Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thảm sát tết Mậu Thân và...

Thảm sát tết Mậu Thân và...

- Chu Sơn — published 07/03/2018 19:46, cập nhật lần cuối 07/03/2018 19:46

Thảm sát Tết Mậu Thân
và việc xây lăng đắp mộ
của đảng Cộng Sản


Chu Sơn



Năm 1847, Thiệu Trị băng hà, triều đình Huế tôn hoàng tử Hồng Nhậm lên làm vua hiệu là Tự Đức. Một việc làm quan trọng và đầu tiên của ông là xây dựng cho mình một lăng mộ gọi là Khiêm lăng. Có lẽ trong thâm tâm vị vua này cho rằng do công nghiệp của tổ tiên trong quá khứ và vai trò thiên tử trong hiện tại, ông xứng đáng có một nơi yên nghỉ cuối cùng uy nghi, hoành tráng. Ông hoàn toàn không biết rằng cái triều đình do ông cai quản và cả đất nước đang đứng bên bờ vực thẳm: thù trong giặc ngoài vây bủa tứ phía.

Cũng như vua Tự Đức một trăm năm mươi năm trước, Nguyễn Phú Trọng sau khi được đảng Cộng sản đưa lên giữ chức tổng bí thư, cũng đã nhiều lần nghĩ về nấm mồ của chính mình sẽ “hoành tráng và hiện đại” không thua kém bất cứ một đồng nghiệp tiền nhiệm nào. Mới đây đảng Cộng sản tung ra dự án một nghĩa trang Mai Dịch mới (Mai Dịch cũ – nơi mà lăng mộ của Lê Đức Thọ phải di dời vì không chịu được cứt đái và sự căm ghét khinh bỉ của trăm họ). Để thực hiện mục tiêu cá nhân và băng đảng của mình, Nguyễn Phú Trọng quên rằng chính ông và đảng của ông đã không ngớt lời rêu rao quan điểm lập trường: “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân” và “chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc”. Ông ra lệnh cho các cơ quan truyền thông hâm lại chiến thắng Tết Mậu Thân để biện chính cho kế hoạch xây dựng nghĩa trang Mai Dịch mới và lăng mộ của mình.


Trận Mậu Thân là cuộc tấn công tổng lực và quyết tử diễn ra trên khắp các tỉnh thành miền Nam trong cùng một thời điểm bất ngờ: Tết. Thời điểm mà hai bên đã thỏa thuận hưu chiến. Đây là một trận chiến thể hiện đầy đủ nhất học thuyết: hai chân, ba mũi, ba vùng chiến lược của Tổng bí thư Lê Duẩn. Bốn nhân vật chủ chốt của trận Mậu Thân là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng. Lúc bấy giờ trên chiến trường miền Nam tương quan lực lượng nghiêng về phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa: hơn một triệu quân thiện chiến với vũ khí hiện đại và dư thừa bao gồm Hải, Lục, Không quân. Trong khi đó quân Cộng sản chỉ có khoảng ba trăm ngàn người bao gồm cả du kích. Nếu chiến tranh kéo dài lực lượng kháng chiến sẽ rơi vào tình trạng khó khăn không thể chịu đựng nổi. Bộ tứ Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng quyết định làm một cú choáng váng cho đối phương để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Đánh quân sự liều chết ở Việt Nam và tấn công chính trị vào nhân dân, quốc hội Mỹ và dư luận thế giới nhằm xói mòn ý chí chiến tranh của chính phủ Mỹ.

Cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân diễn ra trên diện rộng: Trên 50 thành phố, tỉnh, huyện lỵ và 130 đồn bót khác. Hai điểm tập chú vào dư luận Mỹ và thế giới là Huế và Sài Gòn. Nhưng chỉ có Huế là xẩy ra thảm sát. Tại Sao?

Phải chăng lãnh đạo chiến tranh ở địa phương này tự tung tự tác? Phải chăng lực lượng trí thức, sinh viên, học sinh Huế xốc nổi tả khuynh? Đành rằng Huế là sào huyệt của chế độ phong kiến (các chiến binh Cộng sản được giáo dục như thế!). Đành rằng Thừa Thiên Huế, Quảng Trị – nơi mà thời Ngô Đình Diệm diễn ra các cuộc tố Cộng, diệt Cộng khốc liệt nhất. Đành rằng Thừa Thiên Huế, Quảng Trị là nơi mà phong trào Phật giáo và cuộc ly khai của sư đoàn I bị đàn áp mạnh mẽ nhất. Đành rằng nhà lao Thừa Phủ trước 1968 là nơi tập trung các tù nhân Cộng sản khắp các tỉnh miền Trung. Nhưng có phải vì vậy mà thảm sát Huế Tết Mậu Thân là vấn đề của địa phương và do những người trí thức khuynh tả? Có một chút sự thật như thế, nhưng trên đại thể vẫn là lãnh đạo và chỉ thị từ Trung ương.

Tư tưởng: “Chính quyền trên đầu ngọn súng” phát xuất từ Liên Xô, Trung Quốc. Xa hơn nữa: “Bạo lực cách mạng là tất yếu” phát xuất từ chủ nghĩa Marx - Lenin. Những người xuống núi trong Tết Mậu Thân tại Huế thấm nhuần tư tưởng “chính quyền trên đầu ngọn súng” và “bạo lực là phương cách duy nhất nhằm tiến hành cuộc cách mạng vô sản”. Những người ấy còn nhận mệnh lệnh về Huế thành lập chính quyền – một đi không trở lại. Đến như Lê Minh là tư lệnh mặt trận Trị Thiên chỉ huy trận Mậu Thân tại Huế không hề biết có kế hoạch rút lui. Thực tế này có nghĩa là người của ông xuống núi nắm chính quyền và để tử thủ. Bởi vì ngọn cờ của Mặt trận dù có tả tơi nhưng vẫn còn đeo dính trên đỉnh Phú Văn Lâu ngày nào là ngày ấy cuộc tấn công chính trị của Cộng sản còn tác động đến phong trào Hòa Bình Mỹ và thế giới. Mệnh lệnh: tấn công liều chết, tử thủ và chính quyền trên đầu ngọn súng là nguyên nhân gần, cũng là nguyên nhân sâu xa của thảm sát Huế Tết Mậu Thân.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức lương thiện nhưng hoang tưởng trong một bối cảnh lịch sử nghiệt ngã và cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa ngu xuẩn. Ông chưa từng làm đau bất cứ ai, nhưng ông dễ dàng chấp nhận tư tưởng: Chính quyền trên đầu ngọn súng. Những ngọn súng được bấm từ những nạn nhân đồng thời là những “thánh nhân” là đồng chí của ông.

Những năm đầu sau chiến tranh, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn cảm nhận như thế nên ông đã “đi bên những vũng máu” với lòng hân hoan của kẻ “góp phần làm nên chiến thắng”. Nhưng rồi từng ngày trong cơn đau vùi của thân tâm và tuổi già, Hoàng Phủ Ngọc Tường càng nhận ra rằng “cuộc cách mạng thần thánh” mà ông tham dự, ngoài những vũng máu của đồng bào vô tội và những cái bụng phệ căng đầy những ham muốn của các lãnh tụ đảng Cộng sản, đất nước dân tộc chẳng còn gì. Một chút hơi tàn, Hoàng Phủ Ngọc Tường bày tỏ một trời ăn năn hối hận.

Nhiều chủ nhân của facebook trách đảng Cộng sản hâm nóng chiến thắng Mậu Thân là hành động vô ý thức, không có lợi cho công cuộc hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc để chống trả hiểm họa bành trướng của Trung Quốc. Tôi không đồng tình sự trách móc phát xuất từ hoang tưởng ấy. Theo tôi những từ ngữ và khẩu hiệu Độc lập, Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, Hòa bình, Hòa giải Hòa hợp dân tộc từ cách mạng tháng Tám đến nay chỉ là thủ đoạn chính trị nhất thời. Ngoài mục tiêu thu tóm quyền lực để thỏa mãn nhu cầu giàu sang, những người Cộng sản chỉ còn nghĩ đến nấm mồ cho chính mình. Để Hồ Chí Minh nằm trong lăng Ba Đình; Lê Duẩn, Đổ Mười, Nguyễn Văn Linh nghênh ngang trong nghĩa địa Mai Dịch, Nguyễn Phú Trọng cũng là Tổng bí thư, không kém cạnh bất cứ ai. Ông cũng sẽ có lăng, có mộ khang trang hoành tráng. Mấy ngàn tỷ bạc mồ hôi nước mắt của nhân dân sá gì? Hòa hợp hòa hợp dân tộc để làm gì nếu không có lăng mộ?

Vô phúc và nhục nhã thay một đất nước bị khống chế bởi một băng đảng chỉ chăm lo đến cái bụng, dinh thự và nấm mồ của chính mình!

Chu Sơn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss