Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Phỏng vấn nhà khoa học & dịch giả Nguyễn Văn Trọng

Phỏng vấn nhà khoa học & dịch giả Nguyễn Văn Trọng

- Nhật Lệ — published 15/11/2009 23:09, cập nhật lần cuối 16/11/2009 12:49


Nhà vật lí học & dịch giả Nguyễn Văn Trọng :
“ Có rất nhiều ngộ nhận về khoa học ”



nvt

Lời giới thiệu của báo Lao Động Cuối Tuần : Gặp giáo sư Nguyễn Văn Trọng ở các buổi giới thiệu tác phẩm của Nhà xuất bản Tri Thức, nhiều người lấy làm ngạc nhiên vì ông là một nhà vật lý lý thuyết mà đồng thời lại là dịch giả của hai cuốn sách kinh điển nổi tiếng thời kỳ Khai sáng của nhà triết học Anh John Stuart Mill.

 Đó là cuốn Bàn về tự do và Chính thể và đại diện (cuốn sau dịch chung với Bùi Văn Nam Sơn). Có thể nói, đây là hai tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong tư tưởng phương Tây, đã được dịch  ở Nhật từ thời Canh tân Minh Trị và ở Trung Quốc thời Phong trào Ngũ Tứ. Hiện nay các tác phẩm ấy vẫn thường được trích dẫn trong các nghiên cứu và độc giả vẫn có thể tìm thấy ở đó những gợi ý giải thích cho các vấn đề đương đại.

 

Vì sao ông chọn dịch hai cuốn sách này ?

Tôi tự nhận xét mình là người có tính cách hướng nội, hay băn khoăn với một số câu hỏi nhân sinh, vì vậy thường mò mẫm tìm đọc các tác phẩm có thể giải đáp cho mình những băn khoăn ấy. Tôi thấy hai tác phẩm đó của J.S. Mill giải đáp cho tôi nhiều điều nên đã dịch ra tiếng Việt để chia sẻ với những ai có những băn khoăn tương tự.

Đây là lĩnh vực tôi không hiểu biết nhiều và tiếng Anh cũng không phải là ngôn ngữ mà tôi nắm vững, nhưng tôi vẫn liều lĩnh ráng làm công việc dịch thuật vì hai tác phẩm ấy đã gây cho tôi ấn tượng rất mạnh. Bàn về tự do nói về tương quan giữa con người và xã hội; J.S. Mill khẳng định sự cần thiết phải có một không gian tự do cho sự phát triển con người cá nhân để tạo ra một xã hội phát triển hạnh phúc và hài hoà.

Tác giả nêu ra ranh giới mà xã hội không nên vượt qua trong việc can thiệp vào cuộc sống của cá nhân để cá nhân có thể phát triển bản ngã của mình. Ông không đòi quyền tự do cho cá nhân vì bản thân cá nhân mà vì lợi ích của xã hội. Cuốn thứ hai bàn về chính thể đại diện và giải thích  bản chất của nền dân chủ là gì.

Gần đây tôi mới hoàn thành bản dịch một cuốn sách nhỏ của R.P. Feynman với nhan đề The Meaning of It All (Ý nghĩa mọi thứ trên đời). Richard P. Feynman là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ được trao giải Nobel. Cuốn sách là ghi chép ba bài nói chuyện của ông với sinh viên đại học trình bày những suy tư của ông về nhiều vấn đề nhân sinh.

Tất cả các bản dịch của tôi đều do nhà xuất bản Tri Thức ấn hành. Nhân đây tôi muốn nói lời cảm ơn với giáo sư Chu Hảo cùng các cộng sự của ông trong nhà xuất bản Tri Thức vì nếu không có sự ủng hộ đầy chân tình của họ thì chưa chắc các bản dịch của tôi đã đến được với độc giả.

 

Điều gì khiến ông tin rằng những vấn đề  cuốn sách đặt ra cách đây gần 150 năm có thể giúp chúng ta lý giải một số vấn đề tư tưởng của hôm nay ?

GS-TS Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1940. Sang Liên Xô học năm 1960. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kiev năm 1965 với chuyên ngành vật lý lý thuyết. Bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học năm 1968 tại Kiev, sau đó làm cộng tác viên khoa học của Viện Vật lý lý thuyết Kiev. Năm 1970 về VN, làm việc tại Viện Vật lý. Năm 1984 bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Kiev. Trong khoảng thời gian 1987-2002 có một số chuyến đi làm viêc ngắn tại Viện Vật lý lý thuyết thuộc Đại học Stuttgart (CHLB Đức - 1987, 1991, 1995, 1998, 2000, 2002) và tại Đại học Moncton (Canada - 1992).

Được Nhà nước phong hàm PGS (1984) và GS (1991). Đã có 30 công trình nghiên cứu KH được công bố trên các tạp chí KH nước ngoài. Đã có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề  KH và văn hoá, là tác giả của tiểu luận Khảo luận về khoa học (giới thiệu một số khảo sát triết học đối với hoạt động khoa học), trong tập sách nhiều tác giả Einstein, dấu ấn trăm năm,  NXB Trẻ (2005).

Rất nhiều người (và tôi trước đây cũng vậy) cứ hiểu hàm hồ tự do là  muốn làm gì thì làm . Vì vậy bàn về tự do thì ai cũng răn bảo : Tự  do cũng phải có giới hạn, đâu phải muốn làm gì thì làm. Rồi hình thành định kiến là văn hoá phương Tây thiên về đòi hỏi quyền con người cá nhân, còn phương Đông chúng ta thiên về đòi hỏi bổn phận và nghĩa vụ. Nhưng khi tôi đọc J.S. Mill mới thấy định kiến ấy là hoàn toàn sai.

Tác phẩm Bàn về tự do chủ yếu nói về bổn phận và nghĩa vụ của mọi người phải tôn trọng không gian tự do của con người cá nhân trong những vấn đề riêng tư của cá nhân, đồng thời có bổn phận và nghĩa vụ tôn trọng các quy tắc công cộng trong những vấn đề liên quan đến lợi ích của xã hội. Chính vì thế, tôi hiểu được ý nghĩa công cuộc vận động của cụ Phan Chu Trinh và phong trào Duy Tân thuở trước. Tôi rất kính phục các cụ tiền bối đã sớm nhận thức được vấn đề là : Nếu không biến đổi văn hoá của dân chúng trở thành văn minh, thì không thể nào xây dựng được một xã hội tốt đẹp, dù có giành được độc lập dân tộc đi chăng nữa.

 

Ông cho rằng hiện nay, ở ta vẫn còn nhiều sự ngộ nhận và hiểu lầm về khoa học (KH).  Vậy nguyên nhân sâu xa là ở đâu ?

 KH không phải là sản phẩm của nền văn hoá phương Đông mà được du nhập từ bên ngoài vào. Ban đầu ta không hiểu rõ nó là điều bình thường. Nhưng tôi băn khoăn là chúng ta hội nhập với thế giới đã nhiều năm rồi, lẽ ra những ngộ nhận về KH đã phải được giải đáp từ lâu. Mục đích của hoạt động KH hướng đến những khám phá nhận thức mà hoàn toàn không có mục đích ứng dụng. Những khám phá vật lý học dẫn đến các phát minh công nghệ là hệ quả bất ngờ đối với chính các nhà vật lý.

Thành quả công nghiệp hoá nền kinh tế khiến cho cộng đồng các nhà KH được xã hội tôn vinh và Nhà nước quan tâm đến công việc của họ nhiều hơn; nhưng cũng chính vì vậy mà sinh ra sự lẫn lộn giữa KH và công nghệ (CN) khiến cho xã hội chỉ kỳ vọng ở các nhà khoa học sự đóng góp vào ứng dụng CN mà thôi.

Hoạt động KH thời nay đòi hỏi nhiều thiết bị tốn kém do ngân sách nhà nước gánh vác mà ở các chế độ dân chủ được xem là tiền đóng thuế của dân chúng. Các nhà KH phải thuyết phục công luận về tính hữu ích của dự án KH. Tuy nhiên, tính hữu ích của kết quả nghiên cứu KH là không thể "quy hoạch" trước được. Vì vậy đây là một tình thế nan giải. Tình thế này đòi hỏi các nhà KH đầu ngành phải có đạo đức nghề nghiệp rất cao để có thể duy trì hoạt động KH được trung thực.

Vấn đề khó khăn của VN lại có thực chất khác biệt và phức tạp hơn nhiều vì các nhà KH VN hoạt động nghề nghiệp như các viên chức nhà nước trong bộ máy sự nghiệp. Các thủ trưởng của họ là do Chính phủ bổ nhiệm xuống để quản lý họ giống như quản lý các viên chức hành chính. Các vị thủ trưởng ấy thường xuất thân từ các nhà KH, nhưng khi trở thành nhà quản lý thì buộc phải xa rời hoạt động nghề nghiệp vì họ không phải là thánh thần có ba đầu sáu tay để một lúc làm tốt được cả hai công việc. Họ chạy đi chạy lại giữa hai cộng đồng có bản chất nghề nghiệp rất khác nhau.

Rốt cuộc một số nhỏ thích nghi được với công việc quản lý và trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp, danh hiệu nhà KH là chuyện của quá khứ. Họ được xã hội ngộ nhận như là nhà KH thành đạt. Số đông còn lại tiếp tục ở trong trạng thái nhập nhằng và tôi e rằng chính họ cũng không biết mình đang muốn gì.

 

Thời trước, chúng ta đã có một tầm nhìn xa khi gửi một lớp nhà KH  sang Liên Xô  đào tạo, với những tên tuổi như  GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Phạm Duy Hiển... Nhưng tại sao xã hội lại không cảm nhận được thành tựu mà thế hệ vàng này mang lại, thưa ông ?

 Các nhà KH thế hệ chúng tôi không tạo ra được thành tựu gây ấn tượng cho xã hội vì hai lý do. Một là thành tựu mà xã hội kỳ vọng nơi các nhà KH  vốn còn rất non trẻ trong nghề nghiệp  vừa không hợp lý lại vừa không đúng chỗ. Xã hội kỳ vọng các nhà KH đem đến các ứng dụng công nghệ để cải thiện đời sống vật chất cho xã hội.

Nhưng đây là trách nhiệm của những người chi phối nền kinh tế chứ không phải của các nhà KH. Hoạt động KH mang tính chất văn hoá là chủ yếu. Tuy nhiên, các nhà KH thế hệ chúng tôi cũng có trách nhiệm rất lớn trong chuyện này. Chúng tôi đã không nhận thức đúng được thực chất của hoạt động KH. Chúng tôi đã rất cố gắng học tập chuyên môn và nhiều người cũng đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu khoa học.

Khó khăn là KH hiện đại bị chia nhỏ thành các lĩnh vực chuyên sâu, khiến cho những người giỏi nhất trong chúng tôi cũng chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Chúng tôi đã không ý thức được một cách minh triết các đặc thù của hoạt động KH để truyền đạt cho thế hệ tiếp sau. Nhiều người trong chúng tôi chân thành mong muốn đáp ứng kỳ vọng "ứng dụng công nghệ" của xã hội dưới mỹ từ "đem KH vào cuộc sống". Họ rời bỏ công việc KH theo chuyên ngành được đào tạo để lao vào các công việc vốn thuộc chuyên ngành khác. Những thất bại của họ không đáng bị chê trách, nhưng phải là những bài học để suy ngẫm.

Chúng tôi đã không nhận thức được rằng nghiên cứu KH chính là một phương diện của bản thân cuộc sống để nhìn ra trách nhiệm của thế hệ các nhà KH đầu tiên là chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo trong việc xây dựng nền KH quốc gia. Dưới các áp lực xã hội chúng tôi đã tự tha hoá mình theo những cung cách khác nhau.

 

Xin ông nói rõ thêm về các nhà KH thế hệ của ông đã hình thành và hoạt động ra sao ?

 Trong hoàn cảnh chiến tranh, chính phủ nước ta lúc đó đã có chủ trương sáng suốt là gửi một số đông học sinh tốt nghiệp phổ thông sang một số nước để đào tạo đại học và sau đại học với tầm nhìn xa cho việc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Năm 1960, nhóm sinh viên đông đảo đầu tiên được gửi đi có số lượng lên đến hàng ngàn. Cần nhớ rằng lúc đó trên toàn miền Bắc số trường trung học có đủ bậc học cho đến tú tài còn đếm trên đầu ngón tay.

 

Trước đó đã có rải rác một số học sinh được gửi đi đào tạo, nhưng số lượng không đông như vậy. Việc đào tạo như thế được duy trì trong nhiều năm, nhờ đó mà vào khoảng năm 1970, nước ta đã thành lập được một số viện nghiên cứu như Viện Vật lý, Viện Toán học..., các trường đại học đã có một đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản. Vì sao dư luận xã hội hôm nay lại có nhiều ý kiến chê trách đội ngũ này đã không để lại được một di sản có giá trị bền vững cho thế hệ tiếp theo ?

 Đây là câu hỏi cần phải trả lời một cách cẩn trọng và nghiêm túc, không phải nhằm tìm xem kẻ nào có tội, mà để rút kinh nghiệm cho việc kiến tạo nền KH tương lai. Điều cần thiết là phải hiểu đầy đủ những đặc thù lịch sử của thời kỳ đó.

Đáng tiếc thế hệ ngày nay có vẻ như không hiểu biết gì nhiều về hoàn cảnh lịch sử của thế hệ chúng tôi, hình như họ cứ tưởng rằng chúng tôi đã trải qua cuộc sống trong những điều kiện giống như họ hiện nay. Bức tranh lịch sử về xã hội thời chúng tôi có vẻ như sẽ đi vào quên lãng, giống như thế hệ chúng tôi cũng đã rất thiếu hiểu biết về thời kỳ Pháp thuộc. 

Xin cảm ơn giáo sư.

 Nhật Lệ thực hiện

 

 Nguồn : Lao Động Cuối tuần số 44 Ngày 01/11/2009

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us