Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Trước ngưỡng cửa đại học

Trước ngưỡng cửa đại học

- Bùi Trân Phượng — published 18/03/2013 09:00, cập nhật lần cuối 18/03/2013 13:43
Hiệu trưởng Trường đại học nói với sinh viên



Trước ngưỡng cửa đại học


Bùi Trân Phượng


Bạn 18, 20 tuổi và vừa trúng tuyển vào một ngành học của Đại học Hoa Sen. Chúc mừng bạn, năm đầu đại học! Chúc mừng bạn trước ngưỡng cửa trường, một mùa khai giảng như chưa từng có trước đây, một năm học mới đánh dấu trưởng thành!

Học ở đại học, khác gì với hơn 12 năm học phổ thông mà bạn từng quen? Học ở Hoa Sen, có cái gì đặc thù, thú vị? Cái gì thách thức, tự hào? Cái gì phải thay đổi trong thói quen thâm căn cố đế? Cái gì hào hứng tự làm mới mình? Cái gì… không biết vượt qua nổi hay không?


Sống tử tế


Sống tử tế, đáng lẽ là kết quả đã phải đạt được vững chắc từ giáo dục của gia đình và trường phổ thông, trước khi bạn vào đại học. Buồn thay, ở Việt Nam thực tế không đương nhiên là như vậy.

Tôi ở trong nghề giáo dục – hiểu theo nghĩa sống bằng lương giáo viên – đến nay tròn nửa thế kỷ, trong đó chỉ 3 năm là trước 1975. Qua 17 năm công tác tại một đại học công lập lớn của Thành phố, lại là nơi đào tạo giáo viên, từng là cán bộ Đoàn, tham gia quản lý Khoa, Bộ môn, tôi có lần “tổng kết” với đồng nghiệp: “Mình đã phải đối mặt không thiếu một tình huống nào trong sinh viên, từ trộm cắp đến hiếp dâm, hoang thai, chỉ mỗi giết người là chưa bị gặp.” Vậy mà, thời đó, vi phạm đạo đức so với bây giờ nào có nghĩa gì; vì thường là trường hợp cá biệt, có khi chỉ do túng thiếu mà trộm vặt kí lô đường, cái áo bạn mới may chưa kịp mặc Tết… Thầy cô phải cân lên nhắc xuống, không nhân nhượng vì sinh viên đang học để thành thầy cô giáo, nhưng ráng hiểu hoàn cảnh đưa đến sai lầm, rồi cả thầy cô cũng phải xót xa khi mình chưa thấu đáo nên lỡ phạt oan, cũng phải “trả giá” khi “chống tiêu cực” rồi bị phản ứng trả thù. Thời ấy hình như… đã xa, khi thông tin trên báo giấy và báo mạng nhan nhản chuyện đau lòng như cơm bữa về bạo lực học đường, suy thoái đạo đức nghiêm trọng cả trong và ngoài trường học. Khi trung thực, lương thiện mới bị coi là “cá biệt” và do đó, thiếu tự tin để khẳng định mình, nơm nớp lo bị thiệt thòi, cười chê, trừng phạt.

Hơn 20 năm cùng đồng nghiệp Hoa Sen kiên trì giữ nền nếp nhà trường trong sạch, không chấp nhận gian lận thi cử trong sinh viên, hơn một lần tôi nghe các bạn phân bua: “Thưa cô, nhưng khắp nơi người ta…” Một bạn lớp trưởng bị tôi mời lên hỏi về việc lộ đề kiểm tra giữa học kỳ, thiệt tình ngơ ngác: “Nhưng, thưa cô, em biết được đề thì đã thông tin cho cả lớp chứ đâu giữ một mình! Suốt thời gian học phổ thông, em làm lớp trưởng từng làm vậy hoài mà!” Cùng với Khoa, Phòng Đào tạo, chúng tôi tốn nhiều công sức, thời giờ, mà không biết được bao nhiêu bạn trong lớp đó thực sự hiểu vì sao lớp trưởng bị “cách chức” ngay tức khắc, đề thi cuối học kỳ được đổi và lớp có làm kiến nghị nhiều chữ ký mà kết quả hơn hai phần ba dưới trung bình bài thi cuối học kỳ vẫn không thay đổi, do các bạn dù được cảnh báo vẫn khăng khăng học lệch, theo “trọng tâm” đã được thầy “giới hạn”. Nhưng thầy giáo thỉnh giảng môn học đó chắc hiểu vì sao thầy vĩnh viễn không còn cộng tác được với trường. Vậy thì, bạn ơi, sống tử tế, trước hết, là liêm chính, thật thà, không gian dối. Dẫu “hồi đó tới giờ”, dẫu “ngoài đời” ra sao đi nữa, thì ở đây, tại Đại học Hoa Sen, chúng ta sống tử tế. Với kỳ vọng sau này, vào đời lập nghiệp, bạn cảm thấy mình không thể, hay ít nhứt, khó có thể sống khác hơn.

Tất nhiên, sống tử tế còn có nhiều nội hàm khác. Thầy trò, đồng nghiệp Hoa Sen chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục nghĩ, bàn và thực hiện trong suốt năm học này và vài ba năm học tới, với mong muốn củng cố tự tin cho người xưa nay vốn sống lương thiện, và tiếp sức “lội ngược dòng” cho những ai từng bị cám dỗ bởi suy thoái chung.


Học đàng hoàng


Đây cũng là nền nếp lẽ ra phải đã có từ trước khi vào đại học. Nhưng “cái học ngày nay đã hỏng rồi” là một thực trạng không còn ai chối cãi; và nó hỏng tới mức chẳng những tác giả lời than đó vào nửa sau thế kỷ 19 mà bất kỳ ai không hàng ngày lặn hụp trong thực tế giáo dục Việt Nam như thầy trò chúng ta thì không thể nào hình dung nổi.

Nhưng vì các bạn vốn là người trong cuộc, trải nghiệm tôi chia sẻ ở đây chắc không làm các bạn quá ngạc nhiên. Gần đây, chúng tôi bắt đầu thảo luận với một nhóm sinh viên tích cực, với mong mỏi các bạn đó sẽ là nòng cốt trong cuộc vận động sâu rộng mà Đại học Hoa Sen chuẩn bị triển khai trong năm học mới 2012-2013: “Phòng tránh và chống đạo văn”. Một câu hỏi bất ngờ: “Nếu tác giả cho phép em sử dụng bài của mình mà không dẫn nguồn, thì em có bị coi là đạo văn không?” “Sao lại có trường hợp đó?”, thầy hướng dẫn hỏi lại. “Ở trường phổ thông, cô giáo em luôn bắt học thuộc bài mẫu cô làm cho tụi em để đi thi, kể cả thi học sinh giỏi; đó là cô cho phép mà!” Một sinh viên Hoa Sen sang Phần Lan học một học kỳ trong khuôn khổ trao đổi sinh viên kể lại bên cạnh nhiều điều kỳ thú một kinh nghiệm đáng suy gẫm: lần đầu trong đời bạn bị điểm 1, vì bạn đã theo thói quen từ trước tới nay thản nhiên sử dụng tài liệu từ Internet mà không dẫn nguồn. Chúng tôi biết rất nhiều bạn sinh viên không hiểu “đạo” nghĩa là “ăn cắp”, không hiểu chính xác như thế nào thì bị coi là đạo văn ở bất kỳ trường học bình thường nào ngoài đất nước ta, không cần phải là trường đại học. Cho nên, thay vì chỉ là lớp hướng dẫn tự nguyện như các năm trước, cuộc vận động năm nay trước hết sẽ là huấn luyện bắt buộc để cả thầy và trò đều được hiểu minh bạch, cặn kẽ thế nào là quyền sở hữu trí tuệ, thế nào là các nguyên tắc và quy phạm trích dẫn, v.v… để không còn ai “ăn cắp chỉ vì thiếu hiểu biết.”

Còn lại, học đàng hoàng thật ra đòi hỏi cả thầy và trò thay đổi nhiều thói quen ăn sâu. Nếu trước giờ bạn quen học thuộc lòng và nói lại, viết lại những gì mình đã được nghe giảng – hay được cho phép, thậm chí bị bắt buộc dùng lại ý, câu, bài viết, bài tập mẫu, không chỉ là bài văn mà trong hầu hết các môn, kể cả Toán, Lý, Hóa – và chỉ cần “tái hiện” theo mẫu, “đoán đúng” đáp án đã được coi là “học tốt”, thì từ nay, bạn phải thay đổi. Chúng tôi mong bạn sẽ học thiệt, học đúng nghĩa, tức là tìm hiểu tri thức mới, không chỉ từ lời giảng của thầy mà từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau để thực sự mở rộng hiểu biết, suy nghĩ, phân tích, lý giải, chứng minh, lập luận, kể cả đặt giả thuyết, tưởng tượng cái ngoài khuôn khổ thông thường, để tư duy và sáng tạo. Học, đọc sách, thuyết trình, thảo luận bằng trí suy nghĩ của mình, viết bằng ý tưởng và câu chữ, lập luận của mình, học để biết thêm cái mình chưa biết, để nghĩ có thể khác với điều mình từng nghĩ trước đây. Bạn sẽ học không chỉ ở giảng đường khi có mặt thầy, mà cả một mình trong thư viện, hay trong nhóm sinh viên, học khi đi du khảo, tham quan, thực hành, thực tập, xử lý tình huống thực tế tại doanh nghiệp hay trong hoạt động phục vụ cộng đồng, học khi giao tiếp trong và ngoài lớp học, làm việc nhóm với bạn hay tại nơi thực tập, với nhiều trải nghiệm đa dạng qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa. Học là luôn luôn quan sát, suy nghĩ, có thái độ, có chính kiến riêng, có đủ bản lĩnh bảo vệ chân lý và lẽ phải, đủ hiểu biết và khoan dung để lắng nghe, tôn trọng ý kiến khác ý mình, để không ngừng truy tìm chân lý mới, luôn nồng nhiệt dấn thân, mà tỉnh táo, lý trí. Học đàng hoàng, trước hết, là tự học; học với thầy, với bạn và cả tự mình, không lệ thuộc vào thầy, dựa dẫm vào bạn, càng không phải là sao chép mà không cần suy nghĩ, dù chép từ sách, từ thầy hay từ Internet.


Kết nối năm châu


Đây là đặc điểm nổi bật nhất khi bạn đã chọn Đại học Hoa Sen. Từ khi thành lập trường Hoa Sen, lúc đó chưa phải là đại học, chúng tôi đã dứt khoát từ chối cách suy nghĩ “Việt Nam là ngoại lệ”. Thay vì “trường quốc tế”, chúng tôi luôn tâm niệm xây dựng một trường Việt Nam được cộng đồng giáo dục quốc tế công nhận ngang hàng, hợp tác bình đẳng. Thay vì “chất lượng cao” hay “đẳng cấp” này nọ, chúng tôi quan niệm chuẩn mực chỉ có thể là quốc tế, là phổ quát. Trường đại học thực sự đạt chuẩn mực khi nó là trường đại học đúng nghĩa, như đại học đang vận hành phổ quát trên thế giới, bất kể khác biệt, đặc thù về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa.

Kết nối năm châu là sứ mạng xưa nay của mọi trường đại học đúng nghĩa, từ khi đại học hiện đại ra đời ở châu Âu; không phải chỉ vì toàn cầu hóa; mặc dù toàn cầu hóa tạo ra vô số cơ hội và không ít thách thức mới cho việc thực thi sứ mạng đại học. Đối với nền giáo dục đại học vừa sinh sau đẻ muộn vừa là nạn nhân của lỗi hệ thống như ở Việt Nam, kết nối năm châu có thêm ý nghĩa vừa của phao cứu sinh vừa của lửa thử vàng.

Quốc tế hóa đại học đang là chủ đề nóng bỏng của nhiều hội thảo về giáo dục đại học trên thế giới. Nội hàm của khái niệm này rộng và đa dạng. Dù còn nhiều tranh luận, nhưng không ai có thể chấp nhận quốc tế hóa đơn giản chỉ là “chạy” thêm từ “quốc tế” để gắn vô tên trường, hay chỉ là dạy 1, 2 năm ở Việt Nam rồi đưa SV đi học tiếp, lấy bằng ở một đại học nước khác. Mong muốn của ĐH Hoa Sen, trong tiến trình lâu dài quốc tế hóa đại học mình, là xây dựng một trường đại học Việt Nam không là ngoại lệ, một trường đại học đúng nghĩa nơi giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu từ bất cứ quốc gia nào có thể đến làm việc bình thường, thoải mái, hiệu quả như ở nước họ; sinh viên thuộc bất cứ quốc tịch nào có thể đến học tập, nghiên cứu, thực tập và có nhiều trải nghiệm bổ ích như kỳ vọng của họ khi đi ra quốc tế; vì trường đại học Việt Nam mang tên Hoa Sen xứng đáng là môi trường đại học quốc tế đối với họ.

Trong thập niên đầu của lịch sử đại học còn non trẻ của mình, chúng ta hãy hoàn thành cho được mục tiêu kết nối với quốc tế (being internationally connected). Có nghĩa là, tuy môi trường của toàn trường chưa hoàn toàn được như viễn cảnh tôi vừa vẽ ra – chẳng hạn, các bạn còn học nhiều môn bằng tiếng Việt, làm sao thầy giáo và bạn bè quốc tế có thể đến dạy, học thoải mái? – thì ít nhứt, chứng ta cũng có nhiều điểm kết nối, nhiều cơ hội cho một số (nay còn ít, nhưng sẽ ngày càng đông hơn) giáo sư, giảng viên quốc tế đến làm việc, dạy học ở trường; cho ngày càng đông bạn bè SV quốc tế đến cùng học với các bạn, ngày càng đông SV từ Hoa Sen được trải nghiệm học tập, thực tập, làm việc trong môi trường quốc tế tại Việt Nam và nước khác. Kết nối quốc tế cũng là tổ chức hội thảo khoa học tại trường mình có thành viên tham dự đến từ quốc tế, là đưa giảng viên trường mình đi dạy học, dự hội thảo, sinh hoạt học thuật quốc tế; là xây dựng những nhóm nghiên cứu xuyên quốc gia, phát hành những ấn bản khoa học đến được với cộng đồng đại học quốc tế, …

Để làm được những việc đó, trước hết, tất nhiên các bạn phải tự nâng cao trình độ tiếng Anh, chủ động tham gia các môn học, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (mỗi năm sẽ gia tăng ngay trong hệ chính quy lấy bằng quốc gia Việt Nam) để nắm lấy những cơ hội dành cho mình. Nhưng giao tiếp liên văn hóa không dừng ở năng lực ngôn ngữ. Quan trọng hơn, các bạn cần biết quan sát, với sự thích thú, khoan dung và cởi mở, những tương đồng và khác biệt văn hóa giữa mình và thầy cô, bạn bè từ quốc tế hay từng có trải nghiệm quốc tế. Bạn cần tự tìm hiểu sâu và vững chắc hơn về căn tính văn hóa Việt đã biến thiên suốt chiều dài lịch sử, để có thể sẻ chia, học hỏi với sự tự trọng, tự tin và khát khao không ngừng hoàn thiện bản thân, mở rộng tình thân ái với bạn trẻ năm châu bốn biển.

 Bạn cần sống tử tế, thì mới có thể học đàng hoàng. Và có đàng hoàng tử tế, thì mới tự tin kết nối với năm châu, làm cho bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng mình và qua đó, gia tăng thiện cảm với trường Hoa Sen và đất nước Việt Nam. Đó cũng là cách tốt nhứt để bạn tự chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp của mình; vì các nhà tuyển dụng luôn căn dặn: “Sự nghiệp bền vững dành cho người không chỉ là nhân viên chuyên nghiệp, hiệu quả, mà còn là công dân toàn cầu có trách nhiệm.”

Chúc bạn bước vào ngưỡng cửa Đại học Hoa Sen với rất nhiều ước mơ đẹp và nhiều nghị lực, hứng khởi, sáng tạo để thực hiện ước mơ, hoài bão của chính mình!

Bùi Trân Phượng


Nguồn : http://www.hoasen.edu.vn/vi/541/ban-tin-hoa-sen/ban-tin-082012

Bản nhận được từ tác giả (hiệu trưởng Trường đại học HOA SEN).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss