Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Ba, hai, hay một...

Ba, hai, hay một...

- thanh thảo — published 27/04/2007 18:52, cập nhật lần cuối 27/04/2007 18:52
Rất nhiều ý kiến đã đề nghị, nếu Bộ GD&ĐT quyết bỏ 1 trong 2 kỳ thi (dự định bỏ kỳ thi đại học) thì tốt nhất, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, thay vào đó là xét quá trình học tập và cấp bằng tốt nghiệp cho các em. Cách giải quyết này, tuy “không giống ai” nhưng lại thực tế trong điều kiện giáo dục Việt Nam hiện nay.

 

chuyện dài giáo dục ở Việt Nam


 

BA, HAI HAY MỘT KỲ THI ?

 
thanh thảo

 
Việc Bộ GD&ĐT tổ chức thi trắc nghiệm 4/6 môn ngay kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay, theo tôi, là một quyết định hơi vội vàng.

Ai cũng biết, thi trắc nghiệm là cách thức thi cả thế giới đã áp dụng, nhưng với Việt Nam, sau bao nhiêu năm không dùng hình thức thi này, lại đột nhiên tổ chức thi trắc nghiệm 4 môn ngay năm đầu là thiếu lộ trình cần thiết. Học sinh nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa sẽ “ trở tay không kịp”, đơn giản vì hình thức thi này với các em là quá mới mẻ. Kết quả thi, vì thế, nhất định sẽ không cao. Tại sao Bộ GD&ĐT không tiến hành thi trắc nghiệm theo lộ trình mỗi năm 2 môn, và sau 3 năm, sẽ thi đủ 6 môn bằng trắc nghiệm ? Không phải cách thi quyết định trình độ thí sinh tốt nghiệp, mà chính cách dạy cách học, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, trình độ giáo viên và phương pháp giảng dạy quyết định trình độ học sinh tốt nghiệp PTTH.

Phát động phong trào “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” là đúng, nhưng muốn “trị” hai căn bệnh này, lại phải xem tận gốc cách thức làm giáo dục của ta, chứ không thể “trị bệnh từ…ngọn”. Tổ chức một kỳ thi “ không tiêu cực ” trong khi không có gì thay đổi trong sách giáo khoa, trong cách giảng dạy thụ động, trong trình độ thực của học sinh, thì chắc chắn, số học sinh trượt tốt nghiệp sẽ tăng đột ngột. “Chữa cháy” vấn nạn này bằng một kỳ thi lần hai sau 8 tuần, về cái “tình” là rất hợp, nhưng để giải quyết điều gì sau những “cải cách” kỳ thi và quyết tâm chống tiêu cực, thì xem ra lại chẳng rõ ràng. Kết quả “tổng hai lần thi” con số học sinh tốt nghiệp PTTH chắc sẽ đạt tới trên 90% ! 

Như thế, tổ chức hai kỳ thi hết sức tốn kém để giải quyết cái gì ? Và ai dám nói, học sinh đỗ kỳ thi đầu hoàn toàn là “đỗ thật” ? Bởi với các em đỗ kỳ 2, cơ hội thi vào các trường đại học hay cao đẳng, trung cấp là không còn. Nhưng các em đỗ kỳ đầu chắc gì đã là “gạo trên sàng” để dựa vào đó chuẩn bị cho kỳ xét tuyển đại học dự tính sẽ tiến hành sau 2 năm nữa ? Rất nhiều ý kiến đã đề nghị, nếu Bộ GD&ĐT quyết bỏ 1 trong 2 kỳ thi (dự định bỏ kỳ thi đại học) thì tốt nhất, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, thay vào đó là xét quá trình học tập và cấp bằng tốt nghiệp cho các em. Cách giải quyết này, tuy “không giống ai” nhưng lại thực tế trong điều kiện giáo dục Việt Nam hiện nay. Kỳ thi vào đại học và cao đẳng vẫn phải được duy trì, vì đó là kỳ thi tương đối “chuẩn” nhất bây giờ. Các em học sinh không đỗ kỳ thi này, vẫn có trong tay tấm bằng tốt nghiệp PTTH đủ điều kiện để có thể vào các trường dạy nghề hoặc đi làm các công việc lao động khác. Khi Bộ GD&ĐT đề ra ý tưởng bỏ kỳ thi đại học với lý do “tiết kiệm tiền cho nhân dân”, thì chính nhân dân lại thấy không ổn. Dù nhân dân luôn phải chịu đựng những căng thẳng hàng năm qua kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, nhưng so với những nhọc nhằn và tốn kém phải chịu, ít ra họ cũng được an ủi bởi sự công bằng( tương đối) khi con cái họ được “vượt vũ môn” một cách sòng phẳng.

Còn “xét tuyển”vào đại học ư ? Liệu những em con nhà nghèo có “thi đấu” được trong “cuộc đua” chạy điểm, từ điểm tổng kết năm tới điểm thi tốt nghiệp PTTH ? Đừng quá lạc quan khi nghĩ chỉ cần “nói không” với các dạng tiêu cực trong học tập và thi cử là tiêu cực cứ tự nhiên chết dí! Hôm qua, trò chuyện với một thầy giáo trung học, khi tôi ngạc nhiên vì sao trong cuộc thi chung kết “hoành tráng nhất” về kiến thức PTTH, có đại diện nhà tài trợ độc quyền đã khăng khăng “thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh…Quảng Nam”, thầy giáo này đã lắc đầu: “ Anh nên xem qua sách giáo khoa môn địa bắt học sinh phải học những gì và “quên học”những gì, thì câu trả lời sẽ có ngay.” Xem ra, cải cách giáo dục không thể bắt đầu từ việc bỏ hay giữ các kỳ thi, mà phải ở những gì sâu xa hơn, căn cơ hơn kia!

 
thanh thảo

   

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss