Sổ tay
Sổ tay
Mai Thứ ở Mâcon
Chỉ còn hai ba ngày nữa là bế mạc triển
lãm
tranh Mai Thứ ở
Mâcon.
Muộn còn hơn không, rất mong bạn đọc không bỏ lỡ vận hội này. Đây là
cuộc triển lãm phong phú và đa dạng nhất (140 bức tranh), cho phép ta
có một cái nhìn toàn diện về tác phẩm và con người nghệ sĩ. [Tin giờ chót : Viện bảo tàng Ursulines vừa quyết định kéo dài cuộc triển lãm đến ngày
2.1.2022]
Đông đảo công chúng thường chỉ biết Mai Thứ qua những bức tranh thiếu nhi mà UNICEF đã phổ biến từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Cuộc triển lãm đưa người xem vào một thế giới rộng mở : những chân dung phụ nữ (đặc biệt là “Mademoiselle Phương”, người đẹp “cổ điển” của Hà Nội những năm 1930), tĩnh vật, cuộc sống hàng ngày. Quan trọng hơn cả, nó cho thấy bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Mai Thứ : Mâcon 1940-41. Chính ở thành phố này, Mai Thứ đã chuyển từ hội họa hàn lâm phương Tây (Mai Thứ là sinh viên khóa đầu tiên của trường Mỹ Thuật Đông Dương, Hà Nội) sang những tranh lụa với những màu sắc, đường nét và phối cảnh phương Đông, Cũng tại đây, ở nhà thờ Saint-Pierre, không xa nhà triển lãm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng bức bích họa tưởng niệm thương binh tử sĩ trong đại chiến lần thứ nhất (nhà nguyện đầu tiên, bên phải, từ cổng chính).
Cuộc triển lãm còn cho thấy sự đa dạng của nghệ sĩ : Mai Thứ làm chủ nhiều nhạc cụ dân tộc (tranh, bầu, nguyệt) và đã nhiều lần giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trên các đài phát thanh, truyền hình Pháp hay ghi đĩa (cùng với Trần Văn Khê). Ông cũng là người say mê nhiếp ảnh và điện ảnh. Nhờ Mai Thứ và máy quay phim của ông, cùng với sự trợ lý của nhà điện ảnh Phạm Văn Nhẫn, mà ngày nay chúng ta có được bộ phim lịch sử về chuyến thăm nước Pháp mùa hè 1946 của chủ tịch Hổ Chí Minh và Hội nghị Fontainebleau.
Say mê với nghệ thuật, Mai Thứ không
phải là một nghệ sĩ “ dấn thân ” về chinh trị. Nhưng khi cần thiết, ông
không ngần ngại tỏ rõ thái độ của mình. Theo bà Mai Phương, con gái của
ông, Mai Thứ đã chấm dứt hợp tác với UNICEF vào giữa thập niên 1960 khi
cơ quan này của Liên Hợp Quốc không làm gì để bảo vệ trẻ em Việt Nam,
nạn nhân của bom đạn Mỹ. Tương tự, ông từ chối lời mời của một gallery
Mỹ muốn triển lãm và bán tranh của ông.
Chiếu phim Song Lang ở Paris
Buổi chiếu phim Song Lang và đối thoại với đạo diễn Leon Quang Lê chiều ngày 9.10.2021 ở Câu lạc bộ YĐA (rạp GrandAction, quận 5) sẽ được ghi nhớ là điểm son trong đời sống văn hóa cộng đồng Paris (nếu không nói là Pháp, Châu Âu, vì có những khán giả đến từ Đức, hay từ thành phố cực đông Strasbourg). Khán giả (hai trăm người) ngồi kín phòng chiếu Langlois của rạp GrandAction – có lẽ đây là con số kỷ lục trong 13 năm hoạt động của Câu lạc bộ. Hiệu ứng “rỉ tai” chắc đã góp phần vào đó : người ta rủ nhau đi xem một cuốn phim “nghe nói rất hay”.
Và đúng như vậy : bằng chứng là hầu hết khán giả đã ở lại thêm hơn một giờ để phát biểu cảm tưởng và đặt nhiều câu hỏi cho Leon Quang Lê : YĐA đã làm tròn nhiệm vụ câu lạc bộ điện ảnh, một truyền thống bắt đầu từ gần một trăm năm nay nhưng đang mai một ở Pháp, và dường như chưa thực sự tồn tại ở Việt Nam thì đã bị tàn lụi trước đại nạn ngồi nhà xem phim qua mạng.
Cuốn phim dài đầu tay đã khẳng định tài năng của Leon Quang Lê : Song Lang là một tác phẩm hoàn chỉnh về nhiều mặt. Từ truyện phim đến diễn xuất, hình ảnh, phân đoạn, chuyển đoạn, ánh sáng, âm thanh (kể cả phát âm của diễn viên) và âm nhạc. Tài năng ấy gắn liền với mối tình yêu “kép” : trước tiên là tình yêu, phải nói là đam mê, của tác giả đối với cải lương – cải lương như một nghệ thuật, thực thụ và đại chúng, chứ không phải thứ tuồng “diễu dở” mà không ít người đồng hóa với thể loại sân khấu này. Sau đó là mối tình “ tiềm thể ” vừa chớm nở giữa Dũng – tay giang hồ chuyên nghề đòi nợ, nhưng lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ cải lương – và Linh Phụng, ngôi sao của đoàn cải lương trong vai Trọng Thủy : mối “ tình trai ” sẽ phát triển song song với mối tình trên sân khấu giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu, cả hai đều kết thúc một cách bi thảm – tuy rất khác nhau.
Leon sang Mỹ năm 13 tuổi, không thực hiện được giấc mơ từ nhỏ là trở thành diễn viên cải lương. Lớn lên, Leon đã hoạt động trên sân khấu vũ nhạc Broadway, và tự học để làm điện ảnh, với Song Lang. Bằng điện ảnh, anh đã thể hiện mối tình đam mê với cải lương, và đồng thời truyền cảm cho khán giả, kể cả những người vốn có thành kiến – như người viết bài này – với cải lương.
Với tư cách Việt kiều, chúng ta còn
thêm một niềm khâm phục : Leon không những nói tiếng Việt trôi chảy mà,
hơn nhiều người khác, anh làm chủ Việt Ngữ môt cách nhuần nhuyễn để
phát biểu về những đề tài nghệ thuật và lý luận nghệ thuật; cũng như về
đời sống xã hội.
Nhiều lý do để nóng lòng ngóng đợi tác
phẩm điện ảnh sắp tới mà Leon Quang Lê chọn chủ đề là số phận của (hai)
“ công chúa ” Martine Bokassa.
3 phim tài liệu “ Sống ở đồng bằng sông Cửu Long ”
Tối thứ tư 20.10.2021, một công chúng “
tự chọn lọc ” đã được xem 3 cuốn phim tài liệu xuất sắc về đề tài
Sống ở đồng bằng sông Cửu Long,
tại Ateliers Varan (6 impasse Mont-Louis, Paris 11).
Varan là cái tên quen thuôc với độc giả Diễn Đàn : đó là tên một nhóm nhà điện ảnh Pháp, tự nguyện dành những tuần lễ nghỉ để sang một nước Thế giới thứ ba đào tạo những bạn trẻ muốn làm phim tư liệu (thiết bị làm phim được Bộ ngoại giao Pháp tài trợ, sau mỗi khóa đào tạo, họ để lại cho các đồng nghiệp mới vào nghề). Từ sáng kiến của Jean Rouch, trong mấy chục năm qua, tập thể Varan đã mở những khóa đào tạo tại mấy chục nước Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á, mỗi nước một lần, nhiều lắm là hai. Cơ duyên kỳ ngộ, Varan đặt chân tới Việt Nam lần đầu vào năm 2004 (trong 'mẻ' phim đầu phải kể Tại khu Thành Công có làng Thành Công của Phan Thị Vàng Anh), và từ đó đến nay, hàng năm đều có một khóa đào tạo mới. Hơn thế nữa, xưởng Varan Việt Nam đã được thành lập, hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, với những người phụ trách tại chỗ : Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Nguyễn Thị Thắm mà khán giả YĐA đã được xem những tác phẩm xuất sắc. Các “thầy" André, Aurélie, Sylvie... rút về làm cố vấn. Từ đại dịch (tháng 3.2020) họ không sang Việt Nam được, hoàn toàn không tham gia tại chỗ khóa đào tạo 2020 do các bạn Trần Phương Thảo, Swann Dubus (chồng của Phương Thảo), Nguyễn Thị Thắm, Phạm Thị Hảo đảm nhiệm. Nhìn nụ cười rạng rỡ của các "thầy cô" Varan tối hôm qua, khán giả biết rằng họ hết sức hài lòng với kết quả, và chia sẻ niềm tự hào đã hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Ba cuốn phim Sông đói (Fleuve affamé, của Nguyễn Thị Yên Trinh), Theo dòng phù sa (Dans le sens du courant, Nguyễn Thảo Ly), Trại ghe của bà Ba Liên (La fabrique de Mme Liên, Nguyễn Thu Hương) – ba trong 10 phim tốt nghiệp – mỗi phim một vẻ, cho khán giả một cái nhìn sinh động và xúc động về đời sống ven sông Hậu vùng Cần Thơ, cùng một lúc phải đối đầu với thay đổi khí hậu, ô nhiễm, phát triển du lịch ồ ạt, tàn dư của “cải tạo xã hội chủ nghĩa”...
Sông đói đưa ta vào cuộc vật lộn hàng ngày của người dân trên một bãi cát ven sông, hẹp dần vì sụt lở, nước sông ngày càng ít cá vì ô nhiễm. Theo dòng phù sa là sáng kiến tuyệt vời của những phụ nữ nông dân chuyển sang làm du lịch sinh thái, giới thiệu văn hóa và ẩm thực cho du khách nước ngoài và nội địa, luôn luôn phải đương đầu với quan chức địa phương ăn cánh với Cục du lịch của Nhà nước để chèn ép họ. Trại ghe của bà Ba Liên, như tên gọi của nó, cho ta gặp dì Ba Liên, một nhân vật “ đàn bà dễ có mấy tay ”, 75 tuổi, đã thay cha đứng mũi chịu sào, giữ gìn trại ghe (xưởng sửa chữa ghe thuyền lớn nhỏ) trước sức ép “ hiến của ” trong đợt cải tạo “ xã hội chủ nghĩa ” 1978. Nay ở tuổi già, nhưng giọng nói còn sang sảng và khí phách giữa hai miếng trầu, dì Ba Liên cùng với công nhân (nhiều người làm việc ở trại từ gần 50 năm nay) từng bước bảo vệ quyền lợi của mình trước dự án trưng dụng, biến vùng đất này thành một trung tâm du lịch “hoành tráng”.
Trung thành với tinh thần “ điện ảnh sự thật ” (cinéma vérité) của Jean Rouch, đạo diễn im lặng sau ống kính, trao lời cho các nhân vật, để họ kể lại những cuộc vật lộn triền miên trước thiên tai và nhân họa. Là những tác phẩm tập sự, nhưng sự gắn bó của mỗi người với đất và người đồng bằng sông Cửu Long, và sự đào tạo hiệu quả của Varan Việt Nam, cả ba cuốn phim đều là những tác phẩm chỉn chu, từ kịch bản đến hình ảnh, âm thanh. Giữa đại dịch Cô Vy, xin mừng Varan được mùa điện ảnh 2020.
21.10.21
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu