Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thư Ngỏ gửi Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và Bộ Chính trị ĐCSVN

Thư Ngỏ gửi Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và Bộ Chính trị ĐCSVN

- Nhiều tác giả/ Diễn Đàn giới thiệu — published 08/08/2012 15:00, cập nhật lần cuối 12/08/2012 11:11
Cập nhật 12/08/2012: Trong bản Danh sách người ký tên kèm theo Thư ngỏ, chức danh của ông Hồ Uy Liêm (số thứ tự 36) xin được đính chính lại là: Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Thư Ngỏ gửi Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam
và Bộ Chính trị ĐCSVN


71 nhân sĩ và trí thức Việt Nam trong và ngoài nước vừa công bố một bức Thư Ngỏ gửi Quốc hội, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và Bộ Chính trị ĐCSVN để nói lên quan ngại của mình trước tình hình "Trung Quốc thực hiện những bước mới xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta cũng như các quốc gia giáp Biển Đông". Thư Ngỏ hoan nghênh Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua, và nhấn mạnh "Sau một thời gian bị kìm hãm, báo chí nước ta đã được cất tiếng nói phê phán thẳng thắn, mạnh mẽ và kịp thời những chủ trương và hành động sai trái của Trung Quốc đối với nước ta.", trước khi nhắc lại các yêu cầu mà nhiều người đã vạch ra sự cần thiết trong chính sách của Nhà nước đối với Trung Quốc: "công bố trước nhân dân ta và nhân dân thế giới thực trạng quan hệ Việt - Trung", "chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc". Về các quan hệ quốc tế, Thư Ngỏ nhận định "Nhiều quốc gia trên thế giới mong đợi Việt Nam tự lực, tự cường, thoát khỏi vòng kiềm tỏa, chi phối của Trung Quốc", từ đó đề ra yêu cầu "nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, sáng suốt lựa chọn các đối tác chiến lược vì lợi ích của dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại."

Phần 2 của Thư Ngỏ nhấn mạnh tới các "cải cách sâu sắc và toàn diện về chính trị", mà trong các phát biểu trước đây các tác giả đã từng đề xuất nhằm "tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực khác, trước hết là cải cách kinh tế và giáo dục". Không nhắc lại dài dòng các luận điểm đã được nêu ra một năm trước trong hai văn bản, Kiến nghị ngày 10-07-2011 về “Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay” của các nhân sĩ trong nước, và Bản ý kiến về “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” ngày 08-09-2011 của trí thức sinh sống ở nước ngoài, Thư Ngỏ nêu ra "Trong việc bảo đảm thực hiện các quyền hiến định về tự do, dân chủ, cần nhấn mạnh quyền tự do kinh doanh, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa.", và thẳng thắn nêu lên:

"Điều có thể làm ngay để biểu thị quyết tâm cải cách chính trị hợp lòng dân là chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước; trả tự do cho những người bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, chỉ công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình mà đã và đang bị kết án hình sự."

Đây có thể coi là yêu cầu quan trọng nhất mà những người ký tên đặt ra cho nhà cầm quyền vốn xưa nay chưa từng công nhận có những người bị cầm tù chỉ vì đã công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình (các khái niệm "tù nhân chính trị" hay "tù nhân lương tâm" luôn luôn bị chính quyền phủ nhận). Việc nêu ra yêu cầu này như một biểu tượng của quyết tâm cải cách chính trị (cũng cần nhấn mạnh: không có biện pháp nào khác có được vị trí biểu tượng này trong Thư) rõ ràng là một gợi ý rất quan trọng mà người ta chỉ có thể hi vọng những người cầm quyền biết nắm bắt, ngõ hầu thực hiện được "Bước tiến mạnh mẽ về thực hiện dân chủ, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng" mà các tác giả Thư Ngỏ coi như "đòn xeo xoay chuyển tình hình nước ta", đồng thời hỗ trợ cho cuộc đấu tranh ngoại giao, tác động tích cực cả sang tình hình Trung Quốc.

Thư Ngỏ kết thúc bằng lời khuyến nghị "mong các nhà lãnh đạo đất nước đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, nỗ lực thực hiện trách nhiệm nặng nề trong tình thế hiểm nghèo, không phụ lòng mong đợi của nhân dân".

Trong số những người ký tên, ngoài các nhân sĩ đã tham gia ký và phổ biến Kiến nghị 10-7-2011 như các GS Hoàng Tuỵ, Nguyễn Đình Đầu, Chu Hảo, Thiền sư Lê Mạnh Thát, Linh mục Huỳnh Công Minh..., và các giáo sư Việt kiều chủ xướng Bản ý kiến 8-9-2011 như Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần,Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng..., người ta còn bắt gặp nhiều nhân vật tên tuổi khác như nhà báo Tống Văn Công, nguyên tổng biên tập báo Lao Động, GS Phạm Duy Hiển, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, ông Hồ Ngọc Nhuận, uỷ viên trung ương MTTQVN, nguyên giám đốc chính trị báo Tin Sáng, TPHCM v.v.


Xin bấm vào các đường dẫn dưới đây để đọc toàn văn Thư Ngỏ và xem danh sách đầy đủ 71 vị ký tên.
Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us