Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông

Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông

- Vũ Ngọc Hoàng - Chu Hảo — published 07/09/2019 14:55, cập nhật lần cuối 07/09/2019 15:02

Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông


Vũ Ngọc Hoàng



1. Âm mưu của Trung Quốc về việc cưỡng chiếm Biển Đông của VN đã có từ lâu. Âm mưu đó có nguồn gốc từ bản chất Đại Hán của đế chế Phương Bắc này.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đến nay cảm thấy đủ điều kiện nên họ đang quyết tâm thực hiện một bước nhảy vọt đáng kể để thực hiện âm mưu này.

Việc tàu Trung Quốc vào ra vùng biển chủ quyền của VN vài tháng nay không phải là một cuộc “dạo chơi” mà là một bước leo thang ngoạn mục.

Thế mà phía VN ta cũng có ý kiến cho rằng “nó vào rồi nó ra chứ đã làm được gì đâu”. Nghĩ vậy thật đơn giản và thơ ngây quá! Nó vào rồi nó ra, nó ra rồi nó lại vào. Nó muốn vào thì vào, muốn ra thì ra, vào nhà người ta mà cứ nhà của nó.

Một đất nước có chủ quyền mà sao có thể chịu vậy. Kiểu này thì có ngày nó bảo “hai nhà là một”, nhập chung thôi, rồi lấy tiếng Trung làm tiếng phổ thông vì đại đa số dân chúng đang nói thứ tiếng này. Thế là nó hoàn thành âm mưu thôn tính và đồng hóa, đạt mục đích mà hơn 4000 năm nay họ chưa làm được. Thật nhẹ nhàng, ít tốn công tốn sức.

Biển của VN mà họ bảo của họ, yêu cầu cùng khai thác. Theo luận điệu đó thì VN mất biển. Mà mất Biển Đông là mất nước. Phần còn lại nhỏ hẹp, không gian sinh tồn của dân tộc mất đi hơn một nửa, lục địa bị bao vây tứ bề, phần tài nguyên khoáng sản lớn và quý giá nhất bị cướp hết, không còn cửa để ra đại dương - cái mà rất nhiều quốc gia đều cần đến để thành cường quốc, hàng không cũng mất tự do, con cháu muôn đời sẽ bị o ép và lệ thuộc họ đủ điều, mất lần này là mất hẳn, mãi mãi không bao giờ đòi lại được, niềm tự hào về lịch sử bất khuất của một dân tộc văn hiến cũng sẽ mờ nhạt và bị tan biến, đất nước anh hùng chỉ còn lại một cái xác như một mảnh nhỏ vô hồn, một dân tộc sẽ mãi tụt hậu, tủi nhục và đau đớn.

Vào lúc này công việc lớn lao nhất, quan trọng nhất, hơn bất cứ thứ gì, là bảo vệ Đất nước, trước mắt là Biển Đông. Tổ Quốc trên hết! Có thể đình hoãn nhiều việc khác, kể cả việc quan trọng, để tập trung suy tính kỹ cả chiến lược, sách lược và giải pháp cụ thể (đừng chủ quan nói đã tính kỹ hết rồi). Đây mới chính là “đại cục” chứ còn cái đại cục gì nữa? Đây là nội dung quan trọng nhất và là cốt lõi, chính yếu của Đại hội lần nầy, chứ không thể nội dung nào hơn được. Đây là phương hướng và quan điểm để chọn nhân sự chứ không có bất cứ tiêu chí gì quan trọng hơn vào lúc vận mệnh đất nước như thế này. Theo đó, tiêu chí đầu tiên để chọn cán bộ lãnh đạo các cấp các ngành là thái độ rõ ràng, mạnh mẽ và tư duy mạch lạc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông.

Vừa qua, Chính phủ, Bộ Ngoại giao VN và các lực lượng cảnh sát biển, hải quân…đã có nhiều cố gắng, và lần này thái độ ta có mạnh mẽ hơn các lần trước. Chúng tôi xúc động khi được biết tình hình các sĩ quan và chiến sĩ của quân đội ta lúc xung trận húc nhau với các tàu xâm lăng của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính đã thể hiện một tinh thần rất dũng cảm xứng đáng là con em của một dân tộc anh hùng.

Tuy nhiên, nhìn chung thái độ tổng thể bộ máy lãnh đạo quản lý đất nước thì thấy sự thể hiện rất chưa đủ, chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng của tình hình.

Và tất nhiên, muốn bảo vệ được Biển Đông thì không chỉ có tinh thần, bản lĩnh, trách nhiệm với Tổ Quốc (mặc dù phải bắt đầu từ các yếu tố ấy), mà quan trọng hơn nữa là phải đổi mới cách tiếp cận vấn đề, đổi mới tư duy, quan điểm, kể cả chủ trương và hành động. Bảo vệ Biển Đông và đổi mới là hai yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, cần được thực hiện đồng thời.

2. Có ý kiến bảo phải kiện Trung Quốc ngay, công khai chủ trương và thúc đẩy nhanh công việc, ý kiến khác lại không đồng ý vì nhiều lẽ khác nhau. Ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận là việc bình thường. Nhưng cần phải có phương pháp tiếp cận tốt và khả năng quyết đoán sắc sảo, kịp thời, nhất là khi có tình thế nghiêm trọng đối với vận mệnh đất nước (xin nhắc lại để nhớ lần này không phải họ “dạo chơi”, mà là quyết tâm tạo ra một bước nhảy vọt đáng kể để thực hiện âm mưu lớn lâu dài).

Trong đọan ý kiến này, tôi xin có đôi lời góp phần trao đổi để tham khảo về việc kiện Trung Quốc.

Kiện là giải pháp hòa bình. Kiện chẳng những không phải là chiến tranh mà còn là một giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong một thế giới văn minh và hội nhập. Đó cũng là tư tưởng pháp quyền tiến bộ. Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về ta.

Sợ kiện hay là sợ Trung Quốc?

Đặt câu hỏi như vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện thì Trung Quốc sẽ làm căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù vặt thì rất khó ở. Đó cũng là một cách suy nghĩ. Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện. Họ không muốn ta quốc tế hóa vấn đề mà chỉ để riêng họ và ta với nhau nhằm dễ bề ức hiếp. Đó là cách đấm người ta mà muốn bịt miệng không cho la. Tôi nghĩ không thể đồng ý với cái lý lẽ cho rằng vì sợ họ ép ta (hơn nữa) nên thà rằng cứ để cho họ ép dần dần như thế mà không cần phải kiện. Họ sẽ chèn ép ta ngày càng nhiều thêm là quy luật tất yếu, vì mục đích của họ là độc chiếm Biển Đông, và vì thấy ta yếu mềm nên có thể chèn ép được.

Các loài cá lớn ăn thịt sở dĩ không nuốt hết những loài cá nhỏ là vì không nuốt được, sợ bị gai nhọn đâm hoặc sợ nọc độc và còn sợ bị phản công của các nhân tố khác từ môi trường chung quanh, chứ hoàn toàn không phải nó thương cảm vì sự mềm yếu của đối phương.

Trung Quốc to làm vậy nhưng đâu có dễ cưỡng chiếm Đài Loan.

Ý kiến khác lại nói rằng, kiện cũng chẳng được gì, nó không chấp nhận, không chấp hành, chẳng có chế tài nào để cưỡng chế. Cách tiếp cận ấy theo tôi là không đúng. Khi lãnh đạo nước ta tuyên bố khởi kiện Trung Quốc thì tập họp cả một dân tộc, cả kiều bào khắp nơi trên thế giới, tập họp thêm nhiều bạn bè quốc tế, bản thân chúng ta cũng nhanh chóng trưởng thành về sự hiểu biết luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là lên tiếng để nhân dân Trung Quốc biết thái độ rõ ràng của VN chứ không phải như lâu nay nhà cầm quyền Trung Quốc cứ tuyên truyền một chiều, còn ta thì im lặng hoặc ít nói nên dân Trung Quốc nhiều người đang hiểu sai bản chất của vấn đề. Vậy thì kiện là được chứ, sao lại không được gì. Được dân và được bạn bè quốc tế chẳng phải là cái được lớn sao.

Mặt khác, hãy tin rằng, với nhận thức của thế giới ngày nay, chân lý không không dễ bị chà đạp đâu. Khi chân lý rõ ràng và thuộc về ta chẳng phải là cái được lớn hay sao. Một mình ta nói với họ không xong vì họ coi thường ta, không thèm nghe ta mà lại còn dùng mọi thủ đoạn để áp đặt. Cần phải dựa vào luật pháp và thông lệ quốc tế để đối mặt với họ là một giải pháp không thể khác trong tình thế này. Nếu không kiên quyết như thế hãy coi chừng sẽ mất Biển Đông. Mà mất Biển Đông là mất nước như đã trình bày trong điểm 1.

Còn việc ta phải sống cạnh họ lâu dài là tất nhiên, và cũng chính vì thế mà phải đứng lên nói thẳng, phải biết tôn trọng lẫn nhau để có thể sống cùng theo đúng nghĩa là sống. Đây cũng là mục tiêu độc lập dân tộc mà Hồ Chí Minh đã chiến đấu suốt đời.

3. Quan điểm không liên minh quân sự là đúng trong trường hợp nhằm để chống nước khác, nhưng sẽ không đúng đối với trường hợp để bảo vệ Tổ Quốc của mình. Cần có cách tiếp cận mới và sớm điều chỉnh quan điểm chỉ đạo này.

Vì mục đích bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của đất nước thì chẳng những cần thiết mà thậm chí nên chủ động liên minh trước với các nước thật sự tôn trọng độc lập chủ quyền của VN. Không thể tự trói mình bởi những quan điểm bất lợi mỗi khi Tổ Quốc có nguy cơ bị xâm lăng.

Nhân dịp này cần nhìn nhận đánh giá lại các đối tác của chúng ta để mà hiểu cho đúng bạn bè. Tiêu chí quan trọng nhất để chọn bạn lúc này là ai thật sự tôn trọng và ủng hộ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của VN.

Trong số các đối tác chiến lược của VN thì một “đối tác” đã lộ diện rõ ràng là kẻ có âm mưu cưỡng chiếm Biển Đông của nước ta.

Trong khi đó lại có nước tuy chưa gọi là đối tác chiến lược nhưng chính họ đã lên tiếng sớm nhất và mạnh mẽ nhất để ủng hộ chủ quyền của VN.

Theo tôi, với thực tế đó họ xứng đáng là đối tác chiến lược của chúng ta, kể cả trường hợp trước đây họ có lúc đã không phải với ta. Ít nhất là họ xứng đáng hơn nhiều so với “đối tác chiến lược toàn diện” kia đang xâm lăng đất nước ta. Thực tiễn đã kiểm nghiệm ai tốt ai không tốt. Một dân tộc biết điều không thể quay lưng lại với thực tế trong văn hóa ứng xử với bạn bè.

Nước có chủ quyền phải biết tự chủ trong chọn bạn mà chơi, không phải sợ gì ai bất bình hay quở trách.

Cái Phương Bắc bá quyền ấy có động cơ và âm mưu xấu với ta, họ luôn tìm mọi cách để giữ ta trong vòng kiểm soát của họ, không muốn và không cho ta thoát ra khỏi họ để quan hệ thân thiết với các cường quốc khác. Ta không gây thù hận với ai và luôn thật lòng mong muốn sống hòa hiếu với lân bang, nhưng đồng thời ta cũng phải biết cảnh giác và có bản lĩnh tự cường.

Hãy đừng bao giờ quên mà ngược lại phải luôn nhớ đến bài học cay đắng thuở ông cha ta vì nhẹ dạ mất cảnh giác mà bị Phương Bắc cướp nước để cho cả một dân tộc phải sống nô lệ lầm thang điêu đứng trong cảnh “chim lồng cá chậu” đầu rơi máu chảy suốt một nghìn năm mới thoát ra được.

Các nước Đông-Nam-Á về cơ bản là tốt, không có chuyện gì mâu thuẫn lớn với nhau, nhưng chưa phải đã đoàn kết một lòng cùng nhau thành một khối thống nhất vững mạnh, mà cá biệt đôi khi cũng có chuyện “đồng sàn dị mộng”. Mặt khác thì Phương Bắc lại tác động vào, kể cả bằng tiền và bằng các thủ đọan chính trị, tranh thủ lôi kéo dụ dỗ nước này nước khác, để khu vực này không thành một khối được, không có sức mạnh chung, cho họ dễ bề chi phối. Thực chất là “tách ra từng chiếc đũa” chứ không để “một bó đũa”, không để cho khu vực này chụm lại thành một khối.

Thực tế ở khu vực Trường Sa mặc dù của ta là chính nhưng vẫn đang có nhiều nước quản lý một số đảo, mà việc này đã có từ trước, chỉ riêng Trung Quốc thì đến sau, bắn giết người của VN ta để chiếm đảo, rồi đồn trú ở đó đến nay, lại còn muốn lấy tiếp, lấy hết. VN cần phải có cách ứng xử phù hợp thực tế ở đây trong mối quan hệ với các nước Đông-Nam-Á, thừa nhận và bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nước nhỏ, đừng để họ bị xuyên tạc mà suy nghĩ rằng Trung Quốc là đại bá còn VN cũng là tiểu bá mà dẫn đến phân tâm.

4. Còn có ý kiến khác cho rằng, ta với Trung Quốc là anh em đồng chí, cùng XHCN với nhau, cùng một hệ tư tưởng và còn có quan hệ giữa hai đảng cộng sản đang cầm quyền, vì vậy cần kiên trì trao đổi ý kiến, đối thoại với nhau, không nên kiện ra quốc tế, không nên tỏ ra căng thẳng…

Tinh thần hữu nghị với mọi người nói chung là tốt, nhưng nếu nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, để cho những người có tâm địa và âm mưu xấu lợi dụng làm hại đến chủ quyền quốc gia thì sẽ là sai lầm lớn, thậm chí là có tội lớn với dân tộc mà lịch sử không thể tha thứ. Đồng chí anh em gì mà vô cớ bất ngờ đem 60 vạn quân sang VN để bắn giết dân chúng và đốt phá các làng mạc, nay lại quyết dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm Biển Đông.

XHCN gì mà đi xâm lược VN. Nhân dân ta chắc không ai cần cái kiểu XHCN xâm lược ấy. Đừng có nhân danh XHCN để lừa phỉnh nhau. Không có CHXH chân chính nào lại như thế cả (chuyện XHCN và TBCN cũng cần có cách tiếp cận khác căn bản so với cách hiểu, cách nghĩ lâu nay - sẽ nói sau ở bài khác).

Đó chỉ là một đế chế phong kiến trá hình và biến tướng. Một quốc gia bảo vệ độc lập chủ quyền và một quốc gia khác đi xâm lăng sao lại cùng tư tưởng?

Đảng cộng sản VN từ khi ra đời đã lấy mục tiêu dân tộc và dân chủ làm mục tiêu phấn đấu. Đến nay chưa hoàn thành xong mục tiêu ấy thì phải tiếp tục chiến đấu nữa. Xa rời mục tiêu dân tộc và dân chủ như ngày mới ra đời đã nêu lên thì Đảng sẽ không còn là đảng chân chính vì dân. Đảng CSVN quan hệ với các đảng khác không thể và không bao giờ được gây tổn hại cho mục tiêu độc lập chủ quyền của dân tộc. Còn kiên trì trao đổi, đối thoại? Trung Quốc đâu có cần trao đổi đối thoại với ta. Họ không tôn trọng và không coi VN là đối tác bình đẳng. Họ chỉ áp đặt và chèn ép. Còn VN ta đâu có tỏ ra căng thẳng gì. Sự căng thẳng là do họ chủ ý gây ra đấy chứ. Sao lại đổ vấy cho ta.

Còn việc ta buộc phải kiện họ chính là do họ đẩy ta đến đó, không còn con đường nào khác. Lòng tự trọng dân tộc không cho phép ta nhân nhượng thêm nữa, vì ta càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới. Đó cũng là tư tưởng chống ngoại xâm của Hồ Chí Minh.

5. Chỗ dựa vững chắc và đáng tin nhất chính là cộng đồng nhân dân Việt Nam.

Lịch sử đã chứng minh qua nhiều nghìn năm nay rằng dân tộc này không bao giờ biết đầu hàng. Thuở xưa có lúc triều đình đã đầu hàng hoặc không đủ sức chiến đấu với quân giặc, nước đã mất và sau đó nhân dân đã tập họp nhau lại, đứng lên chiến đấu với quân thù, giành lại độc lập cho đất nước. Thời chiến tranh vệ quốc trước đây, có nơi, có lúc không còn tổ chức Đảng, không còn đảng viên, thì nhân dân đã tự mình lập ra chi bộ, một chi bộ của dân, để tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu, sau này tổ chức Đảng cấp trên phải công nhận các đảng viên và tổ chức đảng đó.

Nhân dân ta từ thuở xưa đã là vậy. Ngày nay ta càng nhận thức sâu sắc rằng, nước là nước của dân. Dân là chủ nhân của đất nước. Chính người chủ ấy phải lo giữ lấy nước của mình.

Nhà nước là của dân, do dân lập ra, có nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ nhân dân, trong đó có công việc bảo vệ tổ quốc. Nhà nước phải làm theo ý dân, phải dựa vững vào dân mà bảo vệ tổ quốc, phải thường xuyên và kịp thời thông báo đầy đủ cho nhân dân biết thực chất tình hình xung quanh vấn đề Biển Đông.

Không có bất kỳ ai, không có bất cứ đối tác nào, dù họ tốt đến bao nhiêu, cũng không thể thay được nhân dân. Nhân dân ta muôn đời nay thật anh hùng. Luôn mang trong mình dòng máu và khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và Hồ Chí Minh. Mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm thì triệu người như một, tha thứ, xóa bỏ hoặc gát lại tất cả các bất đồng, các mâu thuẫn trong nội bộ, để một lòng cùng nhau quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.

Tất nhiên, với tư cách là những người tham mưu cho nhân dân, nhà nước thỉnh thoảng cũng cần nhắc nhân dân phải bình tĩnh, không để nóng đầu, quá bức xúc. Cuộc chiến đấu thuở xưa đã vậy và ngày nay càng phải vậy, lòng dũng cảm là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng, nhưng để bảo đảm chiến thắng nhất định phải cộng với sự bình tĩnh, trí tuệ và mưu lược.

Có nhân dân thì Đảng và Nhà nước sẽ có tất cả. Dân chủ hóa là con đường nhất định phải tiếp tục tiến lên.

Có nhân dân, có bạn bè và luật pháp quốc tế nước ta nhất định bảo vệ được Biển Đông./.


Vũ Ngọc Hoàng

(nguyên Phó ban Tuyên giáo, Uỷ viên Trung ương ĐCSVN, )

---------------


Lời bình của GS Chu Hảo


Cây ngay không sợ chết đứng


( Nói phải củ cải cũng nghe?)


1. Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến rất xác đáng , thẳng thắn và có tính thuyết phục của tác giả Võ Ngọc Hoàng. Đã đến lúc chúng ta cần có rất nhiều những bài viết như thế này được công bố công khai , rộng rãi. Đây cũng có thể là bước đầu tiên như kiến nghị tha thiết của ông Nguyễn Trung: ĐCSVN phải vượt qua chính mình và toàn dân phải có trách nhiệm, để cứu nguy dân tộc. Hãy lên tiếng, đừng sợ, để góp ý cho đảng cầm quyền "vượt qua chính mình" bằng cách nào? Và hướng dẫn quần chúng thể hiện trách nhiệm của mỗi người bằng cách nào?

2. Ba nút thắt liên quan đến vấn đề Biển Đông Nam Á ( Biển ĐNÁ ) hiện nay, như được vạch ra trong bài của ông Võ Ngọc Hoàng là : Kiện TQ ra tòa án Luật pháp quốc tế, Ký Hơp tác chiến lược( thực lòng, thực chất ) với Hoa Kỳ - nước duy nhất "bênh " VN trên Biển ĐNÁ , và Hóa giải "chính sách ba không" hoàn toàn bất lợi trong tình hình mới. Chắc chắn đã có "một bộ phận không nhỏ" trong giới cầm quyền cản trở việc tháo gỡ các nút thắt này, nên lãnh đạo VN mới lúng túng và chần chừ đến như vậy. Có một Trần Ích Tắc dân tộc đã khổ , nếu có một bầy Trần Ích Tắc thì nhân dân ta khó lòng giữ được truyền thống quật cường, không khuất phục của Dân tộc ta đã được hun đúc từ khi dựng Nước. Họa mất Nước đang đe dọa dân ta! Phải vạch mặt bọn Trần Ích Tắc này, đừng sợ!

3. Có nhiều việc cấp bách, nhưng hãy coi việc "có thể mất Nước đến nơi rồi" là việc cấp bách nhất. Nên chăng dồn sức cho việc này trước mà chủ động làm chậm tiến độ các việc khác kẻ cả việc Chuẩn bị ĐH 13 của ĐCSVN, Chống tham nhũng... Nếu Dự án Đường cao tốc Băc Nam lại chủ yếu rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc thì liệu chừng ta không chỉ mất Biển mà còn mất nốt cả Đất. Đường về nô lệ đang hiển hiện, phải cùng nhau góp sức làm cho toàn dân thấy rõ nguy cơ này, đừng sợ!

4. Hoa Kỳ đã tỏ rõ thiện chí đối với VN trong vấn đề Biển Đảo, nhưng tôi tin là Hoa Kỳ chỉ hành động trong khuôn khổ Luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi cốt lõi trước hết là của chính họ, đặc biệt là quyền lợi kinh tế, chứ không sẵn sàng làm thay ai trong việc bảo về chủ quyền lãnh hải cũng như lãnh thổ của mình, trừ phi là đồng minh của họ và có yêu cầu chính thức từ phía đối tác đang bị đe dọa. Không biết lực lương yêu nước thức thời trong giới cầm quyền của ta có đủ bản lĩnh và điều kiện khắc chế "khuynh hướng Trần Ích tắc" này chưa? Có cách nào thể hiện được lòng dân đứng bên cạnh họ một cách hết sức kiên quyết nhưng ôn hòa? Chẳng hạn vận đông tham gia thực hiện Lời kêu gọi đối thoại của GS Nguyến Đình Cống gửi ông Trưởng ban BTG TW cuối thàng 8 vừa qua? Hãy ủng hộ những chủ trương đối thoại trên nguyên tắc thấu đàm, không có vùng cấm, và tương kính. Tham gia vào một cuộc đối thoại như vậy, đương nhiên không có gì phải sợ!

Chu Hảo

Viện Phan Châu Trinh-Hội An
Ngày 7 tháng 9 năm 2019

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us