Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Phát triển năng lượng bền vững

Phát triển năng lượng bền vững

- Phạm Duy Hiển — published 23/04/2007 23:24, cập nhật lần cuối 23/04/2007 23:52
Mạnh dạn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đầy tiềm năng ở nước ta là giải pháp khôn ngoan nhất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa có cái để dành cho con cái chúng ta mai sau.

   

Phát triển năng lượng bền vững
là vấn đề sống còn của chúng ta
   

   
Phạm Duy Hiển
 

 
LTS.

Mùa khô mới bắt đầu chưa lâu, báo chí đã bắt đầu phản ánh tình trạng thiếu điện trầm trọng trên cả nước, với hiện tượng cắt điện mà EVN đang thực hiện luân phiên ở các khu vực dân cư. Tuy nhiên, đọc một số bài viết trên báo chí trong nước, người ta thấy rõ các nhà báo tập trung nhiều vào những thiếu sót về quản lý nguồn điện của Điện lực Việt Nam (EVN), đặc biệt trong những tính toán về mức tăng trưởng “cần thiết” của điện năng cho “kịp” với mức tăng trưởng kinh tế. Ngay cả trên tạp chí Thời báo Kinh tế Sài Gòn, người ta thấy một tác giả trích dẫn một “chuyên gia” như một sự thật hiển nhiên : “ Theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, thông thường, để GDP tăng trưởng 8,5% thì lượng điện cung ứng phải tăng 17% ”. Không hề có sự so sánh với thế giới để biết rằng đó không phải là một điều “thông thường”, mà cũng không có một chút tính toán tối thiểu để thấy rằng cái lý thuyết chạy theo tăng trưởng đơn thuần đó sẽ dẫn đến rất nhanh sự phá sản của toàn bộ nền kinh tế (do phải tập trung quá nhiều tài nguyên vào phát triển năng lượng – chỉ cần một hiểu biết tối thiểu về hàm mũ !) và nhiều hậu quả tai hại khác đối với môi trường sống của cả nước.

Trong điều kiện đó, bài viết sau đây của giáo sư Phạm Duy Hiển (báo cáo ở hội thảoPhát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam” do Viện Goethe tổ chức tại Hà Nội ngày 14.2.2006, đăng lại trong cuốn sách Bằng chứng và Lý giải mà Diễn Đàn đã giới thiệu), như chúng tôi đã viết trong bài giới thiệu cuốn sách, là cần thiết hơn bao giờ hết.  Những thông tin và những luận cứ khoa học mà tác giả đưa ra sẽ giúp dư luận Việt Nam phát huy vai trò của mình chống lại những sức ép của các "nhóm lợi ích" hoàn toàn không nghĩ tới lợi ích lâu dài của dân tộc, buộc những nhà hữu trách phải đề ra và thực thi một chính sách phát triển và sử dụng năng lượng hợp lý hơn. Những đầu tư quá lớn vào những dự án xây dựng, những công nghệ tốn năng lượng v.v. sẽ bị phê phán và khó được "thông qua" hơn. Vấn đề "thiếu điện", đặt ra trong toàn cảnh một chính sách năng lượng hợp lý, sẽ khác hẳn. Và câu hỏi khác, dĩ nhiên câu trả lời cũng sẽ khác...

 

GDP không thể là tiêu chí phát triển độc tôn

   

Phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi năng lượng. Năng lượng, nhất là điện năng, tương quan chặt chẽ với GDP. Vì vậy trong hoạch định phát triển năng lượng người ta thường xem xét hai tỷ số, cụ thể là hệ số đàn hồi, dW/d(GDP) (§), và hiệu suất sử dụng năng lượng hay cường độ năng lượng (energy intensity), trong đó W là năng lượng hoặc điện năng. Chính hai tỷ số này, chứ không phải từng tiêu chí GDP và W riêng rẻ, mới nói lên trình độ phát triển của một quốc gia. Tiêu thụ nhiều năng lượng mà làm ra ít của cải, hao phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường là đặc trưng rõ rệt nhất của tình trạng kém phát triển. Tăng trưởng kinh tế vì thế sẽ không vững bền.

Trong những năm gần đây GDP của Việt Nam tăng trưởng nhanh, trung bình 7,7%/năm từ 2002 đến 2006. Điện năng tiêu thụ trung bình năm 2005 là 590 kWh/đầu người. Tuy còn thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan và Malaisia từ ba đến sáu lần, nhưng tiêu thụ điện năng đã và đang tăng rất nhanh, trung bình hơn 15%/năm, nghĩa là hệ số đàn hồi lớn hơn 2, điều hiếm thấy trên thế giới hiện nay. Nếu so sánh với Trung Quốc, tăng trưởng GDP của họ còn mạnh hơn (trên 9%/năm), nhưng hệ số đàn hồi từ 1994 đến 2002 cũng chỉ ở mức 0,84. Còn về hiệu suất sử dụng điện năng, thành tích của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước trong vùng (xem bảng 1). Điều đáng nói từ bảng thống kê này là các nước Trung Đông Âu đang chuyển đổi mạnh sang nền kinh tế thị trường đã cải thiện rất nhanh hiệu quả sử dụng điện năng trong những năm gần đây. Ngược lại, một số nước thuộc khối SNG, trong đó có cả Nga, sử dụng điện năng rất ít hiệu quả.

Quy hoạch phát triển điện năng giai đoạn 2006-2020 được TT Chính phủ phê duyệt ngày 15/10/2004 cho thấy tình hình vẫn không được cải thiện. Theo kịch bản thấp trong quy hoạch này, điện sản xuất tăng 4 lần sau 15 năm (hình 1). Hệ số đàn hồi lớn hơn 2, sau 2010 bắt đầu giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, 1,2-1,3 (nếu GDP tăng trưởng 8%/năm). Trong khi đó hiệu quả sử dụng điện năng giảm dần, từ 1,2 USD/kWh năm 2002 xuống còn 1 USD/kWh năm 2010 và 0,95 USD/kWh năm 2020.

Riêng trong 5 năm tới tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng ở mức trên 16%/năm, công suất các nhà máy mới xây trong 5 năm tới nhiều hơn tổng công suất các nhà máy hiện có.

 

Bảng 1

Của cải làm ra tính theo USD khi tiêu thụ một kWh điện năng của các nước năm 2002

Khối các nước


Trung bình

Cao nhất

Thấp nhất

20 nước OECD ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương

2,9

4,7

1,4

Các nước tiên tiến Đông á Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc

2,9

3,8

1,4

Bốn nước ASEAN đang phát triển Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines

1,4

1,8

1,1

Chín nước Trung Đông Âu mới gia nhập EURO

1,3

1,7

0.,8

Sáu nước SNG

0,36

0,5

0,16

Trung Quốc

0,7



Việt Nam

1,2



 

 
Nói tóm lại, tuy Việt Nam tiêu thụ năng lượng chưa nhiều như các nước trong vùng và trên thế giới, nhưng sự mất cân đối nghiêm trọng giữa phát triển điện năng và phát triển kinh tế khiến chúng ta phải xem xét kỹ những nguyên nhân sau đây:

  • Tổn thất và lãng phí nhiều,

  • Hiệu quả sử dụng điện năng rất thấp,

  • Tài nguyên, nhất là nhiên liệu hoá thạch, nhanh chóng cạn kiệt,

  • Môi trường bị ô nhiễm ở mức tới hạn

 

Tổn thất và lãng phí

 

Theo EVN, năm 2005 điện sản xuất là 53,32 GWh mà điện thương phẩm chỉ có 44,9 GWh, nghĩa là tổn thất có thể đến 15,8% (*), trong khi ở nhiều nước trên thế giới mức tổn thất chỉ vào khoảng 7-9%. Trong 05 năm tới, cứ giảm bớt tổn thất 1% ta sẽ dôi ra 3,4 GWh, tương đương với sản lượng của một nhà máy công suất 500-600 MW. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ mới đây của Dự án Tiết kiệm Năng lượng Thương mại Thí điểm (CEEP) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, các giải pháp kỹ thuật chống tổn thất do sử dụng điện không hợp lý trong các hộ tiêu thụ có thể tiết kiệm đến 170 GWh trong 5 năm tới, nghĩa là gấp 4 lần mức tiêu thụ của cả năm 2005. Độ tin cậy của con số 170 GWh chắc cần phải xem xét kỹ hơn. Song trên thực tế, đã có những kết quả tiết kiệm điện rất thuyết phục. Khách sạn New World thành phố HCM bằng nhiều biện pháp tổng hợp đã có thể giảm mức tiêu thụ trong một ngày từ 42.000 kWh xuống 29.000 kWh, tức còn 69% (Thời báo KTSG, 25-5-2006).

 

Hiệu quả sử dụng điện năng thấp


Ai là "thủ phạm" gây nên hiệu quả sử dụng điện năng thấp ở nước ta? Theo thống kê, công nghiệp và xây dựng tiêu thụ 47,9% nên khi xét duyệt các dự án đầu tư, tiêu thụ điện năng trên giá trị sản phẩm chưa đặt thành tiêu chí cạnh tranh với các tiêu chí khác, như lợi ích từ đóng thuế, giải quyết công ăn việc làm, thay thế nhập khẩu v.v... Khi mà giá điện ở nước ta vẫn còn tương đối hấp dẫn thì một chính sách thu hút đầu tư như vậy sẽ khuyến khích du nhập những công nghệ lạc hậu không cạnh tranh được ở bản quốc. Những dự án đầu tư trong nước lại càng phải xem xét kỹ hiệu quả, xét trên góc độ tiêu thụ năng lượng. Dự án đồ sộ về khai thác bốc xít luyện nhôm ở Lâm Đồng mới được phê duyệt gần đây phải chăng là một minh chứng. Tăng tỷ trọng đầu tư vào dịch vụ, và nhất là công nghệ cao, sẽ phải được ưu tiên.
 

nangluong

Hình 1. Điện năng sản xuất hàng năm theo kịch bản thấp
được Chính phủ phê duyệt ngày 15/10/2004.

   
Hộ dân và hệ thống quản lý chiếm 42,2%, là nơi mà tiêu thụ điện còn khá lãng phí. Có rất nhiều biện pháp vừa giảm bớt gánh nặng từ các hộ tiêu thụ điện mà vẫn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Giảm tiêu thụ điện năng ở các thiết bị gia dụng là xu thế chung của công nghệ chế tạo thiết bị hiện nay mà nước ta cần có chính sách để triệt để tận dụng. Mặt khác, cần phổ biến rộng rãi những tri thức tránh lãng phí điện năng và năng lượng nói chung đến người dân.
 

Ô nhiễm môi trường

 
Chưa có một công trình nghiên cứu nào đánh giá đầy đủ ô nhiễm môi trường trên cả nước do đốt nhiên liệu (khoảng 11 triệu tấn dầu, 12 triệu tấn than và một khối lượng lớn nhiên liệu phi thương mại). Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường đã đến mức tới hạn, mà chủ yếu là do sử dụng nhiên liệu. Hàm lượng các khí SO2, NO2, CO, O3 và đặc biệt là bụi khí PM10, PM2,5 (đường kính hạt bụi bé hơn 10 và 2,5 micron) ở các thành phố lớn đều đã ngấp nghé, thậm chí vượt xa tiêu chuẩn quốc tế. Xe cộ là nguồn phát chính của các chất ô nhiễm ở thành phố. Tuy nhiên ở vùng nông thôn, như đồng bằng Bắc bộ xe cộ thưa thớt hơn nhiều mà bụi PM2,5 và khí a xít cũng chẳng kém ở Hà Nội. Lá cây chết héo về mùa đông, nhất là ở những nơi có nhiều lò đun gạch.

Nhà máy điện, nhiều nhà máy đốt than để sản xuất xi măng, phân, sắt thép v.v…, là những nguồn gây ô nhiễm không khí trên toàn vùng đồng băng Bắc bộ. Trong 04 năm tới, lượng than tiêu thụ lại tăng vọt, chủ yếu để chạy các tổ máy phát điện mới với tổng công suất lên đến 3800 MW, gấp gần ba lần tổng công suất phát điện hiện nay. Môi trường không khí chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn. Cái giá phải trả cho khoản tăng trưởng kinh tế này là bao nhiêu? Xin mượn một dẫn chứng từ Trung Quốc. Gregory Carmichael, một chuyên gia nổi tiếng về môi trường khí ở Đại học Iowa (Mỹ) ước tính rằng Trung Quốc cần phải bỏ ra 30 tỷ USD dể giảm phát thải bụi khí độc từ các nhà máy chạy than hiện nay của họ xuống mức có thể chấp nhận được.

Ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng ở nước ta một phần là do các chuẩn mực môi trường vừa thấp, vừa không được tôn trọng, việc đánh giá tác động môi trường của các công trình năng lượng chỉ có tính chất hình thức hơn là thực chất. Thí dụ, ta chưa có chuẩn về bụi PM10, và hàm lượng lưu huỳnh cho phép trong than và dầu còn quá cao, chuẩn về xăng dầu dùng cho xe cộ còn lạc hậu so với nhiều nước trong vùng và trên thế giới.
 

Tài nguyên cạn kiệt

 
Sử dụng năng lượng cũng đang đe doạ xảy ra cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hoá thạch. Hiện tại sản xuất than là 30 triệu tấn/năm, dầu thô: 20 triệu tấn/năm, khí: 860 tỷ m3/năm. Theo ước tính, dự trữ hiện nay sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng sau năm 2020, nếu tiêu thụ điện năng lúc này là 200 GWh như quy hoạch của EVN. Trong khi đó thuỷ điện sẽ được khai thác gần như triệt để.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu với giá dầu leo thang hiện nay, tiếp tục gia tăng khai thác than đá và dầu mỏ không thể xem như một chính sách phát triển năng lượng bền vững. Mạnh dạn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đầy tiềm năng ở nước ta là giải pháp khôn ngoan nhất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa có cái để giành cho con cái chúng ta mai sau. Đương nhiên với giá thành năng lượng tái tạo còn cao hiện nay, rất cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích của nhà nước. Đây là giải pháp chủ động nhất để đối phó với viễn cảnh không còn xa nữa khi giá dầu thô leo thang đến 100 USD/thùng, khi đó năng lượng tái tạo sẽ có ưu thế cạnh tranh so với các dạng năng lượng khác.

 

Cần có những tư duy và chính sách mới

 

Rõ ràng cách tiếp cận lâu nay là đầu tư và đầu tư nữa để xây dựng những tổ máy phát điện lớn nhằm đáp ứng phát triển kinh tế là hoàn toàn không thích hợp. Thậm chí cách tiếp cận này còn có thể dẫn đến những tác hại nhãn tiền khi mà nhà nước phải giao hàng chục tỷ USD cho một tổ chức độc quyền sản xuất và phân phối năng lượng. Cần phải có chính sách mới bảo đảm an ninh và phát triển năng lượng bền vững.

Chính sách năng lượng mới phải huy động nỗ lực toàn xã hội, trước hết là ở giới hoạch định chính sách, để sớm thanh toán những yếu kém trong việc sử dụng năng lượng hiện nay, cụ thể là
 

  1. Giảm tổn thất điện năng,

  2. Tăng hiệu quả sử dụng điện năng,

  3. Tăng cường khai thác năng lượng tái tạo,

  4. Môi trường phải được cải thiện khi phát triển năng lượng

  5. Phát triển thị trường, sớm xoá bỏ độc quyền trong kinh doanh năng lượng và điện năng.

 

Có thể đặt ra chỉ tiêu cho từng tiêu chí trên trong giai đoạn 2006-2010 và 2006-2020. Tổng hợp lại sẽ làm giảm đáng kể (ít nhất là 30%) mức tiêu thụ điện năng mà EVN đã trình chính phủ phê duyệt cho 2010 (100 GWh) và 2020 (200 GWh). Ngoài ra, tăng cường khai thác năng lượng tái tạo (thí dụ 10% vào năm 2020) cũng sẽ giảm sức ép lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn dần. Những việc này hoàn toàn khả thi. Thật vậy, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trong 15 năm tới là 8%/năm như Quốc hội vừa thông qua cho năm 2006, và chỉ cần duy trì tỷ số GDP/W =1 như năm 2005, thì mức tiêu thụ điện năng sẽ rút bớt ít nhất là 30% cho các năm 2010 và 2020 so với kế họach do EVN đề nghị. Đây mới chính là thành tích trong mục tiêu sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển hiện nay của Chính phủ, chứ không phải chỉ có GDP.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Chính phủ cần xem xét lại nghiêm túc kế hoạch phát triển điện năng đã được phê duyệt ngày 15/10/2004 và ra sách trắng về phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, trình bày những cách tư duy mới kèm theo một chương trình hành động thiết thực trong 15 năm tới. Mọi phương án (option) phát triển năng lượng và điện năng phải trải ra trên bàn để xem xét, không duy ý chí, hoặc ưu tiên một phương án nào vì những "nhóm lợi ích" khác nhau.
 

Phạm Duy Hiển

    

(§) Tỉ lệ giữa tỉ số gia tăng năng lượng (dW=ΔW/W) trên tỉ số gia tăng tổng thu nhập quốc dân, cả dW và d(GDP) đều tính bằng phần trăm (chú thích của Diễn Đàn).

(*) Mức tổn thất chính thức do EVN đưa ra là 11,6%. Chỗ khác nhau 4,2% này được một số người giải thích là tiêu thụ tại chỗ của các nhà máy phát điện, một con số quá lớn đến mức rất khó thuyết phục (chú thích của tác giả).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss