Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thế nào là “Hàng Việt Nam” ?

Thế nào là “Hàng Việt Nam” ?

- Vũ Quang Việt — published 27/09/2015 00:34, cập nhật lần cuối 27/09/2015 00:34



Thế nào là Hàng Việt Nam?


Vũ Quang Việt


Có một tranh luận đang xảy ra là liệu có thể coi hàng của Samsung sản xuất ở Việt Nam là hàng “Made in Việt Nam”, tức là “hàng Việt Nam” không ?  Bộ Công thương thì nói là đó là hàng Việt Nam. Còn bà Phạm Chi Lan nói đó là nhận vơ, không theo chuẩn quốc tế, vì để thực sự được công nhận là hàng Việt Nam thì phải tuân thủ theo quy tắc xuất xứ quốc tế


Bà Phạm Chi Lan nói như thế là hoàn toàn đúng, khi xem xét trên nguyên tắc mà Mỹ áp dụng ở Mỹ và là cơ sở cho Hiệp ước Thương Mại TPP đang thảo luận. Theo TPP, một sản phẩm được coi là xuất xứ từ Việt Nam, tức là từ khu vực tham gia TPP thì “từ sợi đến vải” phải từ xứ TPP.

 
Luật Mỹ, cho phép Ủy ban Thương mại Liên Bang (Federal Trade Commision – FTC) quyền qui định và xem xét nhãn hiệu đối với hàng hóa thương mại ở Mỹ.  FTC qui định rõ là để được phép ghi “MADE IN US” tức là nhãn hiệu “Hàng làm ở Mỹ” thì nhà sản xuất và người tiếp thị phải dựa trên “cơ sở  hợp lý” (reasonable basis) có chứng cớ đầy đủ và tin cậy để chứng minh rằng sản phẩm của họ “tất cả hoặc gần như tất cả” (all or virtually all)” làm ở  Mỹ.


FTC đưa ra một loạt hướng dẫn để doanh nghiệp tự xem xét xem có nên đề là “Hàng làm ở Mỹ” không. Họ có thể phải trả lời trước Ủy ban và tòa án với sự tham gia của các chuyên gia nếu FTC nhận thấy doanh nghiệp lạm dụng danh hiệu. Doanh nghiệp phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh để có danh hiệu, chứ không phải cơ quan nhà nước.  (Coi thêm ở đây).

Doanh nghiệp đó dù có thương hiệu công ty Mỹ (thì dụ như IBM, Apple) nhưng hầu hết phụ tùng đều làm ở nước ngoài mà giá trị của chúng so với giá trị sản phẩm chiểm tỷ lệ quyết định thì sản phẩm của doanh nghiệp đó cũng không được coi là “hàng làm ở Mỹ”. Giá dụ như một cái máy mà động cơ chiếm hơn 50% mà làm ở Mỹ, nhưng hầu hết phụ tùng để làm động cơ đó đều nhập từ nước ngoài thì cái máy đó cũng không được coi là “hàng làm ở Mỹ”. Đây chính là việc áp dụng nguyên tắc “từ sợi đến vải” là phải làm ở Mỹ thì quần áo làm ra mới được coi là “hàng làm ở Mỹ”. 


Như thế, khó lòng một sản phẩm không có tỷ lệ nội hóa dưới 75% giá trị mà có thể cho là thể coi là hàng nội.  Quyết định năm 1996 của FTC nói rằng không phải là sai khi dán nhãn “hàng làm ở Mỹ:” nếu như “75% giá trị hàng là giá trị sản xuất ở Mỹ.”


Vì quyết định như thế này, ít có công ty nào đem hàng sang bán ở Mỹ, hoặc kể cả có trụ sở sản xuất ở Mỹ mà dám đề chữ và quảng cáo là “made in USA”. Làm thế có thể bị đem ra tòa. Hầu hết các hàng TQ đem sang Mỹ đóng gói thì chỉ dám đề “đóng gói ở Mỹ” (“packaged in USA”).


Như thế nếu áp dụng nguyên tắc của Mỹ thì không thể nào hàng của Samsung lại có thể ghi nhãn hiệu “made in Vietnam.”


Về mặt luật pháp, công ty Samsung có đăng ký sản xuất ở Mỹ hay ở Việt Nam thì đó là công ty Samsung Mỹ hay Samsung Việt Nam, tức là công ty Mỹ hay Việt Nam. Nhưng hàng hóa họ sản xuất ra thì chỉ được phép ghi nhãn hiệu hàng Mỹ hay hàng Việt nếu chứng minh được đúng như qui định của FTC Mỹ.

Vũ Quang Việt




Bài do tác giả gửi cho Diễn Đàn (27.9.2015)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us