tưởng, khi giá con rô bốt chỉ còn 20000 USD trong khi lương bình quân của một công nhân ở Châu Á Thái Bình Dương là 5300 USD / năm. Tại Mỹ, 60.000 công ăn việc làm đã bị thay thế bằng rô bốt. Trung Quốc, nay không còn được coi là nước lao động rẻ, để duy trì hệ thống cơ xưởng, những năm vừa qua Trung Quốc đầu tư 3 tỷ USD để rô bốt hoá cơ xưởng, Foxconn là cty sản xuất phụ liệu cho điện thoại di động, trong đó có cty Apple, đã rô bốt hoá một phần không nhỏ chuỗi lắp ráp.

Tạp chí Business Insider còn tiên đoán cơ xưởng sẽ rời bỏ nhũng quốc gia nhân công rẻ và trở về hoạt đọng ở thị trường tiêu thụ tránh những sắc thuế bảo hộ, nhưng cũng không vì vậy tạo công ăn việc làm ở những nước này.

Đó là thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, kiếm ra mô hình phát triển có thể thay thế mô hình gia công hiện tại và tạo ra công ăn việc làm tương xứng.


Tạo công ăn việc làm cho người dân


Tạo công ăn việc làm và nói rộng hơn, vấn đề nguồn nhân lực là thách thức không kém quan trọng cho nền kinh tế. Theo dự báo của LHQ, đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ đạt 150 triệu người, có nghĩa là mỗi năm, chỉ riêng cho giới trẻ đi vào thị trường lao động ta phải tạo ra hơn một triệu công ăn việc làm. Thêm vào đó chương trình cơ khí hoá, hiện đại hoá nông nghiệp của chính quyền hiện tại có hậu quả tốt cho năng suất nông nghiệp, nhưng ngược lại, như tất cả các quốc gia đã trải qua giai đoạn này, nông nghiệp sẽ thải ra hàng triệu người lao động. Hiện tại tỷ lệ nông dân là 70% lao động toàn quốc, như ở các quốc gia khác khi áp dụng những cải cách nông nghiệp nói trên, tỷ lệ này sẽ chỉ còn 7%, người nông dân mất việc sẽ làm gì? Nhà nước Việt Nam đã nghĩ đến vấn đề đó chưa? Thêm vào đó, như phân tích ở phần trên, cách mạng công nghiệp 4.0 cộng với chính sách bảo hộ của một số quốc gia sẽ dịch chuyển cơ xưởng lắp ráp hiện có đi nơi khác, người lao động mất việc sẽ làm gì? Mặt khác, nền giáo dục hiện tại không đào tạo sự ứng dụng cụ thể cho nền kinh tế và Cộng đồng kinh tế Asean sẽ mở rộng cửa thị trường lao động cho cả khối và những gì ta thấy bên trời Âu với hiệp ước Schengen sẽ xảy ra ở Việt Nam, doanh nghiệp trên đất Việt sẽ không ngần ngại tuyển dụng người lao động có khả năng nhất, bất cần ở nước nào tới, lao động Việt Nam thiếu khả năng sẽ mất việc, làm sao bù lấp cái lỗ hổng công ăn việc làm này được?

Do vậy vấn đề công ăn việc làm là một thách thức căn bản cho nền kinh tế quốc gia. Chỉ ngạc nhiên là vấn đề này không được chính quyền Hà Nội đề cập đến trong khi ngay các quốc gia "tư bản đang giãy chết" đều đặt mục tiêu tạo công ăn việc làm người dân lên trên hết. Bộ Thương binh lao động chỉ có một chủ trương, xuất khẩu lao động, xúi người lao động ra nước ngoài làm osin. Phải chăng “định hướng xã hội chủ nghĩa" là thế đó.


Ngân sách và nợ công


Nhưng thách thức rất nghiêm trọng và làm tê liệt tất cả những hoài bão vẫn là vấn đề tiền. Thật vậy tiêu quá mức, là một thói quen của nhà nước Việt Nam và bội chi ngân sách đã tăng gấp 8 lần từ 2003 tới 2016, đạt mức 11 tỷ USD. Đó là kết quả của sự gia tăng rất mạnh bên chi, trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ lệ 70% tổng chi. Nguyên do của sự tăng trưởng là Nhà Nước cần nuôi một đội ngũ cán bộ, công chức cực mạnh để cai trị, giám sát người dân và để giám sát lẫn nhau từ Trung ương cho đến địa phương. Ở mọi tổ chức, mọi cấp bậc đều có sự chồng chéo giữa bộ phận của nhà Nước, thi hành công tác, bộ phận của Đảng giám sát công việc của bộ phận nhà Nước và bộ phận của Mặt trận Tổ Quốc giám sát tinh thần hai bộ phận kia. Đó là chưa kể sự chồng chéo giữa Trung Ương và Địa Phương và ở mọi cấp bậc đều có cán bộ thực thụ với một rừng ‘phó’ và một rừng ‘phụ tá’, sắp xếp theo khối, vụ, cục, phòng, ban, v.v… Nói là giám sát lẫn nhau nhưng thực sự thì chỉ là kéo thêm bè phái để chia chắc tiền bôi trơn của người dân.
Muốn kềm chế ngân sách thì Nhà Nước đề xuất phải ‘tinh giản biên chế’ nói nôm na là phải đuổi người. Nhưng đuổi ai? Báo CafeF mới trả lời có câu hỏi này và đăng tin, phải chi 41 tỷ VND để tinh giản 370 trường hợp, và nhưng người bị đuổi sẽ sống bắng gì? Câu hỏi này Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa không đề cập đến. Nhà Nước cũng đừng quên là ngân sách có bên chi nhưng cũng có bên thu và khi từ đầu năm đến nay có 16.400 doanh nghiệp phá sản, ai sẽ nộp thuế cho các vị đây!

Mới gần đây, Bộ Trưởng Kế hoạch và đầu tư tuyên bố muốn tái cơ cấu nền kinh tế phải cần 480 tỷ USD, lấy tiền ở đâu bây giờ? Ngạc nhiên là khi đưa ra đề án tái cơ cấu không ai nghĩ ra vấn đề tài trợ.

Khi hết tiền thì phải đi vay thôi, và nợ công không ngừng tăng mạnh, cách đây vài năm Chính Phủ cam kết trước Quốc hội sẽ không vượt trần 55% GDP, 2015 mức trần được nhích lên 59% để rồi hiện nay Thủ tướng tuyên bố đã vượt mức nguy hiểm 65%. Nực cười là mức nguy hiểm này là do Liên Hiệp Quốc đặt ra và tổ chức này định nghĩa nợ công là nợ của chình phủ và nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Việt Nam ta lấy cái mức này làm tiêu chí nhưng lại gạt nợ DNNN ra khỏi cách tính. Điều này rất phi lý vì trên phương diện pháp lý những doanh nghiệp này thuộc chính phủ vậy Chính phủ phải chịu trách nhiệm những khoản nợ của họ, trên phương diện thực tế, nếu Chính phù không trả nợ và dù có thắng kiện trên tòa án Quốc Tế, thì thị trường tài chính cũng phản ứng rất mạnh để thu hồi ‘nợ xấu’ và không cấp vốn cho chính phủ này nữa. Nếu ta lấy cả nợ doanh nghiệp, theo đúng định nghĩa của LHQ thì nợ công của Việt nam ở mức 431 tỷ USD, bằng 210% GDP, tức là gấp 3 mức hiểm nghèo, so sánh thế giới chỉ thua Nhật (243% GDP) và hơn cả Hy Lạp (178% GDP).
Tất nhiên nợ công chỉ nguy hiểm khi Quốc gia này mất khả năng chi trả cũng như mất uy tín để đáo nợ, nhưng liệu Việt Nam có được cái khả năng này không, khi nền kinh tế thực vẫn trong khủng hoảng, khi nợ công đạt mức kỷ lục, khi bội chi vẫn trên đà tăng mạnh và khi thị trường tài chính đang biến động mạnh. Gỡ được bài toán này là một thách thức không nhỏ khi tất cả các phương án để vực dậy nền kinh tế đều tùy thuộc và nguồn vốn phải có.


Độc lập và tự chủ


Thách thức, sống còn cho đất nước Việt Nam là làm sao bảo tồn sự độc lập và tự chủ của nền kinh tế. Mọi người đều nhận thức là chiến lược căn bản để thôn tính các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương của Trung Quốc là đặt 'con ngựa thành Troie' tại chính những quốc gia này, con ngựa này có tên là kinh tế, là tài chính. Khi Trung Quốc đã lệ thuộc được nền kinh tế, kiếm soát hầu bao tài chính thì còn đâu là chủ quyền kinh tế, chủ quyền chính trị. Với Việt Nam, chiến lược của Đế chế Bắc Kinh đã gần thành công khi trong năm 2016, về thuần thương mại, theo thống kê Việt Nam, 30% kim ngạch xuất nhập khẩu là với Trung Quốc, nếu dựa trên thống kê Trung Quốc thì chỉ số này sẽ lên đến 45% và nếu ta tính cả thị trường đen của mấy anh thương lái, xuất nhập lậu thì chỉ số này có thể lên quá nửa, khi đầu tư FDI từ Trung quốc rót 10,5 tỷ USD vào VN trong năm 2016, khi các dự án sau đấu thầu, đều giao cho Trung Quốc (ngoại trừ những dự án được tài trợ bởi vốn ODA của các quốc gia hay tổ chức quốc tế khác). Gần đây Trung Quốc đi thêm một lá bài trên lãnh vực tài chính khi tổ chức AIIB của họ đề nghị tài trợ không thế chấp những dự án hạ tầng.

Những tưởng với hiệp ước TPP, ta đã thoát được cái ách Trung Quốc, nhưng khi tổng thống Trump lên ngai, mộng này tan biến và hình bóng ông láng giềng 4 tốt, 16 chữ vàng lại trở lại với viễn tượng muốn “định mệnh tương quan”, gắn buộc chung định mệnh với hiệp ước RECEP hay TPP-1 (nhưng +TQ). Con đường thứ ba, là hiệp định EVFTA đã ký kết với EU, hiện tại cũng đang bế tắc, vì Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, các quốc hội trong khối EU sẽ khó phê duyệt hiệp định và cũng vì tương lai của khối EU hiện cũng đang mù mịt từ khi Vương quốc Anh quyết định rời bỏ khối này.

Với cái ý tưởng, “khi Mỹ bỏ ta thì ta ngả theo Tàu” thì nền kinh tế và cả đất nước này sẽ trực thuộc vào Trung Quốc. Gìn giữ đất nước không phải chỉ là bảo đảm vẹn toàn lãnh thổ mà còn đòi hỏi gìn giữ chủ quyền quốc gia và đi đầu là quyền định đoạt về kinh tế, đó là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trên một thế giới đang biến đổi từng ngày, từng giờ và những luật chơi cũ được vứt vào quên lãng.


Phạm Nam Kim

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss