Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tây Nguyên S.O.S.

Tây Nguyên S.O.S.

- Tia Sáng — published 10/11/2008 07:26, cập nhật lần cuối 10/11/2008 18:02
Nhưng nghiêm trọng hơn nữa -- điều này, vì những lí do dễ hiểu, không được nêu ra rõ ràng trong bài báo -- nó cho thấy sức ép của Trung Quốc và việc một bộ phận chính quyền đã lén lút để cho Trung Quốc -- không có công nghệ cao và "sạch" -- trúng thầu. Không những thế, theo những nguồn tin đáng tin cậy, những công ti Trung Quốc có thể sẽ đưa một lực lượng công nhân -- hay quân nhân mặc thường phục ? -- sang khai thác ; và điều này đang gây ra bức xúc, phẫn nộ ngay trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Phê phán dự án bauxit-nhôm ở Tây Nguyên



5 nguy cơ, rủi ro và giải pháp

 



Đầu tháng 11/2008, với sự chủ trì của GS. NGND Nguyễn Văn Chiển, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên I, một số nhà khoa học, văn hóa, chuyên gia kinh tế : Nhà văn Nguyên Ngọc ; GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam ; GS.TS Trần Nghi, Chủ tịch Hội trầm tích, tổng Hội Địa chất VN ; GS.TS Phạm Duy Hiển, Nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt ; PGS.TS Khổng Diễn, Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học ; PGS.TS Hà Huy Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam ; PGS.TS Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam... đã nghiên cứu, phân tích các nguy cơ liên quan đến chương trình khai thác quặng Bauxit, sản xuất Alumin và luyện Nhôm ở Tây Nguyên của Tập đoàn Than – Khoáng sản và thống nhất đề xuất một số giải pháp đáp ứng.

 

I. BỐI CẢNH VẤN ĐỀ

Bauxit là một trong những khoáng sản phổ biến trên bề mặt Trái đất để chế biến thành nhôm kim loại và là một trong những nguồn tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn của Việt Nam. Theo kết quả điều tra thăm dò địa chất chưa đầy đủ, ở nước ta khoáng sản Bauxit phân bố rộng từ Nam đến Bắc với trữ lượng khoảng 5,5 tỷ tấn quặng nguyên khai, tương đương với 2,4 tỷ tấn quặng tinh ; tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên (chiếm 91,4%), trong đó Đăk Nông 1,44 tỷ tấn (chiếm 61%). So với các mỏ Bauxit trên thế giới, Bauxit ở Việt Nam được đánh giá có chất lượng trung bình.

Bài này đã được  công bố trên mạng của báo Tia Sáng (http://www.tiasang.com.vn/) ngày 7.11.2008 rồi bị bóc đi. Đây chắc chắn là kết quả một cú điện thoại hay SMS của bộ 4T.  Diễn Đàn quyết định đăng lại toàn văn bài báo, vì nhiều lẽ. Trước tiên, để cho bộ máy kiểm duyệt biết rằng thời bao cấp và kiểm duyệt đã nhường chỗ cho thời đại internet. Thứ nhì, quan trọng hon, là nội dung vấn đề.  Bài báo ngắn tổng hợp ý kiến của những nhà khoa học cho thấy rõ dự án khai thác quặng bauxit ở Tây Nguyên là phi kinh tế, phí phạm, và sẽ gây ra nhiều tác hại về môi trường, xã hội, văn hoá.

Nhưng nghêim trọng hơn nữa -- điều này, vì những lí do dễ hiểu, không được nêu ra rõ ràng trong bài báo -- nó cho thấy sức ép của Trung Quốc và việc một bộ phận chính quyền đã lén lút để cho Trung Quốc -- không có công nghệ cao và "sạch" -- trúng thầu. Không những thế, theo những nguồn tin đáng tin cậy, những công ti Trung Quốc có thể sẽ đưa một lực lượng công nhân -- hay quân nhân mặc thường phục ? -- sang khai thác ; và điều này đang gây ra bức xúc, phẫn nộ ngay trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Phải ngăn chận dự án nguy hại này.

Diễn Đàn

Theo báo cáo “Tổng quan về tài nguyên quặng Bauxit và quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng Bauxit giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025” của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư thực hiện quy hoạch Bauxit tại Tây Nguyên thì đến năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất từ 6,0-8,5 triệu tấn Alumin và 0,2-0,4 triệu tấn Nhôm. Tại vùng Tây Nguyên sẽ xây dựng 6 nhà máy Alumin, 1 nhà máy điện phân nhôm, 1 đường sắt khổ đơn dài 270km, rộng 1,43m từ Đăk Nông đến Bình Thuận và 1 cảng biển chuyên dụng công suất 10 - 15 triệu tấn tại Bình Thuận. Đến năm 2025 sẽ xây dựng và nâng công suất của 7 nhà máy Alumin, 2 nhà máy điện phân nhôm, 1 đường sắt khổ đôi rộng 1,43 mét và 1 cảng biển công suất 25 - 30 triệu tấn để sản xuất từ 12-18 triệu tấn alumin / năm. Tổng đầu tư cho toàn bộ chương trình này đến năm 2025 ước khoảng 20 tỷ USD và Việt Nam sẽ trở thành một trong những “cường quốc” sản xuất và xuất khẩu Alumin ra thế giới.

Mặc dù kế hoạch “đồ sộ” trên đã bắt đầu được TKV triển khai bằng việc giải phóng mặt bằng, đấu thầu và khởi công nhà máy Alumin tại Bảo Lộc – Lâm Đồng (tháng 7/2008) với công suất 600.000 tấn / năm, và triển khai nhà máy Alumin Nhân Cơ – Đắc Nông cũng với công suất tương tự, nhưng chương trình này chưa nhận được sự đồng thuận của rất nhiều người, đặc biệt là giới khoa học. Bản thân TKV và UBND các tỉnh có Bauxit cũng đang rất lúng túng trong việc nhận dạng các nguy cơ, những tác động tiêu cực tiềm tàng và các giải pháp giảm thiểu trong tương lai.  

Báo cáo này phân tích những nguy cơ, các tác động tiêu cực tiềm tàng và đề xuất các giải pháp chiến lược cho chương trình Bauxit tại Tây Nguyên.
 

II. NHỮNG NGUY CƠ VÀ RỦI RO CÓ THỂ XẢY RA
ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH BAUXIT TÂY NGUYÊN

1. Các vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, hiệu quả kinh tế, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên Quốc gia :

Kế hoạch chương trình khai thác khoáng sản Bauxit ở Tây Nguyên của Tập đoàn TKV được xây dựng với tổng mức kinh phí đầu tư lên đến gần 20 tỷ USD nhưng chưa có một chiến lược tổng thể tối ưu, cân nhắc thấu đáo mọi mặt cho việc phát triển toàn diện, bao gồm cả quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cho Tây Nguyên trong mối liên quan chung với phát triển của cả nước. Kế hoạch này cũng chưa đưa ra được những tính toán chi tiết về hiệu quả kinh tế tổng thể của chương trình, bao gồm cả việc phân tích xu hướng thay đổi nhu cầu về nhôm trong quá khứ và dự báo trong tương lai. Dẫn đến chương trình này chưa đạt được sức thuyết phục, biểu hiện thiếu tính khả thi. Nếu không phân tích kỹ càng thì chương trình Bauxit-Nhôm có thể sẽ rơi vào tình trạng khốn đốn như đã gặp phải đối với chương trình mía đường, xi măng lò đứng trước đây và ngành thép hiện nay. Đó là đầu tư ào ạt và khi bắt đầu có sản phẩm giá thị trường lại rớt xuống, đẩy ngành sản xuất vào thế bế tắc và đứng bên bờ phá sản.

Từ nay đến năm 2020, nước ta sẽ còn thiếu điện trầm trọng. Đây là một nút thắt gây tắc nghẽn tăng trưởng nghiêm trọng kéo dài của nền kinh tế nước ta. Cùng với xu thế gia tăng mạnh đầu tư trong những năm tới, đặc biệt là những dự án đầu tư nước ngoài cực lớn, có nhu cầu tiêu thụ điện năng cao, việc tiến hành Chương trình Bauxit Tây Nguyên chắc chắn sẽ làm gia tăng tình trạng tranh chấp nguồn năng lượng khan hiếm vốn đang rất gay gắt này. Điều này cũng xảy ra với nhiều nguồn lực khan hiếm khác như nước, hạ tầng giao thông, cảng biển và nhân lực chất lượng cao. Cho đến nay, các chương trình phát triển đều chưa cho thấy sự cân nhắc đến việc giải quyết tranh chấp này và những hậu quả chiến lược dài hạn tổng thể của nó. Điều đó đồng nghĩa với khả năng làm suy giảm mức độ hấp dẫn và tính hiệu quả của môi trường đầu tư của nền kinh tế, dẫn tới chỗ làm Việt Nam chậm trễ, thậm chí, bị lỡ nhịp trong việc tận dụng các thời cơ phát triển lớn đang mở ra.

Trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng như hiện nay, Việt Nam không thể điện phân nhôm bởi quá trình này đòi hỏi một lượng điện năng lớn, giá rẻ - chủ yếu là từ thủy điện. Ước tính, lượng điện năng cần thiết để luyện 0,3 triệu tấn nhôm / năm theo như quy hoạch là 4,5 tỷ KWh, tương đương các nhà máy thủy điện có tổng công suất lên tới 1200MW. Trong khi tiềm năng thủy điện của VN gần như đã cạn kiệt và bản thân TKV mới đây chỉ được giao xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 chỉ với công suất 300MW, thì trong bối cảnh hiện nay luyện nhôm là điều bất khả thi.

Những phân tích trên cho thấy VN không nên quá vội vã trong việc khai thác Bauxit và xây dựng các nhà máy sản xuất Alumin để xuất khẩu, bởi giá trị của Alumin chỉ bằng 12%  giá trị của Nhôm kim loại. Bauxit là tài nguyên không tái tạo, khi khai thác và sử dụng thì nó sẽ vĩnh viễn mất đi vì thế chúng ta không nên vội vàng lãng phí tài nguyên mà hãy để dành Bauxit đến khi có điều kiện (điện năng, công nghệ…) để sản xuất thành các sản phẩm có giá trị cao như nhôm và các sản phẩm nhôm. Bài học kinh nghiệm từ ngành than cho thấy sau bao nhiêu năm khai thác và xuất khẩu, đến nay Việt Nam đã phải tính đến việc nhập khẩu 3,5 triệu tấn than / năm từ Indonesia.
 
2. Các nguy cơ về ô nhiễm môi trường và sinh thái của Tây Nguyên

Ô nhiễm môi trường là vấn đề được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt khi ở Việt Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về môi trường.

● Dưới góc độ môi trường thì bùn đỏ là vấn đề được quan tâm nhất : Bùn đỏ là hỗn hợp bao gồm các chất như sắt, mangan… và một lượng xút dư thừa do quá trình dung hòa, tách quặng Alumin. Đây là hợp chất vô cùng độc hại, thậm chí bùn đỏ được ví như “bùn bẩn”, “bom bẩn”. Hiện nay, trên thế giới chưa có nước nào xử lý triệt để được vấn đề bùn đỏ. Cách phổ biến mà người ta vẫn thường làm là chôn lấp bùn đỏ ở các vùng đất ít người, ven biển để tránh độc hại. Với quy hoạch phát triển bauxit ở Tây Nguyên đến năm 2015 mỗi năm sản xuất khoảng 7 triệu tấn Alumin, tương đương với việc thải ra môi trường 10 triệu tấn bùn đỏ. Đến năm 2025 là 15 triệu tấn alumin tương đương với 23 triệu tấn bùn đỏ. Cứ như thế sau 10 năm sẽ có 230 triệu tấn và sau 50 năm sẽ có 1,15 tỷ tấn bùn đỏ tồn đọng trên vùng Tây Nguyên. Vấn đề đặt ra là liệu các giải pháp kỹ thuật (hồ chứa lót vải địa kỹ thuật) có thể đảm bảo giữ được bùn đỏ không ngấm xuống đất, không hòa vào nước ngầm bởi tính chất của bùn đỏ là các hạt rất nhỏ. Mỗi biến động về kỹ thuật, địa chất (vỡ đập ngăn, lũ quét…) đều có thể để lại hậu quả khôn lường cho các vùng dân cư các tỉnh ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Serepok.

Thiếu nước : Tài nguyên nước mặt và nước ngầm ở Tây Nguyên là rất hạn chế : Hiện tại, mực nước ngầm ở Tây Nguyên đang giảm xuống một cách báo động do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, đặc biệt cho phát triển cây công nghiệp. Việc tuyển rửa quặng Bauxit và chế biến Alumin đòi hỏi một lượng nước rất lớn, các nhà khoa học cảnh báo rằng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Xung đột về nước giữa các ngành sản xuất  và giữa sản xuất và tiêu dùng là điều chắc chắn xảy ra.

Giảm tỷ lệ che phủ suy giảm đa dạng sinh học là vấn đề môi trường tiếp theo được cảnh báo. Do đặc điểm quặng Bauxit có tầng mỏng và phân bố dàn trải trên diện tích bề mặt rộng (ở Đăk Nông, Bauxit phân bố trên 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh), nên trong quá trình khai thác Bauxit sẽ phải chặt hạ, phá bỏ một diện tích lớn rừng tự nhiên, rừng trồng và thảm thực vật cây công nghiệp: Cao su, Chè, Cà phê, Điều, Tiêu... Đây chính là những nguồn thu chính nhằm đảm bảo ổn định sinh kế lâu dài và bền vững của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tây Nguyên là vùng có lượng mưa lớn (trên 2000mm/năm), lại tập trung chủ yếu vào các tháng mùa mưa (đặc biệt là tháng 8, tháng 9) nên nguy cơ xói mòn, rửa trôi đất đai lớn, khó có khả năng hoàn thổ, phát triển lại thảm thực vật sau khai thác Bauxit.

Ô nhiễm bụi, không khí : Quá trình khai thác và vận chuyển quặng Bauxit từ các điểm quặng đến nhà máy tuyển sẽ gây ra ô nhiễm không khí do bụi và các khí thải bởi phương tiện giao thông. Với công suất Alumin như ở nhà máy Nhân Cơ là 600.000 tấn/năm, tương đương với lượng quặng thô cần khai thác là 3 triệu tấn/năm. Ước tính hằng ngày sẽ có khoảng 400 chuyến xe vận chuyển quặng đến nhà máy tuyển rửa. Với đặc thù của đất đỏ Tây Nguyên và mùa khô kéo dài trong 6 tháng, các khu dân cư xung quanh sẽ bị bao trùm bởi bụi đất đỏ Bazan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân. Ô nhiễm không khí sẽ trở nên trầm trọng hơn do bụi phát ra trong quá trình vận chuyển Alumin đến cảng biển, vận chuyển than và nguyên vật liệu ngược lại, cũng như phát thải do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở các nhà máy Alumin.
 
3. Các vấn đề liên quan đến ảnh hưởng văn hoá, xã hội của các cộng đồng dân cư vùng khai thác khoáng sản :

Quá trình khai thác khoáng sản Bauxit diễn ra trên diện rộng (ở Đăk Nông là 2/3 diện tích bề mặt), cùng với việc sẽ có thêm gần 30.000 cán bộ kỹ thuật và nhân công lao động đến làm việc ở vùng này sẽ tạo ra sự ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề văn hoá và xã hội của các cộng đồng Tây Nguyên, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa như Mơ Nông, Châu Mạ…

Xói mòn văn hóa bản địa : Cho đến nay ở Đăk Nông đồng bào dân tộc thiểu số bản địa như Đăk Nông, Châu Mạ chỉ chiếm khoảng 12 % tổng dân số. Quá trình khai thác Bauxit được cảnh báo là sẽ tạo ra làn sóng mới về di dân đến vùng Tây Nguyên và sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của các cộng đồng dân tộc bản địa. Không gian xã hội của người dân bản địa sẽ bị xâm phạm, và bản sắc văn hoá, tập tục truyền thống có nguy cơ bị mất đi, và như thế những người dân bản địa sẽ trở nên bơ vơ, lạc lõng, mất phương hướng ; và xã hội sẽ rối loạn. Các nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo rằng, trong những năm qua cú sốc lớn nhất đối với Tây Nguyên là làn sóng di dân tự do và có lẽ cú sốc tiếp theo sẽ là sự thay đổi địa bàn cư trú, nếu chúng ta không có những phương án tái định canh, định cư bền vững nhằm đảm bảo sinh kế và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của dân cư tại địa phương trước khi tiến hành khai thác mỏ quặng, sẽ còn có những tác hại lớn hơn không lường trước được. Rất có thể nhiều người dân bản địa phải bỏ làng ra đi tìm nơi ở mới.

Công ăn việc làm cho người dân địa phương : Mặc dù luận chứng của Tập đoàn TKV chỉ ra rằng các dự án Bauxit-Alumin sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân địa phương, tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về khả năng người dân địa phương (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) có thể có được chỗ đứng tại các nhà máy, các khu công nghiệp do các rào cản về trình độ học vấn và thiếu thông tin. Báo cáo của TKV cho thấy trong số hơn 300 thanh niên được gửi đi học nghề trong năm qua thì chỉ có 02 em là con em của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Đền bù, tái định cư : Do đặc điểm phân bố quặng trên diện rộng nên việc khai thác Bauxit sẽ phải thu hồi đất đai và phải tổ chức di dời, tái định cư cho nhiều cộng đồng dân cư sống trong vùng. Các công trình nghiên cứu tái định cư ở Việt Nam đã chỉ ra rằng phần lớn các khu tái định cư trong các khu công nghiệp, các nhà máy thủy điện đã không thể đáp ứng được tiêu chí “ cuộc sống người dân ở khu ở mới tốt hơn hoặc bằng với khu ở cũ ” mà Chính phủ đã đề ra. Người dân ở các khu tái định cư gặp vô vàn khó khăn về đất đai sản xuất, cơ sở hạ tầng yếu kém và ổn định sinh kế dài hạn. Dù mới triển khai giải phóng mặt bằng đối với 190 hộ dân trong hơn 1 năm qua, nhưng những hạn chế về tái định cư đã bộc lộ khá rõ tại nhà máy Alumin Nhân Cơ khi vẫn còn 16 hộ gia đình chưa nhận tiền đền bù và khu tái định cư tạm thời cho người dân vẫn chưa được xây xong. Điều này báo hiệu những nguy cơ và khó khăn trong tương lai khi mà chương trình khai thác Bauxit sẽ ảnh hưởng đến hơn 100.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
 
4. Các vấn đề về công nghệ và phương thức đầu tư

Cho đến nay nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) vừa hoàn thành đấu thầu chuyển giao công nghệ EPC từ nhà thầu Chalco – Trung Quốc với giá trị 466 triệu USD. Bên cạnh đó TKV cũng đang xúc tiến hoàn thành hồ sơ xét thầu cho gói thầu EPC nhà máy Alumin Nhân Cơ với tổng giá trị khoảng 500 triệu USD. Điều đáng lưu ý đó là cả hai nhà thầu vào vòng chung kết cung cấp gói thầu EPC cho nhà máy Nhân Cơ đều lại là các nhà thầu Trung Quốc (trong đó có Chalco) và rất nhiều khả năng một lần nữa công ty Chalco lại trúng thầu. Câu hỏi đặt ra ở đây là trong khi xuất phát điểm về công nghệ chế biến Alumin của Việt Nam bằng 0, tại sao TKV lại lựa chọn toàn bộ các nhà thầu cung cấp thiết bị là Trung Quốc – một đất nước có nền công nghệ chưa cao ? Tại sao TKV không tính đến phương án lựa chọn 2 nhà thầu khác nhau ở hai nhà máy để có thể so sánh, đối chứng về mặt công nghệ, từ đó có những lựa chọn tốt hơn cho các nhà máy trong tương lai ? Giải thích của TKV cho rằng các nhà thầu Quốc tế khác không tham gia bỏ thầu vì giá thầu 500 triệu USD… là nhỏ, dường như không thuyết phục và còn nhiều điều ẩn chứa phía sau cần được làm rõ.

Ở nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ, sau khi xây dựng xong tổng chi phí cho mỗi nhà máy ước tính khoảng trên 12.000 tỷ đồng (vì còn các gói thầu phụ chưa tính toán xong và chưa đấu thầu). TKV đã bỏ 100 % vốn ở nhà máy Tân Rai (mặc dù Chính phủ đã cho phép công ty cổ phần kim loại màu Vân Nam – Trung Quốc góp 20 % vốn nhưng vẫn chưa có hợp tác chính thức). Ở nhà máy Nhân Cơ TKV dự định cũng sẽ bỏ vốn 100 %. Đây lại là một vấn đề có nhiều uẩn khúc. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chứa đựng nhiều rủi ro; lạm phát tăng cao và chủ trương cắt giảm đầu tư ở Việt Nam thì tại sao TKV không sử dụng phương án liên doanh tại nhà máy Alumin Nhân Cơ (Chính phủ đã cho phép TKV liên doanh với Tập đoàn Alcoa – Mỹ tại nhà máy này với số vốn đóng gớp của Alcoa lên đến 40 %.) bởi việc liên doanh với những tập đoàn có uy tín có thể sẽ giúp cho TKV giải quyết được cả vấn đề về vốn lẫn công nghệ.
 
5. Các vấn đề liên quan đến hậu khai khoáng

Nhiều đại biểu băn khoăn về các giải pháp ổn định cuộc sống người dân, hoàn thổ và phục hồi thảm thực vật hậu khai khoáng, và cho rằng giải pháp hoàn thổ là gần như không khả thi. Vấn đề hậu khai khoáng có thể còn nặng nề hơn rất nhiều so với những gì diễn ra trong quá trình khai khoáng. Nếu quá trình trình khai khoáng cho mỗi vùng chỉ mất từ 1-2 năm thì quá trình phục hồi đất và ổn định cuộc sống dân sinh sau khai khoáng phải mất hàng chục năm, và nó đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các chương trình phát triển cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – điều mà Việt Nam chưa có các bài học thành công.
 

III. CÁC ĐỀ XUẤT – KIẾN NGHỊ

Với thực trạng của chương trình cùng với những phân tích nêu trên cho thấy rằng hiện tại TKV chưa có những chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cơ bản về hiểu biết công nghệ, phân tích tính kinh tế, tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên, những ảnh hưởng tiêu cực và các giải pháp giảm thiểu cho chương trình Bauxit – Alumin tại Tây Nguyên ; và về mặt tổng thể thì chương trình này chưa được cân nhắc thấu đáo trong mối quan hệ phát triển tổng thể về kết cấu hạ tầng và các lợi thế so sánh phát triển khác của vùng Tây Nguyên và dải đất miền Trung.

Để công việc này được triển khai có hiệu quả và tránh những sai lầm, nguy cơ và rủi ro đáng tiếc xảy ra trong tương lai, những công việc sau đây cần sớm được tiến hành một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc :

1. Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì cùng với các cơ quan liên quan, các đơn vị tư vấn tiến hành đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch bauxit tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đánh giá ĐMC (Đánh giá Môi trường Chiến lược ) cần bao gồm :

2. (ĐMC) đối với chương trình Bauxit Tây Nguyên theo quy định tại điều 14, chương III, Luật Bảo vệ Môi trường 2005. Báo cáo đánh giá ĐMC cần thể hiện :

● Tính toán, cân nhắc kỹ càng việc đặt chương trình Bauxit Tây Nguyên trong khuôn khổ phát triển bền vững liên vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Định hướng bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên đặc sắc cũng như xây dựng những lợi thế phát triển mới đặc thù riêng của Vùng ;

● Tính toán chi phí – lợi ích của chương trình Bauxit ; so sánh với các chương trình phát triển khác như trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê…), phát triển kinh tế dịch vụ - du lịch, kinh tế tri thức của quốc gia. Đặc biệt cần cân nhắc khả năng biến động giá cả trên thị trường Alumin-Nhôm thế giới khi xuất hiện “cường quốc mới” là Việt Nam. Đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ và lâu dài đến hiệu quả của toàn bộ Chương trình ;

● Đánh giá sự suy giảm và ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Mức độ lan toả ô nhiễm xuống hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và sông Serepok. Sự suy giảm và các giải pháp phục hồi đa dạng sinh học của thảm thực vật, quy hoạch sử dụng đất và hoàn thổ sau khai thác Bauxit ;

● Đánh giá tác động đến mất cân bằng văn hoá bản địa trong tái định cư ; giao thoa, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc bao gồm cả những giá trị phi vật chất ; nguy cơ dịch bệnh của con người, gia súc, gia cầm trong vùng ảnh hưởng ;

● Đánh giá ảnh hưởng đến sinh kế của dân địa phương và các giải pháp nâng cao dân trí, đào tạo nghề, phát triển bền vững cho cộng đồng, đặc biệt là sự an toàn trong việc phát triển liên thế hệ ;

● Đưa ra các kịch bản phát triển cho Tây Nguyên ; cân đối các lợi ích và chi phí để so sánh và lựa chọn kịch bản tối ưu về phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo tồn văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường – sinh thái toàn vùng.

● Từ các đánh giá, so sánh nêu trên cần đưa ra các kịch bản phát triển khác nhau cho Tây Nguyên để từ đó lựa chọn kịch bản phát triển hợp lý / tối ưu nhất trên cơ sở phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo tồn văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường – sinh thái toàn vùng.

3. Tạm dừng các chương trình phát triển Bauxit ở quy mô lớn và ồ ạt. Tập trung công tác điều tra, thăm dò trữ lượng và đánh giá chất lượng quặng Bauxit ở Tây Nguyên. Trước mắt chỉ nên xây dựng chương trình thí điểm (pilot) về khai thác Bauxit, sản xuất Alumin nhằm thử nghiệm công nghệ, nhận dạng những nguy cơ, rủi ro, tiềm năng và đưa ra các giải pháp khả thi để giảm thiểu tác động tiêu cực của chương trình.

4. Cần cân nhắc, tính toán lại đối với kế hoạch xây dựng nhà máy Alumin Nhân Cơ. Tính toán phương án lựa chọn công nghệ tiên tiến của các nước phát triển và phương án liên doanh với công ty nước ngoài nhằm giảm thiểu rủi ro cả về mặt công nghệ và tài chính, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong đầu tư và phát triển.

5. Về mặt vĩ mô, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên. Có thể cân nhắc đến việc chuyển đổi “Ban chỉ đạo Tây Nguyên” thành “Ủy ban phát triển bền vững Tây Nguyên” để tập trung trọng tâm các hoạt động vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường tại Tây Nguyên mà Bauxit là một trong những hợp phần của chương trình phát triển tổng thể.

6. Do đặc điểm khoáng sản Bauxit phân bố trên cả địa phận cao nguyên Boloven – Lào và Mondulkiry – Campuchia, vì thế, Việt Nam nên cân nhắc việc phối hợp với Chính phủ Lào và Campuchia tiến hành đánh giá ĐMC cho khai thác khoáng sản Bauxit liên Quốc gia. Phối hợp ràng buộc trách nhiệm xã hội, trách nhiệm phát triển đối với các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước tham gia chương trình khai thác khoáng sản Bauxit liên Quốc gia.

nguồn : Tia Sáng ngày 7.11.2008


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us