Tấm ảnh và bình luận
Chiếc ghế công dân

LTS : Tấm ảnh bên trái đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ với chú thích như sau : « Ông Huỳnh Thế Năng (bên trái), phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lắng nghe bà Hoa Thị Hân khiếu nại về việc đòi lại đất làm đồn biên phòng 933 - Ảnh: Đ.Vịnh ». Có thể ông phó chủ tịch An Giang cũng có lúc « lắng nghe » dân, nhưng ở thời điểm của tấm ảnh, chỉ thấy ông ta ngồi, nói, còn bà Hoa Thị Hân thì đứng chắp tay và « lắng nghe ».
Tấm ảnh đã được báo Lao Động số 175 (ngày 31-7-2007) bình luận như sau (nhưng không đăng lại tấm hình) :
Bạn đọc cả nước chứng kiến bức ảnh ông Phó Chủ tịch tỉnh An Giang tiếp bà Hoa Thị Hân khiếu nại về việc đòi lại đất làm đồn biên phòng 933, trong buổi tiếp dân ngày 25.7 (Tuổi Trẻ ngày 26.7). Ông Phó Chủ tịch và hai cán bộ khác ngồi trên ghế, bàn có khăn trải và nước uống hẳn hoi.
Trước
mặt các vị, một bà cụ già đứng chắp tay. Nhìn cảnh này, hoàn toàn không
phải tư thế của một công dân đi khiếu nại theo quyền của mình và đang
cần đối thoại bình đẳng với chính quyền.
Cụ bà đến khiếu nại,
việc của chính quyền là phải tiếp và xử lý đúng pháp luật các nội dung
khiếu nại, tiếp đúng luật, đúng phép tắc, tất nhiên phải ứng xử có văn
hoá. Họ không có quyền để dân đứng bẩm báo, còn mình ngồi xem xét như
quan lại ngày xưa. Có thể sự vô tâm đó được tạo ra từ một thói quen xưa
nay vẫn đối xử với dân như thế. Các vị cán bộ này không hiểu rằng, họ
đang lĩnh lương của dân để làm công việc mà họ đang làm.
Đúng
ra, lãnh đạo của các địa phương có dân khiếu kiện đông người phải mời
dân đến để nói lời xin lỗi, trước khi giải quyết công việc. Bởi lẽ,
nguyên nhân chính gây ra khiếu kiện kéo dài là do chính sự yếu kém
trong công tác quản lý điều hành và trong giải quyết khiếu nại tố cáo
của các địa phương. Dân không bắt tội thì thôi, lại còn coi thường dân
như thế. Có nhiều ý kiến đã từng phân tích, dân
kéo đến các
cơ quan trung ương khiếu kiện do vụ việc một phần, một phần là do bức
xúc trước thái độ xử lý công việc của cán bộ, công chức địa phương.
Điều phân tích đó kiểm chứng với thực tế cho thấy hoàn toàn chính xác.
Tiếp
dân mà bắt dân đứng thưa chuyện không phải vì cơ quan chính quyền không
có ghế, mà vì ngay từ trong đội ngũ cán bộ quan chức, còn có những
người luôn cho rằng cái ghế của họ mới quan trọng, cái ghế cho dân có
can gì. Chính quyền của dân với tinh thần là mọi việc phải được dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra vẫn chỉ là những câu khẩu hiệu,
một khi trong tư duy của một số vị cán bộ lãnh đạo không hề có việc
dành chiếc ghế cho dân.
"Chiếc ghế công dân" đã không được tôn
trọng ngay trong nhận thức, thì mọi chiếc ghế khác của dân nào có ý
nghĩa gì ?
Lê
Thanh Phong
Về chuyện dài "khiếu kiện đất đai", có thể đọc thêm bài phỏng vấn ông Mai Ái Trực, bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường (chú thích của Diễn Đàn)
Các thao tác trên Tài liệu