Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tự Do & Báo Chí

Tự Do & Báo Chí

- Huy Đức — published 20/05/2008 07:50, cập nhật lần cuối 20/05/2008 07:50
<<Trừ một số sự kiện chính có họp báo như bắt giam, khởi tố bị can, phần lớn các thông tin về vụ PMU thường được công an “rỉ tai” cho nhà báo. Những nhà báo có thâm niên viết nội chính như Nguyễn Việt Chiến thì nguồn tin có thể đến thẳng từ Tướng Ngọ, Tướng Quắc. Những nhà báo khác thường phải lấy tin ở các quán cà phê, do một số người từ cơ quan điều tra “tiết lộ”. Để tránh bị nhà báo ghi âm, các “nguồn tin” dạng này thường cho các phóng viên đọc thông tin ghi trong một cuốn sổ, được dàn dựng sao cho tạo được cảm giác tin cậy như là sổ tay công tác. Phóng viên nào đưa tin đúng như công an muốn, hôm sau sẽ được ưu tiên. Phóng viên nào tỏ ra khách quan, có thể sẽ không bao giờ nhận được nhiều thông tin hấp dẫn.>>


Tự Do & Báo Chí
(Vụ 2 nhà báo bị bắt)

Huy Đức

Tôi không thể hình dung, nếu vụ án tiếp tục, Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến sẽ bị buộc tội dựa trên lý lẽ nào. Cho dù, cũng nên chuẩn bị tinh thần để đón nhận những điều không vui vẻ. Bộ Luật Hình Sự đang chứa đựng rất nhiều “thòng lọng” và qua chứng kiến hàng trăm phiên tòa, tôi hiểu, chứng cứ đôi khi đóng một vai trò nhỏ nhoi so với “ý chí” của những người “làm án”.

Không có gì phải ngạc nhiên khi loạt bài đòi thả tự do cho hai nhà báo bị chặn lại. Cũng không nên bất ngờ trước việc báo Tuổi Trẻ bị “thổi còi” khi cho dịch tư liệu về một số vụ án báo chí ở Mỹ và Châu Âu. Những tư liệu có thể ảnh hưởng đến nhận thức về quyền tự do ngôn luận (xem Bài 1 và lời Cáo lỗi). Người Mỹ đã đòi tự do trước cả khi đòi được độc lập cho mình. Năm 1735, khi nước Mỹ đang là thuộc địa, Zenger bị buộc tội phỉ báng Thống đốc New York vì xuất bản những thông tin được coi là “sai trái”. Nhưng luật sư của Zenger, ông Hamilton đã yêu cầu bồi thẩm đoàn bỏ qua những “tiểu tiết” đó, vì “đây không phải là một vụ kiện mang tính cá nhân”. ông nhấn mạnh: “Đây là vụ kiện của sự tự do”. Quyền tự do chỉ trích chính phủ của người dân quan trọng đến nỗi không thể vì một vài sai sót mà toà có thể đưa ra những phán quyết ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.

Nguyên tắc này được người Mỹ và các nước dân chủ thiết lập và áp dụng với nhiều quan điểm giống nhau, trong trường hợp báo chí chỉ trích các viên chức của chính quyền và, về sau, áp dụng với cả những người của công chúng. Các nhà lãnh đạo của các nước dân chủ không phải là không khó chịu với những lời chỉ trích. Nhưng, họ ý thức được rằng, nếu như quyền lực nhà nước không được chế ước, nhất là bởi quyền tự do chỉ trích của người dân, thì quyền lực sẽ nhanh chóng làm cho nhà nước dễ dàng tha hoá.

Quyền “tự do ngôn luận” mà Hồ Chí Minh đưa vào Hiến Pháp Việt Nam không thể không được hiểu theo nguyên tắc ấy. Những bài báo của Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, dù sai, cũng không thể khép vào hình sự. Tuy nhiên, dựa trên những thông tin mà Osin có cho tới bây giờ, cũng cần phải phân tích để có thể hiểu thêm về bản chất của những gì diễn ra với báo chí.

Trừ một số sự kiện chính có họp báo như bắt giam, khởi tố bị can, phần lớn các thông tin về vụ PMU thường được công an “rỉ tai” cho nhà báo. Những nhà báo có thâm niên viết nội chính như Nguyễn Việt Chiến thì nguồn tin có thể đến thẳng từ Tướng Ngọ, Tướng Quắc. Những nhà báo khác thường phải lấy tin ở các quán cà phê, do một số người từ cơ quan điều tra “tiết lộ”. Để tránh bị nhà báo ghi âm, các “nguồn tin” dạng này thường cho các phóng viên đọc thông tin ghi trong một cuốn sổ, được dàn dựng sao cho tạo được cảm giác tin cậy như là sổ tay công tác. Phóng viên nào đưa tin đúng như công an muốn, hôm sau sẽ được ưu tiên. Phóng viên nào tỏ ra khách quan, có thể sẽ không bao giờ nhận được nhiều thông tin hấp dẫn.

Từ những cuộc tiếp xúc như vậy, mà hàng loạt các “phóng sự điều tra” về vụ PMU 18 ra đời: Nguyễn Việt Tiến rửa ghế bằng cách đãi các thuộc cấp thứ bia đã tắm qua người đẹp; Nguyễn Viết Tiến sàm sỡ với một cô gái ở quán phở lại còn tát phó công an Quận nên bị giam tới nửa đêm ; Nguyễn Viết Tiến được hiến bồ từ đàn em Bùi Tiến Dũng… Không phải là những chứng cứ tham nhũng, chính những thông tin mô tả nhân cách, đã tạo áp lực dữ dội để đưa ông Tiến vào tù. Hôm qua (18-5), một vị giáo sư khả kính nói với tôi : “Chỉ riêng việc bao một cô bồ nhí từ khi cô ấy 16 cho tới năm cô ấy 23 đã đủ để bỏ tù ông Tiến”. Không chỉ có vị giáo sư ấy nghĩ về ông Tiến như vậy, qua những gì được đăng trên báo, dân chúng cũng đã nghĩ về ông như là một ông trùm chỉ biết ăn chơi. Các bloggers khi comment phản đối Osin cũng dùng những thông tin về ông Tiến đã từng đăng báo. Nhiều bloggers tuyên bố rằng họ không thể nào tin Nguyễn Việt Tiến vô tội. Tôi chưa bao giờ gặp ông Tiến. Có thể tôi cũng không tin ông Tiến liêm khiết hoàn toàn. Nhưng, có lẽ chúng ta cũng phải chấp nhận, những câu chuyện mô tả ông Tiến như một người xấu xa, giờ đây, không có một bằng chứng nào để chứng minh đó là sự thật.

Ngày 9-11-2006, Tòa án quận Đống Đa đã buộc một tờ báo mạng phải xin lỗi nhà hàng Phố Núi vì đã đưa tin sai sự thật có liên quan đến vụ PMU và tờ báo này đã phải “hỗ trợ” nhà hàng 120 triệu. Không rõ Nguyễn Việt Tiến rồi có kiện các báo hay không, nhưng, rõ ràng, kiện đòi bồi thường dân sự mới là “chế tài” thích hợp cho những bài báo được viết sai mà không phải do các phóng viên bịa đặt.

Nếu, thay vì khởi tố bắt giam các nhà báo, các cơ quan tố tụng tạo niềm tin cho những người như ông Tiến khởi kiện dân sự thì dân chúng sẽ được chuẩn bị tâm lý dần dần. Thông qua các trình tự tố tụng dân sự, dân chúng cũng sẽ hiểu bản chất của vụ PMU và đánh giá lại độ tin cậy của những thông tin mà họ đã bị “mặc định” khi công an phối hợp với truyền thông trong những ngày “làm án”. Uy tín của truyền thông chắc chắn sẽ bị tổn thất nhưng bài học mà giới báo chí qua đó thu lượm được cũng sẽ vô cùng quý giá. Những người chủ mưu trong việc cung cấp các thông tin sai lệch cho báo giới cũng qua đó mà lộ ra.

Tôi không phải là người làm án để định tội những kẻ cung cấp thông tin sai lệch cho nhà báo. Nhưng đừng coi những hành vi như vậy là thân thiện với báo giới. Tôi là phóng viên nội chính nhiều năm, biết rõ những con người vô tội, chỉ vì báo chí bắt tay với công an, đã trở thành nạn nhân không thoát khỏi tù tội và những điều nhục mạ. Một khi công an đi cùng báo chí, hai thế lực mạnh nhất hợp sức, thì sẽ đe doạ an ninh của người dân. Chưa có một quốc gia nào mà cơ quan có quyền bắt người, đồng thời lại nắm trong tay rất nhiều tờ báo. Làm sao mà tòa án có thể độc lập để xem xét một người có tội hay không khi người đó vừa mới bị công an còng là lập tức báo chí, gọi họ là tội phạm.

Trong blog của một người có tên trong friend list có post lại một entry rất hay của vợ nhà báo Nguyễn Văn Hải. Báo chí và các bloggers đều đứng về phía nhà báo này kể từ khi anh bị bắt. Hải xứng đáng được như vậy và tôi có comment: “Như thế là hạnh phúc”. Phải ở trong địa vị của những người vợ có chồng bị bắt mới thấy, trong hoàn cảnh ấy, nếu dư luận công minh, đứng bên cạnh động viên, thì sợ hãi sẽ vơi đi biết mấy. Phải ở trong hoàn cảnh ấy thì mới thấy, những người vợ khác cũng khát khao được động viên như vợ của các phóng viên. Nên nhớ, một khi đã bị “còng” thì Nguyễn Văn Hải hay Nguyễn Việt Tiến cũng đều bị công an coi là “tội phạm”. Đã tra tay vào còng, thì bộ trưởng hay nhà báo cũng đều trở thành kẻ yếu. Đừng ảo tưởng về vai trò chống tham nhũng của báo chí khi sử dụng những tư liệu từ công an đưa ra. Nhiều đồng nghiệp cho đến này vẫn còn giữ rất nhiều tư liệu về nhiều nạn nhân của sự kết hợp giữa công an và báo chí.

Cách mà chính quyền lựa chọn để bắt đầu vụ án, tuy đã đưa hai nhà báo vào tù. Nhưng, với những người làm nghề này, uy tín còn quan trọng và lâu dài hơn những khó khăn mà họ đang đối mặt. Họ đã vào tù như những nhà báo chân chính, như những người hùng. Cả Tướng Phạm Xuân Quắc và thuộc cấp của ông cũng đã “tham gia tố tụng” trong “hào quang” như vậy. Xét về mọi phương diện, cách mà báo chí bị “hình sự hóa” rồi sau đó bị “bịt miệng” nửa chừng, về căn bản là mang lại thuận lợi hơn cho báo chí.

Nhưng, đó không phải là một thắng lợi mà đất nước này cần.

HUY ĐỨC

19.05.2008


nguồnOsin's Blog

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us