Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tâm linh và Tâm an

Tâm linh và Tâm an

- Nguyễn Thị Hậu — published 30/01/2019 14:25, cập nhật lần cuối 13/02/2019 21:38

Tâm linh và Tâm an


Nguyễn Thị Hậu



Mùa lễ hội


Không biết từ bao giờ khoảng thời gian sau Tết âm lịch – tháng giêng kéo dài qua hết tháng hai, tháng ba thậm chí qua tới tháng tư – được gọi là ‘mùa lễ hội”?

“Mùa lễ hội” tương đương thời gian của một vụ mùa nên cũng có sự co giãn về thời gian theo cơ cấu thời gian nông nghiệp, nông thôn. Lễ hội diễn ra liên tục về thời gian từ lúc nông nhàn sau Tết âm lịch đến đầu mùa mưa bước vào thời vụ mới. Lễ hội diễn ra liên tục trong không gian: từ làng này qua làng khác, lễ hội liên làng, lễ hội của một vùng… chủ thể của lễ hội là cộng đồng của một làng, của một vùng. Nhiều lễ hội nổi tiếng không phải vì có đông người từ xa về tham dự hay vì có các quan về chủ trì, mà vì sự độc đáo của phần Hội, ở ý nghĩa nhân văn của phần Lễ. Chính vì vậy được cộng đồng chủ thể của lễ hội gìn giữ, không làm biến chất, biến dạng vì hiểu giá trị của lễ hội làng, vùng mình chính là sự khác biệt, độc đáo.

Từ khoảng mươi năm nay lễ hội bỗng dưng nở rộ dồn dập vào sau Tết, khi mà cơ cấu thời gian hiện nay của xã hội đã là thời gian công nghiệp và đô thị - giờ hành chính. Hơn 800 lễ hội cấp quốc gia và cấp tỉnh (chưa tính những lễ hội chưa được thống kê) diễn ra trong khoảng ba tháng, tức là một phần tư của một năm, lại là quý đầu năm, thời điểm cần phải bắt đầu, khởi động kế hoạch của một năm mới. Thử thống kê số lượng người đến các lễ hội này bao nhiêu phần trăm là công chức, viên chức nhà nước? Chắc chắn tỷ lệ không nhỏ, bởi vì, ngoài việc đi lễ hội để thỏa mãn tâm lý “cầu cạnh” các vị thánh thần ban cho tài lộc chức tước thì việc công chức viên chức nghỉ việc đi lễ hội có bị trừ mất đồng lương nào đâu (và thu nhập thêm, nếu có), thậm chí còn “trốn” được nhiều việc mà… không làm cũng chẳng ai chết (“dân có cần nhưng quan chưa vội” – ca dao mới).

Chưa nói đến những giá trị đích thực của lễ hội còn hay mất, chưa nói đến hình thức lễ hội còn là truyền thống hay không… chỉ cần nhìn hiện tượng các địa phương đua nhau “nâng cấp” lễ hội cả về quy mô và hình thức, có thể nhận biết mục đích chính của hiện tượng lễ hội tổ chức tràn lan đến mức không kiểm soát được, như thừa nhận của ngành Văn hóa : Thực chất ở rất nhiều lễ hội đó là sự thương mại hóa. Không thể phủ nhận, khi Lễ hội trở thành một sản phẩm văn hóa thì mục đích thương mại không thể không đặt ra, nhưng mục đích thương mại phải đặt sau, đặt dưới mục đích bảo tồn giá trị văn hóa của lễ hội, tức là bảo tồn di sản văn hóa cho đời sau, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến thế giới.

Việc các phương tiện thông tin và ngành du lịch đua nhau quảng bá rầm rộ về “mùa lễ hội” cũng góp phần kích thích tâm lý “lễ hội” của người dân và xu hướng thương mại hóa các lễ hội.


Quá khứ nào đang trở lại?


Từ năm 2010 nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã chỉ ra, Lễ khai ấn đền Trần và nhiều lễ hội khác hiện nay phục hồi lại không còn giữ đúng về hình thức và nội dung đã được lưu truyền hay ghi chép trong sử sách. Thế nhưng vì sao mỗi năm lại mỗi phát triển hoành tráng, lãng phí thời giờ tiền bạc công sức của xã hội, biến chất về ý nghĩa mang nặng yếu tố tiêu cực hơn?

Hiện nay tâm lý truyền thống "tháng Giêng là tháng ăn chơi" sống lại và phát triển nhờ hàng loạt lễ hội mở ra với mật độ dày đặc trong một thời gian không dài, quy mô tổ chức ngày càng lớn ngoài phạm vi làng xã. Hầu hết lễ hội đều do các cấp chính quyền nhà nước tổ chức và cử hành nên phần Nghi lễ (trước đây trang nghiêm, giản dị, vừa phải) thì nay trở thành phần chính được cử hành hoành tráng, biến ý nghĩa của Nghi lễ dân gian truyền thống thành sự thể hiện và đáp ứng những nhu cầu “chính thống” của xã hội hiện đại. Do đó không lạ khi Lễ Khai Ấn đền Trần được nhiều người coi là lễ cầu xin thăng quan tiến chức! Đây là tâm lý của một bộ phận không nhỏ của công chức nhà nước nên có ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội nói chung.

Người xưa nói “ấn tín” là để chỉ đạo đức, trách nhiệm của người giữ ấn. Nhưng nay những “công bộc của dân” mấy ai quan tâm đến việc tạo dựng và gìn giữ uy tín đạo đức? Mặt khác, việc các công chức nhà nước bỏ nhiệm sở đổ xô đi lễ Khai Ấn và nhiều lễ hội khác, cho thấy mặc dù chúng ta luôn nói đến Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nhưng không biết đến bao giờ tác phong văn minh công nghiệp mới trở thành nếp sống của toàn xã hội?

Cũng vậy, những lễ hội có những hành vi chém giết động vật, tranh cướp “lộc thánh”… nếu trước đây là biểu trưng văn hóa của một làng xã nhỏ hẹp thì nay lại mang tính thực dụng của cả xã hội. Không thể không nhận thấy sự phổ biến của việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ ở đền, chùa để cầu may, việc để cho con trẻ chứng kiến, người lớn thì reo hò nhìn con vật chết dần một cách bất nhẫn trong lễ hội và thực trạng xã hội: những hành vi “buôn thần bán thánh” coi thường đạo đức luật pháp, dửng dưng, trơ lỳ cảm xúc trước bất công, trước hành vi bạo lực của con người với con người, như những vụ “mất chó giết người đền mạng”, cô bảo mẫu đánh trẻ nhỏ, thanh niên nam nữ đánh người già cả… xảy ra ngày càng nhiều.

Việc tiếp tục tổ chức rầm rộ những lễ hội với hàng trăm ngàn người dân ùn ùn kéo đến làm cho ý nghĩa của lễ hội ngày càng biến dạng, thực chất nó chỉ phản ánh thực trạng xã hội hiện nay. Đó là:

1/ Các lễ hội truyền thống không còn giá trị đích thực, chúng ta sẽ làm mất di sản văn hóa của chính chúng ta.

2/ Các giá trị tinh thần tốt đẹp của truyền thống mất đi, con người sẽ phải tìm đến và tin vào những giá trị “ảo”, dần dần sẽ làm băng hoại xã hội!

Và 3/ Nhà nước không thể quản lý được các lễ hội nếu cứ tổ chức tràn lan và tùy tiện như vậy, những tệ nạn đã xuất hiện trong các lễ hội sẽ rất khó bị dẹp bỏ, chưa kể nó sẽ biến tướng và xuất hiện thêm những tệ nạn mới.

Mỗi thời đại có hệ giá trị của thời đại mình, nhất là những giá trị văn hoá. Có nên làm “sống dậy” một vài giá trị văn hoá của quá khứ nhưng không còn hợp thời, thậm chí “giá trị” ấy còn dung dưỡng khuyến khích những hành vi tâm lý xấu trong xã hội hiện này?

Quá khứ phải là nguồn mạch trong lành để nuôi dưỡng tâm hồn con người hiện tại và tương lai, chúng ta không thể biến quá khứ thành “ao tù nước đọng” chứa đựng thêm những rác rưởi ngày nay, bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu chứ không phải sống trong một cái làng tù túng ngày xưa.


Lên đường để đến tâm an


Mùa xuân cũng là mùa lễ hội. Phong tục tổ chức lễ hội vào thời gian “nông nhàn” khiến cho trong Nam ngoài Bắc khắp đình, chùa, đền, miếu... tấp nập người đi lễ. Ngày xưa lễ hội những ngày này, dù vào “tháng Giêng ăn chơi” nhưng không nặng tính thực dụng mà chủ yếu để giải trí, du xuân gặp gỡ mọi người và thăm viếng nơi danh lam thắng cảnh. Những lời khấn cầu đầu năm ngoài sự mong muốn những điều may mắn tốt lành còn nhằm bày tỏ lòng thành tâm thiện với Thần, Phật.

Trải qua mấy chục năm chiến tranh, ở miền Bắc nhiều phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bị xoá bỏ vì coi là “mê tín dị đoan”. Nhưng sau chiến tranh, nhất là từ khi “đổi mới” về kinh tế, trong xã hội “làm giàu” trở thành mục tiêu của nhiều người thì nhiều tục lệ đã phục hồi và ngày càng phát triển theo hướng thực dụng.

Điều đáng nói là việc cầu xin tài lộc chức tước lan tràn mọi lúc mọi nơi, đến mức không thể kiểm soát! Bây giờ vào ngày lễ tết đền chùa nào cũng mù mịt khói nhang tràn ngập đồ lễ vàng mã tiền lẻ rải như rác... Người ta cho rằng lễ càng “hoành tráng” thì thần, phật càng chứng giám phù hộ, cơ may như những hợp đồng làm ăn béo bở, chức tước danh vị sẽ vào tay mình, tránh được những rủi ro thậm chí nếu vi phạm luật pháp sẽ không bị phát hiện và được bao che khỏi sự trừng trị của cơ quan chức năng...

Từ đó đã nảy sinh hiện tượng “buôn thần bán thánh”, “mua chuộc thần phật”, “kinh doanh tâm linh”... Phục vụ cho nhu cầu này nên chùa chiền được trùng tu, xây mới tràn lan, ngày càng hoành tráng, truyền thông rầm rộ về những ngôi chùa xác lập một “kỷ lục” nào đó về quy mô kiến trúc trang trí, sự có mặt của các vị quan chức thăm viếng cúng dường, tổ chức lễ hội cấp quốc gia... Chùa càng to càng “giàu có” thì càng đông “tín đồ”, tiếng đồn “linh nghiệm” càng nhiều. Người ta ồ ạt theo những tour “du lịch tâm linh” vội vã chạy từ chùa này sang chùa khác cho đủ mấy “kiểng chùa” mà không có nơi nào đủ thời gian mà lắng lòng thanh tịnh.

Trong khi đó ở đâu cũng có chùa làng. Những ngôi chùa đơn sơ giản dị, gần gũi với dân cư trong vùng, nhiều chùa nuôi trẻ mồ côi người già cơ nhỡ... nhưng ít người thăm viếng, thỉnh thoảng có người “từ thiện” đến giúp đỡ chút đỉnh. “Phật tại tâm” sao còn phân biệt chùa giàu chùa nghèo, phân biệt chùa lớn chùa nhỏ? Sự phân hoá “đẳng cấp” một cách sâu sắc không chỉ có ngoài xã hội mà đã hiện diện trong các ngôi chùa phản ánh nhu cầu tâm linh đã bị tâm lý “thực dụng” lấn át. Xưa trong truyện cổ tích khi khó khăn người ta thường cầu xin ông Bụt giúp đỡ, nay lại coi Phật như ông Bụt vạn năng có thể giúp cô Tấm trở thành hoàng hậu hay giúp anh nông dân có cây tre trăm đốt để trả thù phú ông nên người ta lên chùa cầu xin không thiếu thứ gì... Và phải chăng vì quan niệm “Bụt chùa nhà không thiêng” nên hay phải đi cầu Phật chùa xa cho “linh”?

Nhiều người đã biết rằng, đi lễ chùa đầu năm hay vào ngày rằm, mùng một hàng tháng là để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, con người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát lợi lộc vật chất cho mình mà tìm đến giáo lý Phật Giáo để giác ngộ, xuất phát từ bản thân làm việc thiện “tu nhân tích đức”... Trong xã hội ai cũng hướng thiện và làm việc đức thì ngày càng có nhiều điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, trong đó có mỗi người. Đó là tâm thức cần có khi đến với các tôn giáo trong đó có Phật giáo.

Mùa lễ hội nào cũng kết thúc, mọi người lại trở về với công việc và sinh hoạt thường ngày. Nhưng điều quan trọng là sau mỗi lần lên chùa vào đền thành kính khấn vái, chúng ta có hành xử tử tế, làm ăn lương thiện và chăm chỉ hơn không, bởi vì nói cho cùng, lười biếng thì không Thần nào cứu giúp, ác tâm thì không Phật nào độ trì... Có tâm có đức thì mới có linh. Vô tâm thất đức thì dù có cầu cúng đến đâu cũng không thể mang lại sự bình an trong tâm hồn. Tâm bất an là nguyên nhân mọi sự bất ổn của cá nhân và xã hội.


Nguyễn Thị Hậu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss