Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Ông Võ Văn Kiệt đã về đến nhà

Ông Võ Văn Kiệt đã về đến nhà

- HĐ, PQ — published 12/06/2008 00:36, cập nhật lần cuối 12/06/2008 11:25
bài viết của Huy Đức (TP HCM) và bình luận "Ý nghĩa của sự im lặng" của Phong Quang (Paris)


Ông Võ Văn Kiệt đã về đến nhà


Sài Gòn bỗng nhiên mưa, tầm tã. Chiếc máy bay Learjet-45 của hãng Thai Flying đáp xuống Tân Sơn Nhất lúc 11:40 ngày 11 tháng 6 năm 2008. Ông, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã trở về trên một chiếc băng ca nhỏ. Hai hôm trước, từ Singapore, một người đi cùng chăm sóc ông, gửi thư về, cho biết: “Chú bị tổn thương phổi khá nặng. May mà sang đây điều trị tích cực hơn nên tình hình không xấu thêm. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh thì vẫn chỉ dự đoán chứ chưa tìm ra. Để có thể có kết quả khả quan chắc phải chờ thêm thời gian. Điều đáng lo ngại là do tổn thương phổi quá nặng, nên những cơ quan khác như tim, thận đều bị ảnh hưởng, hiện vẫn thở máy và dùng máy lọc thận. Anh yên tâm, thời điểm đáng lo ngại nhất đã qua rồi”. Tôi đã cố yên tâm.

Hơn hai tuần trước, ngày 23-5-2008, ngay sau khi vừa từ Hà Nội trở về, ông cho gọi tôi đến. Chiều ấy cũng mưa tầm tã. Ông giữ tôi ngồi lại rất lâu, phần để chờ cơn mưa dứt, phần để ông có thêm thời gian trò chuyện. Biết bao dự định, biết bao tâm sự… Hôm ấy, sau hai ngày bị cảm, ông có vẻ mệt. Nhưng rất minh mẫn và giọng vẫn đầy nhiệt huyết. Hôm sau ông vào viện, ông hẹn sẽ trở về. Tôi không bao giờ nghĩ, ông sẽ trở về trên chiếc “chuyên cơ” cấp cứu ấy. Mưa dịu lại một chút, hình như trời cũng trầm xuống để các bác sỹ chuyển ông từ máy bay sang xe. Chưa bao giờ có một cuộc đón tiếp ông ở sân bay với đông các nhà lãnh đạo, bạn bè và người thân như vậy. Đứng sát bên tôi là hai người nấu bếp lâu nay của ông. Các chị sụt sịt, rồi nấc lên, khi thấy mái đầu bạc của ông dần hiện ra ở cửa máy bay. Ông đã về.


Huy Đức

NGUỒN : blog Osin


Ý nghĩa của sự im lặng


Tính đến giờ chúng tôi viết mấy dòng này, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần đã được 24 giờ. Nhưng các báo mạng Việt Nam, từ Nhân Dân đến VietnamExpress, vẫn giữ im lặng. Đúng hơn, một vài tờ báo mạng đã đưa tin, rồi bóc đi. Tờ báo duy nhất nói tới là VietNamNet, đăng lại một bài viết của Trần Thanh Minh nhân dịp sinh nhật lần thứ 85 của ông "Sáu Dân", với ba dòng giới thiệu : "Được tin buồn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 6h40 sáng 11/6/2008, VietNamNet xin trân trọng giới thiệu bài viết về ông đã được đăng tải nhân dịp sinh nhật 85 tuổi của nhà lãnh đạo kiệt xuất này." Nhưng mấy giờ sau, lời giới thiệu đã trở thành : "VietNamNet xin trân trọng giới thiệu bài viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được đăng tải nhân dịp sinh nhật 85 tuổi (23/11/1922 – 23/11/2007) của nhà lãnh đạo kiệt xuất này".

Chắc vài giờ (hay vài ngày) nữa, khi "cấp trên" soạn xong bản cáo phó, cân nhắc đong đếm "công tội", thì báo chí quốc nội sẽ được phép đưa tin, viết bài, trong khuôn khổ cho phép. Nhưng sự im lặng hơn 24g này là bằng chứng thê thảm về thực trạng báo chí Việt Nam và tâm địa cũng như bản lĩnh của nhà cầm quyền hiện nay.

Thật vậy, một chỉ thị mới đây của Ban bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, mang chữ kí của uỷ viên thường trực Trương Tấn Sang, quy định rõ : tổng biên tập và cơ quan chủ quản của mỗi tờ báo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những bài báo liên quan tới các đề tài "nhạy cảm". Đề tài nào là "nhạy cảm", khi đề tài "nhạy cảm" thì phải viết ra sao, cấm viết thế nào, từ nay không phải đợi đến ngày họp "giao ban" hàng tuần nữa, mà Ban tuyên giáo Trung ương sẽ trực tiếp điện thoại cho các tổng biên tập (nghĩa là người mà "ta cắm" vào mỗi tờ báo). Việc bỏ tù hai nhà báo mới đây chắng qua là lời nhắc khéo giới báo chí Việt Nam.

Có ngưới sẽ hỏi : vẫn biết ông Võ Văn Kiệt độ này góp nhiều ý kiến không "thuận tai" (Nhà Quốc hội, và gần đây nhất là xì-căng-đan mở rộng Hà Nội), nhưng cái chết của ông cũng là đề tài "nhạy cảm" nữa sao ? Hỏi tức là trả lời. Cùng thời điểm với bản chỉ thị nói trên, cũng ông Trương Tấn Sang được Bộ chính trị cử tới gặp cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt để "thưa với chú" rằng "Bộ chính trị rất coi trọng ý kiến của chú" nhưng "đề nghị" từ này "chú chỉ phát biểu ý kiến của cá nhân mình" chứ đừng "thu thập ý kiến của những người khác". Dám viết một lá thư như vậy và dám tới nói miệng như vậy, kể cũng sang thiệt. Những người có dịp gặp ông Võ Văn Kiệt ở Hà Nội hay ở Thành phố Hồ Chí Minh trong mấy tuần qua, trước khi ông được đưa qua cấp cứu ở Singapore, đều cho biết ông "Sáu Dân" bị sốc mạnh khi thấy nhà cầm quyền bất chấp dư luận, đã quyết định và ra lệnh cho đảng viên đại biểu quốc hội phải bỏ phiếu tán thành nghị quyết mở rộng Hà Nội. Không phải ông không biết rằng một quyết định như vậy tính bằng hàng tỉ đô la những vụ chia chác đất, và bán đất cho các công ti nước ngoài. Phải chăng ông vẫn hi vọng rằng "chúng" cũng biết "ngừng". Cũng dễ hiểu nếu ông bị "sốc" trước "việc đã rồi".

P.Q.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us