Tôi gặp Hoàng hậu của người Bỉ
Tôi gặp Hoàng hậu
của người Bỉ
Trần Tố Nga
Theo thư mời, tôi đi Bruxelles để gặp hoàng hậu của người Bỉ.
Hoàng hậu của người Bỉ ? Sao không gọi là hoàng hậu Bỉ hay hoàng hậu
của nước Bỉ ? Tôi lẩn thẩn tự hỏi và hỏi các bạn Bỉ. Mỗi người trả lời
một cách, mỗi cách có gắn với một chút các giai thoại lịch sử, nhưng dù
sao, tôi vẫn thấy cách gọi ấy quá đỗi thân thương cho “ thần dân ” nước
Bỉ.
Sở dĩ có cuộc gặp hiếm có này, vì, sau khi nghị viện Bỉ biểu quyết 100
% phiếu bầu của tất cả các đảng phái cho một nghị quyết ủng hộ nạn nhân
da cam, tháng 10 năm 2023, tôi đã tự mình đi Bỉ gặp chủ tịch thượng
viện Bỉ để nhân danh nạn nhân da cam, cám ơn đất nước đầu tiên trên thế
giới lên tiếng chính thức thừa nhận và ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam.
Không phải lúc nào và ở đâu cũng được tiếp kiến một hoàng hậu, nên
đương nhiên, tôi hồi hộp, cố tìm hiểu trước cách gọi vua thế nào, gọi
hoàng hậu ra sao, điều gì cần tránh để không bị “ phạm thượng ” .
Trưởng ban lễ tân cung điện hoàng gia vui lòng dành cho tôi một giờ
trao đổi, bảo tôi yên tâm là hoàng hậu không khó, và tôi có thể nói
những gì muốn nói.
Đúng 10 giờ 45, ông Pierre Grega, chủ tịch Hội hữu nghị Bỉ - Việt Nam,
người đã nhiều năm dành thời gian cho những hoạt động giúp đỡ các cháu
mồ côi, theo lời dặn của trợ lý hoàng hậu, đưa tôi vào cung điện, tìm
chỗ đậu xe và kiên nhẫn ngồi trong xe chờ vì chính ông không được mời.
Đúng 11 g, hoàng hậu bước ra, chụp ảnh và mời tôi vào phòng tiếp khách.
Câu đầu tiên của bà là “ rất
hoan hỉ với cuộc gặp ” và câu ấy được lặp lại nhiều lần trong 45
phút trao đổi. Bà chuyển lời xin lỗi của nhà vua vì bận mà không có mặt.
Cảm nhận đầu tiên là hoàng hậu đẹp – đã là hoàng hậu thì đương nhiên
phải đẹp rồi, nhưng bà cao đến nỗi đứng bên cạnh bà, tôi giống như một
người lùn dù thật sự tôi không bé nhỏ gì cho cam.
Chưa biết phải chào như thế nào vì nhiều người nói là không được chạm
vào người hoàng hậu thì bà tự bước tới, bắt tay tôi với một nụ cười dễ
thương. Tôi thầm nghĩ, hoàng hậu thì lẽ thường là phải đẹp rồi, nhưng
tôi lại thấy cái dễ thương, giản dị nổi trội, ngoài điều tôi
mường tượng trước đó.
Hoàng hậu đưa tôi vào phòng khách, xin lỗi vì do công trình sửa chửa
nên không thể tiếp tôi trong một phòng khác sang trọng hơn. Câu chuyện
bắt đầu. Bà nói đã đọc quyển sách “ Mảnh đất bị nhiễm độc ”
(1) từ đầu đến chữ cuối cùng, và muốn nghe kể lại về bà ngoại, về người
mẹ, về những tháng bị tù đày và những cực hình đã gánh chịu. Và bà nói
rằng, chính qua đọc sách mà bà muốn khi đến Việt Nam, bà được gặp nạn
nhân da cam, chỉ tiếc là chuyến đi ngắn quá, vì bà mong được ở thêm
nhiều tuần.
Tôi thật sự cảm động và cả ngạc nhiên vì không nghĩ là một hoàng hậu,
hoàng hậu đích thực, lại để thời gian đọc sách của một người quá đỗi
bình thường như tôi.
Vì được hỏi nên tôi nhấn mạnh về đạo nghĩa “ Ơn đền nghĩa trả ” của dân
tộc Việt Nam mà tôi được hưởng từ bà ngoại, tôi nhân danh nạn nhân da
cam cám ơn nước Bỉ và cám ơn Hoàng gia Bỉ, không quên nhấn mạnh rằng Bỉ
là nước đầu tiên trên thế giới có một nghị quyết lịch sử được tất cả
các đảng phái đồng tình biểu quyết, và đang làm gương, thúc đẩy
cho quốc hội Pháp làm theo. Đáp lại câu hỏi về tội ác của chiến tranh,
tôi kể về sự hy sinh của mẹ tôi, về những tra tấn khi tôi và những
người kháng chiến bị bắt và bị tra tấn. Nhiều lần, hoàng hậu phải thốt
lên hai tiếng “ dã man quá ”.
Bà thừa nhận rằng, trước khi đọc sách, bà không biết nhiều về lịch sử
của Việt Nam và nhất là về chiến tranh hóa học mà Mỹ đã tiến hành trong
chiến tranh Việt Nam. Tôi tranh thủ nói về chiến tranh, về số phận bi
thảm của gần năm triệu nạn nhân da cam hiện nay ở Việt Nam, nhưng tôi
vẫn nhấn mạnh rằng, dù bi thảm, dù đau khổ, nhưng lòng can đảm và khát
vọng sống của nạn nhân da cam là vô cùng, điều giúp cho tôi sức mạnh để
theo đuổi cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam từ hơn mười
năm nay.
Rất chân thành khi thừa nhận thiếu sót trong hiểu biết, hoàng hậu yêu
cầu tôi, nếu có thể, cung cấp thêm các tài liệu nói về lịch sử của Việt
Nam và về nạn nhân da cam . Tôi đã gửi ngay cho bà những tài liệu cần
thiết, hy vọng bà có thời gian để xem các thước phim tài liệu và các
quyển sách lịch sử về Việt Nam, trước khi đi thăm, như bà nói.
Trước khi chia tay, tôi nói ý muốn tặng bà hai áo dài Việt Nam, và chính vì để bà thấy áo dài Việt Nam đẹp như thế nào, nên tôi đến diện kiến bà trong bộ áo dài truyền thống. Hoàng hậu chỉ thốt lên “ formidable ” và nói rằng bà thích màu đỏ. Đến lúc này thì đối với tôi, khoảng cách không còn. Bà đưa tôi ra tận cửa và chia tay, trước khi chuyển sang một cuộc họp khác.
Chỉ còn hơn hai tuần, cặp đôi hoàng gia, vua và hòang hậu của người Bỉ
sẽ đến thăm Việt Nam và trực tiếp gặp một vài đại diện các nạn nhân da
cam Việt Nam.
Với lòng biết ơn đất nước xa xôi đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh vì
chính nghĩa, và với tình cảm ngưỡng mộ sau 45 phút ngắn nhưng giàu
thông tin và cảm xúc, tôi hy vọng chuyến viếng thăm sẽ làm cho
hai nước gần nhau hơn và cuộc đấu tranh giành công lý cho nạn nhân da
cam sẽ càng thêm mạnh dù chân lý có thể còn xa lắm.
Paris 8 tháng ba năm 2025
TRẦN TỐ NGA
(1) Trần Tố Nga, Ma
terre empoisonnée, ed. Stock, Paris mars 2016, 304 p. Bản tiếng
Việt : Đường Trần,
nxb Trẻ, TP.HCM, 2017, 448 tr (chú
thích của Diễn Đàn).
Các thao tác trên Tài liệu