Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tom Hayden trở lại Việt Nam

Tom Hayden trở lại Việt Nam

- T. Hayden (The Nation) — published 09/03/2008 08:00, cập nhật lần cuối 11/10/2008 17:21
Tom Hayden, một lãnh tụ của phong trào phản chiến ở Mĩ, chồng cũ của nghệ sĩ Jane Fonda, vừa trở lại thăm Việt Nam, sau hơn 30 năm cách biệt.


Các cụ cách mạng lão thành
của Việt Nam

 

Tom HAYDEN


 

Mùa giáng sinh 2007, tôi cùng với gia đình du hành ngược thời gian, thăm Việt Nam, lần đầu tiên sau 32 năm. Tôi cảm thấy cần phải nhìn lại nơi chốn ấy một lần nữa, một sự hối tiếc vì đã từ bỏ một đất nước tôi từng viếng thăm bốn lần trong thời chiến tranh. Tôi muốn hiểu những bài học dài lâu và, trên cơ sở cá nhân, tìm lại những Việt Nam là hướng dẫn, phiên dịch, đàn ông và đàn bà, đã từng đặt niềm tin ý thức hệ nơi những “nhân dân” Mĩ mà họ đã từng “tháp tùng” qua những tàn phá do “giặc” Mĩ gây nên. Họ sẽ trở thành những nhịp cầu ngoại giao quan trọng giữa hai đất nước trong giai đoạn sau chiến tranh. Hầu hết là những người sống sót từ cuộc chiến tranh đánh Pháp và đánh Mĩ và giờ phải ở vào lứa tuổi 80. Họ còn sống không ? Họ đã khổ sở như thế nào ? Sau những “hồ hởi” của chiến thắng và thống nhất đất năm 1975, họ đã thích ứng ra sao với một Việt Nam không có chiến tranh ? Châu Đỗ, lãnh sự Việt Nam ở San Francisco, nói nhiều người trong số các vị cách mạng lão thành ấy vẫn còn sống, hứng khởi về chuyến trở lại của tôi và hỏi tôi muốn gặp ai. Tôi bảo với anh, người bạn Việt Nam thân nhất của tôi là một người làm thơ, nhạc sĩ và người phiên dịch, Đỗ Xuân Oanh, có lẽ khoảng độ 40 vào thời ấy. “Tôi sẽ giúp ông tìm ra ông ấy”, Châu tủm tỉm cười trả lời tôi. “Ông ấy là bố tôi”. Mắt tôi ứa lệ. Chuyến đi này sẽ thú vị đây !

tomjane

Tom Hayden (bên trái) và Jane Fonda trong một cuộc mit tinh phản chiến

Tuy nhiên, trước khi được tái ngộ với những bạn bè và người quen biết cũ này, tôi đã bổ nhào vào những tương phản kinh người giữa quá khứ và hiện tại của Hà Nội. Giữa mùa Giáng sinh 1965 và tháng mười một 1972, khi tôi viếng Hà Nội trái phép bốn lần, thành phố thời chiến không đèn đóm và hoang vắng. Hầu hết mọi người đã sơ tán về nông thôn. Tiếng còi báo không tập và tiếng loa phát thanh báo động là những thứ âm thanh đô thị duy nhất. Không có phát triển kinh tế nào ngoài việc xây những chiếc cầu phao thay cho những chiếc cầu bị Mĩ dội bom. Xe cộ là xe quân sự. Hầu hết dân chúng đi xe đạp hay gồng gánh đồ đạc xoàng xĩnh bằng những chiếc đòn tre trên vai. Trâu kéo những thứ nặng nề. Nhìn bên ngoài, kế hoạch ném bom Việt Nam trở về thời đồ đá của tướng Curtis LeMay đang thực hiện.

Cuối cùng là cuộc ném bom mùa Giáng Sinh Hà Nội và Hải Phòng với 200 B-52, từ 18 đến 28 tháng 12-1972. Hoa Kì nói 15 chiếc pháo đài bay khổng lồ bị bắn rơi và 83 không quân mất tích trước khi cuộc ném bom chấm dứt (Hà Nội nói 34 B-52 và 81 chiến đấu cơ bị loại). Ước tính số thường dân thiệt mạng trong 11 ngày ấy là từ 1 600 đến 2 368, và Hà Nội liệt kê 5 480 ngôi nhà bị phá huỷ. Theo kịch bản của Mĩ, vụ ném bom Giáng Sinh đã ép buộc Hà Nội phải kí Hiệp định hoà bình Paris một tháng sau đó. Nhưng theo các điều khoản được chính quyền Nixon kí kết, các đơn vị (vũ trang) của miền Bắc Việt Nam vẫn trú đóng lại ở phía Nam, và năm 1975 họ đã tiến đánh Sài Gòn. Điều không còn phải tranh cãi là các khu dân cư đông đúc của Hà Nội và bệnh viện Bạch Mai bị những cuộc không tập Giáng sinh bằng B-52 biến thành gạch vụn. Lần sau cùng tôi ở Hà Nội là năm 1974, khi Jane Fonda và tôi đi bộ qua những đổ nát của bệnh viện và phỏng vấn những nạn nhân còn phẫn nộ của những trái bom Giáng Sinh 1972.

Giờ đây, bất ngờ cho tôi, là mùa Giáng Sinh 2007 và Việt Nam thì rực rỡ trong đèn đóm ngày lễ, từ Hà Nội cho đến thành phố Hồ Chí Minh. Dù các tấm bảng mang hình Hồ Chí Minh có mặt ở nhiều nơi, nhưng trong mùa Giáng sinh này, bộ râu ở đâu cũng thấy là bộ râu của ông già Nô-en đứng mời mọc khách hàng ngay từ cửa vào của các siêu thị, hay kì hơn, ngồi lái xe máy vẫy chào trẻ em. Những chùm đèn màu đỏ và xanh lá ngoạn mục quấn quanh các phố và cửa hiệu, nhấp nháy trước hàng nghìn người Việt Nam chạy xe đạp hoặc xe máy lượn qua, khi có khách bộ hành băng qua đường thì tẽ ra rồi lại nhập vào nhanh lẹ như đàn cá bơi lội trong dòng nước. Thực khách trong các nhà hàng vỗ tay tán thưởng những bài hát Giáng Sinh do các phụ nữ Việt Nam trẻ uốn éo trong bộ khăn váy của những Heineken Girls. Những thứ này không ăn nhằm gì đến Jesus ─ Giáng Sinh không phải là một truyền thống ở xứ sở Phật Giáo và Marxist - thế tục này ─ mà chỉ tuyền chuyện nhãn hiệu công ty. Trung tâm thương mại Diamond Plaza kế bên Dinh Độc Lập đông nghẹt, người đi mua sắm, người đi xem, và những ông già Nô-en tha thẩn theo các gian hàng mang thương hiệu Lego, Calvin Klein, Victorías Secret, Nike, Converse, Estée Lauder, Ferragamo và Bally. Trung tâm Sài Gòn cạnh đó mang tấm bảng quảng cáo tuyên bố, More Shops, More Life [Càng nhiều cửa hàng, đời càng sinh động].

Tôi chẳng có lí do gì để tra vấn ước vọng của người Việt Nam muốn chia sẻ nền văn hoá tiêu dùng toàn cầu của chúng ta như mọi người khác, hay bác bỏ khát vọng trở thành Con hổ Á châu sắp tới của họ, hay đóng băng họ trong kí ức như biểu tượng của những nhà cách mạng suốt đời hy sinh quên mình. Trung lưu hoá và chủ nghĩa tiêu dùng, nói cho cùng, đã huỷ hoại đặc thù của những nơi lui tới ưa chuộng của tôi, như North Beach, Berkeley, Venice và Aspen. Xu hướng của thế giới có vẻ là như vậy. Tuy nhiên, khi tôi đi qua những khu phố Giáng sinh tấp nập, tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi, tiên quyết hơn cả : tại sao cuộc chiến tranh Việt Nam lại là cần thiết ? Tại sao phải sát thương, đánh bật gốc rễ hàng triệu con người, nếu thành quả là một cõi địa đàng của chủ nghĩa tiêu dùng được đảng Cộng Sản chưa hề chiến bại của đất nước ấy tán thành ? Toàn bộ lập luận thảm hại của Mĩ về cuộc chiến tranh, rằng Việt Nam là một con bài domino nguy hiểm, một móng vuốt của chiến tranh lạnh, xem chừng sai trái một cách đau xót. Có mối quan hệ nào giữa việc huỷ hoại cơ man nào là cuộc sống và việc khiến cho người Việt Nam đi mùa sắm dịp Giáng Sinh ? Liệu cùng một thứ thành quả ─ một chính phủ xã hội chủ nghĩa độc đảng lãnh đạo một nền kinh tế thị trường ─ đàng nào rồi cũng sẽ xảy đến, không có chuyện tàn phá ? Giờ đây các chiến hạm của Hoa Kì đang viếng thăm hoà bình cảng Đà Nẵng, câu hỏi này quấy rầy tôi : phải chăng chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc đã thắng trong chiến tranh nhưng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa dân tộc đã thắng trong hoà bình ?

Những ai vẫn còn tin cuộc chiến Việt Nam là "cần thiết" chắc phải thoả lòng mà nhìn thấy đất nước này đang nằm trong hàng ngũ của chủ nghĩa "tân tự do đại tập đoàn". Một thành viên mới, kiêu hãnh của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đang chào đón một đề án một tỉ đô-la của công ti Intel ở thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay, và đã chấp nhận tư nhân hoá tất tần tật ngành viễn thông và các công nghiệp khác.

Ở Hà Nội cũng có người thắc mắc vì những chuyện này. Một anh Mỹ kiều, Gerry Herman, một tay cựu phản chiến chuyển thành doanh nhân và nhà phân phối phim ảnh sống ở Việt Nam đựợc mười lăm năm, bảo tôi rằng người Việt Nam vì quá đỗi nôn nóng thiết lập quan hệ bình thường với Hoa Kì nên đã chấp nhận những cải tổ thị trường hết sứ "liberal" đối với một nước đang phát triển. Có được một số thông tin nội bộ về các thương lượng về giao thương, anh cay đắng nói rằng Việt Nam bị những nhà thương thuyết HK bắt chẹt. Để cho ngành dệt may, giày dép và hải sản vào được thị trường Mĩ, họ đã sổ toẹt mọi chính sách bao cấp và mở cửa thị trường về ngân hàng, bảo hiểm và quảng cáo cho các doanh nghiệp tư. Theo Herman, viễn cảnh bi quan là Việt Nam sẽ đi theo hình mẫu thất bại của Philippines, chứ không phải mô hình các Con hổ Á châu là những nước mà chính quyền đã tài trợ cho sự phát triển.

Herman nói, Trung Quốc giành được nhiều thuận lợi hơn VN, được hai mươi năm bảo hộ đối với ngành công nghiệp viễn thông của họ. “Các nhà thương thuyết Mĩ nói với đoàn Việt Nam rằng họ đã bị người Trung Quốc đánh bại trong một số vấn đề và họ sẽ không bao giờ để chuyện ấy tái diễn, và Việt Nam chịu thì nhận không thì thôi”. Vin vào áp lực chính trị quốc nội, người Mĩ đòi hỏi ngay cả chuyện Harley-Davidson được thâm nhập thị trường, trong khi phía VN than vãn rằng những chiếc Harley to hơn, mạnh hơn sẽ khiến cho mức độ tai nạn cao trên đường sá chật hẹp của họ tệ hại thêm nữa. Herman bảo, “Nhà thương thuyết người Việt Nam bật khóc” trước sự nhượng bộ về xe Harley. Tôi chợt nhớ ra cái chiến lược xy-ních của Samuel Huntington, đại học Harvard, vào những năm 1960, mà chính sách đô thị hoá cưỡng bách đã biến VN thành một nền “văn hoá Honda”. Nó hiển hiện ngay trước mắt tôi, với xe Honda Dream và, sớm hay muộn thôi, xe Harley. Như một người VN tên Pham Thong Long viết blog hồi tháng bảy, “Tôi chỉ có mỗi mơ ước là mua một chiếc Harley-Davidson mới cáu cạnh, giờ tôi đang chờ cho Harley-Davidson mở ra làm ăn ở Sài Gòn. Tôi muốn có một chiếc Fatboy”.

Khó lòng mà phân biệt sự thật xuyên qua những lằn ranh văn hoá này. Học giả như Gabriel Kolko đã dự báo sự tan rã của Đảng Cộng sản VN từ nhiều thập niên, nhưng tình hình chính trị, theo hầu hết những phán đoán, là ổn định, thậm chí cải tiến. Thảo Griffiths, người điều hành 30-tuổi của văn phòng Vietnam Veterans of America tại Hà Nội, nhắc nhở tôi một số điều cơ bản trong ngày đầu tôi thích ứng với Hà Nội mới. “Ông tới đây lần đầu cách đây 30 năm rồi, từ đó đến nay chúng tôi có xe máy bên cạnh xe đạp, điện thoại di động nhiều hơn đường dây cố định, rồi Internet, và đa số dân chúng của chúng tôi như bản thân tôi là sinh sau chiến tranh. Đây là quãng thời gian để bắt kịp trong hoà bình”. Về việc Hà Nội chấp nhận WTO, Thảo nói, “Chúng tôi hiểu là cơ chế ấy không công bằng, nhưng lí do chiến lược là chúng tôi phải vào cuộc. Trong suốt bốn thập niên, chúng tôi không thật sự có những quan hệ kinh tế 'bình thường' với HK. Mãi cho đến năm 2006, mà ngay cả năm ngoái đây, Bush còn nói Mĩ cần phải giữ nguyên đường lối ở Việt Nam”. Bản thân Thảo là một hình ảnh tiêu biểu của nước Việt Nam hậu chiến : thông thạo Anh ngữ và là một người từng nhận được học bổng Fulbright, cô làm việc hai năm ở văn phòng Vietnam Veterans tại Washington D. C., tham dự mật thiết vào tiến trình bình thường hoá [Việt Mĩ]. Cô có hai con với ông chồng người Úc, Patrick, một người làm nghiên cứu cho Liên Hiệp Quốc. Liêm, con trai nhỏ của cô, kết bạn ngay tức thì với Liam, 7 tuổi, của chúng tôi sau những buổi ngủ lại nhà và những chuyến đi thăm danh thắng Hạ Long.

Tăng trưởng kinh tế hằng năm của Việt Nam từ 7 đến 8 phần trăm quả thật đáng kể, song cái giá phải trả cho thành tích ấy là những bất bình đẳng gia tăng, một dạng ở nhiều nước theo chủ nghĩa tân tự do. GDP bình quân đầu người tăng từ $200 năm 1993 lên $835 cho năm ngoái. Như vậy vẫn còn dưới $2 mỗi ngày cho hầu hết người Việt Nam, nhưng nó mấp mé mức để Ngân hàng thế giới (World Bank) rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước nghèo. Chính phủ VN ước tính đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho năm 2007 là 13 tỉ đô-la, đầu tư nhiều nhất là Đại Hàn (Nam Triều Tiên), British Virgin Islands (một đầu mối của tiền Hồng Kông ở hải ngoại) và Singapore. Mức nghèo khó giảm từ 58% xuống 20%, dẫu rằng đa số các nhóm sắc tộc ít người và nông thôn VN vẫn sống trong nghèo khó, và tăng trưởng đã tạo nên những đại hoạ về cấu trúc hạ tầng, nạn kẹt xe và ô nhiễm.

Năm 1986 Đảng đưa ra các chính sách quyết liệt về thị trường : đổi mới, một kế hoạch “canh tân” mở cửa cho đầu tư nước ngoài và một perestroika kiểu-Gorbachev cho quốc nội. Một nghiên cứu thấu đáo, năm 2006, của châu Âu kết luận rằng, một hệ quả đặc biệt của các cải tổ đổi mới là “không có sự chống đối có tổ chức về mặt xã hội trong công nhân, nông dân và giới trẻ. Nói chung thì họ hài lòng với sự gia tăng những cơ hội kinh tế của họ”.

Dĩ nhiên, Việt Nam là một nhà nước độc đảng vẫn theo dõi gắt gao mạng Internet và các ổ chống đối trong các nhóm tôn giáo và sắc tộc. Nhưng các cơ chế kiểm soát được liên tục nới lỏng từ những năm 1970, mà không có những cuộc nổi dậy theo sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản ở Liên Xô hay Đông Âu. Cũng không có một vụ Quảng trường Thiên An Môn ở Hà Nội. “Thảo luận dân chủ trong nội bộ đảng và trong Quốc Hội, cũng như các tự do cá nhân, đã có nhiều tiến bộ từ sau chiến tranh,” như nhận xét của John McAuliffe, một chuyên viên về tái thiết đã có hơn năm mươi chuyến đi sang nước này. Lady Borton, một Mĩ kiều làm biên dịch sống nhiều năm ở Hà Nội, nói : “Thật sự thì cũng không khôn ngoan gì để mà 'leo lên thùng xà phòng' và tán trợ việc lật đổ chính phủ”. “Nhưng có những phê phán rộng rãi, ở nơi riêng tư hay trên báo chí, các lãnh đạo của đảng ─ mà bà gọi là 'bulldogs' ─ ở mọi cấp”. Trong một nhận xét mà tôi chia sẻ, Borton mô tả Việt Nam như “một nơi chốn nói không ngừng, nói bất kì lúc nào, và nói tha hồ”.

Kent Wong, giám đốc trung tâm nghiên cứu về lao động của Đại học California, ở Los Angeles [UCLA], nhận thức về tinh thần tích cực trong tầng lớp cần lao của Việt Nam. Ông Wong nói : “Tôi đã nhìn thấy sự nghèo khó ở nhiều nước đang phát triển, và Việt Nam có khác. Không có những thành phố ổ chuột [shantytowns]”. Ông thừa nhận, công đoàn của Việt Nam không hình thành như những đơn vị để thương lượng có tính đối nghịch, nhưng nhiều thành viên mà ông phỏng vấn có tinh thần rất cao. Ông nói, “Bốn năm trước khi tôi sang đấy, họ có kế hoạch tổ chức thêm 1 triệu công nhân trong khu vực công, và họ thực sự đạt được định mức ấy”. Sự khác biệt lớn trong thu nhập nằm trong khu vực tư, trong khu vực công thì ít trầm trọng hơn. Wong, muốn xoay AFO-CIO ra khỏi cái di sản chiến tranh lạnh (và do CIA tài trợ) còn đeo theo lủng lẳng đối với VN và TQ, đang hoạt động để tạo dựng những mốt quan hệ công nhân - với - công nhân hầu cổ vũ những chiến lược đoàn kết công nhân trong thời đại toàn cầu hoá.

Để tìm chút nghĩa lí cho những mâu thuẫn giữa sự nghèo khó nghiệt ngã và sự phồn vinh trỗi dậy của VN, giữa đánh bại Mĩ trong chiến tranh nhưng tham gia WTO trong hoà bình, ta phải xem xét lịch sử VN. Có lẽ trong thế giới hiện đại, không có nước nào đã phải chịu đựng những tang thương của chiến tranh nặng nề và dài lâu như Việt Nam. Việt Nam đã thoát khỏi một thế kỉ chủ nghĩa thực dân Pháp, sống sót sau cuộc chiếm đóng của quân đội Nhật trong Thế chiến lần thứ nhì, lại giành phần thắng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (365 000 người tử trận), 15 năm chống Mĩ (2,1 triệu người tử trận) rồi 10 năm chiến tranh chống Campuchia của Pol Pot và chống Trung Quốc trong thập niên 1980. Hàng triệu người Việt Nam đã chết đói, hay hàng ngày phải sống trong đói khổ, thiếu thốn. Sau cuộc chiến tranh với Mĩ, ít nhất có thêm 38 000 người đã chết vì bom, mìn còn sót lại, và không biết bao nhiêu người trở thành tàn tật, dị dạng vì hậu quả của 75 triệu lít Chất da cam có chứa dioxin và những chất khai quang khác. Sự đau khổ của họ vượt quá sức tưởng tượng của người phương Tây. Và sự hy sinh ấy, người ta chấp nhận như một nghĩa vụ vì sự nghiệp độc lập, hoặc như một thực tại phải gánh chịu để sống còn. Đó là không kể thảm cảnh người Việt Nam, chứ không phải chỉ có người Pháp hay người Mĩ, giết người Việt Nam. Có ít nhất 185 000 người lính trong quân đội Sài Gòn, chẳng hạn, đã chết trong tủi nhục của phía thất trận.

Đây có thể là giải thích cho nỗ lực của VN trong hai thập kỉ để đạt đến cái gì giống như một cuộc sống bình thường, để tránh bị loại trừ ra khỏi cộng đồng thế giới. Kí ức này là lí do họ tin rằng bình thường hoá (quan hệ) với HK, gia nhập WTO và cái ghế thành viên (không thường trực) của Hội đồng Bảo an LHQ là những “thắng lợi” chiến lược trên con đường dài hồi phục. Việc chiếc trống Đồng Đại của Việt Nam được đặt ở lối vào của Hội đồng Bảo an LHQ là một chuyện hết sức tự hào.

“Không chiến tranh nữa là bài học sau cuộc chiến Việt Nam cho nhân dân chúng tôi”, Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh, một quyển tiểu thuyết chống chiến tranh in năm 1991 [tác giả viết nhầm là 1993], mà theo tôi sánh ngang tầm những tác phẩm kinh điển của những cựu chiến binh như Remarque, Heller, Vonnegut, Mailer, Tim O'Brien và Philip Caputo. Chúng tôi ghé thăm Ninh vào một buổi tối tại nhà anh, được vợ chồng anh đãi trà, trái cây và bánh. Tầng trệt nhà anh là một chỗ tiếp khách sáng sủa với một ghế dài, ghế tựa và, trong một góc, một chiếc xe máy. Lúc đầu, tiểu thuyết của anh bị cấm vì bị cho rằng nó phá hỏng sự nhất trí “toàn dân” rằng cuộc chiến tranh là yêu nước, thắng lợi và vẻ vang. Nhưng nhờ cuộc đổi mới, quyển sách được một số độc giả khổng lồ đón nhận (bản tiếng Việt cũng như bản dịch ra nhiều thứ ngoại ngữ), và năm nay sẽ được dựng thành phim.

Bảo Ninh nhìn thấy người Mĩ đầu tiên lúc anh 15 tuổi, ở Hà Nội. Đó là John McCain, nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch từ chiếc chiến đấu - oanh tạc cơ đang bốc cháy của ông ta, sau khi phá huỷ một nhà máy điện. Bảo Ninh trông thấy McCain bị hạ với hai cánh tay bị gãy, được các ngư dân địa phương kéo lên từ một chỗ giờ được đánh dấu bằng một đài kỉ niệm nhỏ. Sau đó Ninh nhập ngũ để chiến đấu ở miền Nam VN, là một trong số những chiến sĩ vào giải phóng Sài Gòn năm 1975, và sau chiến tranh, tìm kiếm những xác chết bị thối rữa của những người lính tử trận. Quyển sách của anh nói nhiều về sự phi nhân của con người đối với nhau hơn là câu chuyện của một cuộc cách mạng thắng lợi. Tôi lặng người khi trên bìa sách mô tả Bảo Ninh là một trong vỏn vẹn mười người sống sót của một đội thanh niên 500 người. Cười lớn, anh khiến tôi ngạc nhiên khi nói rằng con số là do nhà xuất bản, Pantheon/Random House, phịa ra. “Không chỉ chính phủ mà chính những người lính cũng bịa ra những câu chuyện đánh đấm”. Anh lại cười, chẳng khác gì những anh cựu binh Mĩ hay châm chọc của cuộc chiến VN. “Tôi thích viết. Tôi viết về những gì tôi biết. Tôi muốn kể câu chuyện của một người lính, không phải câu chuyện chính trị hay ý thức hệ”.

Năm 1998 Bảo Ninh sang thăm Mĩ cùng với vài nhà văn Việt Nam khác, có được một ấn tượng về sự đa dạng của HK, kể cả sự ngạc nhiên là bao nhiêu người Mĩ “béo phì”. Gác qua chuyện ấy, ngay cả những thành phố bảo thủ như Missoula, Montana, anh cũng tìm thấy đài tưởng niệm chiến tranh VN và các quan chức thành phố là cựu binh như anh. Bảo Ninh mang theo ấn tượng rằng rất nhiều người Mĩ vẫn còn “nhớ đến, thảo luận và trăn trở về Việt Nam”, và hình thành nơi anh một quan điểm rằng chính kí ức này về VN có thể là “một ngọn tháp sức mạnh từ quá khứ" mà trên đó những quan hệ tốt đẹp hơn có thể được dựng lên cho mai sau.

Bên dưới vẻ thân thiện của anh, Ninh mang những vết thương và mặc cảm tội lỗi chỉ một số cựu binh mới có thể diễn tả. Đau xót hơn cả có thể là “nỗi buồn vì còn sống sót” của anh, và ý nghĩ rằng những người ưu tú nhất của thế hệ anh đã chết cho nền hoà bình hôm nay.

Hãy nhìn kĩ vào nền hoà bình mà chúng ta đang có, đau xót, cay đắng và buồn thảm. Và nhìn xem ai là kẻ chiến thắng. Để thắng, các liệt sĩ phải hi sinh mạng sống của họ cho nguời khác còn được sống. Chẳng phải là hiện tượng gì mới mẻ, đúng. Nhưng để cho những người còn được sống hiểu rằng những kẻ tốt nhất, xứng đáng nhất đều đã phải ngã xuống, hay ngay cả chịu tra tấn, lăng nhục trước khi bị giết, hay bị guồng máy chiến tranh chôn vùi hay xoá sổ, thì chính cái cảnh quan xinh đẹp này của tĩnh lặng và yên bình là một nghịch lí kinh hồn.

Bảo Ninh phát ngấy với chính sách mác xít hậu chiến của Việt Nam. “Trong chiến tranh, tôi từng sống như con vật. Giờ đây tôi không thể chịu nổi [hoà bình này]. Có những người Mĩ thiện cảm với chủ nghĩa Cộng sản nhưng tôi từng sống dưới nó và chịu không nổi. Mọi người chán mứa sự khổ cực. Nó dẫn tới đổi mới trong những năm 80”. Một trong những con trai của Bảo Ninh làm ra bạc triệu trong ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu và thường du lịch sang Hoa Kì. Đó không phải là thứ tương lai Bảo Ninh chiến đấu cho khi ông ở lứa tuổi này, nhưng ông tự hào và mừng cho con trai mình. “Người Việt Nam chúng tôi không như Bắc Triều Tiên hay Trung Hoa. Chủ nghĩa Cộng sản không được việc, thì chúng tôi đi tới. Nhưng Bắc Triều Tiên, chẳng hạn, lại gặp nhiều gian nan vì họ vẫn tiếp tục theo chủ nghĩa Cộng Sản”.

Không có nhiều người Việt Nam giờ đây nghĩ về cuộc chiến tranh với Mĩ bằng nỗi “xy-ních” sâu sắc của Bảo Ninh, vì như vậy có nghĩa họ cật vấn chính cái căn cước của đất nước, rất giống với việc cật vấn những cuộc chiến của thổ dân Mĩ hay Cuộc Cách mạng Mĩ. Chiến tranh với Mĩ được hiểu như một sự bức thiết do các thế lực xâm lược ngoại bang áp đặt, cũng như từng đã xảy ra cả nghìn năm với Trung Hoa. Người Việt Nam lấy làm tự hào vì đã đánh bại bao nhiêu là cường quốc và cảm nhận sâu đậm về những mất mát của mình. Có một nỗi căm phẫn bị dồn nén xuống khi họ bằng lòng tham dự công cuộc tìm kiếm người Mĩ mất tích trong chiến trận trong khi mà Hoa Kì và công ti Monsanto không chịu nhận trách nhiệm về Chất độc Da cam.

Câu hỏi đặt ra là, ngoài những thuận lợi hiển nhiên của hoà bình, liệu tương lai có còn đáng cho tất cả những hi sinh như trong quá khứ. Liệu giai đoạn cách mạng chống thực dân ─ mà Việt Nam đã biểu trưng và chế ngự suy nghĩ của chúng ta những năm 60 và xa hơn nữa ─ có trở thành một kí ức lỗi thời trong thời đại toàn cầu hoá ? Phải chăng những hứa hẹn của những cuộc cách mạng hào hùng xưa kia đã tàn phai cùng với chủ nghĩa thực dân trần trụi và sự xuất hiện của bao nhiêu chế độ cực quyền ở Thế giới thứ Ba ? Hay là những mô hình lịch sử mệnh danh khoa học mà phái tả đã đeo đuổi bấy lâu đang bị thay thế bằng một thứ lí thuyết hỗn loạn về sự bất khả tiên đoán ? Có thể nào như vậy không ?

Có lẽ vì thế mà tôi đã lánh xa quá lâu nhưng phải quay lại sau nhiều thập kỉ. Dẫu vẫn chống đối chiến tranh và đế quốc, từ Việt Nam đến Iraq, tôi không còn mong đợi những kết cuộc vui tươi.

Tôi muốn gặp lại những người quen thâm giao ở Việt Nam vì những lí do riêng tư nhưng cũng chờ đợi họ giúp tôi lí giải những câu hỏi khúc mắc này. Họ đã ngoài tám mươi, tôi sẽ gọi họ là thế hệ cách mạng lão thành của Việt Nam. Gốc rễ của họ ngược về non thế kỉ, về với cuộc "Tây du" của một Hồ Chí Minh trai trẻ ─ đặc biệt là Pháp và Mĩ ─ để học tập tinh thần các cuộc cách mạng (dân chủ) cộng hoà mà ông có thể mang về nước. Năm 1919 Hồ, lúc ấy mang tên Nguyễn Ái Quốc, đến Hội nghị Versailles trình bản yêu sách đòi quyền tự quyết cho Việt Nam. Để được biết rằng 14 điểm của tổng thống Woodrow Wilson không áp dụng cho các nước thuộc địa. Khi Cách mạng tháng Mười bùng nổ ở Nga, thì Hồ ở Harlem, làm hầu bàn, và ngày ngày ghi vào nhật kí những vụ hành quyết người da đen theo kiểu Lynch. Ông đã chọn đi theo chủ nghĩa Mác Lê vì lập trường chống thực dân của Lenin. Hai mươi lăm năm sau, ông hợp tác với tình báo Mĩ trong cuộc kháng chiến chống quân đội Nhật Bản xâm chiếm. Và trong bản tuyên ngôn tự do của Việt Nam năm 1945, Hồ viễn dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kì. Có cả một truyền thống lâu dài, nẩy sinh ra niềm tin thực tiễn, và tình cảm nữa, theo đó, “nhân dân Mĩ” (theo kiểu kêu gọi huyền thoại của Walt Whitman) có thể được thuyết phục để chống lại chủ nghĩa đế quốc Mĩ.

Vậy là ra đời các uỷ ban đoàn kết Việt-Mĩ (Vietnamese-American) và những trao đổi văn hoá bắt đầu ngay từ khi bùng nổ cuộc chiến tranh với Hoa Kì, nhân viên là những người thanh niên Việt Nam ưu tú được cử ra đón tiếp những người khách Mĩ thời chiến và qua trình tự ấy học hỏi thêm về văn hoá và chính trị Mĩ. Giờ về hưu đã lâu, nhưng khi chiến tranh chấm dứt, nhiều người trong số đó đã trở thành nhà ngoại giao và đại sứ ở các nước Âu châu. Những ngày này ở Hà Nội nhiều người vẫn dậy lúc 5 giờ 30 sáng để tập thể dục ở Câu lạc bộ Thăng Long, một toà nhà mái cong xưa cũ, sau đó ra ngoài uống trà và chuyện vãn, thân tâm an nhiên quân bình.

Nói chung, các nhà cách mạng lão thành đều bận bịu, tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Họ vẫn tự hào, giữ nguyên tinh thần dân tộc chủ nghĩa và cũng đồng ý với tôi là Việt Nam bây giờ chạy theo vật chất, trở thành “duy vật chủ nghĩa” quá mức rồi. Bà Nguyễn Ngọc Dung, 81 tuổi, phụ trách những ngôi nhà cho trẻ em “bụi đời” ở thành phố Hồ Chí Minh nói : "Thế hệ mới thiếu một cách nhìn cân bằng”. Một người khác cũng nói : “Tình hình thiếu sự quân bình. Chúng [thế hệ trẻ] không nhìn ─ nói sao nhỉ ? ─ vào mặt bên kia của đồng xu [không thấy cả hai mặt của mỗi vấn đề]”.

Bà Dung trước đây là trợ tá của nhà cách mạng lão thành được biết đến nhiều nhất, bà Nguyễn Thị Bình, 81 tuổi, hiện chủ trì Quĩ Hoà Bình và Phát Triển (Peace and Development Foundation) ở Hà Nội, “Madame Bình”, như người ta biết về bà, là một biểu trưng rất “ấn tượng” trên thế giới và là kẻ đối đầu thượng phong bị Henry Kissinger công kích trong cuộc hoà đàm ở Paris. Khi bà đón tôi đến dùng trà, bà trông nhỏ nhắn hơn người đàn bà trong trí nhớ tôi, nhưng sinh lực thì vẫn tràn đầy. Sự trang trọng của cuộc tái ngộ bị trật đường rầy khi “hai nhóc Liam” đến, tay trong tay. Chúng ngồi lên đùi bà ra dáng bà cháu lắm, trong khi bà Bình đang thao thao về những thách thức trong việc hàn gắn những thiệt hại của Agent Orange và việc Việt Nam ra khỏi danh sách các nước nghèo. Bà tỏ vẻ rất quan tâm đến việc bảo trợ cho những workshop với sự tham dự của những người phê phán toàn cầu hoá. Trong khi ấy, “hai nhóc Liam” thì vận động để được đưa tới cửa hàng đại lí của [công ti đồ chơi] Lego.

Một buổi sáng khác, tôi ngạc nhiên về sự xuất hiện đột ngột của một ông già lão hơn nữa, trong chiếc áo gió màu xanh da trời. Ông bước về phía tôi, ngắm nghía thận trọng qua cặp kiếng rộng. “Còn nhớ tôi không ?” ông ta hỏi với vẻ mong đợi. Đoạn, ông cầm đưa lên một bức ảnh đen trắng của chính tôi, gầy hơn năm kilô và trẻ hơn ba mươi lăm năm, chăm chú nhìn những nấm mộ người Việt Nam, sổ ghi chép trong tay. Ông cụ đeo kính là Phạm Khắc Lãm, một người phiên dịch và chụp ảnh mà tôi gặp lần cuối trong một căn hầm trú ẩn ở nông thôn miền bắc Việt Nam, năm 1972.

Ông Lãm, năm nay 77, từng là phụ tá chính của tướng Võ Nguyên Giáp trong kế hoạch trận Điện Biên Phủ, năm 1954. Cha ông [Phạm Khắc Hoè, chú thích của người dịch] là quan triều, cố vấn cho Hoàng đế Bảo Đại, vị vua Việt Nam cuối cùng. Nghe nói cụ thân sinh của ông Lãm đã viết bản tuyên bố thoái vị năm 1945 của Bảo Đại. Nói khác hơn, ông Lãm lớn lên trong lòng của cuộc đấu tranh chống thực dân, tham gia các uỷ ban đoàn kết thời chiến tranh với Mĩ và tham dự vào quá trình hậu chiến ở vị trí giám đốc mạng lưới đài truyền hình toàn quốc đầu tiên. Ông có mặt trong các buổi lễ ở Vườn Hồng [Nhà Trắng] khi những vị lãnh đạo của Việt Nam gặp các tổng thống Clinton và Bush. Ông nhận công trạng khiêm tốn trong việc đưa ý kiến treo cả hai lá cờ Việt Nam và Hoa Kì trên xe limousine chỡ các quan chức Việt Nam đến cửa White House. Và có lần đã nói với Ted Turner, [đại gia về truyền hình người đã bỏ ra 90 triệu USD để làm phim vì] mê Nội Chiến [Mĩ], người mở các quan hệ truyền thông giữa CNN và Hà Nội, là “rất nên để cho quá khứ 'cuốn theo chiều gió'”. Turner đã hào phóng bán cho ông quyền phát lại CNN với giá ba xu.

Ông Lãm là chủ biên tờ Việt-Mỹ, một tạp chí in giấy láng trông ra để dành riêng cho các báo cáo quảng bá các quan hệ thương mại và ngoại giao với Hoa Kì, gồm cả những bình luận có phê phán về các vấn đề như Agent Orange. Thỉnh thoảng, ông Lãm chen vào đó phân tích chiến lược về sự lúng túng của HK ở Iraq, lẩn khuất giữa những quảng cáo mời gọi du khách đến những nơi hấp dẫn như các câu lạc bộ sức khoẻ ở bờ biển. Tôi tự hỏi, trong thâm tâm ông nghĩ sao về cái thế giới ông đã dày công muốn biến đổi nó ?

Ông Lãm trông thanh thản và ngoại giao. Trách nhiệm của ông gồm việc đón tiếp nhà cựu độc tài của Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ, người rất năng viếng thăm Hà Nội những năm sau này, đối lại với những trách cứ dữ dội của người Việt Nam tha hương ở Mĩ. Lãm nói, lém lĩnh “Ông Kỳ bảo ông ấy luôn mong muốn thống nhất Việt Nam, nên tôi phải đón chào ông ấy.” Tuy nhiên, được hỏi về sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc ở nước ông, Lãm rời bỏ lập trường lạc quan của đảng. “Chính phủ đang cố giảm nghèo, nhưng nghèo khó đã là một hiện thực. Kẻ giàu càng giàu thêm vì họ có phương tiện. Người nghèo thì không. Về vật chất thì chúng tôi khá hơn, nhưng tình thần và đạo lí thì không”, ông vừa nói vừa xoa trán.

Thế giới giờ đã đổi thay khắp quanh ông, từ những hang động của thời kháng chiến cho đến những buổi tiếp tân ở Vườn Hồng, từ Điện Biên Phủ cho đến diễn đàn truyền thông toàn cầu. Thế quân bình địa chính trị đã thay đổi vĩnh viễn với sự tiêu tùng của Liên Xô hay “khối xã hội chủ nghĩa” và những căng thẳng nung nấu bên dưới những “quan hệ anh em” với Trung Quốc. “Chúng tôi và người Trung Quốc vẫn từng gọi nhau là đồng chí, bây giờ là quí ông”, ông nhận xét một cách ranh mãnh. Mẩu puzzle cắc cớ nhất rơi vào đúng chỗ của nó, trước mắt tôi. Trong khi chưa thể nói huỵch toẹt ra ─ và khi mà Việt Nam hẵn nhiên vẫn gắng sức giữ những quan hệ gần gũi với Trung Quốc, người láng giềng khổng lồ phương bắc ─ Hoa Kì có thể đóng vai đối trọng chiến lược ở châu Á cho Hà Nội, trong lúc đó Việt Nam sẽ giữ vai kiềm chế thầm lặng đối với thế lực đang gia tăng của Trung Quốc mà Hoa Kì sợ nhất. Trớ trêu thay, đó là thuyết domino đảo ngược.

Sau cùng là cuộc viếng thăm ông bạn thâm giao nhất của tôi, Đỗ Xuân Oanh, người bốn mươi hai năm trước đó, vào một ngày tháng chạp, đã đón tôi lần đầu tiên ở sân bay Hà Nội. Ông trải qua một “thời kì cay đắng” sau khi về hưu, có người bảo tôi thế, nhưng đã thấy dễ chịu hơn, gần đây ông dịch thơ của các nữ tác giả Việt sang tiếng Anh. Ông sống một mình, vợ ông đã qua đời sau nhiều năm đau ốm, ba người con trai đều xuất ngoại. Theo tôi nhớ, Oanh yêu nước Mĩ theo cách rất đặc biệt. Thí dụ, sau khi học Anh ngữ từ BBC, ông dịch Huckleberry Finn sang tiếng Việt, một thử thách lớn lao. Là một nhạc sĩ, ông hát được nhiều bài hát phản kháng Mĩ. Là một kẻ lãng mạn, ông khóc dễ dàng và trở nên thân thiết với nhiều người Mĩ.

Bây giờ, đi cùng xe với mấy cụ cách mạng, tôi đi qua những ngôi nhà, theo một lối tráng xi-măng hẹp, cho đến cổng ngôi nhà 50 năm nay của ông Oanh. Ông đứng trước cửa, cái dáng gầy nhỏ của Oanh mà tôi vẫn nhớ. Cầm tay tôi, ông dẫn tôi vào một gian phòng không có cửa sổ, nơi một chiếc ghế dài và một chiếc đàn dương cầm là hai thứ nổi bật hơn cả. Có một phòng xép để vẽ và ngăn bếp. Chúng tôi ngồi và nhìn nhau. Ông giữ tay tôi trên đầu gối mình, trong khi những người khác ngồi thành một vòng lặng im. Đây không chỉ là dịp để nối lại một cuộc đàm đạo cũ, mà rõ là lần thăm viếng cuối cùng.

“Nhậu một chút nhé ?” Oanh hỏi, vừa cười, tay chỉ chai Jim Beam vơi nửa. Tôi từ chối, e điều gì sẽ xảy ra sau vài li. Vợ tôi nói Oanh trông khoẻ và cường tráng so với tuổi 85. Bà ấy hỏi ông có thể chơi dương cầm, và ông biểu diễn một bản nhạc (do ông sáng tác) theo phong cách cổ điển Âu châu. Ông tặng tôi bản nhạc, kí tặng “bạn quý”, và bức chạm khắc một phụ nữ Viêt Nam xinh đẹp ôm cặp học trò, ông bảo, nó gợi nhớ vợ ông “hồi trước cách mạng”. Ông lặp lại câu nói, bình thản khi nói xong. Dần dà, những người khác bắt đầu hồi tưởng lại những ngày xưa vàng son. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi rồi sẽ còn gặp lại nhau. Tôi nhớ một email của con ông Oanh, gửi từ San Francisco: “Tôi tin rằng Trời đã trao cho bố con tôi nhiệm vụ phục vụ nhân dân Mĩ”. Oanh nói, hè này con trai ông sẽ về thăm.

Chúng tôi bách bộ trở lại lối đi trong bóng tối để ra ngoài đường phố đầy xe máy và những cặp nam nữ tản bộ đi uống cà phê. Oanh chăm chăm nhìn, chỉ ngón tay vào tôi. “Chẳng có chuyện gì có thể đoán trước được đâu” là lời sau cùng của ông, trước khi chúng tôi chia tay.

Tom HAYDEN

(Nguyễn Lộc và Kiến Văn dịch từ nguyên tác tiếng Anh,
đăng trên tạp chí The Nation số tháng 3-2008.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss