Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nói “vâng” hay nói “không” ?

Nói “vâng” hay nói “không” ?

- lam trà — published 09/09/2006 15:09, cập nhật lần cuối 13/03/2007 23:02
Chúng tôi xin đăng bài sau đây nhận được từ tác giả lam trà ở Việt Nam gửi sang, gồm những ý kiến của một số nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình nói về việc nhà thơ Ly Hoàng Ly từ chối nhận "tặng thưởng" (sic) của Hội nhà văn VN. Để bạn đọc tiện tham khảo chúng tôi cũng cùng đăng nguyên văn bức thư của Ly Hoàng Ly, theo bản đã đọc được trên báo mạng "Thơ Trẻ".
     
       
quanh chuyện giải thưởng của Hội nhà văn VN

     

 Nói “vâng” hay nói “không” ?

     
lam trà

     
Giải thường thường niên của Hội nhà văn VN năm nay vừa được trao đã có nhiều ý kiến “trao đổi”. Một số tờ báo đã đăng bài của một số nhà văn, nhà phê bình nhận xét khá thẳng thắn về chất lượng giải năm nay và cách trao giải cũng như người được giải. Và vừa đây, nhà thơ Ly Hoàng Ly-người được nhận tặng thưởng thơ năm nay cho tập thơ “Lô Lô” đã viết thư gửi Hội nhà văn xin từ chối. Vậy là cùng với đợt xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, lần trao giải văn học này của Hội nhà văn cũng “có chuyện”. Chúng tôi đã trao đổi với một số nhà thơ, nhà văn và nhà phê bình văn học quanh chuyện giải thưởng này.Sau đây là ý kiến của họ.

     
-Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: Có một văn hoá cho tất cả mọi người, đó là “văn hoá từ chối”. Khi anh cảm thấy mình không xứng, hoặc không muốn nhận vì những lý do khác nhau, thì có quyền nói “không”. Ly Hoàng Ly có quyền từ chối nhận tặng thưởng của Hội nhà văn. Tôi được biết, ở Hội đồng thơ thì tập “Lô Lô” được bỏ phiếu cao hơn tập “Thương lượng với thời gian” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhưng ở Hội đồng chung khảo-trong đó có những người không chuyên về thơ-thì kết quả ngược lại. Nếu Hội đồng chung khảo có thể quyết mọi việc thì cần gì đến Hội đồng thơ nữa nhỉ ? Tôi biết Ly là người trầm tĩnh, không “chảnh” hay thích “gây chuyện”. Cô không nhận tặng thưởng cũng không vì “chê” giải này “nhỏ”.Nhưng cái cách xét giải và trao giải hình như có vấn đề.

-Nhà thơ Chim Trắng: Về giải thưởng cho “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, theo tôi, thì từ nhiều nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo Hội nhà văn, chưa hề nghe có tiêu chí xét cho giải “Hiện tượng văn học”. Hay vì tôi ở xa quá, thiếu thông tin ? Nếu vậy, thì “Thương lượng với thời gian” đoạt giải mang tên gì ? Còn chất lượng nghệ thuật và tư tưởng-tiêu chí lâu nay vẫn dùng để trao giải-ở “Cánh đồng bất tận” thì ra sao ? Nếu là “Hiện tượng văn học” thi cũng nên trao cho “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu nữa mới công bằng chứ! Còn chuyện Ly Hoàng Ly từ chối tặng thưởng thì tôi ủng hộ. Chính tôi ( cùng nhà thơ Thanh Thảo-ở phía Nam) đã nhất trí bỏ phiếu(ở Hội đồng thơ) cho tập “Lô Lô” nhận giải thưởng ( dù là bỏ phiếu qua…điện thoại, theo yêu cầu của lãnh đạo Hội nhà văn). Và hai chúng tôi cũng đã nhất trí không bỏ cho tập thơ của Hữu Thỉnh chỉ vì…thương bạn mình, không muốn anh Thỉnh phải khó xử, phải mang tiếng. Vì anh ấy đang là Chủ tịch Hội.

-Nhà thơ Thanh Thảo: Điều lo ngại của hai chúng tôi, tiếc thay, đã xảy ra.Tôi là người được giải thưởng thơ của Hội nhà văn VN trong lần trao đầu tiên, năm 1979. Nếu ở lần ấy, nhà thơ Xuân Diệu-Chủ tịch Hội đồng thơ-cũng hành xử như quí lãnh đạo Hội bây giờ, thì đến Huy Cận cũng không mong nhận được giải chứ nói gì đến tôi hồi ấy chỉ là một nhà thơ trẻ.Vậy mà Xuân Diệu đã bỏ lá phiếu quyết định cho một kết quả ngược lại. Chỉ vì chất lượng tập thơ, cũng là vì uy tín của giải thưởng, chứ không vì bất cứ lý do nào khác, kể cả mối thâm tình hơn anh em ruột của hai nhà thơ Huy-Xuân. Tôi nghĩ, chính sự công bằng, công tâm, vô tư trong xét giải góp phần rất lớn tạo nên uy tín và chất lượng của giải.

-Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Nếu nghĩ trước hết đến sự phát triển văn học thì nhà thơ-Chủ tịch Hữu Thỉnh phải biết tương quan của tập thơ mình và những tập thơ khác đã vào chung khảo. Nếu cũng nghĩ thế thì Hội đồng chung khảo phải biết tôn trọng sự đánh giá của Hội đồng thơ.Và nếu nghĩ đến sự phát triển văn học thì cách xét giải phải tường minh.Tôi xin khẳng định lần nữa: tôi đánh giá tập “Lô Lô” mới hơn,hay hơn tập “Thương lượng với thời gian”. Nhưng rất lâu trước khi giải được xét, hay tin tập thơ của Hữu Thỉnh dự giải, người ta đã đoán biết ông sẽ đoạt giải. Ông Phan Hồng Giang nói: “ Các tác phẩm thơ năm nay so với mặt bằng chung của thơ ca không có gì quá nổi trội, chẳng qua là một bước tiến so với chính bản thân tác giả.” Cứ vậy thì có thể suy ra: “Thương lượng với thời gian” là bước tiến của Hữu Thỉnh so với chính ông lại “tiến xa hơn” tập “Lô Lô” là bước tiến của Ly Hoàng Ly so với chính cô (?). Tôi để bạn đọc tự bình luận về logic xét giải này(ông Phan Hồng Giang là thành viên Hội đồng chung khảo).

-Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Theo tôi, không nên coi các giải thưởng văn học của Hội là “lộc”, là “miếng giữa làng”, vì nếu coi như thế thì phải chia đều “tám phương chín hướng”. Thay cách nghĩ và làm như trên là để trước hết tránh cho các “già làng” và “quan chức” trong Hội cái tiếng chẳng hay ho gì khi xét và nhận giải. Các cụ ta chả có câu: “Đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm” là gì! Đừng làm giảm “thương hiệu” của giải thưởng Hội nhà văn VN mà các bậc tiền bối đã công tâm nêu cao.

     

L.T ( thực hiện).

         

Nguyên văn bức thư từ chối tặng thưởng của Hội Nhà văn cho tập thơ Lô Lô của Ly Hoàng Ly

   

     
Nguồn : http://www.thotre.com/index.php?menu=detail&mid=40&nid=1125

     
Kính gửi: Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn VN

Những ngày vừa qua, qua thông báo chính thức đăng trên một số tờ báo trong nước, tôi được biết Hội Nhà văn VN quyết định “tặng thưởng” cho tập thơ Lô Lô (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản tháng 12-2005) của tôi. Một số đồng nghiệp và những người quen biết gọi điện chúc mừng tôi, nhưng cùng lúc tôi cũng được nghe những lời xì xầm về giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn VN.

Quả thật khi đó dù chưa hiểu thực hư thế nào, nhưng tôi có một cảm giác giải thưởng lần này có gì đó không ổn cho lắm, hơi gờn gợn. Vốn là người không bao giờ để cho những tin đồn (những gì không chính thức và bản thân không trực tiếp nhìn thấy) chi phối cuộc sống và cảm xúc của mình, nên dù có cảm giác hơi gờn gợn nhưng tôi cũng không thực sự cho đó là mối bận tâm...

“Và tôi vẫn giữ nguyên thái độ im lặng của mình như vậy, cho đến khi đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, ủy viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn VN, một trong những người trực tiếp chấm giải, trên tờ Thể thao & Văn hóa số 126 ngày thứ bảy 21-10-2006.

Sau khi đọc những phát biểu của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, tôi chính thức tuyên bố xin từ chối “tặng thưởng” mà Hội Nhà văn VN định trao cho tôi. Tôi cũng chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang đã có những câu trả lời thật cởi mở và thành thực về giải thưởng, giúp tôi có được cái nhìn trực tiếp rõ ràng về bản chất sự việc.

Qua sự bày tỏ của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, tôi không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà hội đồng đưa ra để bình bầu...

Nhận định tác phẩm của tôi hay, dở ra sao, khen chê thế nào là quyền của người đọc, tôi luôn ghi nhận và trân trọng. Tôi quan niệm: Mong muốn sáng tạo là vô hạn, giải thưởng có cao quý đến đâu cũng là hữu hạn. Kỳ vọng vào bất kỳ giải thưởng nào là tự giới hạn mình. Tuy vậy, tôi cũng luôn rất trân trọng và hạnh phúc khi nhận được một giải thưởng mà một tổ chức nào đó có nhã ý tặng cho tôi (dù là giải thưởng nhỏ, tổ chức nhỏ), nếu quả thực họ thấy vui thích khi trao giải cho tôi, nhiệt tâm chia sẻ với sáng tạo của tôi và bản thân họ cũng thấy mãn nguyện về giải thưởng mà họ trao (đó là điều tôi đã vinh hạnh được nhận ở Giải Bút Mới của Báo Tuổi Trẻ (giải khuyến khích năm 1995 & giải nhất năm 1996) và Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động (1999) cho tập thơ Cỏ trắng).

Cuối thư, tôi xin gửi tới quý hội đồng lời chào trân trọng.

Kính thư

TPHCM, ngày 22-10-2006

Ly Hoàng Ly

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss