Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nội các Nguyễn Tấn Dũng 2

Nội các Nguyễn Tấn Dũng 2

- Hoà Vân — published 03/08/2007 10:52, cập nhật lần cuối 03/08/2007 11:33
Một năm sau khi được cử làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội khoá XII tái cử trong phiên họp đầu tiên, và đã đưa ra một cơ cấu và danh sách chính phủ mới với khá nhiều thay đổi.

Nội các Nguyễn Tấn Dũng 2

     

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII đã dành nhiều thời gian, từ 23.7 đến 2.8.2007, cho việc cử lại nhân sự cao cấp của bộ máy nhà nước. Như dự trù, các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng đã « tái đắc cử » các chức vụ chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ, là những chức vụ họ đã bắt đầu đảm nhiệm từ một năm nay, sau đại hội X của đảng Cộng sản Việt Nam (nhưng trước khi Quốc hội khoá XI chấm dứt nhiệm kỳ). Trung tướng Trương Hoà Bình, thứ trưởng Bộ Công An được cử làm chánh án Toà án Nhân dân tối cao (thay ông Nguyễn Văn Hiện), ông Trần Quốc Vượng, phó viện trưởng thường trực Viện kiểm sát Nhân dân tối cao lên làm viện trưởng (thay ông Hà Mạnh Trí), và bà Nguyễn Thị Doan được cử làm phó chủ tịch Nước (thay bà Trương Mỹ Hoa).
   

Nhưng thông tin được dư luận trông chờ nhiều nhất là thành phần và cơ cấu chính phủ mới, cả hai đã được lãnh đạo ĐCSVN thông qua tại hội nghị trung ương 5 vừa bế mạc ngày 15.7, 4 ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội. Việc cải tổ cơ cấu chính phủ theo hướng giảm số bộ và các cơ quan ngang bộ, « một việc do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính ; khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp và tình trạng chia cắt » (tờ trình của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội ngày 30.7), thực ra đã được Đảng nhiều lần đưa ra nhưng vẫn vấp phải nhiều sức kháng cự trong nội bộ ban lãnh đạo cao cấp của Đảng (ngoài vị trí của mình trong chính phủ – đối với một vài người – họ còn phải « chăm lo » cho những cán bộ cấp dưới của mình). Việc ông Dũng muốn đưa hai bộ trưởng trẻ của mình lên làm phó thủ tướng (thay 2 trong 3 phó thủ tướng đương nhiệm, theo vài nguồn tin) chắc hẳn cũng không xuôi chèo mát mái (cả ba vị phó thủ tướng đương nhiệm đều là uỷ viên bộ chính trị), nhưng có lẽ với thoả hiệp « tăng số phó thủ tướng từ 3 lên 5 », ông đã đạt ý nguyện của mình ngay tại hội nghị trung ương 5, và đã có thể thoải mái trình bày đề án cải tổ này trước Quốc hội (và được các đại biểu tán thành với hơn 95 % số phiếu). Nhiều phương tiện truyền thông quốc tế (Reuters, AFP, BBC – bài phỏng vấn ông Carl Thayer) coi việc này như một thành công của tân thủ tướng, cho phép ông tiếp tục đẩy mạnh những cải cách đã bắt đầu từ một năm nay.
   

Các phó thủ tướng (PTT) mới gồm các ông : Nguyễn Sinh Hùng, PTT thường trực ; Trương Vĩnh Trọng, PTT kiêm phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ; Phạm Gia Khiêm, PTT kiêm bộ trưởng Bộ ngoại giao; Hoàng Trung Hải, PTT phụ trách khối kinh tế ngành; Nguyễn Thiện Nhân, PTT phụ trách khối văn hoá, xã hội. Ông Hoàng Trung Hải (48 tuổi) nguyên là bộ trưởng Bộ Công Nghiệp trong chính phủ trước. Ông Nguyễn Thiện Nhân (54 tuổi), được giới thiệu là sẽ kiêm nhiệm bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo (chức vụ của ông trong chính phủ trước) « trong một thời gian để chuẩn bị người kế tục ». Trước đó, có nguồn tin cho biết ông Nhân có thể làm PTT kiêm bộ trưởng Ngoại giao và ông Phan Thanh Bình, hiện là hiệu trưởng trường Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ ra thay ông Nhân.
   

Ngoài 5 vị phó thủ tướng, chính phủ khóa XII có 22 bộ và cơ quan ngang bộ, với các nhân sự như sau (theo thứ tự được công bố chính thức trên website chính phủ) :
   

Phùng Quang Thanh, Bộ Quốc phòng (1) ;

Lê Hồng Anh, Bộ Công an (1) ;

Phạm Gia Khiêm, Bộ Ngoại giao (1) ;

Trần Văn Tuấn,  Bộ Nội vụ (2) ;

Hà Hùng Cường,  Bộ Tư pháp (6) ;

Võ Hồng Phúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1) ;

Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính (1) ;

Vũ Huy Hoàng,  Bộ Công thương (6) ;

Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1) ;

Hồ Nghĩa Dũng, Bộ Giao thông Vận tải (1) ;

Nguyễn Hồng Quân, Bộ Xây dựng (1) ;

Phạm Khôi Nguyên,  Bộ Tài nguyên và Môi trường (trong đề cương ban đầu, bộ này có thêm cái đuôi « và Biển », nhưng thủ tướng đã « tiếp thu » ý kiến của Quốc hội, tuy vẫn giao chức năng quản lý nhà nước về biển cho bộ này) (2) ;

Lê Doãn Hợp,  Bộ Thông tin và Truyền thông (gồm phần « Thông tin » của bộ Văn hoá – Thông tin cũ, và bộ Bưu chính – Viễn thông) (3) ;

Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (4) ;

Hoàng Tuấn Anh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (5) ;

Hoàng Văn Phong, Bộ Khoa học và Công nghệ (1) ;

Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo (1) ;

Nguyễn Quốc Triệu, Bộ Y tế (6) ;

Giàng Seo Phử, chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc (6) ;

Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN (6) ;

Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ (1) ;

Nguyễn Xuân Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (2).


Ngoài ra, Hội đồng Quốc phòng và An ninh mới gồm các ông : Nguyễn Minh Triết, chủ tịch ; Nguyễn Tấn Dũng, phó chủ tịch ;  Nguyễn Phú Trọng, Phạm Gia Khiêm, Phùng Quang Thanh, Lê Hồng Anh, uỷ viên.


Trong tuyên bố nhậm chức sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua danh sách chính phủ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận « Thách thức lớn nhất đối với Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước là phải vượt lên chính mình; xây dựng cho được một Chính phủ và hệ thống các cơ quan hành chính thực sự là của dân, do dân, vì dân; trong sạch vững mạnh, có kỷ luật kỷ cương và hiệu lực hiệu quả cao, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thành công và hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ».

Để làm được điều này, thủ tướng xác định ông và Chính phủ sẽ tập trung sức đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức và của mỗi cá nhân.

Đối với vấn đề "nhạy cảm" là chỗ đứng của nhiều cán bộ cao cấp sau khi sáp nhập các bộ, thủ tướng cho biết, « ngay trong tháng tám Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chính sách tinh giản biên chế với những chính sách thỏa đáng cho các lãnh đạo thôi giữ chức và cán bộ dôi dư do sắp xếp lại bộ máy ».


Theo Tuổi Trẻ, chính phủ mới có sáu người là ủy viên Bộ Chính trị và tất cả 20 người còn lại đều là uỷ viên Trung ương Đảng, chín người không phải là đại biểu QH và chỉ duy nhất một thành viên nữ (ít hơn hai so với trước). Ông Hoàng Trung Hải tiếp tục là thành viên trẻ nhất (48 tuổi) trong Chính phủ và người nhiều tuổi nhất là ông Trương Vĩnh Trọng (65 tuổi).

Trong 26 thành viên Chính phủ, có 10 người là những « gương mặt mới », trong đó có 4 bí thư tỉnh uỷ, 4 thứ trưởng, 1 chủ tịch UBND TP (ông Nguyễn Quốc Triệu, Hà Nội).

Hoà Vân (tổng hợp)
     

Chú thích :

 

(1) Không thay đổi so với chính phủ trước.

(2) Thứ trưởng cùng bộ trong chính phủ trước.

(3) Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin trong chính phủ trước.

(4) Thứ trưởng bộ Thương mại trong chính phủ trước.

(5) Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch.

(6) "Mới".

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us