Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Trận chiến cuối cùng

Trận chiến cuối cùng

- Trần Tố Nga — published 07/07/2023 08:00, cập nhật lần cuối 05/07/2023 23:40


Trận chiến cuối cùng


Trần Tố Nga



 

h1


Xin chào các bạn !


Trước hết tôi xin tỏ lời cám ơn các vị tổ chức hội thảo đã dành cho tôi vinh dự được phát biểu.


Từ năm 8 tuổi, với tư cách là liên lạc viên “ trọn đời ”, tôi đã tham gia kháng chiến chống lại cuộc chiến tranh đe doạ nền độc lập của tổ quốc tôi, hạnh phúc của nhân dân tôi. Tôi đã theo đường mòn Hồ Chí Minh vượt hơn một ngàn km núi cao vực sâu để tới căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. và làm nhiệm vụ một phóng viên chiến tranh ; cũng đã bị tù dưới chế độ miền Nam, bị tra tấn và sinh con trong tù, và hai mẹ con được giải phóng ngày 30.4.1975. Hôm nay, ở tuổi 82, tôi tiếp tục đấu trnh đòi công lý cho mình và cho tất cả các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam cũng như ở một số nước, chống lại các tập đoàn Mỹ trước đây đã sản xuất cái gọi là “ chất khai quang ” nhưng thực chất là chứa hàm lượng dioxin cao mà hơn 60 năm qua vẫn đang tàn phá môi trường, vẫn giết chết các nạn nhân ; số còn lại vẫn tiếp tục tạo ra các nạn nhân truyền từ đời này sang đời khác mà các nhà khoa học vẫn chưa xác định được cho đến bao giờ mới hết, chỉ biết rằng ngày nay, riêng tại Việt Nam, đã có hơn 5 triệu nạn nhân.



h2   h3


Năm 2015, tôi kiện 26 hãng Mỹ trước kia đã sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Có 19 hãng, lần đầu tiên trong lịch sử, phải hầu kiện tại tòa sơ thẩm Evry, mỗi hãng có hai luật sư. Như vậy, 3 luật sư của tôi, làm việc trên cơ sở tự nguyện, phải đối mặt với 38 đối thủ ngang đồng nghiệp đối phương.


Ngay từ phiên tòa thủ tục đầu tiên, bên bị đơn đã yêu cầu hủy phiên tòa, với lý do tôi tuyên bố mình là một chiến sĩ mà đây là tòa dân sự. Câu trả lời rất đơn giản : Người Việt Nam nào cũng biết câu thành ngữ này : “ Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh ”, nghĩa là khi kẻ thù xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi, thì phụ nữ nào cũng trở thành người chiến sĩ. Theo nghĩa này, tôi là một người chiến sĩ đấu tranh đến cùng bằng cây bút của mình.


Trong hơn 6 năm với 19 phiên toà và một số sự cố do bên bị đơn tạo ra, cùng với các đề xuất đàm phán bí mật, cuối cùng một phiên toà tranh tụng đã được tổ chức. Chúng tôi chỉ có 90 phút để phát biểu trong khi bên bị có 4 giờ (240 phút). Trong 4 giờ, 14 luật sư; đại diện cho 14 hãng thay phiên nhau chỉ phơi bày sự độc ác, dối trá đến khó tin, thậm chí không dám để tôi phát biểu theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng xét xử. Một mình trước một băng luật sư gian xảo tàn bạo, lì lợm hết cỡ để bào chữa cho cái tội ác đã được cả thế giới xác nhận. Về phần mình, ngược lại, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tự hào vì đã tiến được một bước dài kể từ khi tôi bắt đầu cuộc chiến của tôi, phát hiện ra nỗi sợ hãi của đối phương qua những lời lăng mạ của họ. Sau buổi này, hơn 200 bài báo của báo chí Pháp và các nước khác đã viết về phiên tòa lịch sử Trần Tố Nga. Tôi đã mất hơn 6 năm đấu tranh để có thể đặt từ ‘lịch sử’ này sau hai chữ  “phiên toà” – PHIÊN TOÀ LỊCH SỬ !


Ngày 11 tháng 5 năm 2021; tòa án tuyên bố : Khiếu nại không được chấp nhận ! Tại sao không thể chấp nhận khi sau phiên toà này tôi đã mất sáu năm cuộc đời của tôi ? Dù sao tôi cũng đã đoán trước được điều này; và ngay lập tức, cùng với các luật sư, chúng tôi quyết định kháng cáo. Kháng cáo đã được tiến hành từ năm 2021 và chúng tôi đang chờ phiên xử trong năm 2024. Với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của tôi, chúng tôi chấp nhận một cuộc chạy đua với thời gian. Nhưng, chừng nào tôi còn thở, tôi vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu của mình, chắc chắn và rất chắc chắn rằng mục tiêu của chúng tôi là chính đáng, và tôi có sự hỗ trợ của bạn bè từ năm châu, tôi mạnh mẽ và không còn đơn độc nữa.


h4  h5


Bắt đầu vụ kiện, tôi chỉ có một mình, khi Chất độc Da cam (AO) hầu như không được biết đến trên thế giới và ở Pháp.  Hôm nay chúng tôi không chỉ có Ủy ban Hỗ trợ Vụ kiện của TTN quy tụ hơn 17 hội đoàn, chúng tôi còn có Tập thể Dioxin Việt Nam quy tụ những người trẻ tài năng và nhân hậu, thế hệ ngũ trẻ sẽ tiếp tục công việc của tôi khi tôi không còn nữa. Tôi tin chắc rằng CÔNG LÝ sẽ được trả lại cho tất cả các nạn nhân của AO trên toàn thế giới. Và tôi hy vọng rằng, với trận chiến cuối cùng của cuộc đời, tôi đã làm tròn bổn phận của một người phụ nữ Việt Nam và cũng xứng đáng với danh hiệu cao quý này.


Tôi cảm ơn các bạn, đồng thời mong mỏi nhận được sự ủng hộ của các bạn ngay cả khi cuộc đấu tranh cho công lý sẽ kéo dài trong nhiều năm.


TRẦN TỐ NGA



NGUỒN : Tham luận (trực tuyến) tại Hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và dấn thân
Collège de France (Paris) ngày 8.6.2023 (xem video ở đây)
Bản dịch (của Bùi Minh Quốc) nhận được ngày 4.7.2023
Đầu đề là của ban biên tập Diễn Đàn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us