Tái cấu trúc kinh tế trước hết cần một quyết tâm và hành động chính trị
Tái
cấu trúc kinh tế
trước hết cần
một quyết tâm
và hành động
chính trị *
Trần Văn Thọ
Tokyo
Sau hơn một năm từ khi có chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI, đề án về tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng (dưới đây gọi tắt là Đề án tái cấu trúc) đã được Chính phủ đưa ra vào tháng 3 và trình Quốc hội bản tu chỉnh vào tháng 5 vừa qua. Đặc biệt bản Kiến nghị Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2012 Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đổi (do Viện Khoa học xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổng kết), một trong những bản báo cáo làm cơ sở cho Đề án tái cấu trúc, đã phân tích vấn đề có sức thuyết phục. Nay mai Quốc hội bổ sung, tu chỉnh trước khi thông qua nhưng chắc những điểm cơ bản của đề án sẽ không thay đổi.
Có thể nói những phân tích về hiện trạng kinh tế và phương hướng, nội dung tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên căn bản là đúng tuy còn một số điểm chưa dứt khoát như vẫn cho doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chưa rõ ràng về quyền sở hữu đất đai, v.v....
Tàu Hoa Sen, biểu tượng của "tái cấu trúc" từ Vinashin sang Vinalines, được mua với giá 60 triệu Euros, hiện đang nằm chơi sơi nước (và ngốn tiền bảo quản...) ở nước ngoài !
Nhưng vấn đề lớn hơn cần đặt ra ở đây là Đề án tái cấu trúc nầy có chắc chắn được thực hiện không? Hiện nay ta có đủ những tiền đề để tin rằng việc thực hiện đề án sẽ thành công hay không?
Đề án tái cấu trúc phân tích về mặt kinh tế như vậy là khá rõ, nhưng để thực hiện thành công cần những tiền đề ngoài lãnh vực kinh tế mà những tiền đề nầy hiện nay Việt Nam chưa có. Nói khác đi, ít nhất Việt Nam cần có ngay các tiền đề sau đây để thực hiện thành công đề án nầy:
Thứ nhất, cần một cam kết chính trị của người (hoặc những người) lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền và của nhà nước. Người lãnh đạo phải dựa trên kết quả các phân tích của chuyên gia và trịnh trọng tuyên bố với quốc dân về thực trạng của kinh tế hiện nay đồng thời phác họa một viễn ảnh cần nhắm tới của kinh tế Việt Nam vào năm 2020, một điểm mốc quan trọng, với nội dung thiết thực, hợp với nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Nếu chỉ nói “xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì thiếu thuyết phục vì các khái niệm nầy rất mơ hồ, chính Đảng CS đã nói từ gần 20 năm nay nhưng thực tế thì thấy nhiều mặt không tiến triển theo hướng ấy. Mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 cũng không rõ và có thể bị giải thích tùy tiện. Bức xúc của người dân hiện nay là công ăn việc làm có bảo đảm không, thu nhập có đủ sống không, nông dân có an tâm trên mảnh đất đang canh tác không, họ có phải bất đắc dĩ đi lao động ở nước ngoài không, bao giờ nhân viên công chức sẽ sống được bằng tiền lương, bao giờ sẽ có những ngành công nghiệp có công nghệ cao vươn ra thị trường thế giới, bao giờ VN sẽ không phải vay nợ nước ngoài, v.v..
Tôi nghĩ lãnh đạo phải cam kết rằng họ sẽ đem sinh mệnh chính trị của mình để phấn đấu đáp ứng được nhu cầu thiết thân đó của người dân mà trước mắt là phải thực hiện thành công Đề án tái cấu trúc, và cam kết đưa ra những hình thức nhận trách nhiệm nếu không thực hiện được. Tại một nước chỉ có một đảng lãnh đạo, cam kết chính trị và tinh thần trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo phải mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn những nước có thể chế chính trị khác.
Quyết tâm, cam kết chính trị của lãnh đạo là tiền đề quan trọng nhất, từ đó mới hy vọng bảo đảm các tiền đề tiếp theo sau đây.
Thứ hai, ai sẽ trực tiếp triển khai, quản lý việc thực hiện Đề án tái cấu trúc? Chưa nói đến năng lực, những quan chức quản lý ở các bộ, ban, ngành ở trung ương và ở chính quyền địa phương có đủ tinh thần trách nhiệm và sự toàn tâm, toàn ý trong việc thực hiện đề án nầy không? Thử nêu một ví dụ: Trong đề án có nói đến nhiệm vụ phải thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành có công nghệ cao, một trong những biện pháp để Việt Nam thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng chủ trương nầy cũng đã có từ trước, tại sao không thành công? Mới đây Khu công nghệ cao TPHCM vừa tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm hoạt động đã nhận xét rằng “10 năm hình thành vẫn chưa thấy công nghệ cao”, “ các thủ tục hành chánh hiện còn rườm rà”, “phải thay đổi cách làm...”, v.v.. Bộ máy hành chánh và năng lực, đạo đức của quan chức các cấp sắp tới có khác 10 năm vừa qua không?
Đề án tái cấu trúc còn nhấn mạnh “Coi khoa học và công nghệ là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kính tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung ưu tiên thực hiện các chương trình đề án khoa học công nghệ quốc gia, v.v.”. Nhưng điều nầy cũng đã được đưa ra từ 15 năm trước khi đó nhà nước đã xem khoa học và công nghệ là chiến lược ưu tiên hàng đầu. Kết quả thì như ta đã thấy.
Liên quan đến bộ máy quản lý hành chánh ít nhất có ba vấn đề làm cho các chính sách, chiến lược không thực hiện được. Một là, thiếu sự chuyên tâm và tinh thần trách nhiệm của không ít người giữ trách nhiệm cao. Tại sao có người giữ các trọng trách trong chính phủ mà lại trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh viết luận án tiến sĩ, một công việc của giáo sư đại học? Tại sao các quan chức vẫn đua nhau học tại chức lấy bằng tiến sĩ? Hiện tượng nầy chỉ có ở VN và làm cho bộ máy quản lý kém hiệu lực, gây lãng phí, đã được các thức giả phê phán từ 15 năm trước mà vẫn không thay đổi. Hai là, tiền lương không đủ sống làm cho nhiều quan chức chẳng những không chuyên tâm với công việc chính mà còn tìm cách duy trì cơ chế xin cho, hành doanh nghiệp, hành dân để tham nhũng. Ba là, vẫn còn nạn chạy chức, chạy quyền mà hậu quả là nhiều người không có tài có đức được giữ những trọng trách trong việc thực hiện các chính sách.
Ba
vấn đề nầy nếu không giải
quyết ngay thì không hy vọng Đề
án tái cấu trúc sẽ
được thực hiện thành công.
Lãnh đạo cao nhất nếu có cam kết
chính trị như đã nói sẽ
phải bắt tay vào việc tuyển chọn
quan chức (qua thi cử và những biện
pháp khách quan, minh bạch), cải cách
tiền lương và ngăn cấm quan chức
dạy hoặc học lấy bằng tiến sĩ.
Thứ ba, tái cấu trúc để chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao, sử dụng tiến bộ công nghệ và kỹ thuật đòi hỏi phải có đội ngũ lao động với chất lượng tương ứng. Điều này đòi hỏi phải thực hiện ngay cuộc cách mạng về giáo dục đại học trong đó tập trung các nguồn lực cho việc đào tạo theo chất lượng. Tình trạng hiện nay cho thấy đại học được mở ra tràn lan, tỉnh nào cũng có đại học, và hầu hết các bộ, ngành nào cũng có đại học. Nhưng phần lớn là đào tạo đại trà, kết cuộc số lượng người tốt nghiệp đại học tăng nhanh nhưng thị trường vẫn thiếu lao động chất lượng ở cả bậc đại học và cao đẳng. Cần cuộc cách mạng trong giáo dục đại học và cuộc cách mạng nầy chỉ được thực hiện khi những người lãnh đạo cao nhất có cam kết chính trị và chịu trách nhiệm kết quả việc thực thi Đề án tái cấu trúc.
Lãnh đạo chính trị phải thấy hết những vấn đề nầy và quyết tâm cải cách mới có tiền đề cho việc thực hiện thành công Đề án tái cấu trúc nền kinh tế.
Chỉ còn vài năm nữa là VN kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. So với thế giới, nhất là các nước chung quanh, thành quả phát triển trong thời gian dài nầy quả còn khiêm tốn. Bản Đề án tái cấu trúc đã nêu rõ những vấn đề cơ bản của kinh tế hiện nay. Theo tôi, nếu Đề án không được thực hiện, kinh tế VN sẽ sớm mắc vào bẫy thu nhập trung bình và trì trệ lâu dài. Trách nhiệm chính trị của những người lãnh đạo tối cao hiện nay rất lớn./.
Bài học từ Hàn Quốc (**)
Vào đầu năm 1998, Hàn Quốc cũng đã thực hiện một chương trình tái cấu trúc nền kinh tế với nội dung gần như Việt Nam bây giờ. Sau 3 năm thực hiện chương trình tái cấu trúc, họ đã thành công trong việc chuyển dịch từ một nước thu nhập trung bình cao lên hàng các nước tiên tiến. Các công ty Sam Sung, Huyndai đang cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới là một trong những kết quả của chương trình tái cấu trúc ấy. Nguyên nhân chính để họ thành công là vai trò lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm của Tổng thống Kim Daejung. Với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức sứ mệnh lịch sử mà người dân đã tin tưởng, giao phó, ông đã tập họp nhanh nhóm chuyên gia và dựa trên kết quả nghiên cứu của họ, tự phát biểu chương trình tái cấu trúc, và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện. Cùng với tư chất ấy của lãnh đạo, Hàn Quốc còn có một đội ngũ quan chức tài năng, có tinh thần dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm việc thực hiện thành công đề án tái cấu trúc..
Trần Văn Thọ
Chú
thích của Diễn
Đàn:
* Đây là bản gốc của bài đăng trên Tuổi trẻ ngày 19/6/2012 do tác giả gửi thẳng cho Diễn Đàn. Bạn đọc có thể thấy trong bản gốc tác giả phê phán "một số người giữ các trọng trách trong chính phủ không chuyên tâm với công việc được giao phó mà lại trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh viết luận án tiến sĩ, một công việc của giáo sư đại học" và nhiều chi tiết khác...
** Về bài học từ Hàn Quốc, xem thêm bài phân tích chi tiết của cùng tác giả trên Thời báo kinh tế Saigon số ra ngày 21/6/2012.
Các thao tác trên Tài liệu