Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thăng Long thành

Thăng Long thành

- Hoà Vân — published 16/02/2007 19:00, cập nhật lần cuối 13/03/2007 21:41
Khu di tích có một không hai của dân tộc, vừa được khám phá năm 2002, đang xuống cấp, và nghiêm trọng hơn, đang bị đe dọa vì một dự án xây dựng nhà Quốc hội...


Hoàng thành Thăng Long và Nhà Quốc hội

     

Hoà Vân

       
Khukhaiquat toancanh
Vị trí khu khai quật Toàn cảnh khu khai quật

   

Cuộc hội thảo khoa học về di tích Hoàng thành Thăng Long vừa tổ chức ở Hà Nội ngày 9.2  lại một lần nữa chứng tỏ những cuộc khai quật khảo cổ ở khu Ba Đình, Hà Nội từ những năm 2002-2003 đã bộc lộ một di sản văn hoá vô giá chưa từng thấy của dân tộc, và đặt lại một cách cấp thiết hơn việc bảo tồn di tích này, trong đó có vấn đề chọn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội mới.

Người ta còn nhớ, theo Luật di sản văn hoá, Viện Khảo cổ học được phép tiến hành khai quật khảo cổ trên khu vực nằm giữa các đường phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn (địa chỉ mặt tiền : 18 đường Hoàng Diệu), nơi có dự án sẽ xây dựng Nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình. Từ tháng 12.2002 đến giữa năm 2003, diện tích khai quật đã lên trên 19.000 m2. Đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. Từ đó đã phát lộ một phức hệ di tích – di vật rất phong phú, đa dạng, có chiều dày lịch sử hơn 10 thế kỷ : từ thành Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thành Thăng Long (thế kỷ Xl -XVIII) và thành Hà Nội (thế kỷ XIX), quan trọng nhất là những di tích liên quan tới Hoàng thành Thăng Long. Cuộc phát lộ di tích Hoàng thành này, ngay lập tức đã gây nên một chấn động lớn trong dư luận xã hội. Nỗi xúc động, ở mức toàn dân, hoàn toàn có thể so sánh với xúc cảm của người vợ goá, đứa con côi, sau những năm chiến tranh đằng đẵng, rồi những năm đầu hoà bình tất bật lo toan cuộc sống, nay mới có dịp về chiến trường xưa tìm lại được hài cốt của chồng của cha mình. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà, tôi được nghe nói ở Hà Nội, chính người chiến sĩ già Võ Nguyên Giáp đã so sánh việc phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long với việc tìm được mồ mả tổ tiên. Đối với một dân tộc theo đạo thờ cúng ông bà, còn nỗi xúc động nào hơn.

doanmon
Đoan môn - gạch

Hơn thế nữa, di tích "mồ mả" hoành tráng, với hàng triệu hiện vật vô giá, nhiều cái tuyệt đẹp và duy nhất, tất cả chứa đựng nhiều thông tin quý báu, mở ra khả năng lấp nhiều lỗ trống trong lịch sử văn hoá của dân tộc ở những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất : Lý, Trần, Lê. Thăng Long. Đã bao lần ta nghe thốt lên hai tiếng tự hào ấy. Từ thuở mang gươm đi mở nước / Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long. Thế mà, còn đâu ? Cả cái nền cũ lâu đài của Bà Huyện Thanh Quan, có chăng là trong ký ức ngày một tàn phai vì vắng những dấu tích cụ thể. Thế mà, bỗng nhiên, hiện ra trước mắt... Tôi nhớ hồi ấy, đọc đâu đó trên các báo trong nước, có người nói khi vận nước lên thì mới có những phát hiện như trong mơ thế...

Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên việc giữ nguyên hai dự án xây dựng trên nền di tích vừa khám phá là không thể. Bộ Chính trị đảng CSVN đã dành một buổi họp (ngày 1.11.2003) để bàn về di sản văn hoá được xã hội đặc biệt quan tâm này, và xử lý vấn đề đặt ra cho hai dự án. Cùng với quyết định "cho phép tiếp tục khai quật khảo cổ học để có cơ sở khoa học định giá và kết luận đầy đủ hơn về quần thể di tích này, từ đó xây dựng phương án bảo tồn và phát huy ý nghĩa lịch sử của di tích", nghị quyết của cuộc họp quyết định chuyển hội trường Ba Đình đến một địa điểm khác (trở thành Trung tâm Hội nghị quốc gia, trên đường Phạm Hùng, ở cửa tây nam Hà Nội, vừa kịp khánh thành phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11.2006). Tuy nhiên, việc chọn địa điểm xây Nhà Quốc hội còn bỏ ngỏ...

Quyết định có lý của nó, vì việc xây Nhà Quốc hội chưa gấp gì, còn thời gian để các nhà khoa học nghiên cứu, xác định quy mô của di tích cần bảo tồn. Tuy nhiên, việc chưa dứt khoát dời địa điểm xây Nhà Quốc hội ra ngoài khu di tích không khỏi làm cho người dân không yên tâm, vì đâu đó đã có người bắn tiếng là cần giữ nguyên địa điểm cũ để chứng tỏ "sự liên tục và tiếp nối" của Nhà nước Việt Nam, chỉ cần khai quật xong, mang các di chỉ thu lượm được đi các viện bảo tàng là xong.

Dẫu sao, trong khi chờ đợi, các nhà khoa học đã tích cực vào cuộc. Theo tham luận của giáo sư Phan Huy Lê (xin bấm vào đây để xem toàn văn) trong hội thảo ngày 9.2 vừa qua, trong hai năm 2004 - 2005 cho đến đầu năm 2006, nhiều hội thảo khoa học mang tính thông báo hay nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành đã được Viện Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, bộ Văn hóa - Thông tin (VHTT) và bộ Xây dựng tổ chức. Quan trọng nhất là Hội nghị khoa học toàn quốc do Viện KHXH tổ chức ngày 19-20.8.2004, Hội thảo tư vấn quốc tế do Viện KHXH Việt Nam phối hợp với ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức ngày 10-11.8.2004 và Hội nghị ngày 18.2.2006 do bộ VHTT tổ chức. Hội nghị này diễn ra sau khi thủ tướng chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo cho bộ VHTT phối hợp với Viện KHXH, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội... lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới, và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích. Bốn tháng sau, ngày 26.6.2006, văn phòng chính phủ đưa ra thông báo về kết luận của thủ tướng Phan Văn Khải, sau một cuộc họp về các phương án được đưa ra, là

"- Nhất trí về chủ trương bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long theo phương án 2 do bộ VHTT đề xuất trong báo cáo số 22/BC/BVHTT ngày 13.3.2006...

- chuyển giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 phố Hoàng Diệu..."

Cũng trong kết luận này, thủ tướng giao cho thành phố phối hợp với bộ VHTT hoàn thành hồ sơ để được công nhận là "di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng" và hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 2010 (kỉ niệm 1000 năm thành lập thủ đô Thăng Long).

Giáo sư Phan Huy Lê trong bài trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 24.3.2006, cho biết "phương án 2" là : Xây Nhà Quốc hội tại Lô H6 tức khu vực có Bộ Tư pháp, nhà khách chính phủ và nhà khách Trung ương Đảng hiện nay, khu vực nằm giữa các đường phố Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong. Theo ông, tuy "Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình còn phải "báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị", nhưng ý kiến chỉ đạo của thủ tướng đã rõ ràng. Lựa chọn phương án 2 của bộ Xây dựng để xây dựng Nhà Quốc hội, tức là bảo tồn toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Theo tôi đó là ý kiến chỉ đạo đúng đắn biểu thị thái độ trân trọng và trách nhiệm cao của Đảng và Nhà nước đối với một di sản văn hóa vô giá của dân tộc giữa lòng thủ đô Hà Nội, đáp ứng nguyện vọng của giới khoa học, văn hóa và nhân dân cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài cũng như đề xuất của các chuyên gia tư vấn quốc tế".

Thế nhưng, ngày 20.10.2006, người ta đọc thấy trên website của chính phủ mẩu tin : "Ngày 20.10, phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt thủ tướng chính phủ, có ý kiến về việc chuẩn bị Đề án xây dựng Nhà Quốc hội ở số 18 Hoàng Diệu để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10. phó thủ tướng chính phủ giao bộ trưởng bộ Xây dựng phối hợp với bộ trưởng bộ Văn hóa - Thông tin chuẩn bị, trình Đề án xây dựng Nhà Quốc hội ở khu vực 18 Hoàng Diệu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 11, báo cáo xin ý kiến thủ tướng chính phủ trước khi gửi Đề án đến Quốc hội".

Người ta được biết, "ý kiến" của ông Nguyễn Sinh Hùng là thể hiện một "kết luận" của Bộ Chính trị trong một buổi họp ngày 28.9, và được đưa ra cho báo chí trong thông báo đánh số 42-TB/TW ngày 11.10. Một nguồn tin từ Hà Nội cho biết, cả trong phiên họp này và phiên họp chính phủ ngày 20.10, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không có mặt.

Thông tin làm bàng hoàng những ngưới quan tâm, nhưng các nhà sử học không chịu khoanh tay, chấp nhận sự đã rồi. Ngày 1.11.2006, Ban chấp hành trung ương Hội Khoa học lịch sử Việt Nam gửi kiến nghị lên các nhà lãnh đạo (tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ Chính trị, chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), đề nghị xét lại chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở số 18 Hoàng Diệu.

ngoi

Bản kiến nghị dài 5 trang trước hết nêu ra 4 hệ quả bất lợi của chủ trương nói trên : 1/ Đi ngược lại kết luận ngày 26.6.2006 của thủ tướng, đề án này của chính phủ "coi như phủ nhận những ý kiến đề xuất đầy tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học mà không có sự giải thích thoả đáng, có sức thuyết phục", "sẽ gây sự bất bình và bức xúc trong giới khoa học" ; 2/ Xây dựng Nhà Quốc hội tại khu vực 18 Hoàng Diệu, dù ở khu D hay khu D-C (theo sơ đồ khai quật khảo cổ học) là "xâm phạm đến tính nguyên gốc và toàn vẹn của khu di tích". "Đây là hai yêu cầu rất nghiêm ngặt của UNESCO và như vậy là ta đã tự tước bỏ khả năng đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích Hoàng thành là Di sản văn hoá thế giới. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra sự bất bình trong nhân dân và khó giải thích trước công luận quốc tế về thái độ ứng xử của một quốc gia văn minh đối với một di sản văn hoá dân tộc mang tầm cỡ quốc gia và thế giới như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long" ; 3/ Xây dựng Nhà Quốc hội trên Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ không đồng tình, thậm chí có thể có những phản ứng bất lợi cho uy tín của lãnh đạo và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân ; 4/ "không nên xây dựng Nhà Quốc hội trên khu di tích mang ý nghĩa thiêng liêng mà kiến trúc hiện đại chắc chắn sẽ phá vỡ không gian văn hoá - lịch sử và dù thu hẹp đến đâu cũng xâm hại một di tích văn hoá vô giá của dân tộc được các tầng lớp nhân dân rất quan tâm và mong muốn bảo tồn toàn bộ".

Trên cơ sở đó, Hội Khoa học lịch sử đưa ra hai điều kiến nghị : 1/ Bảo tồn toàn bộ khu di tích, sớm lập hồ sơ trình chính phủ công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới ; 2/ Chọn địa điểm khác (có thể lựa chọn trong phạm vi quận Ba Đình) để xây Nhà Quốc hội.

Hai ngày trước kiến nghị này, đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết một lá thư gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị xem xét lại chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội tại 18 Hoàng Diệu, một chủ trương đã làm ông "rất bất ngờ và sửng sốt", đồng thời "sớm có quyết định chính thức bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long, không chỉ trên diện tích phát lộ 19000 m2 mà bao gồm cả thành cổ Hà Nội và toàn bộ khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long tức khu Cấm thành xưa, từ những di tích Thăng Long, Hà Nội cho đến những di tích của thời đại Hồ Chí Minh". Cũng như Hội Khoa học lịch sử, đại tướng ủng hộ chủ trương xây Nhà Quốc hội trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, nhưng cho rằng "còn nhiều địa điểm khác có thể lựa chọn" cho việc này.

Báo chí hoàn toàn không có phản ứng về thông tin ngày 20.10 của chính phủ, cũng như về bản kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử và bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một phần có thể vì đúng thời điểm cả nước đang cấp tập chuẩn bị hội nghị cấp cao APEC, nhưng phần chính chắc hẳn vì ngại đụng tới một vấn đề mà "Bộ chính trị đã có kết luận". Nhất là sau vụ 4 tờ báo bị đình bản, mấy tờ khác bị phạt tiền, vừa xảy ra trong tháng 10 (xem bài "Tháng 10 đen của báo chí" trên Diễn Đàn).

Bất ngờ xảy ra khi người ta được biết, ngày 16.11, giữa những ngày APEC đang diễn ra, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng triệu tập một buổi họp đặc biệt của thường trực chính phủ, với bộ VHTT và bộ Xây dựng, nhằm xem lại chủ trương nói trên. Theo một nguồn tin Diễn Đàn nhận được từ Hà Nội (mà chúng tôi chỉ có thể nêu ra đây với sự dè dặt thường lệ), trong buổi họp này ông Dũng bác bỏ trình bày của bộ trưởng Xây dựng cho rằng tuân theo kết luận của Bộ Chính trị, bộ sẽ chỉ trình lên Quốc hội "xem xét" một phương án : xây Nhà Quốc hội tại số 18 Hoàng Diệu, và buộc bộ này chuẩn bị nhiều phương án để Quốc hội quyết định. Điều đáng tiếc là phiên họp cuối, ngày 28.11, của kỳ họp Quốc hội vừa rồi, dành cho vấn đề này, lại không diễn ra công khai – các nhà báo không được dự họp, và các đại biểu Quốc hội cũng không được thảo luận về các phương án do bộ Xây dựng đưa ra – những phương án cho tới nay chưa được công khai hoá.

Một tuần trước đó, tờ báo mạng VietnamNet quyết định đăng một loạt bài chuyên đề về khu di tích Hoàng Thành. Mở đầu là "Hoàng thành trong tương quan với các kinh đô cổ" (21.11), rồi "GS Phan Huy Lê : Đã xác định được Cấm thành Thăng Long" (22.11), "GS Phan Huy Lê : Vẫn còn giải pháp hay cho Cấm thành" (22.11), "Hoàng Thành chưa được công nhận là di sản cấp quốc gia?" (24.11), "Cấm thành trước những lựa chọn mang tính lịch sử" (27.11) và sau cùng là toàn văn bản kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử (ngày 27.11). Trong bài "Vẫn còn những giải pháp hay", giáo sư Phan Huy Lê đưa ra nhiều lập luận thuyết phục để "bảo lưu ý kiến của mình", kể cả trình bày những giải pháp bảo tồn "bất đắc dĩ" nếu phải làm theo quyết định xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu, vì ông cho rằng "quyết định như thế là sai lầm". Ông cho biết, "Khu C thì chưa khai quật bao nhiêu, còn khu D  dù chỉ mới khai quật mấy hố, nhưng đã thấy dày đặc di tích. Như Hoàng Môn Thự ở đây, Kim Quang điện ở đây, rồi nhiều gạch của thời Lý, Trần và cả của thời thành Đại La cũng thấy ở đây. Nếu xây nhà Quốc hội thì  sẽ phải dành thời gian khai quật, mà khai quật thì sẽ phát hiện thêm rất nhiều di tích". Trong bài "những lựa chọn mang tính lịch sử", nhiều nhà khoa học tên tuổi khác, như giáo sư Đinh Xuân Lâm, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, phó giáo sư Hà Văn Phùng, quyền viện trưởng Viện Khảo cổ, giáo sư Vũ Minh Giang, phó giám đốc đại học quốc gia Hà Nội, cũng đưa ra những lập luận đi tới kết luận tương tự.

gieng
Giếng cổ

Việc tờ báo dám đăng loạt bài này, với những nội dung trên, ngược với kết luận của Bộ chính trị trong thông báo 42-TB/TW, có gián tiếp xác nhận thông tin đưa trên về buổi họp thường vụ chính phủ ngày 16.11 và ý kiến được cho là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ? Sự vận hành không minh bạch của guồng máy lãnh đạo đảng CSVN khiến nhiều tình tiết những cuộc thảo luận (nếu không muốn dùng chữ tranh cãi) giữa những nhóm quyền lực của bộ máy đó sẽ chỉ được biết tới sau một thời gian. Nhưng hiển nhiên, loạt bài không làm vừa lòng ít nhất là một bộ phận quan trọng của Bộ Chính trị (tuy rằng, theo một nguồn tin "hành lang", chính Ban tư tưởng - văn hoá phải thừa nhận là không thể tạo ra dư luận đồng thuận với đề án xây dựng Nhà Quốc hội trên nền di tích Hoàng thành). Phản ứng được đưa ra là một bài báo của tờ KTĐT (Kiến trúc đô thị ?) mà báo Hà Nội mới điện tử đăng lại ngày 1.12, bảo vệ kết luận của Bộ chính trị với một số luận điểm của "các cơ quan chuyên môn về văn hoá, khảo cổ". Bài báo cũng cho biết, "ngày 23.11.2006, Chính phủ đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất định hướng bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long và phương án xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D".

Trong công văn ngày 6.2.2007 của văn phòng chính phủ về việc chuẩn bị nội dung cho phiên họp 47 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 27.2 đến 8.3, người ta đọc thấy thủ tướng đã chỉ đạo "Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá-Thông tin, UBND thành phố Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình Tờ trình về phương án xây dựng Nhà Quốc hội".

Ai cũng biết, bộ trưởng bộ Xây Dựng chính là người đưa ra và bảo vệ mạnh nhất phương án "lô D" này. Như thế là đã ngã ngũ? Thực ra chưa có thể nói chắc được.

Trong bài tham luận đã dẫn ở hội nghị ngày 9.2, giáo sư Phan Huy Lê sau khi trình bày những phát hiện mới khẳng định giá trị của khu di tích, cho biết dù các nhà khảo cổ đã cố gắng hết sức để bảo vệ, "khu di tích đang bị xuống cấp dần theo năm tháng", và "tình trạng xuống cấp này chỉ được giải quyết căn bản khi có chủ trương bảo tồn lâu dài khu di tích". Bài tham luận kết thúc như sau :

"Một di sản văn hóa như thế tồn tại giữa trung tâm Hà Nội sẽ nâng cao vị thế lịch sử, văn hóa của thủ đô và có đủ tiêu chí được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và Di sản văn hóa thế giới. Đó là đề xuất của giới khoa học qua các hội thảo khoa học, là nguyện vọng tha thiết của nhân dân thủ đô và cả nước, cũng là trách nhiệm của thế hệ chúng ta trước lịch sử.

Và nếu như khu di tích này không được bảo tồn toàn bộ và lâu dài thì có thể nói thủ đô Hà Nội sẽ vĩnh viễn không có một Di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô nghìn năm văn hiến, niềm tự hào của người dân thủ đô cũng như nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này càng có ý nghĩa thiêng liêng khi Hà Nội và cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi".

Nếu như...

Trong ngày đầu năm mới này, người ta chỉ có thể cầu chúc là lương tri và trí tuệ sẽ vượt lên những tự ái hay bất cứ toan tính riêng tư nào, để không ai sẽ phạm vào sai lầm dẫn tới sự huỷ hoại vĩnh viễn kho tàng có một không hai này của dân tộc.


Hoà Vân


     

Tái Bút:

   
Khi bài này, và toàn bộ số Tết được đưa lên mạng xong xuôi, tác giả mới có thì giờ đọc báo chí trong nước mấy ngày qua. Và thấy trên báo Lao Động ngày hôm qua (15.2) một bài viết của đại tướng Võ Nguyên Giáp nhan đề : "Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long : Quan tâm hơn nữa việc bảo tồn và phát huy di sản lịch sử - văn hoá". Trong bài viết này, đại tướng công khai hoá sự đồng tình của mình vói các nhà khoa học, và nói rõ : " Trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, cùng với trụ sở của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã được hoạch định, cần có một toà nhà Quốc hội với vị trí, quy mô và cảnh quan tương xứng với vai trò của Quốc hội. Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ chủ trương này, nhưng theo tôi, trong quận Ba Đình có thể chọn một địa điểm thích hợp ngoài khu vực di tích 18 Hoàng Diệu để xây dựng nhà Quốc hội". Địa chỉ của bài viết :
http://www.laodong.com.vn/Home/vanhoa/2007/2/24101.laodong .

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Đinh Hợi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss