Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Theo kịp mặt bằng học thuật trong khu vực và thế giới

Theo kịp mặt bằng học thuật trong khu vực và thế giới

- Phạm Hoàng Quân — published 27/03/2015 21:50, cập nhật lần cuối 28/03/2015 14:37

Diễn từ nhân dịp nhận giải nghiên cứu của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh


Theo kịp mặt bằng học thuật
trong khu vực và thế giới


Phạm Hoàng Quân

 

LTS. Hôm qua, chúng tôi đã đăng bài viết của nhà báo Ngân Hà trên báo Thế giới tiếp thị, "trò chuyện với nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân" sau khi ông được giải nghiên cứu 2015 của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, trong một thư điện tử nhận được hôm nay (xem toàn văn ở cuối bài), ông Quân cho chúng tôi biết, buổi trò chuyện đó (một "cuộc rượu kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi nói nhiều chuyện, nhưng không chuyện nào ra đầu ra đũa") không diễn ra như một cuộc phỏng vấn chính thức, và khi đọc báo thì ông thây bài ghi lại có "quá nhiều sai sót" khó sửa, "trong đó có nhiều câu đoạn hoặc là lời chợt hứng hoặc lời lẽ bị cắt ráp, không phù hợp với văn cảnh, cũng không phản ánh được vấn đề học thuật nghiêm túc". Do đó, ông Phạm Hoàng Quân đã đề nghị Thế giới tiếp thị online cũng như Diễn Đàn rút lại bài đã đăng, đồng thời, để nhấn mạnh "trách nhiệm (của mình) vì sự thiếu chuẩn mực khi phát ngôn", ông đã kết thúc lá thư với câu:

Nhằm để có thời gian tự kiểm, tôi xin tự định cho mình hình thức kỷ luật “Một năm không phát biểu qua hình thức phỏng vấn của báo đài công và tư”, áp dụng kể từ ngày 28/3/2015".

Trong điều kiện đó, chắc bạn đọc cũng hiểu là Diễn Đàn phải tôn trọng yêu cầu rút bài viết nói trên. Thay vào đó, chúng tôi xin đăng lại dưới đây toàn văn bài Diễn từ khi nhận giải của nhà nghiên cứu.


Kính thưa Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh,

Kính thưa toàn thể quý vị.

PHQ

Bà Nguyễn Thị Bình trao Giải nghiên cứu Phan Châu Trinh 2015 cho ông Phạm Hoàng Quân

Tôi rất hân hạnh được dự buổi lễ trang trọng này, và cũng thật bối rối khi được quý vị trong Hội đồng xét tặng giải thưởng trao cho giải nghiên cứu Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Trước đây mấy hôm và cho đến giờ này tôi vẫn băn khoăn cảm thấy khó diễn đạt những suy nghĩ của mình thành lời lẽ sao cho phù hợp với khung cảnh này.

Tôi có hơi bất ngờ khi những bài nghiên cứu lịch sử thuộc một chuyên đề hẹp của mình lại được sự lưu tâm của quý vị, để hôm nay được tiếp nhận rộng rãi thông qua giải thưởng này. Điều này cho thấy tính khách quan và tinh thần vì học thuật của quý vị đã đề cử và của Hội đồng khoa học, biết rằng quý vị chỉ coi đây là trách nhiệm, nhưng tôi vẫn xin gởi đến tất cả lời cảm ơn chân thành.

Tôi được sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghiên cứu, bản thân lại không được may mắn học hành chính quy, phương pháp nghiên cứu, các ngành khoa học liên quan và chữ Hán đều mày mò tự học. Ước nguyện của tôi lúc vào đời lại thiên về bộ môn mỹ thuật, một dịp tình cờ, tôi nhận viết một khảo cứu về lịch sử hội họa và thư pháp của Hoa kiều ở Sài Gòn- Chợ Lớn, những tưởng vì sự yêu thích nhất thời viết lách cho vui, không ngờ đó là điểm khởi đầu để tôi gắn với nghiệp nghiên cứu cho đến nay.

Có lẽ một phần do cá tính, một phần do ảnh hưởng bởi đặc thù của bộ môn mỹ thuật, tôi đã chọn nghiên cứu độc lập làm hướng đi cho mình. Nhân đây tôi xin chia sẻ với quý vị đôi điều về những thuận lợi và trở ngại của một người nghiên cứu đơn độc.

Có 3 điều rất hay. Đầu tiên là tôi không phải dự các buổi họp, không phải giao tiếp lễ lạt, có nghĩa là dành được hết thì giờ cho việc đọc sách, giữ được mạch suy nghĩ không bị gián đoạn. Kế đến là luôn được làm việc trong trạng thái không bị áp lực, không bị khống chế bởi thời gian, tôi được chủ động điều độ thời gian trong việc làm của mình. Điều hay thứ ba là tôi được chọn lĩnh vực hoặc đề tài mà mình thích nhất, và trong đề tài ấy tôi lại được tự xác định việc nào cần phải làm trước. Ba điều đơn giản vậy thôi nhưng tôi cảm thấy thật là hạnh phúc khi giữ được chúng.

Cũng có nhiều trở ngại. Nghiên cứu độc lập phải đương đầu với không ít khó khăn, thứ nhất là chuyện giải quyết nhu cầu cuộc sống cơ bản, giải quyết được vấn đề này thì kế đến là tài liệu sách vở, tư liệu không phong phú dồi dào thì kiến thức hạn hẹp, làm sao nghiên cứu sâu. Mua sách thì tốn kém vô biên, hoàn cảnh của tôi nhiều lúc khát sách tợ như doanh nghiệp khát vốn, tuy nhiên lần hồi tích góp, bè bạn yểm trợ và cộng thêm sự hào phóng của nhiều thư viện điện tử quốc tế, vụ này cũng tạm ổn. Trở ngại vừa lớn vừa khó là việc tìm tài liệu ở thư viện công, nước ta trước giờ nói chung là khắt khe đối với những người không thuộc cơ quan nghiên cứu công, nên đã một thời gian dài tôi không được tham khảo nguồn này, gần đây tuy có được vài ngoại lệ, nhưng tiếc là những ngoại lệ này đến chậm. Những trở ngại ấy tuy không thể làm nản lòng, nhưng có điều đáng tiếc là một số công trình phải chịu mất nhiều thời gian hơn dự tính.

Từ hoàn cảnh của mình, tôi thấy rằng dù cá nhân hay tập thể, muốn có thành tựu nghiên cứu tốt phải hội đủ 3 yếu tố là: tinh thần khoa học, năng lực nghiên cứu và sách vở tài liệu, hay nói rõ hơn, sách cùng với tài liệu là vốn liếng cơ bản, năng lực là tay nghề là trình độ và tinh thần khách quan khoa học là không thiên về cảm tính hoặc bị chi phối bởi tinh thần dân tộc.

Trong lúc nghiên cứu về lịch sử biển Đông, tôi chỉ đơn thuần vì mục đích muốn biết rõ sự thật, vì tò mò, tôi tìm hiểu, kê cứu, hệ thống và đối chiếu so sánh nguồn sử liệu Trung Hoa chỉ vì muốn hiểu biết cặn kẽ và tường tận những ghi chép trong sử liệu thực. Lúc đọc hiểu tư liệu cũng như lúc phân tích chuỗi sự kiện, tôi không nghĩ mình là người dân của một quốc gia nào, lúc này chỉ có tính khách quan của khoa học dẫn dắt.

Điều băn khoăn khó nói mà tôi cũng muốn chia sẻ là khi nhìn kỹ lại hoạt động học thuật sử học trong bối cảnh hiện nay, trình độ nghiên cứu lịch sử nói chung hoặc nghiên cứu chuyên sâu các đề tài lịch sử liên quan đến biển Đông nói riêng, chúng ta còn thua khá xa các nước, mà trong đó đáng ngại đáng lo nhất là chưa theo kịp trình độ của người Trung Quốc.

Mấy mươi năm qua, nền sử học nước ta đã để quá nhiều khoảng trống trong nghiên cứu cơ bản, riêng ở lĩnh vực nghiên cứu biển Đông, giới sử học trong nước hầu như chưa làm tròn trách nhiệm ở nhiều mặt, chỉ lướt qua công việc dịch thuật, mà sản phẩm của nó là nguồn căn cứ thiết yếu trong nghiên cứu đối sánh, đã thấy còn quá nhiều điểm đáng lo ngại.

Chúng ta chưa có một tổng tập bản dịch và chú giải tư liệu lịch sử Trung Quốc, nhằm để nắm rõ thực hư ý nghĩa của sử liệu;

Chưa dịch công trình nghiên cứu tiêu biểu nào của học giới Trung Quốc hiện nay, nhằm để nắm bắt được thông tin mới cũng như theo dõi đà tiến triển qua trình độ học thuật của họ; Lại cũng chưa dịch hoặc dịch quá ít ỏi các bài viết, các sách nghiên cứu về quan hệ Trung - Việt, quan hệ Trung – Ngoại, kể từ thời các học giả Viện Viễn Đông bác cổ Pháp khởi sự cho đến nay, trong khi các nghiên cứu này chứa đựng rất nhiều chi tiết liên quan đã được phân tích, v.v;

Chưa dịch các sách công cụ cơ bản phục vụ cho nghiên cứu, do người Trung Quốc soạn, và mặt khác, cũng chưa thấy dịch hoặc giới thiệu, phổ biến những sách công cụ đồng dạng nói trên bằng Anh ngữ do học giới phương Tây biên soạn.

Vấn đề nghiên cứu lịch sử biển Đông nói trên thật ra chỉ là một mảng nhỏ trong hoạt động học thuật sử học, nhưng nó cũng phản ánh tình hình chung. Nhìn bao quát, sự thiếu hụt kiến thức bên ngoài đã dẫn đến tình trạng giới sử học cứ mãi nói chuyện trong nhà. Trong khi ở Trung Quốc hiện nay, học giới đã tiến đến hình thành nhóm chuyên gia “dịch bình”, quy tụ những người vừa có nghiệp vụ nghiên cứu vừa rất giỏi ngoại ngữ, chuyên lo chuyện đọc và phê bình riêng các bản dịch sách nghiên cứu sau xuất bản, họ muốn những công trình nghiên cứu tầm cỡ bên ngoài phải đến tay học giới trong nước bằng một bản dịch thật chuẩn xác thật hoàn hảo. Trong khi ở Phnom Penh hiện nay, trong nhà sách ngoại văn tại số 1 đường Norodom, sách nghiên cứu sử nổi bật trong nhiều loại sách nghiên cứu khác, nhẩm tính số lượng nhiều hơn ở Sài Gòn gấp 7 hoặc 8 lần.

Lịch sử học thuật sử học Việt Nam thật sự đã để lại nhiều khiếm khuyết, đã để xảy ra tình trạng thiếu hụt kiến thức nền trầm trọng đến mức báo động, lỡ lầm này buộc những người nghiên cứu sử phải nhận trách nhiệm. Trách nhiệm này là trách nhiệm đối với học thuật. Vì rõ ràng là không thể lấy lý do bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng để bào chữa tất cả những khuyết điểm ấy, bởi trong đó rất nhiều vấn đề thuần khoa học. Chừng nào mỗi người tâm huyết cùng nỗ lực chung tay khắc phục khiếm khuyết của quá khứ, thì nền sử học mới có thể lấy lại thăng bằng, chừng nào người nghiên cứu sử - bất kể công hay tư- ngoài sự miệt mài dốc sức còn nghĩ thêm một điều lấy cạnh tranh học thuật với bên ngoài làm thú vui, thì lúc ấy học thuật sử học mới có đà phấn phát.

Theo kịp mặt bằng học thuật trong khu vực và thế giới có lẽ là mục tiêu không ngoài lý tưởng và ý nguyện của bậc tiền bối mà giải thưởng này vinh dự mang tên. Nên tôi nghĩ rằng, giải thưởng này đối với riêng tôi và học giới nói chung, ngoài sự biểu hiện mối cảm thông và sẻ chia trong tinh thần trách nhiệm của một bộ phận xã hội, nó còn là động lực thúc đẩy mỗi người đã chọn nghề nghiên cứu phải dốc tâm tận lực, nương theo khoa học để gặt hái tri thức cho mình và cho cộng đồng, để mỗi công trình được viết ra càng về sau càng có giá trị học thuật cao hơn và càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Phạm Hoàng Quân


Nguồn: trang mạng của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh,, nhan đề do chúng tôi đặt.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VIII, năm 2015 :

-        Giải Nghiên cứu cho Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vì những công trình nghiên cứu xuất sắc  về Biển Đông

-        Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục cho Nhà giáo Phạm Toàn và Nhóm Cánh Buồm vì những hoạt động sáng tạo góp phần canh tân giáo dục và
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vì những đóng góp đặc sắc trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam bộ

-        Giải Dịch thuật cho Dịch giả Nguyễn Nghị vì những thành công trong việc chuyển ngữ nhiều  tác  phẩm kinh điển

-        Giải Việt Nam học cho Giáo sư Keith Weller Taylor vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử - văn hoá  Việt Nam

Lễ trao giải đã được tổ chức tại khách sạn Caravelle, TP HCM ngày 24.3.2015 dưới sự chủ toạ của bà Nguyễn Thị Bình. Nhà văn Nguyên Ngọc trong diễn từ bế mạc (xin xem tại đây) đã nhắc lại những thành tựu của những người được giải, và thông báo một hoạt động thường niên quan trọng mới của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh: Tôn vinh những Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Ba danh nhân văn hoá đầu tiên được tôn vinh là các vị: Trương Vĩnh Kỹ, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

`

Thư trần tình


Kính gởi độc giả báo Thế Giới Tiếp Thị và tạp chí điện tử Diễn Đàn,

    Gần đây, vào ngày 25 tháng 3 năm 2015, báo Thế Giới Tiếp Thị (báo in, số 56, ngày 26/3-1/4/2015) có đăng một bài trong mục Gía trị sống, nội dung được cho là cuộc phỏng vấn tôi (Phạm Hoàng Quân) do phóng viên Ngân Hà thực hiện. Kế đến, ngày 27/3/ 2015 lại có bài phỏng vấn tương tự, đăng trên tạp chí điện tử Diễn Đàn.  Hai bài này xem thấy có cùng nội dung, chỉ khác về số chữ nhiều ít.

    Do hai bài báo trên đây có nội dung tương tự, có cùng hình thức, nên tôi xin được nêu quan điểm của mình về chúng chung trong những lời này.

    Đầu tiên là lời xin lỗi của tôi gởi đến độc giả về những sai sót câu chữ, ý kiến bàn luận, nhận xét đánh giá nhiều vấn đề v.v.  của tôi được thể hiện trong hai bài báo nói trên. Tôi xin nhận trách nhiệm vì sự thiếu chuẩn mực khi phát ngôn.

    Nguyên nhân sai phạm của tôi là đã sơ suất không tìm hiểu kỹ về mục đích cuộc trao đổi, nói chuyện hôm 20 tháng 3 năm 2015 giữa tôi với hai người bạn là nhà báo Trần Công Khanh và nhà báo Ngân Hà. Hôm ấy, hai bạn đến thăm, cùng uống rượu, trong cuộc rượu kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi nói nhiều chuyện, nhưng không chuyện nào ra đầu ra đũa. Ngân Hà có cho tôi biết rằng cuộc nói chuyện này như một buổi gặp gỡ tìm hiểu thêm để lấy ý bổ sung cho một bài báo đã phác thảo từ lâu, phần mình, tôi chỉ nghĩ rằng qua cuộc nói chuyện, một số ý bất chợt sẽ được chọn lấy cho phù hợp với chủ đề bài viết. Trong tình trạng như vậy, lời nói của tôi thật sự không thể có chuẩn mực. Tóm lại, mặc dù đây là nội dung lời lẽ của tôi, nhưng tôi nói chuyện không với tư cách trả lời phỏng vấn, vì thấy rằng đó không phải là hình thức phỏng vấn chính thức mà tôi từng gặp.

    Đến khi đọc bản in trên báo Thế Giới Tiếp Thị (TGTT) vào chiều tối ngày 25/3, tôi mới biết lời nói của mình trong cuộc rượu hôm ấy trở thành cuộc trả lời phỏng vấn, thấy có nhiều điểm không thể chấp nhận, tôi đã yêu cầu tạm thời không đăng trên bản online của báo này, và xin được  chỉnh sửa nhiều chỗ sai trật câu chữ cùng những điều quan trọng có liên quan đến chuyên môn đã được thể hiện không như ý tôi diễn đạt. Tuy nhiên, khi đọc kỹ lại, thì thấy đây là một bài viết rất khó sửa đổi vì sai sót quá nhiều, mà nặng nhất là trong đó có nhiều câu đoạn hoặc là lời chợt hứng hoặc lời lẽ bị cắt ráp, không phù hợp với văn cảnh, cũng không phản ánh được vấn đề học thuật nghiêm túc. Tôi cũng khó xử vì báo in thì đã in, chỉ muốn hạn chế sự lan truyền bài viết này, nhưng ngày hôm sau lại nghe nói bài viết tương tự được đăng trên Diễn Đàn với nội dung dày dặn hơn nữa.

    Vì vậy, tôi xin nói một lần cho rõ, là tôi không đồng ý hai bài báo trên xuất hiện trước công chúng, lý do thứ nhất là vì một số nội dung trong bài không phải là quan điểm học thuật hay là ý kiến chính thức của tôi ; thứ hai là hai bài báo này được thực hiện từ một cuộc trò chuyện bên bàn rượu, mà tôi không được biết nội dung cuộc nói chuyện này sẽ công bố trong hai bài báo (nếu biết, tôi cũng không đồng ý với hai nhà báo Trần Công Khanh và Ngân Hà cách làm việc như vậy, mà sẽ đề nghị một hình thức phỏng vấn chính thức, có sự chuẩn bị từ cả nhà báo và tôi, và sau cùng là tôi phải được đọc bài viết trước khi in hoặc đăng). Với hai lý do trên, tôi cho rằng việc công bố và dẫn dụng những nội dung từ hai bài báo này không phản ánh quan điểm của tôi, và ngoài ý muốn của tôi.

    Thật sự đây là một sai lầm khó chữa. Tôi không thể nói gì hơn vì đã thiếu trách nhiệm, đã để lời nói không chừng mực của mình trở thành một hình thức truyền thông, tôi thành thật xin lỗi tất cả những ai đã đọc qua hai bài viết ấy.

    Nhằm để có thời gian tự kiểm, tôi xin tự định cho mình hình thức kỷ luật “Một năm không phát biểu qua hình thức phỏng vấn của báo đài công và tư”, áp dụng kể từ ngày 28/3/2015.

    Rất mong được độc giả thông cảm cho sự việc đáng tiếc này.


                                                                    Cái Bè, ngày 27 tháng 3 năm 2015

                                                                                    Phạm Hoàng Quân



Phụ lục

Các nội dung trong hai bài báo trên TGTT và Tạp chí Diễn Đàn không phải là quan điểm học thuật và ý kiến chính thức của tôi gồm :

A/ Trên báo TGTT số 13 ra ngày 26-3 :

1/  Đoạn văn bắt đầu từ “ Nhưng nó không phải là Trung Quốc rất khác xa…” đến “ vững về sử liệu ” (trên trang 18, báo TGTT);

2/ Đoạn văn bắt đầu từ “ Tôi đã từng nói vui ” đến “ giấc mơ của tôi ” (Trang 18, báo TGTT) ;

3/ Đoạn văn bắt đầu từ “ Sao tôi biết được ” đến “ có chút háo thắng ” (Trang 18, báo TGTT) ;

4/ Tên riêng viết sai Trương Hán Siêu ; Trần Quốc Đạt.

B/ Ngoài các ý trên bản in của báo TGTT, trên tạp chí Diễn Đàn có 3 ý :

5/ Đoạn văn bắt đầu từ câu hỏi “ Có lần ông nói Việt Nam không có tư liệu gì về Trường Sa ? ” đến “….nói quàng nói xiên ” (trong bản công bố của Tạp chí Diễn Đàn).

6/ Đoạn văn bắt đầu từ câu hỏi “ Vậy giờ anh có làm giống như anh có tinh thần dân tộc không ? ” đến “….đó là giấc mơ của tôi

7/ Đoạn văn bắt đầu từ câu hỏi “ Xứ miền Nam từ trước đến nay, người nghiên cứu chuyên sâu như anh có ai không ? ” đến “….một mình một chợ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss