Từ một vụ mất sách
Từ một vụ mất sách
PHẠM HOÀNG QUÂN
TTCT - Sự nhiêu khê khi muốn đọc sách ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN) đã khiến gần mười năm rồi tôi quên luôn ở Việt Nam có kho sách cổ nơi này.
Sự nhiêu khê khi muốn đọc sách
ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN)
đã khiến gần mười năm rồi
tôi quên luôn ở Việt Nam có kho
sách cổ nơi này. Chợt dư luận
ồn ào, những thông tin hồi tuần
qua về vụ kho sách cổ ở VHN bị
mất 25 cuốn, gây thắc mắc nhiều
hơn sự tiếc rẻ.
Một trang trong sách “Càn
khôn
nhất lãm” của Phạm Đình
Hổ, có dấu Hoàng Xuân Hãn,
hiện lưu ở Viện Nghiên cứu Hán
Nôm. Ký hiệu VHv.1360
[ảnh chụp từ
sách “Một số tư liệu Hán
Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường
Sa…”,
NXB Khoa học xã hội, 2014].
Ảnh: tư liệu của Phạm Hoàng Quân
Ngày trước là bản tin cho biết sách đã mất từ hồi tháng 7-2022, nay mới công bố; ngày sau là tin cho biết viện trưởng nói tìm được một cuốn (Nam Quốc địa dư chí), do ghi nhầm mã số rồi xếp lộn kệ gì đó.
Một kho tàng văn hiến quốc gia được bảo quản nghiêm mật, nói mất là mất; một cơ quan quản lý thư viện đặc biệt quan trọng, ứng dụng khoa học thư mục ra sao mà nói kiểm kê ghi lộn ký hiệu!
Trong vài thư viện lớn ở thủ đô có cất giữ sách Hán Nôm (Thư viện Viện Sử học, Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Quốc gia, Thư viện Đại học chuyên ngành…) thì kho sách cổ ở VHN là nơi nhiều nhứt, sách quý hiếm cũng nhiều nhứt.
Phát ngôn của lãnh đạo viện này cho thấy đây là nơi bảo tồn những tài liệu lịch sử đặc biệt quan trọng, gồm nhiều sách cổ liên quan đến nghiên cứu lịch sử chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà công tác bảo quản đặc biệt nghiêm ngặt.
Nghiêm ngặt cỡ nào?
Nói đến sự nghiêm ngặt áp dụng trên loại sách đặc biệt, xin kể lại một chuyện của bản thân khi tìm đọc sách cổ ở Viện hàn lâm Khoa học xã hội (VHL).
Mùa đông năm 2014, do nhận việc hiệu đính sách Tư liệu Hán Nôm liên quan đến Biển Đông, tôi phải ra Hà Nội để đọc trực tiếp bản giấy những sách cổ liên quan. Vì một vài lý do, tôi không đến đọc ở VHN (đường Đặng Tiến Đông) mà ngồi ở phòng đọc tại trụ sở VHL (đường Liễu Giai).
Trước tiên, tôi phải viết tay tổng danh mục sách cần đọc, gởi lãnh đạo VHL ký duyệt, kế đó phải viết tay số sách dự trù đọc trong ngày để báo với VHN.
Sáng mỗi ngày, viện phó kiêm quản thủ kho sách cổ VHN đưa sách đến phòng đọc ở VHL, cùng đi là một cán bộ trẻ, sau thủ tục giao nhận, viện phó ra về, anh cán bộ trẻ của VHN ngồi với tôi đến chiều để mang sách trả.
Phòng đọc riêng, chỉ hai người, tôi thì coi sách, còn anh kia thì coi tôi, thủ sẵn máy chụp hình trong túi mà theo lệ lại không được chớp nhá, nên gặp bản đồ hay, đành phải lúi húi vẽ lại, mất thì giờ ghê luôn.
Qua chuyện này, có thể thấy việc quản lý sách chặt chẽ đến mức nào, nhưng thiệt ra thì trong mớ sách tôi đọc hồi đợt ấy, đặc biệt quý hiếm chỉ vài cuốn, còn đa số cũng thường thường, không hiểu sao đều bị liệt chung vô hàng đặc biệt khó tiếp cận, nghĩ cũng oan cho sách, mà thiệt cho người muốn đọc nữa.
Cái gì là quan trọng?
Theo thống kê năm 1993 trong cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam Thư mục đề yếu thì kho sách Hán Nôm thuộc VHN cất giữ hơn 5.000 tựa sách (cộng hơn 16.000 cuốn), trong đó có khoảng 2.500 tựa về lĩnh vực văn học (nhiều nhứt), 1.000 tựa về sử học, 300 tựa về địa lý…, và chỉ khoảng 40 tựa liên quan đến lĩnh vực quân sự, chừng 20 tựa liên quan đến các lĩnh vực kiến trúc, nông nghiệp, tiểu thủ công (ít nhứt).
Xếp vô hàng sách "nhạy cảm" vì liên quan đến lịch sử cương vực quốc gia là một số sách lịch sử địa dư (trong số 1.000 tựa) và khoảng 100 tựa sách địa lý có vẽ bản đồ (trong số 300 tựa).
Nhớ hồi năm 2004, tôi lò mò vô VHN xin sao chụp một số sách, ghi phiếu yêu cầu mười mấy cuốn, cán bộ quản lý nói mỗi ngày chỉ được sao chụp hoặc đọc tại chỗ 5 tựa, vậy phải chia ra ba ngày tới lui.
Ngày đầu ghi phiếu 5 cuốn văn chương câu đối linh tinh, ngày cuối ghi phiếu 4 tựa văn chương gài vô cuốn Đại Nam quốc cương giới vựng biên. Nhưng trong lúc đang sao chụp ngon ơ thì có lịnh lãnh đạo viện kêu rút cuốn Cương giới vựng biên lại, không được sao đọc gì cả. Buồn!
Bẵng đi hơn 10 năm, tôi gặp thông tin trên mạng nói có một luận văn thạc sĩ khảo cứu phân tích sách Đại Nam quốc cương giới vựng biên, không phải ở Việt Nam, mà ở Đại học Dân tộc Quảng Tây bên Tàu, lại buồn nữa!
Cậy cục rồi cũng kiếm được bản luận văn "越 南阮朝大南国疆界汇编考析" (Việt Nam Nguyễn triều "Đại Nam quốc cương giới hối biên" khảo tích) để đọc.
Nghiên cứu này căn cứ trên bản gốc lưu trữ ở Thư viện Hiệp hội châu Á (Société Asiatique, Paris. Ký hiệu H.M.2133), sách đủ 7 quyển, có kèm địa đồ các tỉnh và "Đại Nam quốc tổng đồ", có thể nói là bản toàn vẹn nhứt.
Nói thêm, sách này vốn soạn xong năm 1887, chỉ có một số bản chép tay, có bản ghi tựa là Vựng biên, có bản ghi Hối biên, hầu hết các bản hiện ở VHN bị thiếu quyển và địa đồ, một bản thấy Thư mục đề yếu ghi có bản đồ thì lại thiếu mấy quyển.
Trong số các sách "nhạy cảm", có thể nói Cương giới vựng biên phải xếp hàng đầu, do nó là chuyên thư về cương giới, lại do vua Đồng Khánh chỉ đạo biên soạn.
Tác giả luận văn người Trung Quốc Liêu Mỹ Ny đã nghiên cứu toàn diện nội dung, từ cương vực tổng thể, khu vực hành chánh, biên giới quốc gia, hải khẩu, phân bố các dân tộc thiểu số… cho đến thủ pháp vẽ địa đồ, chỗ chỗ tường tế, công trình tuy có sai nhiều địa danh chữ Nôm cùng một số vị trí địa lý, nhưng luận văn thạc sĩ cỡ này, ngẫm tiến sĩ cùng lãnh vực bên ta e phải xách dép.
Tìm hiểu thêm, thì thấy thông tin giáo sư Vương Bá Trung, người hướng dẫn luận văn của Liêu Mỹ Ny (tháng 5-2014), đã làm xong công trình "越 南阮朝大南国疆界汇编校释研究" (Việt Nam Nguyễn triều "Đại Nam quốc cương giới hối biên" Hiệu thích nghiên cứu) [Hạng mục Quỹ Khoa học xã hội quốc gia Trung Quốc, 2016], nghe nói chuyên sâu hơn về văn bản học (hiện tôi chưa kiếm được để coi).
Từ một nguồn khác, tôi lại nghe đâu Đại học Quảng Tây đang chuyển sang chữ giản thể nội dung sách này và sẽ cho lưu hành bản điện tử để các nhà tra cứu tiện lợi.
Ở ta, năm 2020, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành bản dịch Đại Nam quốc cương giới vựng biên, trụi lủi không kèm bản gốc chữ Hán, bản dịch thì sai tùm lum và dịch giả nói là "sách không có bản đồ", trong khi Di sản Hán Nôm Thư mục đề yếu (1993) ghi là có một bản hiện còn địa đồ.
Cắc cớ ở chỗ tôi lại thấy một trang web tư nhân bên Trung Quốc đăng bức "Đại Nam tổng đồ" trong bộ sách nói trên. Địa đồ này tuy không thể phóng to để phân tích nghiên cứu, nhưng nhờ đó cũng biết được tổng thể (xem hình).
Qua đây thấy rằng, dù sách cổ đặc biệt quan trọng cỡ nào thì ngoài VHN, những thư viện ở Pháp, Nhật, Trung Quốc… cũng lưu trữ ít nhiều, và người ta thì đặt mục tiêu phục vụ học thuật cao hơn hết.
Văn hóa ở đâu?
Nói bảo quản nghiêm ngặt thì cũng đã áp dụng mấy chục năm qua, còn như cho rằng sách đặc biệt "nhạy cảm", liệu có giấu mãi được? Những người cố thủ kho sách Hán Nôm bấy lâu nay dường như đang lấy cớ bảo toàn quyền lợi đất nước để trục lợi, không khác mấy bà bán khoai bán bún chặt chém bị báo chí vừa qua nêu tên.
Đại Nam Quốc tổng đồ [tiêu
đề rách mất 3 chữ, còn 2 chữ
Đại Nam],
đăng trên một trang web tư
nhân Trung Quốc. Ảnh: Tư liệu của
Phạm Hoàng Quân
Để có một trang sách Hán Nôm thuộc loại thông thường phải mất từ 5.000 - 15.000 đồng, mà nhiều trang chữ lớn như con gà mái.
Tỉ như một tay nho quê mùa nào đó muốn nghiên cứu sự nghiệp trước tác Phạm Đình Hổ chẳng hạn, phải tốn chừng trăm triệu để sao chụp các tác phẩm của ổng, đem về nghiền ngẫm mày mò một hai ba năm, như mà thành được sách độ ba bốn trăm trang, đưa xuất bản được trả cỡ 20 triệu nhuận bút là cùng.
Ngoài việc bóp họng số ít ỏi người nghiên cứu Hán Nôm trong nước, việc đưa tay lấy tiền những học giả nước ngoài nghiên cứu Việt Nam học các loại đến sao chụp cũng rất chướng.
Nó không chỉ làm mất đi tinh thần tao nhã của chữ nghĩa, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vị thế một quốc gia văn hiến lâu đời.
Nếu luật lệ biết dựa vào nền tảng đạo lý, thì phải coi những sách cổ từ đâu mà có. Những sách ấy vốn tiếp thu từ các thư viện công và tư thời Nguyễn, từ Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), những tổ chức văn hóa (như Hội Khai Trí Tiến Đức), rồi những học giả cá nhân (như Hoàng Xuân Hãn), và cả thu thập trong quần chúng.
Có thể thấy đây là những tài sản chung. Khi thuyết phục các nhà có sách cổ hiến tặng, câu cửa miệng của cán bộ viện là "cơ quan này có đủ điều kiện để bảo quản thật tốt, sách này sẽ được chia sẻ, phát huy giá trị...v.v...".
Cho nên về cả lý lẫn tình, lẽ ra bất cứ ai cũng có thể đến VHN nói "tôi muốn đọc những tựa sách như vầy như vầy", và viện chỉ có thể thu lệ phí hợp lý cho việc sao chụp (chừng 1.000 đồng một trang A4 đã hơi nhiều).
Việc dành riêng những sách cổ quý hiếm như một đặc quyền cho thành phần nào đó nhứt thiết phải coi lại.
Trong phong trào chấn hưng văn hóa rồi hộ chiếu văn hóa gì đó mà truyền thông đùng đùng mấy tuần qua, tôi cũng không hiểu lắm, nhưng đồ rằng việc chấn chỉnh và cải tổ cách quản lý sách ở VHN và những cơ quan tương tự là việc làm thể hiện tốt nhất chủ trương đường lối văn hóa.
Nói thiệt tình, sách Hán Nôm hiện nay nên trải chiếu pha trà mời người ta đến đọc, chứ ở đó mà đòi… thu phí!
Hay hơn hết là cho lưu hành bản số hóa, tiết kiệm được tiền mua chiếu mua trà. Xét cho cùng, có cái câu "ăn cắp sách không phải là ăn cắp" là bởi những thành quả tạo ra nơi người đọc và những giá trị khai mở, để đáng công bao thế hệ gom góp giữ gìn kho sách cổ, là một phần cốt yếu biểu trưng cho nền văn hóa dân tộc.
Nói như đùa thì vụ mất sách ở Viện Hán Nôm cũng có cái đáng… mừng. Biết đâu sách ấy đang ở nơi nó sảng khoái, tức chỗ nó được nưng niu gục gặc nghiền ngẫm, ngửi khói xông trầm, đúng với địa vị và chức năng của sách.■
Phạm Hoàng Quân
Nguồn: Tuổi Trẻ cuối tuần 1/1/2023
Các thao tác trên Tài liệu