Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thời gian và cầu Cần Thơ

Thời gian và cầu Cần Thơ

- Huy Đức — published 29/09/2007 00:21, cập nhật lần cuối 29/09/2007 00:21
Quy mô tai họa và tính phức tạp của công việc cứu trợ cần có ngay một vị Tư lệnh thực sự, để có thể điều động các lực lượng hỗ trợ. Một cuộc họp liên ngành, lẽ ra nên được lập tức tổ chức ngay sau khi tin tức ra tới Hà Nội. Các chuyên gia, từ Hà Nội, hoàn toàn có thể đến Cần Thơ trong vòng 3 giờ: nửa tiếng từ Hà Nội ra Sân Bay; hai giờ từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất; từ Sài Gòn có thể đi bằng trực thăng, mất hơn nửa tiếng, xuống Cần Thơ. Trung đoàn không quân 917 có đủ máy bay lên thẳng và Chính phủ hoàn toàn có thể trưng dụng trực thăng từ công ty Bay Dịch vụ Miền Nam. “Tư lệnh” hoàn toàn có thể tới Cần Thơ lúc 12 giờ để quyết đinh những giải pháp kiếm tìm nạn nhân quyết liệt nhất.


Thời Gian và Cầu Cần Thơ


Huy Đức


Có thêm 5 người được tìm thấy, sau khi lực lượng cứu nạn nỗ lực suốt đêm 26. Cả 5 đều đã chết. Cho dù, vẫn có những tiếng kêu vọng ra yếu ớt. Cho dù, vẫn có những bàn tay nhúc nhích cầu xin. Chúng ta hy vọng, nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận. Sẽ có những người không cứu được. Con người thật nhỏ nhoi dưới những khối bê-tông nghìn tấn. Người dân Cửu Long, hẳn xót xa, khi thấy thêm vị đắng chát phù sa. Thời gian đang rút ngắn dần cuộc đời của, không biết chính xác là bao nhiêu người, đang vùi thây dưới cây cầu ấy. Thời gian, vì vậy, là thiêng liêng, để giành giật những sinh linh đang kề cận cái chết này.

Hai nhịp cầu chỉ mất 10 giây để gãy. Người dân Vĩnh Long và Cần Thơ thì, không biết đến bao lâu, mới hết bàng hoàng. Nhưng, địa phương đã phản ứng rất thích đáng. Thường vụ Thành Đoàn Cần Thơ bỏ ngang cuộc họp để huy động thanh niên hiến máu với sự hưởng ứng của khoảng 1000 sinh viên. Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Pháp Việt, từ Sài Gòn, tức tốc tiếp viện. Đặc biệt, bộ đội Quân khu 9 đã lập tức có mặt, hiến máu, chuyển thương và chủ lực cấp cứu. Tổng Bí Thư, Thủ tướng cũng chỉ đạo. Tuy nhiên, các bệnh viện ở Cần Thơ quá tải. Phương tiện cứu nạn thiếu thốn. Những cấp có mặt ở hiện trường không tìm ra một biện pháp nào tốt hơn là phải cứu nạn bằng tay.

Hơn 6 giờ tối, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Hồ Nghĩa Dũng, mới xuống đến hiện trường. Hai ông rời Sân Bay Nội Bài lúc 14 giờ, tới Tân Sơn Nhất lúc 16 giờ 05. Thay vì điều một máy bay trực thăng, hai ông đã đi bằng xe hơi, nên chỉ tới hiện trường khi trời đã sập tối. Sau khi họp, chỉ đạo, “công việc cứu nạn phải tiến hành suốt đêm”. Phó Thủ tướng đã đến bệnh viện Quân y 121, hiến máu.

Ngay từ chiều 26, các chiến sỹ Quân khu 9 đã hiến một lượng máu đủ để phục vụ công việc cấp cứu của các nạn nhân. Hàng nghìn sinh viên cũng không tiếc máu cho ngày đau thương ấy. Sự có mặt của Phó Thủ tướng ở hiện trường lúc này, được mong chờ, như là một vị Tư lệnh sáng suốt, quyết đoán, và, càng sớm, hy vọng sống của những con người, đang kẹt dưới cây cầu này, sẽ càng lớn hơn. Ông không được chờ ở đây để hiến máu.

Hình ảnh của một nhà lãnh đạo có mặt ngay trong khi dân chúng gặp nạn là rất có ý nghĩa chính trị. Nhưng, dân chúng còn cần các nhà lãnh đạo có mặt tại chỗ như là một vị Tư lệnh để quyết định những giải pháp kịp thời. Hồi tháng 12 năm ngoái, khi cơn bão số 9 nổ ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hủy bỏ chuyến thăm ngoại giao tới Singapore và Malaysia để đến với các nạn nhân. Nhưng nay, Cầu Cần Thơ sập lúc 8 giờ, 11 giờ 30, Bộ trưởng và các vị lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận tải vẫn tiếp tục một cuộc họp đã được xếp lịch từ tuần trước.

Tuy, một vị Thứ trưởng đang có mặt ở trong Nam. Quy mô tai họa và tính phức tạp của công việc cứu trợ cần có ngay một vị Tư lệnh thực sự, để có thể điều động các lực lượng hỗ trợ. Một cuộc họp liên ngành, lẽ ra nên được lập tức tổ chức ngay sau khi tin tức ra tới Hà Nội. Các chuyên gia, từ Hà Nội, hoàn toàn có thể đến Cần Thơ trong vòng 3 giờ: nửa tiếng từ Hà Nội ra Sân Bay; hai giờ từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất; từ Sài Gòn có thể đi bằng trực thăng, mất hơn nửa tiếng, xuống Cần Thơ. Trung đoàn không quân 917 có đủ máy bay lên thẳng và Chính phủ hoàn toàn có thể trưng dụng trực thăng từ công ty Bay Dịch vụ Miền Nam. “Tư lệnh” hoàn toàn có thể tới Cần Thơ lúc 12 giờ để quyết đinh những giải pháp kiếm tìm nạn nhân quyết liệt nhất.

Tiếp vận y tế từ TP HCM đến Cần Thơ và tải thương từ Cần Thơ lên TP HCM, cũng hoàn toàn có thể dùng trực thăng vận. Các chuyên gia của Bộ Tư Lệnh Công Binh, cũng có thể có mặt sớm để tìm kiếm các giải pháp, kể cả cân nhắc, liệu có thể đào một đường hầm vào nơi được xác định là còn có người bị kẹt lại hay không. Đào hầm luồn dưới hàng nghìn tấn bê- tông là cực kỳ nguy hiểm, nhưng Công binh có thể đánh giá được tính khả thi của giải pháp này. Sự tham gia tích cực và hữu hiệu của Quân khu 9 cho thấy, nếu cả không quân, hải quân (tàu quân y cập gần hiện trường) và, đặc biệt, công binh cùng được huy động, thì việc cứu nạn sẽ còn có kết quả tốt nữa.

Vào khoảng lúc 10 giờ sáng ngày 27 tháng 9, lực lượng cứu hộ lại tìm được thêm thi thể của một nạn nhân. Nhưng, không ai biết chắc, hiện còn bao nhiêu nạn nhân trong đống bê-tông đổ nát ấy. Con số nạn nhân, mà sáng 27-9, Vĩnh Long và cần Thơ báo cáo cho Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, đã không khớp nhau. Đa số công nhân lao động trên cây cầu lịch sử ấy, xuất thân từ những làng xóm nghèo, nhưng, sinh mệnh của họ, giờ đây, thật vô cùng quý giá. Những quy định về quản lý lao động trên những công trường như vậy đang có những lỗ hổng. Tấm thẻ bài khắc tên tuổi, nhóm máu… nếu được phát cho họ trước khi bước vào hàng rào công trường, không những giúp biết chắc, có bao nhiêu người trong cái buổi sáng định mệnh ấy; mà còn, khi thảm hoạ xảy ra, có thể dễ dàng biết họ là ai và việc tiếp máu cấp cứu họ, sẽ nhanh chóng và chính xác hơn nhiều.

Phóng viên của chúng tôi có mặt mấy hôm nay tại hiện trường không tìm thấy văn phòng hướng dẫn tìm kiếm thân nhân thất lạc. Rất cần bổ sung ngay một cơ sở, nơi mà mọi người có thể tới liên hệ, hỏi tung tích người thân, thông báo và được ghi nhận tên tuổi người mất tích. Các phương tiện thông tin đại chúng có thể hỗ trợ để xác định ai đã tìm thấy, ai đã có thể tự về nhà. Con số nạn nhân trong vụ cháy tòa nhà ITC tại TP HCM trước đây, đã từng gây khá nhiều thắc mắc, vì cách thống kê và thông tin lúc ấy không đủ làm cho dư luận yên tâm. Tai họa dù sao cũng đã xảy ra. Hàng chục con người đã chết. Thái độ của chúng ta, chứ không phải là những con số, sẽ làm cho nỗi đau, chút ít, vơi đi.

Thời gian không còn nhiều cho những người đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy. Hy vọng con số các nạn nhân bị kẹt ở trong ấy ít hơn phỏng đoán của chúng ta. Hy vọng có một phép lạ nào đó có thể giúp họ thoi thóp giữa những tầng bê- tông đổ nát. Hy vọng công việc cứu nạn có thể quyết liệt và đến kịp, để có thêm những người con được trở lại với ước mơ, Cần Thơ sẽ có cây cầu.

Huy Đức

NGUỒN : Osin's Blog

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss