Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thư bạn đọc : Vài tư liệu về Tạ Thu Thâu

Thư bạn đọc : Vài tư liệu về Tạ Thu Thâu

- Phạm Văn Đỉnh — published 03/03/2020 23:07, cập nhật lần cuối 03/03/2020 23:07

Thư bạn đọc


Vài tư liệu về Tạ Thu Thâu



Lật các trang mails cũ, tôi xin đóng góp vài xu vì có đọc hay biết tới những sự việc về « Cái chết của Tạ Thu Thâu: trách nhiệm của Trần Văn Giàu?» (bài Nguyễn Ngọc Giao, đã đăng trên Diễn Đàn).

1) Trong cuốn "Phan Văn Hùm, thân thế và sự nghiệp", nxb Hải Mã, Amarillo, Texas, 2003, của bác sĩ Trần Ngươn Phiêu (nay đã từ trần) ; TNP là bạn thân của Phan Văn Hổ, con trai của Phan Văn Hùm, khi còn học ở trường Pétrus Ký, khoảng 1945, và cũng là cựu thành viên của nhóm trí thức kháng chiến Nam Thanh, của vùng Saigon-Cholon. Cuốn sách có dành nhiều trang về Tạ Thu Thâu và các đồng chí, với trích dẫn nhiều dữ liệu, nhiều nguồn, đặc biệt tác giả có tới Paris năm 2000 gặp bà Tạ Thu Thâu lúc ấy đã 92 tuổi, nhưng còn sáng suốt (*).

Cũng nên nhắc Tạ Thu Thâu là anh đỡ đầu của Trần Văn Giàu khi TVG xuống Toulouse học nội trú ở Lycée de Toulouse (nay là Lycée Fermat).

2) Còn trong cuốn « Tuyển tập Phan Văn Hùm » của Nguyễn Q. Thắng  nxb Văn hóa Thông tin,760 tr., Hanoi, 2003, thì chỉ đăng lại một số lớn bài viết của Phan Văn Hùm, mà « đặc biệt » là không hề nói đến cái chết của PVH.

3) Trong cuốn « Những Văn nhân Chính khách một thời », nxb Công an nhân dân, 2006, 454 tr., Thiếu Sơn có dành một chương cho Tạ Thu Thâu và một chương cho Phan Văn Hùm , trong đó chỉ cho biết là Phan Văn Hùm bị Kiều Đức Thắng giết mà không cho biết hoàn cảnh hay chi tiết nào khác, còn cái chết của Tạ Thu Thâu thì được giữ im lặng luôn.

4) Cuốn hồi ký « Chợ Đêm quê tôi » của Nguyễn Văn Trấn, nxb Văn nghệ tp HCM, 2001, 504 tr., tôi chỉ đọc qua loa vài trang đó đây, không thấy có dấu vết gì của Tạ Thu Thâu hay của Phan Văn Hùm cả, tuy Chợ Đêm là nơi đã xảy ra nhiều sự việc có liên quan đến những nhà cách mạng này những năm 45.

5) Cuốn « Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, 1906-1945 » của Bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ, Nhà sách Khai Trí , Saigon, 1974, 526 tr. , tôi chưa đọc, chỉ chép « để dành » trên máy, chờ có lúc can đảm tới sẽ đọc.

6) Ngoài ra cũng nên nhắc là « Tú sách nghiên cứu » (**), cũng đã tổ chức một hội thảo tại Paris, ngày 26/09/2004, với nhan đề « Nhìn lại sáu mươi năm tranh đấu cho Viêt Nam », do Đặng Tiến « điều họp », nhân ngày giỗ 59 năm « Cuộc thảm sát Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm & các nhà ái quốc khác ».

7) Và có lẽ cũng it có người biết là Saigon cũng có đường Phan Văn Hùm và đường Tạ Thu Thâu.

8) Trong quyển « Từ Đông sang Tây », nxb Đà Nẵng, 2005, 464 tr., Daniel HEMERY có bài về tờ báo « La Lutte »  những năm 1933-1937 ở Saigon (tr. 86-113), trong đó, phần lớn, Hemery đề cập đến cách thức (khó khăn, mưu mẹo, vv…)  của nghề làm báo đối với những nhà cách mạng Đệ Tam, như Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, …, hay Đệ Tứ, như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Hồ Hữu Tường…, trong bối cảnh báo chí Pháp ngữ và Việt ngữ thời bấy giờ, chớ không có nói tới cái chết của Tạ Thu Thâu và đồng bạn.

9) Trong cuốn « Le Viêt-Nam au XXè siècle », Pierre-Richard Féray, cho biết vắn tắt, trang 193, « Avant et après la prise du pouvoir (par HCM), la lutte contre les trotskystes sera impitoyable, le Viêt-Minh exécutera Ta-Thu-Thau en même temps que les "traîtres" ».

10) Trong cuốn « Hơn nửa đời hư » , nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 684 tr., 1992, tác giả Vương Hồng Sển có dành chương 7, tr. 119-167, cho «  1923-1927. Vài kỷ niệm đối với các nhân vật đã ghi danh vào sử : Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Trần Văn Thạch… » ghi lại những kỹ niệm trong thời gian học ở trường Chasseloup-Laubat với  việc thi cử và hành nghề sau khi đậu bằng« Brevet Elémentaire » hay « Diplôme », và chỉ vắn tắt cho biết và tiếc  là Phan Văn Hùm bị « chết oan ».

11) Trong  hồi ký « Những ngày tháng tám », nxb Văn Học, 1961, 190 tr., Trường Lưu kể chuyện du kích chiếm lấy huyện lỵ Ba-Tơ, nhưng tuyệt nhiên không đá động gì tới chuyện bắt giam Tạ Thu Thâu của du kích Ba-Tơ cả (tr. 67-81), cũng như Nguyễn Văn Trấn trong chương « Mấy chuyện Sài-Gòn - Chợ Lớn » không có chuyện gì ngoài lên tiếng triệt để vỗ tay Lãnh đạo Đảng, thất vọng hơn nữa qua phần « Thanh niên Tiền phong » (tr. 236-263) của Phạm Ngọc Thạch, hay qua « Ngoài hàng vạn dặm luôn hướng về Tổ quốc » (tr. 247-253) của Việt kiều N.N.

12) « 41 năm làm báo », hồi ký của Hồ Hữu Tường, nxb Đông Nam Á, Paris, 1958, 192 tr. Có thể cuốn sách này còn bày bán ở tiệm sách Sudestasie, 17, rue Cardinal Lemoine, 75005 Paris, do chị Tú, em của anh Phạm Trọng Cầu, quản lý trong một thời gian dài ? Thường lệ, làm cách mạng trước tiên là làm báo, nên suốt cuốn sách tác giả gặp gần như hầu hết các nhà cách mạng VN thời bấy giờ ở Saigon, đặc biệt có kể rành mạch cuộc hợp tác làm báo Pháp ngữ « La Lutte »,  giữa các nhà cách mạng đủ mọi khuynh hướng, nhứt là giữa Đệ Tam và Đệ Tứ, cái « quái thai lịch sử » vô tiền khoáng hậu toàn cầu, giữa 2 cái « Đệ » của thế kỷ 20 (tr. 86-97).

Một giai thoại lý thú về cha của một ông bạn cựu trào cùng lứa cùng thời với tôi ở vùng miền Nam nước Pháp này : chuyện ông Đoàn Văn Trương, được bạn bè đem « tế thần », bằng cách đưa ra để làm quản lý tờ tuần báo Pháp ngữ « Le Militant », để nhử cho Tây bắt, nhưng không ngờ  thực dân Tây cũng rất mực tuân thủ pháp luật thời đó : ai sanh đẻ ở Nam kỳ đương nhiên là dân Tây (« sujet français de Cochinchine »), và hễ dân Tây thì ra báo không cần xin phép,  tiền lệ đó sẽ là chỗ dựa cho những tờ báo xuất hiện sau này (tr. 119-121),.

13)  Có lẽ « Tạ Thu Thâu, Từ Quốc gia đến Quốc tế », của tác giả Nguyễn Văn Đính, là có ghi lại đầy đủ nhứt về cái chết của Tạ Thu Thâu trong những ngày tháng 9 (1945) ở Quảng Ngãi, nxb Hải Mã (138 tr, 2006), in lại từ nguyên bản (Saigon, 1939), cộng thêm một số phụ lục ; nguyên bản này theo chị Kim Xuyến, con gái út của tác giả, hiện vẫn còn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp (BNF).


Phạm Văn Đỉnh 

(Toulouse, 2.2020)


Chú thích của Diễn Đàn

(*) Bà Tạ Thu Thâu đã từ trần tại Pháp năm 2010, thọ 101 tuổi.

(**) Về Tủ sách Nghiên cứu của nhóm Đệ Tứ ở Pháp, xin xem hai tài liệu của ông Hoàng Khoa Khôi : 

http://www.tusachnghiencuu.org/pdf_files/hsdt_I.pdf 

http://www.tusachnghiencuu.org/pdf_files/hsdt_II.pdf

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss