Sổ tay
Theo dòng thời sự
Sổ tay
Của đi theo người
Có thể nói không ngoa : ông Trịnh Xuân Thanh được cả nước biết tiếng hơn ông Nguyễn Phú Trọng, người đã ra lệnh “kiểm điểm” ông Thanh, rồi cách chức phó tỉnh trưởng Hậu Giang, phủ nhận tư cách đại biểu quốc hội (nghe nói ông Thanh được nhiều phiếu nhất ở Hậu Giang, chứ ông Trọng thì người ta ma giáo đổi tỉ số phiếu từ 68% lên 86%, vẫn không đứng đầu Hà Nội), rồi khai trừ khỏi đảng (trước đó, đương sự đã tuyên bố rút ra). Cuối cùng, là lệnh truy nã quốc gia và truy nã quốc tế qua Interpol. Nhưng hơi muộn, ông Thanh đã bay sang châu Âu rồi (đấy là ông Đinh Thế Huynh nói vậy, không biết dựa vào tin ở đâu).
Khả năng ông Thanh bị dẫn độ về Việt Nam xác suất gần bằng 0, mặc dầu báo chí đã phanh phui trong thời kỳ ông lãnh đạo tổng công ty PCV, ông đã lập thành tích đáng nể : được phong Anh hùng Lao động, lỗ và thất thoát 3200 tỷ đồng (khoảng 150 triệu đô la), bán lại "biệt phủ Dầu khí" (trị giá ước tính 100 tỷ đồng) trên đỉnh Tam Đảo cho Công ty Mai Phương, mà chủ tịch Hội đồng quản trị là cựu phó ban Dân vận trung ương Đảng, ông Trịnh Xuân Giới (thân phụ của ông Thanh).
Thế là ông Thanh từ nay hội nhập dòng người “di tản chiến lược” của các đại gia Việt Nam sang định cự ở các nước phương Tây. “Có vé chưa”, “có thẻ xanh chưa”... nghe đâu là lời chào hỏi cửa miệng của giới mafia đỏ ở Việt Nam hiện nay (không khác các đồng sự Trung Quốc). Đây cũng là đề tài nóng trên báo chí lề phải lề trái trong mùa hè vừa qua, nhất là từ khi một cựu tổng giám đốc FPT mang gia đình và của cải sang Mỹ làm ăn.
Nhân đây cũng nên minh chính một con số mà tác giả nhiều bài viết đua nhau trích dẫn về dòng người từ Việt Nam di cư sang các nước. Các tác giả này thường viện dẫn tổ chức quốc tế di dân (IMO thuộc Liên Hiệp Quốc) mà không nói rõ xuất xứ, theo đó, trong 25 năm qua, từ 1990 đến 2015, hàng năm có khoảng 100 000 người Việt Nam di cư, phần lớn là sang các nước phương Tây (phần còn lại là số xuất khẩu lao động sang các nước Đông Á và Trung Đông). Một cuộc điều tra chớp nhoáng cho thấy nguồn “tin” duy nhất của họ là bài báo Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài xuât bản ngày 24.07.2016 trên mạng vietnamfinance.vn, cụ thể là đoạn này :
“Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.”
Chúng tôi đã nhờ bạn Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kề LHQ, tham khảo tài liệu của UN DESA (United Nations Department for Economic and Social Affairs / Cục phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ), và được bạn cung cấp toàn văn Báo cáo di cư thế giới 2015 (http://www.iom.int/world-migration-report-2015). Dưới đây là những con số từng 5 năm một (từ 1990 đến 2015) :
Theo IMO, năm 1990 số người Việt Nam ở các nước khác lên tới 1 232 000 người (trong đó, 1 080 000 ở các nước phát triển) ; năm 2015, là 2 558 000 người (2 232 000) người.
Như vậy là đoạn tin của
vietnamfinance đúng
ở hai con số : 2015 (năm) và 2
558 678 (người), nhưng sai
ở
cách diễn dịch khi chia 2 558 678 cho 26 để nói rằng “tính trung bình trong 26 năm,
mỗi năm có
khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.”.
Muốn biết từ 1990 đến 2015, có thêm bao nhiêu người Việt Nam đã di cư
thì phải lấy con số 2 558 000 (năm 2015) trừ đi 1 232 000 (năm 1990),
nghĩa là 1 326 000 người. Trung bình mỗi năm là 53 000 người; trung
bình trong 5 năm 2010-2015 là 50 020 người / năm, sang các nước phát
triển là 44 800 người/năm.
So với thời gian trước, 15 năm (từ 1975 đến 1990), giả định là số người trước năm 1975 không đáng kể, ta có thể chia 1 232 000 cho 15, để có con số trung bình 82 000 người / năm.
Riêng tại Mỹ, theo số liệu chính thức của MPI, làn sóng nhập cư Việt Nam trong thập niên 2000-2010 là 25 000 người/năm; trong 4 năm sau (2010-2014) giảm đi một nửa : 12 750 người/năm.
Nếu những con số nói trên cho ta một ý niệm gần đúng về dòng người di cư, thì ngược lại, rất khó ước tính dòng tiền tuồn ra nước ngoài.
Kết quả tính toán đang tín cậy hơn cả đã được tác giả Vũ Quang Việt trình bày trong bài Lý giải kiều hối tăng mạnh và 33 tỷ USD “xuất ngoại” : từ 2008 đến 2013, đạt tổng số 33 tỉ USD, với xu hướng ngày càng tăng (năm 2013 gần 9 tỷ). Con số này cũng phù hợp với con số của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) do bà Phạm Chi Lan viện dẫn : năm 2015 hơn 9 tỉ USD (Infonet, 22.04.2016).
Tóm lại, tuy vài con số bị
thổi phồng
(có thể vì đọc không kỹ), nhưng rõ ràng là có một dòng người và dòng
tiền bạc liên tục chảy ra nước ngoài. Luồng của đi theo người
phản ánh
tâm trạng của giới mafia đỏ trước tương lai đất nước.
Việt Tân hay là hiệu ứng Bao cao su
Thế là đầu tháng 10 vừa
qua, Bộ công an
Việt Nam đã chính thức xếp “Việt Tân” là tổ chức “đã và đang tiến hành hoạt động
khủng bố”
(Vietnamnet,
07.10.2016). Ai chẳng biết “Việt Tân” là đảng của “Mặt trận” Hoàng Cơ
Minh, đã từng kháng chiến mồm ở “chiến khu” Thái Lan nhưng khủng bố
thật ở Mỹ trong thập niên 1980, giết hại những nhà báo như ông Đạm
Phong là người đã tố cáo những trò lừa bịp, tống tiền “gây quỹ kháng
chiến” – ai quên chỉ cần xem lại bộ phim Terror
in Little Saigon mà ProPublica đã phát hành rộng rãi trên
mạng từ
tháng 11.2015.
Sau cái chết ở Nam Lào của ông phó đô đốc nặng phần trình diễn cải
lương (cái chết mà nhiều năm sau “Mặt trận” mới thừa nhận) và một loạt
thanh trừng nội bộ, li khai... “Mặt trận” đã giải phẫu chỉnh hình thành
“đảng
Việt Tân” và tuyên bố “tiến
hành
phương thức đấu tranh bất bạo động, dựa trên nền tảng lấy sức mạnh dân
tộc làm chính để vận dụng toàn dân, đồng thời kết hợp với việc tranh
thủ những hợp tác quốc tế, để tạo áp lực tối đa ở mọi mặt lên chế độ Hà
Nội nhằm thay đổi nguyên trạng, tạo ra bối cảnh sinh hoạt chính trị đa
nguyên tại Việt Nam.” (mạng Việt
Tân).
Chẳng ai ngây thơ đến độ
coi tuyên ngôn
đó là thực tâm, cũng như chẳng ai tin vào những lời thanh minh thanh
nga của lãnh đạo Việt Tân khi họ chối bay chối biến mọi dính líu của
Mặt Trận trong cái chết của ông Đạm Phong và 4 nhà báo khác. Nhưng có
điều chắc chắn là trong bối cảnh hiện nay của đất nước thì có điên mới
chủ trương khủng bố hay bạo lực. Cho nên dù thực tâm hay không, lãnh
đạo Việt Tân cũng chỉ có thể dùng hình thức tuyên truyền chính trị,
tranh thủ dư luận. Và phải thừa nhận, trong hoạt động của mình, Việt
Tân được sự ủng hộ to lớn của nhà cầm quyền Hà Nội. Thật vậy, trong
tình hình đen tối hiện nay, với một chính quyền tham nhũng, ù lỳ và tàn
nhẫn như thế, có gì lạ khi một thanh niên yêu nước, đi tìm đường và run
rủi gặp
Việt Tân ? Vả lại, theo bộ máy tuyên giáo ĐCSVN, đâu chả có Việt Tân !
Có thể nói như người Pháp, Đảng cần Việt Tân đến mức nếu nó không có
thì phải tạo ra nó cho bằng được.
Người thắc mắc có thể băn khoăn đặt ra câu hỏi : tại sao đến bây giờ Bộ công an mới chính thức phát bằng “khủng bố” cho Việt Tân. Câu trả lời có thể tìm ngay trong văn bản nói trên của Bộ công an : “Việt Tân là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do Việt Tân tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”
Vài ngày sau, cụ thể là ngày 11.10.2016, tài liệu 7 trang của Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tĩnh của Đảng Cộng sản VN nói về vụ đồng bào công giáo biểu tình ngày 2.10.2016 và vụ kiện Formosa của hàng trăm đồng bào Nghệ Tĩnh đã dành cả một trang nói tới Việt Tân (chép gần như nguyên si thông báo của Bộ công an), và nhấn mạnh : “Qua báo cáo của lực lượng chức năng, tất cả các hoạt động diễn ra trên địa hạt tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây đều có bàn tay phá hoại của Việt Tân”. Không biết trong các hoạt động diễn ra ở Hà Tĩnh, Ban tuyên giáo có kể tới chuyến đi thăm Formosa của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không. Nếu ngày mai kia, “lực lượng chức năng” phong Giám mục Nguyễn Thái Hợp làm... bí thư khu uỷ của Việt Tân, thì cũng chẳng đáng ngạc nhiên.
Rốt cuộc, Việt Tân chỉ là
cái “bao cao
su qua sử dụng” của công an (vừa có uỷ viên thường vụ mới là ông Nguyễn
Phú Trọng) và tuyên giáo (ông Trọng từng là tổng biên tập tạp chí Cộng
sản). Chính quyền không còn chiêu “chưa sử dụng” nào đỡ khôi hài hơn à
?
Sài Gòn Nhỏ giữa Trump và Clinton
Ngày 5.10.2016, tổ chức NAAS (National Asian American Survey / Thăm dò toàn quốc dư luận người Mỹ gốc Á) đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận nhân dịp bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới đây. Cuộc thăm dò được tiến hành trong thời gian 10.8 - 29.9.16, bằng cách phỏng vấn 2 238 người qua điện thoại thuộc 8 nhóm dân tộc : Hoa (281), Ấn (274), Filipino (201), Hàn (286), Việt (295), Nhật (147), Hmông (151), Campuchia (59).
Theo cuộc thăm dò này, trong số người gốc Á đã đăng ký cử tri, 55% có ý định bỏ phiếu cho Clinton, 14% cho Trump, 8% cho một ứng viên khác, số còn lại vẫn do dự. So với thăm dò chung, thì tỉ số người Mỹ gốc Á ủng hộ Clinton lớn hơn tỉ số chung, và tỉ số ủng hộ Trum thấp hơn tỉ số chung.
Các bảng số liệu dưới đây cho thấy sự chọn lựa của cử tri gốc Việt khác biệt với cử tri gốc Á khác trên nhiều điểm.
Dân chủ hay Cộng hoà ?
Hỏi “Nói
chung, ông/bà tự coi là Cộng hoà, không đảng hay Dân chủ”,
người Mỹ gốc Việt (hàng cuối) trả lời : Cộng hoà 23%, không đảng 47%,
Dân chủ 29% ; trong khi đó, câu trả lời của người Mỹ gốc Á nói chung
(hàng đầu) là : 16%, 41%, 41%.
Song nếu gộp chung cả những người không đứng về phía đảng nào, nhưng cảm thấy gần gũi một đảng nào đó, thì câu trả lời của người Mỹ gốc Việt là : 29% Cộng hoà, 25% độc lập, 45% Dân chủ (trong khi đó, 57% người gốc Á nói chung thiên về đảng Dân chủ).
Đánh giá Obama
Người Việt gốc Mỹ : 60% không tán thành, 35 % tán thành, 7% không ý kiến ; người gốc Á nói chung : 10 % không tán thành, 60 % tán thành, 3% không ý kiến.
Ý kiến về Donald Trump
Người Mỹ gốc Việt : 25% rất không ưa, 18% không ưa, 11% không ý
kiến, 21%
ưa, 24% rất ưa.
Người Mỹ gốc Á : 52% rất không ưa, 15% ưa, 10% không ý kiến, 13% ưa, 10% rất ưa
(Người gốc Hàn Quốc : 84% không ưa Donald Trump)
Ý kiến về Hillary Clinton
Người Mỹ gốc Việt : 23% rất không ưa, 26% không ưa, 12% không
ý
kiến, 23% ưa, 15% rất ưa.
Người Mỹ gốc Á : 18% rất không ưa, 18% không ưa, 7% không ý kiến, 33% ưa, 26% rất ưa.
Hillary Clinton được lòng người Campuchia nhất (73%)
Bỏ
phiếu sơ bộ
Trong số cử tri gốc Việt đã tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ (primary, caucus) : 41% đã bỏ phiếu cho Clinton, 23% cho Sanders, 19% cho Trump, 17% cho người khác.
Đáng chý ý là 56% người H'mông đã bỏ phiếu cho Bernie Sanders.
Định bầu ai ?
Giả dụ cuộc bầu cử tổng
thống vào tháng
11 diễn ra ngay hôm nay, thì bạn sẽ bỏ phiếu cho ai ? Người Mỹ gốc Việt
trả lời : 41% cho Clinton, 3% cho một ứng viên độc lập, 16% cho Trump,
34% không biết. Trong toàn bộ cử tri gốc Á, bà Clinton chiếm đa số
tuyệt đối (55%), nhất là trong cử tri gốc Ấn (67%)
Một số vấn đề quan trọng
Cuộc điều tra còn cho thấy ý kiến của cử tri gốc Á về một số vấn đề quan trọng : Obamacare, thay đổi khí hậu, quyền bình đẳng cho người da đen, cấm người Hồi giáo nhập cảnh :
Obamacare
Đa số người gốc Á ủng hộ
chương trình y
tế Obamacare : 60% (người Việt 57%, người Ấn 70%)
Thay đổi khí hậu
Đa số người gốc Á tán thành siết chặt những quy định về các nhà máy năng lượng để thích ứng với thay đổi khí hậu : 76% (người gốc Việt cao hơn : 82%, Campuchia cao hơn nữa : 89%).
Cấm người Hồi giáo vào Mỹ
Đa số người gốc Á phản đối việc cấm người Hồi giáo vào Mỹ : 62% chống, 18% không biết hoặc từ chối trả lời, 20% ủng hộ. Tỉ số chống đối còn cao hơn nữa trong cử tri gốc Ấn : 78% chống, 11% ủng hộ. Cử tri gốc Việt thì ngược lại (nhưng có lẽ không ai ngạc nhiên vì những con số này) : 40% chống, 29% không biết/không trả lời, 31% ủng hộ. Trong cử tri Campuchia, tỉ số ủng hộ việc câms lên tới 37% nhưng đa số phản đối : 55%.
Bình
quyền cho người da đen
Đa số người gốc Á ủng hộ chính phủ làm hơn nữa để bảo đảm bình quyền cho người da đen : 72% (người gốc Việt cao hơn : 76% ; người Campuchia : 92%). Ai bảo người Việt kỳ thị với người da đen ?
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu