Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tiếng kêu cứu

Tiếng kêu cứu

- Vũ Kim Hạnh — published 09/03/2019 15:30, cập nhật lần cuối 09/03/2019 15:36

TIẾNG KÊU CỦA CÔ GÁI
KHI NGHỀ GIA TRUYỀN SẮP BỊ BỨC TỬ



Vũ Kim Hạnh



6g sáng nay 9/3, chen giữa nhiều tin muộn chúc mừng ngày phu nữ, tôi nhận được tin nhắn của một cô gái trẻ : “Kỳ này họ làm bài bản, có kế hoạch từng bước để xóa sổ Nước mắm truyền thống hơn vụ Arsen đợt trước (1), chắc chết thiệt cô ơi !” 

Cô gái ấy tên Thùy, con gái chị Nguyễn thị Tịnh, chủ hãng nước mắm Thanh Quốc, Phú Quốc. Thanh Quốc là một trường hợp tiêu biểu cho các doanh nghiệp làm nước mắm cha truyền con nối ở Phú Quốc. Thay vì theo mốt thời thượng làm giàu nhanh ở Phú Quốc hiện nay là đi mua bán đất, chị Tinh vẫn đeo bám nghề. Thùy, tốt nghiệp đại học ở SG, thay vì kiếm việc ở đây, đã về hẳn Phú Quốc làm nghề nước mắm với mẹ. Mấy tháng trước, Thanh Quốc nằm trong danh sách xem xét cấp chứng nhận “HVNCLC-Chuẩn Hội nhập” nhưng không được thông qua vì Hội đồng xét duyệt đòi phải điều chỉnh một số tiêu chí. Mãi đến đợt 20/2 vừa rồi, Thanh Quốc mới lấy được HACCP (2) và mới được thông qua danh hiệu "HVNCLC-Chuẩn hội nhập" luôn.

Như vậy, các DN nước mắm truyền thống vẫn đang tự biết phải tập trung khâu tuân thủ tiêu chuẩn VN và quốc tế để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu. Họ biết luật làm ăn của thị trường trong nước và thế giới. Họ dám lấy HACCP thì sợ gì tiêu chuẩn VN, vậy mà khi đọc dự thảo Quy phạm vừa rồi, họ kêu trời vì thấy toàn những quy định lơ mơ trớt quớt mà đầy quyền uy, càng đọc càng thấy có đến 50 điểm sai (hoặc không phù hợp) rất nặng mùi, hoặc mùi tiền, mùi arsen hoặc mùi sa lông phòng lạnh. Họ không kịp cười do bất ngờ trước những qui định tào lao vì họ nhận ra ngay, đó là cái bẫy đang tết dần dần thành những sợi thòng lọng xử gọn tất cả làng nghề nước mắm truyền thống VN trong tương lai gần.

Phủ dụ rằng “chỉ để tham khảo, theo hay không là tự ngyện” song người đưa dự thảo không quên “xi mạ” vỏ bọc cao đẹp: bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ gìn uy tín chất lượng ngành nước mắm.
Nghe giống y chang hồi cái “Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng”, tay thì đút tiền khủng vào túi, miệng thì khạc ra toàn những kết quả điều tra và kết luận giết người. Có người nói, không lẽ chỉ do cạnh tranh, chỉ có “bọn tư bản hút máu người mới cạnh tranh kiểu ấy”.

Với những ngành nghề truyền thống, tôi không thấy ở xứ nào mà cứ có từng đợt tấn công thẳng thừng, bền bĩ, truy cùng đuổi tận đối thủ như vậy ? Trái lại, chính phủ một nước tư bản như Thái Lan, họ thấy giá trị thực sự của tài nguyên bản địa. Ở Thái Lan, tất cả các “Chỉ dẫn địa lý” sau khi được trao chứng nhận là cơ quan chức năng đến hướng dẫn để lấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Thăm khu dành cho “Sản phẩm chỉ dẫn địa lý” trang trọng trong hội chợ Thaifex liên tiếp 2017, 2018, tôi thấy luôn có đến 50% các loại sản phẩm được chứng nhận hữu cơ của Mỹ, EU hay của Thái.

Lý thú hơn, người Thái cũng nhiệt tình giúp các nông sản địa phương và Chỉ dẫn địa lý VN. Đó là việc mà Central group đang làm tốt, ngay trên đất Thái và làm cả ở VN. Mỗi năm Central group tổ chức một “Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan” ưu tiên tuyển chọn, hỗ trợ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là Chỉ dẫn địa lý. Như nước mắm, tiêu, điều, trái cây Việt Nam, họ đều tổ chức triển lãm thật là trang trọng. Tại sao? Tại vì họ hiểu những sản phẩm đó thật là đáng quí, có giá trị cao, và giúp tìm thị trường là cách giúp phát triển ngành nghề đó bền vững nhất. Họ nói: chúng tôi cần sản phẩm tốt để bán, và cũng để giúp được VN phát triển.

Tôi cũng từng làm việc với tổ chức EU, và họ “không hiểu” cách mình đối xử với sản phẩm truyền thống của mình. Ví dụ, Liên minh châu Âu cấp chứng nhận bảo hộ tại EU cho nước mắm Phú Quốc từ 2012, thế mà từ bấy đến giờ, ta đã làm gì thiết thực giúp các nhà thùng? Tỉnh Kiên Giang có giúp nhưng lực có hạn. Còn những cú vỗ mặt liên miên, từ Arsen, histamine hay cái Quy phạm này thì là kiểu gì?

Thùy của Thanh Quốc nói với tôi, "ban ngành đi với họ hết cô ơi!". Tôi nói không phải vậy. Văn bản này đáng lẽ được thông qua ban hành lặng lẽ vào Tết Kỷ Hợi nhưng chính Tổng Cục Tiêu Chuẩn Dô lường, Chất lượng ra lệnh cho Vụ Tiêu Chuẩn của Tổng cục gửi cho Hội DN HVNCLC để xem tình hình doanh nghiệp góp ý ra sao (thực hiện đúng theo thỏa thuận giữa Hội và Bộ KH&CN đã ký tháng 9/2018 cùng hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn) và sau đó, Hội gửi cho hàng chục Hiệp hội và Hội khác, ai nấy đọc mới chưng hửng và mới phản ứng như vừa qua chứ. Vậy nếu cứ theo trình tự thời gian mà làm như cũ thì...xong rồi.
Cũng có bạn trẻ inbox cho tôi: "Con thấy bí quá cô. Họ đã quyết đến cùng, cạnh tranh hủy diệt mà cô cứ nói luật pháp, lẽ phải, đạo đức với quyền lợi người tiêu dùng là thua hết, đều thua hết, thua một thứ mạnh nhất và duy nhất: TIỀN".

Tôi nói với em, thế giới bây giờ không ai dại mà tận diệt tài nguyên bản địa là tài sản quí giá nhất của quốc gia mình. Em còn trẻ, đừng chủ bại quá sớm. Cái quyết liệt của đồng tiền đi hủy diệt đối thủ mạnh lắm, nhưng ý chí quyết phải sống còn của những kẽ bị săn đuổi đến cùng còn mãnh liệt hơn gấp trăm lần, em biết không?


Vũ Kim Hạnh


 

Ảnh trái : Nước mắm Thanh Quốc trên trang thương mại điện tử. Phải:  Tác giả và bạn Thùy tại gian hàng Thanh Quốc, tuần lễ hàng VN tại Thái do Central Group tổ chức


Nguồn: FB của tác giả 

Chú thích của Diễn Đàn :

(1) Vụ xảy ra năm 2016, xem các tinbài bình luận của chuyên gia Vũ Thế Thành 

(2) HVNCLC: Hàng Việt Nam chất lượng cao ; HACCP : "Hazard Analysis and Critical Control Point System", có nghĩa là “hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn”, một tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận.

Xem thêm :  Tiến sĩ nước mắm bị mời ra phòng họp  và  Nước mắm và nước chấm

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us