Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Phải chăng Thống kê Việt Nam đang bị phi chuyên môn hoá ?

Phải chăng Thống kê Việt Nam đang bị phi chuyên môn hoá ?

- Vũ Quang Việt — published 02/12/2007 01:44, cập nhật lần cuối 02/12/2007 01:44


Phải chăng Thống kê Việt Nam
đang bị phi chuyên môn hoá ?

Vũ Quang Việt


Đầu tiên là tin Thủ tướng ra chỉ thị : “ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương điều chỉnh phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của nước ta cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là về cơ cấu rổ hàng hoá ” (Xem: bản tin VietNamNet). Sau đó Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trấn Văn Tá họp báo tuyên bố chỉ số giá 11 tháng qua chỉ tăng 7,92 % chứ không phải 9,45 % theo Tổng cục Thống kê. Và ông Tá cho rằng chỉ số thấp vì ông làm theo phương pháp quốc tế. Ai mà không tự hỏi vậy có phải là Tổng cục Thống kê (TCTK) đã không thực hiện đúng chuyên môn và chuẩn quốc tế hay sao ?.


Vậy thì phương pháp tính mà TCTK áp dụng hiện nay như thế nào ? Có đáng tin cậy không ? Và nếu không đáng tin cậy thì phải dựa vào ý kiến đánh giá của các nhà thống kê chuyên ngành hay các nhà kinh tế chính trị ? Mỹ khi xem xét tính lại CPI khoảng gần 10 năm trước mà phải thiết lập một Hội đồng cố vấn chuyên môn do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội để xem xét. Đề nghị của Hội đồng, được tính thử, được phân tích đủ mặt và được phổ biến rộng rãi trước trong giới chuyên môn trước khi được chấp thuận. Vấn đề mà họ xem xét là tính các chỉ số ngành gộp trong CPI, chứ không phải là tính gộp các tháng để có chỉ số trung bình năm : một vấn đề không đáng bàn cãi.


Có thể nói là nếu ngành thống kê đã có điều tra thống kê bài bản theo đúng chuẩn mực khoa học về rổ hàng của năm gốc và giá của các mặt hàng từng tháng thì những chỉ số giá tính cho từng tháng theo năm gốc là đáng tin cậy. Vấn đề tính chỉ số bình quân năm sau khi có chỉ số dựa vào năm gốc rất đơn giản, không phải là vấn đề cần tranh luận. Bản tính dưới đây là tác giả tự tính dựa vào chỉ số giá dựa vào năm gốc 2000 của TCTK (trong tài liệu về phương pháp tính) và thay đổi giá hàng tháng từ đó đến nay. Các nước thường xuất bản các chỉ số này thành dòng lịch sử chuỗi số dài vài chục năm như bảng dưới để người nghiên cứu có thể dễ dàng tính lạm phát từng kỳ. Tổng cục Thống kê chưa có thói quen này, nhưng nên áp dụng để người nghiên cứu tự tính lấy tỷ lệ lạm phát.

Chỉ số giá từ năm 2000-2007 ở Việt Nam, lấy bình quân năm 2000 =100

 

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

Tháng 1

100.8

100.2

101.8

105.7

109.1

119.7

130.2

138.5

Tháng 2

102.4

100.6

104.0

108.0

112.4

122.6

132.9

141.6

Tháng 3

101.3

99.9

103.2

107.4

113.3

122.8

132.3

141.8

Tháng 4

100.6

99.4

103.2

107.4

113.8

123.5

132.5

142.5

Tháng 5

100.0

99.2

103.5

107.3

114.9

124.1

133.3

143.7

Tháng 6

99.5

99.2

103.6

107.0

115.8

124.6

133.9

144.9

Tháng 7

98.9

99.0

103.5

106.6

116.4

125.1

134.4

146.3

Tháng 8

99.0

99.0

103.6

106.5

117.1

125.6

134.9

147.1

Tháng 9

98.8

99.5

103.8

106.6

117.4

126.6

135.3

147.9

Tháng 10

98.9

99.5

104.1

106.4

117.4

127.1

135.6

149.0

Tháng 11

99.8

99.7

104.4

107.1

117.6

127.6

136.4

150.8

Tháng 12

99.9

100.7

104.8

107.9

118.4

128.7

137.1

 

Chỉ số bình quân năm

100.0

99.7

103.6

107.0

115.3

124.8

134.1

 

Lạm phát bình quân năm

-1.6%

-0.3%

4.0%

3.2%

7.7%

8.3%

7.4%

 

Tỷ lệ lạm phát nếu lấy tháng 11 so với tháng 12 năm trước




9.97%

Tỷ lệ lạm phát nếu so chỉ số bình quân 11 tháng của hai năm




8.3%

Tỷ lệ lạm phát nếu bình quân 11 tháng tiếp tục cho đến hết năm




9.1%



Cách tính của TCTK hiện nay là dùng bình quân cộng các chỉ số tháng trong năm để tính tỷ số giá bình quân năm. Ở đây tác giả tính theo bình quân nhân. Sự khác nhau giữa hai phương pháp rất nhỏ, nhưng cách dung bình quân nhân thuận tiện cho việc chuyển đổi ngược chiều.


Cũng có cách tính thứ 3 là lấy trung bình nhân tỷ lệ lạm phát hàng tháng (cùng tháng trong năm so với năm trước). Khi tính bình quân năm dựa vào các tỷ lệ lạm phát này, ta cũng được tỷ lệ lạm phát năm giống hai cách trên. TCTK thường công bố tỷ lệ lạm phát hàng tháng này, và so sánh từng tháng với tháng 12 năm trước. Họ cũng công bố tỷ lệ lạm phát bình quân năm như ở trên. Do đó đâu có chuyện gì là lạ.

Nhưng cũng cần nói thêm là nếu chỉ lấy tháng 12 năm 2007 để so với tháng 12 năm 2006 thì tỷ lệ lạm phát này không phản ánh lạm phát cả năm. Có thể khi lạm phát đột biến vào những tháng cuối cùng của năm thì khi so tháng 12 năm nay với tháng 12 năm trước, tỷ lệ lạm phát sẽ lớn hơn tỷ lệ lạm phát trung bình năm, nhưng tất nhiên sẽ có trường hợp ngược lại khi lạm phát mạnh diễn ra vào đầu năm. Do dó nếu ai dùng tỷ lệ so sánh tháng 12 năm nay với tháng 12 năm trước và cho đó là tỷ lệ lạm phát trung bình thì đó là lầm lẫn của người sử dụng. TCTK tất nhiên là không dùng tỷ lệ này để tính GDP theo giá cố định.


Như vậy cho đến nay cách tính CPI của Việt Nam vẫn là một trong những cách tính được áp dụng ở nhiều nước, hoàn toàn theo chuẩn quốc tế chứ không thể nói là không đúng chuẩn. Vấn đề sử dụng để phân tích là tuỳ theo nhu cầu sử dụng. Chỉ có vấn đề là đáng lẽ TCTK công bố chỉ số từng tháng, từng năm so với năm gốc và để các nhà nghiên cứu tính tỷ lệ lạm phát dựa trên các chỉ số trên thay vì chỉ công bố tỷ lệ lạm phát như hiện nay. Nhiều nước hiện nay ngoài việc công bố chỉ số dựa vào năm gốc còn công bố các tỷ lệ lạm phát như sau:

Các cách tính và công bố CPI thường thấy

1. Tính cho từng tháng.

2. Tính thay đổi trong 12 tháng, so tháng 5-2000 với tháng 5-2001, chẳng hạn.

3. Tính thay đổi từng tháng, ví dụ so tháng 4-2001 với tháng 5-2001.

4. Tính thay đổi trong năm dựa vào thay đổi từ đầu năm cho đến thời điểm tính (ví dụ từ tháng 12-2000 tới tháng 5-2001) với giả thiết là thay đổi đó tiếp tục cả năm.

5. Tính thay đổi trong năm dựa vào thay đổi của tháng vừa qua với giả thiết tỷ lệ thay đổi của tháng đó tiếp tục cho cả năm.  


Tuy nhiên điều ngạc nhiên là thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Tá, chứ không phải Tổng cục Thống kê, lại là người đứng ra tuyên bố vào cuối tuần trước : “ Nếu theo cách tính mới thì bình quân 11 tháng đầu năm 2007 so với 11 tháng đầu năm 2006, CPI chỉ tăng 7,92%. ” Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với con số Tổng cục Thống kê đưa ra. Tất nhiên cách tính này đối chiếu với cách lấy tháng 11 năm 2007 để so với tháng 12 năm 2006 có khác nhau, nhưng không đáng kể, khó tin được có chuyện khác nhau rất lớn, từ 9,45% xuống còn 7,92%.

Theo cách tính của tôi dựa vào số liệu của Tổng cục thì lấy bình quân 11 tháng năm 2007 so với bình quân 11 tháng năm 2006, tỷ lệ lạm phát là 8,3% và nếu tỷ lệ này tiếp tục hết tháng 12 thì lạm phát sẽ là 9,1%, không nhỏ như Bộ Tài chính đưa ra. (Nên chú ý là số liệu tôi dùng từ TCTK là số liệu có ít số dư thập phân nên kết quả bình quân năm có khác TCTK, nhưng không đáng kể).

Nếu có sự thay đổi lớn về CPI từ 9,45% xuống 7,92% thì có thể là Bộ Tài chính đã thay đổi tỷ trọng của lương thực và thực phẩm trong rổ hàng. Hiện nay lương thực và thực phẩm tăng rất cao, chỉ trong tháng 11 đã tăng 2,06% so với tháng 10. Rổ hàng này mới đây chiếm 42% nhưng không rõ tỷ lệ mới bây giờ là bao nhiêu và đã thay đổi chưa.

Vấn đề cần tranh luận là tỷ trọng (hay quyền số) chi tiêu lương thực thực phẩm trong tổng chi tiêu của hộ gia đình có phản ánh thực tế không. Đây là vấn đề chuyên môn. Quyền số được tính dựa trên điều tra thống kê rất tốn kém. Ở Việt Nam, TCTK phải điều tra 396 mặt hàng trong hơn 50 tỉnh; còn ở nhiều nước có thể điều tra đến cả ngàn mặt hàng. Nhưng ít không hẳn là không tốt, vấn đề là những mặt hàng này có đại diện cho chi tiêu của dân chúng không. Nếu tự điều chỉnh quyền số chi tiêu cho lương thực xuống một tỷ lệ thấp khi giá lương thực lên cao thì tất nhiên sẽ có chỉ số lạm phát thấp.

Ở Việt Nam điều tra rổ hàng xảy ra năm năm một lần, nhiều nước khác cũng thế. Mỹ hiện nay vẫn dùng rổ hàng hóa cho năm 2005. Tỷ trọng lương thực trong rổ hàng là bao nhiêu tùy thuộc vào kết quả điều tra thống kê. Điều này Tổng cục Thống kê phải minh bạch hóa và giải thích chứ không phải Bộ Tài chính hay thậm chí Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan chủ quản mới của Tổng cục Thống kê quyết định. Mới đây Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao nhiệm vụ “ khẩn trương điều chỉnh phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của nước ta cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là về cơ cấu rổ hàng hóa ”. Phải chăng Tổng cục Thống kê như vậy là bị lấy mất quyền quyết định về chính lãnh vực chuyên môn của mình ? 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss