Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Trở lại chuyện quốc tịch, hộ chiếu, visa

Trở lại chuyện quốc tịch, hộ chiếu, visa

- Minh Châu, P.Q. — published 30/05/2007 17:10, cập nhật lần cuối 30/05/2007 17:10
Người Việt Nam, Việt kiều, nói gì thì nói, pháp lí không minh bạch thì "cởi mở" tới đâu cũng thành rối rắm và phản tác dụng


Ta là ai ?

Suy nghĩ về thân phận Việt Kiều


Minh Châu

 

 

 

Trong chuyến về thăm nhà vừa qua, một anh bạn hỏi tôi : “ Này, cậu biết tên A không ? Hắn vừa chết đấy. ”  Tôi hỏi, “A nào ? ” “ Tay A Việt Kiều Paris đấy ”. Tôi nhớ rồi : anh này hồi trước ở Pháp, làm việc với phải đoàn VNDCCH trong Hội Nghị Paris về VN, sau đó theo đoàn về nước, làm tại Bộ Ngoại Giao, có một thời gian đi công tác tại một số Sứ Quán VN tại Châu Phi trước khi về hưu. 30 năm sau, nói về anh, anh em vẫn gọi là Việt Kiều để dễ nhận diện.

Cũng trong chuyến đi ấy,  tôi gặp lại một người quen trong một bữa tiệc. Ông ấy giới thiệu tôi với một bà : “ Giới thiệu với chị, anh Châu, Việt Kiều ở Mỹ ”. Năm ngoái, khi gặp nhau tại Mỹ, ông ấy lại giới thiệu kiểu khác : “ Giới thiệu anh, anh Châu, chuyên viên kinh tế…”.  Giữa hai lời giới thiệu, có một chi tiết nhỏ : ông kia có nhờ tôi một việc mà tôi không nhận.  Chuyên viên cũng đúng, mà Việt Kiều cũng phải. Vấn đề là trong một bối cảnh nhất định, từ VK mang một âm dạng không thân thiện lắm.  

Từ hai chuyện nhỏ đó, tôi phân vân nhiều khi Diễn Đàn đưa tin là chính phủ sẽ miễn visa cho Việt Kiều khi về Việt Nam trong một thời gian ngắn. Câu hỏi đơn giản là Việt Kiều là ai và đi xa hơn nữa, “ đồng bào Việt Nam ” được định nghĩa ra sao khi định nghĩa ấy sẽ đưa đến việc miễn visa?

Xin đưa một vài nhận xét :

1.   Từ Việt Kiều là một từ không dịch ra được trong những tiếng mà tôi biết :  khi người Pháp hay người Mỹ muốn nói tới những người Việt ở bên ngoài gửi tiền về nhà, họ cũng phải để nguyên xi từ của trong nước nói đến đóng góp của “les Việt Kiều”. Trong tiếng Pháp hoặc Mỹ, chỉ có người dân Pháp, Mỹ, Thuỵ Sĩ vv cư trú ở nước ngoài (Français de l’étranger, Canadian living abroad vv) chứ không có một từ đặc thù để chỉ những người này. Ngay ở Việt Nam, danh từ chính thức cũng nói đến người Việt Nam ở nước ngoài (có một Uỷ Ban mang tên ấy).

2.   Sự phân biệt giữa người trong và ngoài nước hoàn toàn dựa trên một cơ sở pháp lý rõ ràng.  Nhưng người sống ở ngoài nước có những quyền lợi và bổn phận khác với những người sống ở trong nước. Tất cả mọi chung ta có thể là công dân hay thường dân. Công dân đương nhiên là thường dân, nhưng ngược lại, thường dân chưa chắc phải là công dân. Thanh nien dưới 18 tuổi ở nhiều nước chỉ là thường dân chứ không là công dân. Đối với những người sống ở nước ngoài cũng vậy. Công dân Canada sau một thời gian 5 năm xa xứ sẽ không có quyền bầu cử và trở thành thường dân cho đến khi hồi hương. Người Mỹ nếu không đóng thuế trong quận mình ở đương nhiên mất quyền bầu cử và quyền công dân. Công dân Pháp bất cứ ở đâu cũng là công dân trong một số điều kiện nhất định : đăng ký tại lãnh sự, đăng ký vào danh sách cử tri vv tuy hoàn thành nghĩa vụ công dân trong điều kiện khá phức tạp hơn là công dân trong nước. Điều tôi muốn nhấn mạnh là sự khác biệt công dân/ thường dân (citoyen/national, citizen/national) là một khác biệt về quyền hạn và được luật pháp xác định chứ không tuỳ theo chủ quan của bất cứ một cơ quan hay cá nhân nào. Quyền hạn của một công dân cũng như quyền hạn của một thường dân (xin nhắc lại: quyền hạn bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm) đều được ghi rõ ràng trong luật pháp hiện hành. Và sự khác biệt giữa một công dân/thường dân trong nước và ngoài nước cũng được nhiều nước xây dựng trên cơ sở pháp lý.

3.   Khái niệm người Việt Nam là một khái niệm pháp lý : khi sống ở ngoài nước, người Việt Nam vẫn có một số quyền hạn nhất định (được cấp hộ chiếu Việt Nam, được đăng ký tại lãnh sự quán Việt Nam và được chính phủ Việt Nam giúp đỡ khi cần thiết), tuy số quyền hạn này có mặt nào bị hạn chế bởi luật pháp. Và luật pháp ở đây rất công bằng vì nghĩa vụ của những người này cũng hạn chế : họ không đóng thuế hàng năm, họ không làm nghĩa vụ quân sự vv.

4.   Cũng như các cán bộ ngoại giao, người công dân VN sống ở nước ngoài không tham gia bầu các cơ quan đại diện trong nước, trừ khi họ có mặt tại quê nhà trong dịp bầu cử và đương nhiên có hộ chiếu Việt Nam như mọi công dân Việt Nam. Điều cần phải nhấn mạnh, là những người Việt sinh sống ở ngoài nước rất it nghĩa vụ với đất nước, ngoài những đóng góp tự nguyện của họ. 

5.   Tôi không rành Hán-Việt nên không rõ nguồn gốc từ Việt Kiều nhưng rõ ràng là từ ấy chỉ những người Việt Nam sống ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. (Cán bộ ngoại giao không phải là Việt Kiều vì đứng về mặt luật pháp, họ làm việc và sống trên đất Việt Nam.) Ở nhà cũng nói đến Pháp Kiều hoặc Hoa Kiều, những người mang quốc tịch các nước này đang cư trú tại Việt Nam. Vậy thì Việt Kiều phải chăng là những người nước ngoài sống tại VN ? Và tại sao lại phân biết người Việt gốc Hoa với cộng đồng Việt Nam khi những người này là công dân/thường dân Việt Nam từ nhiều thế hệ ? Trong thống kê dân số ở Pháp, những ai đã có quốc tịch Pháp được tính là người Pháp, không phân biệt gốc nguồn.

6.   Nhưng định nghĩa nay chưa đủ : thời gian sống bên ngoài mấy năm thì chuyển cơ chế ? Sinh viên đi du học bao lâu thì từ sinh viên VN thành sinh viên VK ? 5, 10 năm hay hơn nữa ? Cũng có thể mường tượng là tấm thẻ cư trú của địa phương sẽ được sử dụng để xác định thế nào là sinh viên VN hay VK được không ? Ai ở Mỹ có green card thì là VK, còn ai không có là VN ? Tiêu chuẩn thì không thiếu, chỉ thiếu một định nghĩa chính thức dựa trên cơ sở pháp lý của danh từ Việt Kiều. 

7.   Trong cách nói hàng ngày, kể cả trong cách đưa tin của Diễn Đàn, thường thường từ VK được dùng để chỉ định ba loại người VN sống ở nước ngoài: loại có hộ chiếu Việt Nam, loại có hộ chiếu nước sở tại và loại có cả hai. 

8.   Loại thứ nhất đương nhiên không nằm trong dạng miễn hay không miễn visa. Từ gần mười năm nay, người mang hộ chiếu VN trở về và rời VN một cách tự nhiên như dân Pháp về Pháp, dân Anh về Anh. Hon nữa, người VN đi các nước ASEAN cũng không cần xin visa. Nói một cách khác, đây là những công dân /thường dân Việt Nam dù rằng họ chưa có đầy đủ quyền lợi và không có những nghĩa vụ của những công dân/thường dân sinh sống trong nước. 

9.   Loại thứ hai, người dân gốc Việt Nam (sẽ trở lại vấn đề này sau) mang hộ chiếu nước sở tại. Họ đương nhiên là công dân/thường dân của nước đó. Không ai cấm được họ tự cho mình là người Việt Nam vì chứng minh thư hay hộ chiếu không xoá nhoà được nền văn hoá hay tình cảm của họ. Nhưng tình cảm không phải là luật pháp và hộ chiếu của họ cũng là sự đúc kết của một số quyền hạn và nghĩa vụ trong một quốc gia nhất định. Ngày nào nước sở tại do ký kết công ước với VN trên cơ sở có qua có lại, họ sẽ đi VN với hộ chiếu của họ mà không cần Visa (người Thái gốc Việt chẳng hạn). Anh chị nào cầm hộ chiếu Pháp sang Mỹ hay ngược lại đều biết rõ điều này.

10.  Loại thứ ba là những người có hai hộ chiếu, hai quốc tịch. Cho đến nay, trên nguyên tắc mà nói, VN cũng như nhiều nước trên thế giới không chính thức công nhận một người có hai quốc tịch. Trong thời gian gần đây, vấn đề này trở nên thứ yếu vì người mang hai quốc tịch càng ngày càng đông, và những lo sợ về chiến tranh giữa hai nước mà họ là công dân cũng được xoá dần. Cho tới nay, theo tôi hiểu thì nhà nước VN không chính thức cho phép công dân VN có hai quốc tịch, những cũng không cấm đoán như nhà nước Đức chẳng hạn. Cũng có tin là sắp tới đây, chính phủ sẽ chính thức cho phép người VN giữ hai quốc tịch. Nhưng nói thế nào chăng nữa, ai có quốc tịch VN và hộ chiếu VN cũng sẽ ra vào thong thả, chẳng cần visa, dù cho họ có hai, ba hộ chiếu khác nhau. 

11. Như đã nói ở trên, ba loại dân này thường được gọi là Việt Kiều, với những arrière pensée (thâm ý) khác nhau. Một điều chắc chắn là vấn đề miễn visa chỉ áp dụng cho loại thứ hai, những người mang hộ chiếu của một nước không phải là nước Việt Nam.

12. Trong bài trả lời bạn đọc, Diễn Đàn đánh giá việc miễn visa như là một “biện pháp cởi mở thực sự” và chỉ đặt một số câu hỏi về điều kiện thực hiện chính sách này. Tôi xin mạn phép tranh luận về điểm này.

13. Vấn đề visa là vấn đề luật pháp quốc gia và quốc tế, là vấn đề quyền lợi và an ninh nhà nước chứ không phải là vấn đề hẹp hòi hay cởi mở. Giữa các nước có quan hệ khăng khít (Cộng Đồng Châu Âu, Thuỵ Sĩ, Mỹ, Canada, ASEAN vv) có những trao đổi thường xuyên về những phần tử có khả năng vi phạm an ninh hay trật tự công cộng (các người ủng hộ các đội bóng đá chẳng hạn), và khi các nước này có những quy định đồng nhất để đánh giá những loại người này, việc miễn visa là điều có thể làm được để tranh những thủ tục phiền toái và tốn kém. Gần đây, chính phủ Mỹ đang đặt lại vấn đề miễn visa cho người mang hộ chiếu Anh vì họ sợ có những người cuồng tín sinh đẻ tại Anh, sử dụng hộ chiếu nay để sang Mỹ hoạt động. Cũng có trường hợp để mở rộng khu vực du lịch, Thái Lan không đòi người Mỹ/Pháp xin visa, trong khi đó, dân họ vào Mỹ, Pháp vẫn cần xin visa. Nói tóm lại, quyết định này là một quyết định có tính toán, và trong bài toán đó, an ninh, quyền lợi nhà nước vẫn là những đòi hỏi quan trọng nhất. 

14. Trở lại chinh sách miễn visa cho “đồng bào Việt Nam ở nước ngoài khi về thăm nhà trong một thời gian dưới 90 ngày” (trích từ Diễn Đàn). Để thực hiện chính sách này, câu hỏi đơn giản nhất là ai là đồng bào VN. Tiếp đến là câu: lấy gì chứng minh là một người mang hộ chiếu khác hộ chiếu VN cũng là người VN? Những tài liệu và thông tin nào sẽ được sử dụng để xác định đây là người VN? Vấn đề đơn giản nhưng cũng không giản đơn. Ai cũng biết là người họ Nguyễn, Lê, Trần, Trịnh vv bình thường đều là gốc VN. Nhưng có những trường hợp khác. Và có vấn đề thế hệ/ gia đình: Cháu ba đời của tôi, bà vợ người Canada của tôi có phải là người VN không? Chúng ta cần gấp những tiêu chuẩn luật pháp thật rõ ràng, minh bạch để an lòng những người đang muốn đệ đơn xin miễn visa. Và để cho những ai phải lấy quyết định này cũng sẽ làm việc một cách thanh thản hơn.

15. Tiếp theo đó, còn một vấn đề nữa cần phải làm sáng tỏ: theo luật quốc tịch hiện hành, những người VN không mất quốc tịch cho tới khi đơn xin xuất tịch của họ được chủ tịch nước cho phép. Nói một cách khác, những ai được công nhận là đồng bào Việt Nam và không (chưa) được nhà nước cho phép từ bỏ quốc tịch Việt Nam đều là người VN tuy không có hộ chiếu VN hoặc chưa được cấp, trả lại hộ chiếu VN. Vậy thì họ có quyền đòi cấp hộ chiếu VN hay không? Nếu có, vấn đề miễn visa tự nó sẽ không tồn tại nữa. Nhưng thôi, vấn đề này xin tạm ngưng ở đây để nói tới mặt thực tế hơn: đấy là câu hỏi cơ quan nào, quyền lực nào sẽ xác minh ai thuộc diện đồng bào VN, ai không thuộc diện đó?

16. Cơ quan nào làm giấy chứng minh việc một người là VN ? Đương nhiên ở nước ngoài đó là Đại Sứ Quán và bộ phận lãnh sự của VN. Chúng ta nên chờ những quyết định của Bộ Ngoại Giao trên lĩnh vực này. Theo tôi nghĩ nếu người đưa đơn được nhà nước cho phép từ bỏ quốc tịch VN thì công việc của Lãnh sự sẽ rất đơn giản. Trong trường hợp người này không từ bỏ quốc tịch thì Lãnh Sự sẽ kiểm tra một số tài liệu cần thiết để chứng minh cái gốc và cái quốc tịch này. (Hộ chiếu cũ, giấy khai sinh, sổ gia đình vv) và phải chỉ rõ là người VN là VN cho đến thế hệ thứ bao nhiêu. Lại còn phải xác định là vợ, chồng con, cháu của người đưa đơn có phải, có được công nhận là VN hay không.[1] ở đây tôi không có tham vọng gợi ý nhà nước nên làm gì. Chỉ mong là những quyết định và các loại chứng từ cần thiết này sẽ được công bố rõ ràng và phổ biến rộng rãi. 

17. Trong cách nhìn này, tôi không thấy chỗ nào dành cho việc chứng nhận bất cứ ai là Việt Kiều vì thật ra, như tôi đã nói ở trên, từ này không nằm trong phạm vi luật pháp. Đương nhiên Quốc Hội cũng có thể ban ra luật pháp này để khẳng định quyền hạn cũng như nghĩa vụ của một Việt Kiều. Mặt khác, Quốc Hội cũng có thể thông qua một đạo luật cấm sử dụng từ Việt Kiều vì tính chia rẽ cộng đồng người Việt của nó.

18. Ngay trong trường hợp Lãnh Sự có những tiêu chuẩn rõ ràng và hợp lý để định nghĩa thế nào là VK tôi e rằng SQ không có khả năng vật chất làm hàng vạn giấy chứng nhận này. Như vậy các hội người Việt Nam ở nước ngoài (tôi không biết có hội nào gọi là hội Việt Kiều hay không, xin lỗi trước nếu có. Trước đây, tôi sinh hoạt trong Hội Liên Hiệp Sinh Viên Việt Nam tại Pháp, thường gọi là dân Liên Hiệp chứ không là dân Việt Kiều) đưong nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng để góp phần xác định ai là Việt Kiều, ai không. Giấy chứng nhận này, tôi không nghĩ như Diễn Đàn là “giấy huyết thống”. Nói cho đúng, khi từ VK là từ cửa miệng được sử dụng một cách tuỳ tiện, thì việc cấp giấy chứng nhận VK cũng là việc tuỳ tiện và dễ đi đến việc giấy chứng nhận người tốt, việc tốt. Và kinh nghiệm cho biết là trong những trường hợp như vậy, khó mà có được những quyết định hoàn toàn trong sáng. Và cũng khó có được những biện pháp “chống án” hữu hiệu. Để tránh những phiền toái loại này, chi bằng ta quay lại xin… visa, tuy có đắt hơn một tý (cũng chưa đắt bằng visa xin vào Mỹ), nhưng phần nào đỡ nhức đầu hơn.

19. Trở lại câu chuyện đầu bài : là Việt Kiều cũng như đi lính : một ngày trong quân ngũ, suốt đời trong quân ngũ. Và trong cái nhìn của một số người trong nước, từ Việt Kiều thường chứa đựng một "connotation négative" (hàm ý tiêu cực) khoảng cách nhất định. Cũng có thể có người thích được gọi là Việt Kiều vì tìm trong đó một số lợi ích nhất định. Nhưng bảo từ VK là từ tiện, gọn nhưng không mang âm hưởng xấu thì tôi nghĩ không phải. 

20. Xin kết bằng một giấc mơ nho nhỏ : sau gần 28 năm, một ông cựu đại tá trong quân đội Saigon cũ trở về Tân Sơn Nhất. Câu đầu tiên của cậu công an biên phòng khi lật xem visa của ông là: Mừng bác về thăm nhà. Ông đứng lặng, rút mù xoa chấm mắt và quên là mình đã phải xin Visa. 

21. Ôi, đất nước tôi, thân thương và huyền bí…

  

Minh Châu

10/5/07



 
 

[1] Đây chỉ nói đến việc định nghĩa trên cơ sở luật pháp. Còn một loạt câu hỏi mang tính chất nhân chủng học cũng cần phải suy nghĩ thêm. Trong thế giới hiện nay, không thiếu các học giả Mỹ, Pháp đang đặt câu hỏi : Chúng ta là ai ? Người Pháp là những ai ? (Xem Samuel Huntington :  Who are we ? và Patrick Weil : Qu’est-ce qu’un Français ?).


Đôi điều đáp lời tác giả

Để tiện việc trao đổi ý kiến, chúng tôi sẽ đánh số theo trình tự những vấn đề tác giả nêu ra :

1. - 5. Về lai lịch hai tiếng "Việt kiều" và những hàm ý (tích cực / tiêu cực) của danh từ này, xin mời đọc thêm bài "Vấn đề Việt kiều" của Nguyễn Ngọc Giao, tham luận tại Hội thảo Hè 2005 (Đà Nẵng). Như bạn đã nêu rõ, các vấn đề liên quan tới "Việt kiều" phải xử lí và giải quyết bằng pháp lí, chứ không thể chỉ đơn thuần bằng tuyên bố và chỉ thị chính trị. Nhưng trước đó, ý đồ (danh từ này thường hay bị hiểu theo nghĩa xấu, nếu vậy xin thay bằng ý định) chính trị phải minh bạch, và trước hết, phải thoát ra khỏi não trạng "trong/ngoài", "nội/ngoại" đã có sẵn trong truyền thống gia đình, thôn xã Việt Nam, và đã trở thành phản xạ, bản năng sau nửa thế kỉ đấu tranh bí mật và chiến tranh khốc liệt.

6. Quy chế của "du học sinh" hiện nay của chính quyền cũng thể hiện não trạng "trong/ngoài" nói trên. Du học sinh đang học ở nước ngoài, bất luận có học bổng hay tự túc, bất luận trình độ (có người đã tốt nghiệp, đi làm, trên thực tế đã định cư ở nước ngoài) vẫn "được" coi là "người trong nước", "người của ta", phân biệt với sinh viên Việt Nam là con cái "Việt kiều". Thí dụ điển hình là "Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp" được thành lập năm 2005, hoàn toàn tách bạch với "Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp" (UJVF).  Giữa sinh viên từ trong nước sang và sinh viên sinh trưởng ở nước ngoài, tất nhiên có những khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá... , nếu có tổ chức khác nhau cũng là điều bình thường. Nhưng điều cần nói ở đây là "Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp" bị đặt dưới sự "quản lí" của sứ quán, ban chấp hành của nó trên thực tế do sứ quán chỉ định. Theo thông tin của chúng tôi, nội quy (khác với điều lệ / statuts "trình toà") của hội này còn nói nó là thành viên của hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam. Đây là một điều trái ngược với pháp luật của Pháp : một hội đoàn tại Pháp không thể là thành viên của một hội đoàn ở quốc gia khác (một hiệp hội quốc tế thì tất nhiên là được). Trao đổi với chúng tôi trong một cuộc hội thảo, một quan chức, nguyên bộ trưởng, cũng thẳng thắn thừa nhận việc phân biệt này hoàn toàn không còn cơ sở thực tế nào nữa, chính con cái của ông đi du học, nay đã thành "Việt kiều" cả rồi. 

Rộng hơn, có lẽ cần liên hệ với quy chế hàng trăm ngàn người Việt Nam hiện đang sống ở các nước Trung và Đông Âu. Chúng tôi không nắm rõ, nhưng có thể giả định chừng nào họ được coi là "người trong nước ở nước ngoài", chứ không hẳn là "Việt kiều" (trừ những phần tử hơi bị có vấn đề).

10. Bàn thêm về quy chế hai quốc tịch, hay thực tế hơn, hai (hay nhiều) hộ chiếu. Mỗi nước có những quy định riêng. Nước Đức nổi tiếng  vì "luật huyết thống" và đòi hỏi người nước ngoài phải từ bỏ quốc tịch cũ khi xin nhập tịch Đức. Nhưng Đức vẫn không cấm công dân nước mình có thêm một quốc tịch khác. Vì thế, không ít người Thổ Nhĩ Kì sau khi từ bỏ quốc tịch Thổ, trở thành công dân Đức, đã lấy lại cả quốc tịch Thổ trong một dịp về quê nghỉ hè !!! Ở Việt Nam, theo Luật quốc tịch hiện hành, nhà nước chỉ "công nhận một quốc tịch". Điều này không có nghĩa là nhà nước không coi là người Việt Nam những ai có quốc tịch khác. Ngược lại, định nghĩa là người Việt Nam của Luật quốc tịch Việt Nam hiện hành rất ư là "không bờ bến" : là người Việt Nam người nào có cha hoặc mẹ là người Việt Nam, chỉ mất quốc tịch Việt Nam trong hai trường hợp (1/ phạm tội phản quốc, bị chủ tịch nước truất tịch, 2/ xin xuất tịch và được chủ tịch nước chuẩn y). Theo Đại Việt sử kí toàn thư, hoàng tử Lý Long Tường khi sang Triều Tiên tị nạn không hề bị nhà Trần truất tịch. Như vậy là con cháu 43 đời của ông hiện nay vẫn có quốc tịch Việt Nam, theo đúng Luật quốc tịch hiện hành.

Chính vì thế mà hiện nay có một số Việt Kiều, tuy đã có quốc tịch và hộ chiếu nước khác, đã được cấp hộ chiếu Việt Nam. Số này, theo chúng tôi biết, không nhiều (nhưng cũng có thể viết là "ngày càng nhiều" cho phấn khởi). Điều cần nói ở đây là : trên cơ sở nào, bộ ngoại giao hay các sứ quán Việt Nam (thực chất là bộ công an) quyết định cấp hay không cấp hộ chiếu trogn trường hợp này ? Chính trị, quen biết, móc ngoặc hay không, nhưng chắc chắn không dựa trên cơ sở pháp lí minh bạch.

14-18. Đúng như bạn nói, dựa vào đâu để cấp giấy "chứng nhận Việt kiều", ai được quyền cấp... là cả một mớ bòng bong mà bạn đã nêu ra một vài khía cạnh rối rắm, nan giải. Cũng xin nói thêm : 

- tờ giấy này, tên chính thức của nó là "giấy chứng nhận Việt kiều", nhưng ở trong nước, người ta vẫn gọi nó là "giấy huyết thống" (đây không phải của chúng tôi).. Nghe dễ sợ, nhưng cũng có nguyên uỷ của nó : xuất phát từ chủ trương "cởi mở", nhà nước coi là "Việt kiều" cả những người nước ngoài có vợ hay chồng là "Việt Nam" hay "Việt Kiều" và con cháu của họ. "Giấy huyết thống" này cần thiết đối với người nước ngoài, hay một người mẹ Việt, cha ngoại quốc, mang họ cha, hay một người Việt làm con nuôi người nước ngoài, mang tên cha mẹ nuôi. Nhưng trên thực tế, nhiều cơ quan đòi giấy này ngay đối với những người mà giấy tờ tuỳ thân mang tên họ Việt Nam, sinh quán Việt Nam. 

- cách đây mấy năm, giấy này được sử dụng khi đi mua vé xe lửa hay máy bay (để hưởng giá "quốc nội"), ngày nay cần thiết để làm thủ tục mua nhà (tuy hiện nay, khả năng này chỉ dành cho 4 "loại" Việt kiều "có bằng yêu nước", và cũng khá trần ai : một độc giả Diễn Đàn ở một thành phố miền Trung thuộc diện "được phép" mua nhà, bị đòi "giấy huyết thống", vào TP. Hồ Chí Minh, xin của Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài của TP HCM được tờ giấy này, về tỉnh nhà được trả lời "đó là giấy của một địa phương (Sè Goòng), không có giá trị".

- nếu chuyện "Việt kiều về nước không cần visa" được thực hiện, thì như bạn nói, có khi xin "giấy chứng nhận Việt kiều" lại phức tạp hơn là "visa". Bởi vì khi "tâm địa" chưa trong sáng, pháp lí không minh bạch, bộ máy quá tham nhũng, thì nó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự buôn bán, hạch sách. Và chắc chắn nó sẽ phản tác dụng, mặc dầu sự "cởi mở" có thể là thực tâm trong một bộ phận chính quyền.

P.Q.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss