Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Theo dòng thời sự, một vụ đại án tham nhũng

Theo dòng thời sự, một vụ đại án tham nhũng

- Hoà Vân — published 22/03/2018 10:45, cập nhật lần cuối 22/03/2018 10:22

Theo dòng thời sự


Một vụ đại án tham nhũng
« độc nhất vô nhị »

 

Hoà Vân


Về cụm từ « độc nhất vô nhị » trên nhan đề, xin bạn đọc vui lòng đọc tới cuối bài.

Theo VNN (http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/truy-to-xet-xu-dut-diem-12-dai-an-trong-nam-2017-367310.html), một trong những nhiệm vụ quan trọng được thống nhất cao tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 17/4/2017 tại Hà Nội, là truy tố, xét xử dứt điểm 12 « đại án ».

Hôm đó, ông Đinh La Thăng còn là Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM, và 7 tháng sau mới bị bắt vì liên quan tới hai vụ án, vụ « cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) » và vụ « cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II ». Cho nên, cũng dễ hiểu là cả hai vụ đều không được liệt kê trong danh sách « 12 đại án » nói trên. Vụ thứ nhì, ông Thăng đã bị toà xử 13 năm tù hồi tháng 1 năm nay, vụ thứ nhất khi chúng tôi viết những dòng này còn đang được xét xử. Có thể nói, chúng đều được dư luận đặc biệt quan tâm vì vị thế chính trị của bị cáo trước khi bị bắt nhiều hơn là vì những số tiền liên can không hề nhỏ. Nhưng bài này nói về một "đại án" khác.

Vụ « MobiFone mua AVG », dù mới chỉ được chính thức đưa ra công luận ở mức độ một kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), nhưng đã nổi đình đám trên mặt báo (cả chính thống và ngoài lề) từ mấy tháng nay.

Trước khi tiếp tục, xin có đôi dòng về hai doanh nghiệp liên quan : MobiFone là doanh nghiệp đứng hàng thứ ba trong khu vực viễn thông của VN, chuyên kinh doanh điện thoại di động. Tiền thân của nó là Công ty Thông tin Di động Việt Nam (Vietnam Mobile Telecom Services Company - VMS), thuộc về Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam - VNPT. Từ 1/7/2014, MobiFone được tách ra thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc bộ Thông tin và Truyền thông. Còn Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG là một công ty tư nhân, chính thức ra đời năm 2008 và phát sóng 2 năm sau đó, với tham vọng dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam, nhưng thực tế kinh doanh nói nhẹ là không được như ý muốn (số thuê bao tới năm 2016 chưa tới 700.000, trong khi mục tiêu là 3 triệu). Một công ty "muỗi" so với MobiFone. Lý do MobiFone đưa ra để biện minh cho việc mua AVG của mình là muốn qua đó mở rộng kinh doanh sang ngành truyền hình kỹ thuật số, nghề của AVG.

Trở lại vụ án, theo tin mới nhất, « Ngày 14.3.2018, TTCP đã ban hành Kết luận thanh tra toàn diện dự án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu, trong đó khẳng định đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật. ».

Tóm tắt Kết luận của TTCP : MobiFone đã thỏa thuận mua 95% cổ phần AVG với giá 8.900 tỉ đồng (người viết làm tròn con số), và thương vụ này dẫn đến nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng (hơn 300 triệu USD).

Vậy, chi tiết vụ án có gì đáng chú ý ?

Trước hết là nhân thân của các nhân vật liên quan.

Người thứ nhất là ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG, công ty này là thành viên của tập đoàn An Viên Group, viết tắt cũng là AVG và cũng do ông Vũ làm chủ tịch. Là em đại gia Phạm Nhật Vượng, ông Vũ cũng làm ăn phát đạt ở Nga vào thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, và cũng về nước kinh doanh bất động sản vào đầu thập niên 2000. Năm 2004, ông Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu về truyền hình trả tiền – bước đi đầu tiên để 4 năm sau, thành lập AVG. Nếu ta nhớ rằng Phạm Nhật Vượng là đại gia số một của Việt Nam mà báo chí hầu như không thể đụng tới thì sự có mặt của ông em trong vụ án được dư luận quan tâm cũng là chuyện dễ hiểu.

Đối diện với ông Vũ trong thương vụ là ông Lê Nam Trà, tổng giám đốc MobiFone từ khi công ty này được tách ra khỏi Tổng Công ty Viễn thông Bưu Chính (VNPT) tháng 6 năm 2014, trở thành một công ty độc lập với 100 % vốn nhà nước. Quyết định này do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, và ông Trà được giao nhiệm vụ thực hiện việc cổ phần hoá MobiFone dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng bộ 4T đương thời là ông Nguyễn Bắc Son. Vì những diễn biến chính trị trong đại hội Đảng lần thứ XII, dẫn tới việc ông Dũng phải rời chính trường, việc cổ phần hoá MobiFone không thể làm kịp trước tháng 6,2016 như dự tính, ông Trà được bộ trưởng Trương Minh Tuấn, người kế vị ông Nguyễn Bắc Son, rút về văn phòng bộ từ ngày 6/6/2017, sau khi đã thực hiện xong việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, tạo điều kiện cho công ty này đặt một chân vào MobiFone trước khi bộ 4T của chính phủ mới tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp này (về chuyện này, xin xem bài Ai đang nhòm ngó "miếng bánh" MobiFone ? trên VnEconomy). Tuy chưa tiến hành cổ phần hoá, công việc chuẩn bị đã được tiến hành dưới thời TGĐ Lê Nam Trà, trong đó có việc định giá công ty. Theo báo Đầu tư online, tháng 9/2015, MobiFone cho biết đã chọn được nhà tư vấn cổ phần hóa là Công ty Chứng khoán Bản Việt.  Bản Việt sẽ chịu trách nhiệm tư vấn định giá và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho MobiFone. Có phải vì quá trình đó mà nhiều nguồn tin trên lề trái cho rằng ông Trà là « quân » của cô Nguyễn Thanh Phượng, ái nữ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch Bản Việt ? Và không chỉ lề trái, các báo chính thống cũng đưa tin rằng Bản Việt cũng là công ty tư vấn đã định giá AVG để MobiFone mua với ít nhất 7000 tỉ đồng cao hơn thực giá như nói trên ? Tuy nhiên, nhà báo Hương Trà trên trang Facebook của mình đã chỉ ra, đây là một sự lầm tên - giữa Công ty CP chứng khoán Bản Việt (tên giao dịch tiếng Anh : VCSC) và Công ty TNHH chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Tạp chí Nhà đầu tư cũng đã có bản tin cải chính : VCSC không phải là đơn vị tư vấn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Chuyện nhỏ, người Pháp có câu : người ta chỉ cho những người giàu vay, dù sao thì việc Bản Việt tư vấn định giá MobiFone còn đó, và cũng dễ hiểu là dư luận quan tâm tới vai trò của « công chúa » Thanh Phượng trong vụ việc này, cũng như vai trò của ông thân sinh cô, người chủ thật sự của nhiều nhân vật hữu quan trong thương vụ « MobiFone vs AVG » này.

Trong đó, tất nhiên phải nói tới ông Trương Minh Tuấn, người từng làm Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông (viết tắt, TT&TT, hay còn gọi là bộ 4T) khi ông Dũng là thủ tướng, và được dàn xếp ở lại chính phủ mới, lên chức bộ trưởng, khi chính ông phải gạt nước mắt lui về, cố « làm người tử tế ». Về mặt đảng, ông Tuấn vẫn là Uỷ viên trung ương, phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương.

Phần đầu của thương vụ đã diễn ra khi ông Tuấn là thứ trưởng, và có người nói, việc ông cam đoan « tiếp quản » nó như kịch bản đã vẽ ra là một trong những điều kiện để ông được ở lại chính phủ, thế chỗ của ông Nguyễn Bắc Son. Thực hư ra sao, chẳng quan trọng mấy. Cũng như, rút cục lại cũng chỉ là một chi tiết với mô-típ quen thuộc, việc bộ ông chỉ đạo đưa giao dịch giữa MobiFone và AVG vào diện thông tin « bí mật nhà nước » (có thương vụ chính đáng nào lại bị buộc phải diễn ra trong bóng tối?), hay việc ông tác động để trì hoãn việc công bố Kết luận thanh tra. Quyết định thanh tra được đưa ra ngày 6/9/2017, với thời hạn 50 ngày, nhưng việc công bố kết luận phải đợi tới buổi họp ban bí thư ngày 8/3/2018 trong đó « Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. » thì một tuần sau, Kết luận này mới được công bố.

Ngày 12/3, tức 4 ngày sau khi Ban bí thư ra lệnh cho TTCP công bố kết luận cuộc thanh tra, và hai ngày trước khi kết luận này được công bố, một sự kiện hy hữu đã xảy ra : hôm đó, theo « Thông tin báo chí » nói trên, « bộ Thông tin và Truyền thông đã chứng kiến cuộc họp giữa Tổng công ty MobiFone và nhóm cổ đông chuyển nhượng AVG để thống nhất việc huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên ». Nói nôm na, ông Tuấn đã chỉ đạo MobiFone « ăn không được thì nhả ra » đồng thời nhờ ai đó tác động với ông Phạm Nhật Vũ và đồng sự trả lại số tiền mà MobiFone bỏ ra để mua 95% cổ phần của mình ! Theo các báo, những nhân vật hưởng lợi chính trong thương vụ, vài người đã chia nhau hơn 8000 tỉ đồng, đã bắt đầu mang nộp lại (một phần) số tiền ấy. Thế mà TTCP « đã không đưa nội dung này vào kết luận mà ra ngay Thông báo Kết luận thanh tra ». Bộ TT&TT tỏ ý tiếc kể cũng có lý ! Trong chính trị, đôi khi việc nhả ra một miếng ăn bẩn cũng không dễ !

Tuy nhiên, việc ăn không được phải nhả chưa phải là chuyện độc nhất vô nhị mà bài này muốn nói tới. Chuyện chính ông Tuấn, người chuyên thổi còi phạt vạ các báo, bắt gỡ bài khi mỗi có câu chữ, chi tiết nào không vừa ý Ban của ông, lần này lại bị một cấp cao hơn bịt miệng bằng cùng miếng võ mà ông sở trường ấy, mới là cái « dấu ấn » mà ông để lại trong vụ án, chuyện chưa từng thấy trong lịch sử cái gọi là Ban Tuyên giáo (hay Tuyên huấn, tuỳ thời kỳ) của ĐCS VN. Số là, ngay ngày hôm sau (15/3/2018) Kết luận của TTCP được công bố, Bộ của ông đã gửi báo chí một bản « Thông tin báo chí » về Kết luận này, kèm theo một văn bản dài 28 trang A4 trình bày « Các sai phạm, vi phạm trong Thông báo Kết luận Thanh tra dự án MobiFone mua 95% cố phần AVG » (xem hình chụp 2 trang Thông tin báo chí kèm). Trong tài liệu tổng cộng 30 trang này, bộ của ông mạnh mẽ phản bác kết luận của TTCP, nói rằng Kết luận này có các « nhận định không đúng quy định pháp luật, không đúng bản chất sự việc, có tính suy diễn theo hướng có lỗi và « hình sự hoá » quan hệ kinh tế » v.v.. Sự việc vô tiền khoáng hậu (hay « độc nhất vô nhị ») là, chỉ không đầy một giờ sau khi đăng phản bác ấy của chính bộ chủ quản của mình, tất cả các báo đã được lệnh gỡ bài xuống. Cũng may là, thời buổi internet, nhiều người đã kịp ghi lại, và sự kiện gỡ bài hy hữu này lập tức được lan truyền trên mạng. Xem chẳng hạn bài của Tiếng Dân, với bản chụp toàn văn tài liệu 30 trang từ đó chúng tôi lấy lại hai trang đầu (bản "Thông tin báo chí"), bài trên FB của nhà báo Đào Tuấn (báo Người Lao Động), hay bản tin của VOA tiếng Việt.

Không hiểu ông Tuấn có từ trải nghiệm bản thân của vụ bị bịt miệng này mà ngẫm ra cái triết lý khốn nạn của cái nghề kiểm duyệt mà ông cung cúc phục vụ từ bao nhiêu năm nay ?

Hôm nay (21/3/2018), vụ « đại án tham nhũng » này chưa kết thúc. Kiến nghị truy tố của TTCP còn đang được ai đó, trên cao hơn cái chính phủ mà ông Tuấn là bộ trưởng, xem xét, cân nhắc những bước đi hữu hiệu nhất để đạt tới cái mục tiêu cao hơn kia, hay ít nhất, tiến lên được thêm một bước về phía đó. Sá gì cái thân phận dư luận viên trưởng của một Trương Minh Tuấn?


Hoà Vân


Nhiều kiểu "định giá"

Dù thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, nợ cả nghìn tỷ, làm truyền hình thì thua lỗ, song các công ty tư vấn định giá đã “dán” những con số khủng lên thương hiệu của AVG.

Trong đó, Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng; Cty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng; Hà Nội Valu thẩm định 18.519 tỷ đồng. Còn Cty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.

(theo Tiền Phong)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2018
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us