Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Phát biểu nhận "Giải Dịch thuật"

Phát biểu nhận "Giải Dịch thuật"

- Nguyễn Tùng — published 25/03/2018 20:45, cập nhật lần cuối 25/03/2018 23:10
của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh 2018.



Phát biểu nhận « Giải Dịch thuật » của
Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh 2018


Nguyễn Tùng



Trước hết tôi xin cảm tạ quý vị trong Quỹ Phan Châu Trinh đã quyết định trao cho tôi, một người đã ở vào cái tuổi « gần đất xa trời », giải « dịch thuật » năm 2018. Điều khá lạ lẫm này đã khiến tôi nhớ lại những lần tôi leo lên khán đài để nhận phần thưởng vào cuối năm học ở trường Trần Quý Cáp (Hội An) và trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Với sự xúc động, tôi đã thử ôn lại con đường quanh co đã dẫn tôi đến việc dịch thuật.


Trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi đã tản cư lên sống ở một làng thuộc vùng núi Quảng Nam, trên tả ngạn của sông Thu Bồn, tiếp giáp với mỏ than Nông Sơn, nên tôi đã học tiểu học trong hoàn cảnh đói khổ và nhất là thiếu sách báo nghiêm trọng. Cũng may là ông thân sinh của tôi có mang được từ quê lên cuốn Đông châu liệt quốc, và nhất là hai bộ tạp chí Tri Tân và Thanh Nghị. Thế là, dù chỉ mới bảy, tám tuổi tôi đã đọc chúng không biết bao nhiêu lần. Chính nhờ thế mà tôi đã biết đến rất sớm các học giả khả kính như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh... Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm này : sau hiệp định Genève, vào khoảng tháng 8. 1954, có hôm tôi đến một nhà trong làng mượn sách đọc tại chỗ đến khuya, khiến cho ông cụ tôi phải đốt đuốc đi tìm khắp làng. Ta không nên quên là vào thời điểm đó vùng kháng chiến ở Quảng Nam rất mất an ninh.


Đối với tôi, việc thiếu sách báo để đọc trong thời trẻ đã là một thiệt thòi rất lớn. Nó còn kéo dài cho mãi đến năm tôi học đệ ngũ (tức lớp 8 hiện nay), khi trình độ tiếng Pháp của tôi đã tạm đủ để đọc được các cuốn tác phẩm của Saint-Exupéry, Albert Camus, André Malraux, Jean-Paul Sartre mà tôi mượn của thư viện Pháp ở Đà Nẵng.


Và tôi dan díu từ khá sớm với chuyện dịch thuật : năm tôi học đệ nhất C (tức lớp 12 ban Văn) ở trường Trần Quý Cáp (Hội An) lần đầu tiên tôi đã dịch một truyện ngắn của Ernest Hemingway (bản tiếng Pháp) sang tiếng Việt, để đăng trong tờ báo in ronéo của trường.


Vào khoảng năm 1967, khi tôi đang học xã hội học ở Sorbonne, vài người bạn thân và dấn thân ở Sài Gòn đã nhờ tôi dịch cuốn Droit constitutionnel et institutions politiques (Luật hiến pháp và các đinh chế chính trị), dày hơn 600 trang, của Maurice Duverger để họ in ronéo phát cho sinh viên luật nhằm vận động tranh cử vào Ban chấp hành của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Và tôi đã ra sức dịch xong trong vòng vài tuần, dù chỉ có cuốn Từ điển Pháp-Việt của Đào Văn Tập để tra : thực đúng là còn trẻ nên sung sức và cũng thực đúng là « điếc không sợ súng » ! Nhưng tôi không biết là bản dịch tốc hành đó rốt cuộc có in được hay không. Tôi cũng đã dịch vở kịch Maître Puntila et son valet Matti (Chủ Puntilla và tớ Matti) của Bertolt Brecht để các bạn nói trên đăng trong tạp chí Đất Mới của nhóm.


Sau khi vào làm ở CNRS từ năm 1972, để nghiên cứu về truyện cười Việt Nam, tôi đã cùng vợ dịch sang tiếng Pháp hầu như toàn bộ các truyện tiếu lâm và các truyện xoay quanh một nhân vật như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Xiển Ngộ… Thỉnh thoảng, tôi cũng đã dịch sang tiếng Việt (đúng ra là viết lại) nhiều bài nghiên cứu của tôi được viết bằng tiếng Pháp, để đăng trong các báo Việt kiều hoặc trong các sách báo in trong nước.


Từ lâu tôi vẫn nghĩ là chừng nào Việt Nam chưa dịch được hàng trăm cuốn sách được xem là tinh hoa của thế giới về triết học, nhân học, xã hội học, v.v., thì chừng đó Việt Nam chưa có được một nền đại học đúng nghĩa về các khoa học xã hội và nhân văn. Tôi nghĩ như vậy trước hết là dựa vào kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Thực vậy, khi học xã hội học, nhân học và triết học ở đại học Sorbonne (Paris), tuy tôi được may mắn theo học các giáo sư nổi tiếng của Pháp như Raymond Aron, Vladimir Jankélévitch, Georges Condominas, Georges Balandier…, phần lớn các tri thức mà tôi có được về các môn nói trên và về nhiều thứ khác chủ yếu là nhờ tự học.


Do thiếu nghiêm trọng các sách báo khoa học nghiêm túc bằng tiếng Việt, do không đủ trình độ ngoại ngữ, đa số các sinh viên Việt Nam về khoa học xã hội và nhân văn chắc khó đọc thẳng các sách được xem là tinh hoa của thế giới, nên không thể theo kịp sinh viên của những nước tiên tiến mà chắc chắn họ không thua kém gì về trí tuệ. Chính vì thế mà cần phải dịch để họ có thể tham khảo.


Do đó tôi rất mừng khi biết nhà xuất bản Tri Thức được lập ra để làm công việc này, nên tôi đã hăng hái tham gia, dù tôi tự biết là chưa đủ sức, vì công việc dịch các sách về triết học, xã hội học, nhân học là vô cùng khó khăn. Thực vậy, theo tôi một người dịch tốt phải thoả mãn ít nhất bốn điều kiện sau đây :

    – Trước hết phải quen viết bài hay viết sách bằng tiếng Việt.

    – Phải nắm vững ngôn ngữ được dùng để viết cuốn sách mà mình dịch.

    – Phải đạt đến một trình độ hiểu biết nào đó về chuyên ngành của cuốn sách. Không thể nào dịch một cuốn sách triết, mà không biết gì về triết học

    – Phải có một văn hoá tổng quát khá sâu và khá rộng.

Riêng cho các môn như triết học, xã hội học, nhân học..., người dịch cần nắm khá vững tiếng Hán Việt để có thể tạo từ khi cần và nhất là để dùng từ sao cho đúng.


Thú thực, trong số các tác giả mà tôi đã hay đang dịch (Max Weber, Marcel Mauss, Guy Debord, Claude Lévi-Strauss và Pierre Bourdieu) người mà tôi khâm phục từ lâu là Lévi-Strauss, vì khi nghe ông nói hay khi đọc ông, tôi bỗng thấy mình trở thành « thông minh » ra rất nhiều. Khi tôi đến Pháp vào năm 1963, vinh quang của của ông đã lên đến gần tột đỉnh, nhất là sau khi cuốn La Pensée sauvage (Tư duy hoang dại) được xuất bản năm 1962. Trong chương cuối của cuốn này, ông công khai chống lại thuyết hiện sinh của Jean-Paul Sartre, thần tượng của rất nhiều người vào thời đó, nên đã tạo ra cả một chấn động trong giới trí thức Pháp. Cho đến khi phong trào tháng 5.1968 bùng nổ, báo chí Pháp đã viết rất nhiều về ông. Sở dĩ tôi chọn dịch cuốn Le Totémisme aujourd’hui (Định chế tôtem hiện nay) trước hết là vì một lý do rất tầm thường : cuốn sách này chỉ dày có 160 trang khổ nhỏ ! Nhưng thực ra còn có một lý do chính đáng hơn : đúng như chính Lévi-Strauss đã khẳng định, cuốn Định chế tôtem hiện nay là một « thứ dẫn nhập » cho cuốn Tư duy hoang dại (dày gần 400 trang), một trong vài tác phẩm quan trọng nhất của Lévi-Strauss. Mặt khác, tôi cũng nghĩ là nên dịch Định chế tôtem hiện nay để làm quen với lối viết của Lévi-Strauss trước khi tấn công vào việc dịch cuốn Tư duy hoang dại, nếu tôi còn đủ sức và còn đủ can đảm để làm ! Nhưng cho đến nay, tôi vẫn cứ lần lữa mãi, vì ngại làm không xuể !


Để kết thúc bài phát biểu đã quá dài này so với hạn định, tôi không thể không nói đến điều nghịch lý sau đây : dù có quan hệ trực tiếp trong nhiều thập kỷ với hai nền văn hoá và khoa học hàng đầu thế giới là Pháp và Mỹ, việc dịch thuật của Việt Nam phải nói là thua xa các nước hán hoá khác, nhất là thua xa Nhật Bản và Trung Quốc. Đó là một điều mà bất cứ ai quan tâm đến việc « khai dân trí » mà Phan Châu Trinh đã nói đến cách đây hơn một thế kỷ đều không thể không băn khoăn. Phải chăng nhà nước Việt Nam cần phải có một « quốc sách » về vấn đề này (tôi xin lỗi đã dùng từ có phần « đao to búa lớn » này, nhưng đúng là như thế). Việt Nam cần rất nhiều dịch giả nghiêm túc và nhất là chuyên nghiệp, tức là có thể sống được với nghề này. Chứ không thể dựa vào những người dịch tài tử, không những « dở dở ương  ương » mà còn quá già như tôi !


Nguyễn Tùng



NGUỒN : bản của tác giả gửi Diễn Đàn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us