Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tư Thâu, thời niên thiếu ở quê nhà

Tư Thâu, thời niên thiếu ở quê nhà

- Trần Bảo Định — published 16/11/2019 11:17, cập nhật lần cuối 16/11/2019 11:17
Thời thơ ấu và thiếu niên của Tạ Thu Thâu (1906-1945)



TƯ THÂU, 

THỜI NIÊN THIẾU Ở QUÊ NHÀ



Trần Bảo Định



1.

Tháng năm, nước đục phù sa châu thổ Lấp Vò.

– Má ơi ! Rạch nước ương rồi đó !

Tiếng thằng Tư ong óng từ mé rạch vọng vô nhà.

Bà Năm, biết chắc mẻm các bãi bùn không còn phơi nắng như những khi con nước ròng cạn đáy rạch và như vậy, mùa xúc lùm bắt cá tôm đã tới ; nhà sẽ có cái ăn cho tụi nhỏ, có cái đổi gạo chợ sống lây lất qua ngày.

– Tư ! Bây đi cắt lá chuối khô với má !

Tư Thâu lẽo đẽo theo bước chưn của má. Năm đó, Tư Thâu chưa tròm trèm sáu tuổi và trong bảy anh chị em, Tư Thâu lại là người được tía má cưng nhứt nhà ; bởi tánh khí cần mẫn, thông minh.

Nước ương – con nước lình bình – không ròng không lớn ; tạo điều kiện cho hàng hàng lớp lớp cỏ bỏ ngọn trườn ra mặt mương mặt rạch ; đồng thời, đó là mùa vui của cá tôm từ ngoài sông hội tụ về. Má thường hay nói với Tư Thâu : “ Mùa vui cũng là mùa chết của cá tôm ! ”.

Bà Năm lặn hụp bờ mương, con rạch với cái nồi đất miệng tròn, đáy sâu buộc ngang lưng quần và bà lội tới đâu thì nồi đựng cá tôm trôi theo tới đó.

Như con rái sông Hậu, Tư Thâu bơi ngang rạch qua mương. Đôi tay trẻ thơ đối với tuổi đời, song thành thạo công việc buộc lá chuối khô dính từng lùm cặp mương rạch chẳng khác người lao động từng trải..

– Tư ! Bây bơi dìa nhà lấy thêm nhánh tre gai, lẹ lên con !

Hiểu ý má, dùng nhánh tre gai cắm xuống bùn đất rồi buộc chặt lùm cho khỏi trôi.

Tư sải tay búng chưn, mặt nước chao nghiêng sóng.



Tuổi thơ Tư Thâu đói ăn thiếu áo, dính liền nỗi vất vả của má, nhưng chưa bao giờ Tư Thâu dám nghĩ tới “ Đói ăn vụng, túng làm liều  và bà Năm – má của Tư Thâu – dốt chữ nhưng sống rất tình nghĩa với chòm xóm láng giềng. Bà dạy các con : “ Áo rách khéo vá hơn lành vụng may . Có lẽ, vì vậy mà Tư Thâu – đứa con trai làng Tân Bình – về sau nầy, cuộc đời dù thuận chiều hay nghịch cảnh, Tư Thâu vẫn vững tâm bến chí và luôn nở nụ cười – nụ cười hồn hậu, tràn khí chất – của kẻ sĩ Nam Bộ !

Chuông công phu khuya, buồn !

Tư Thâu thao thức, chợt nghe tiếng tía trở mình.

– Má con Hai ! Mình thức hay ngủ ?

– Gì đó, tía thằng Tư ? Tui còn thức đây !

Ông Năm 1 lồm cồm ngồi dậy, vấn thuốc rê mồi lửa con cúi, hút.

– Tui tính vầy, mình coi có được không ?

Tư Thâu hóng chuyện, nằm im re, giả bộ ngái ngủ.

– Thì, mình tính sao, nói đi !

– Tui tính cho thằng Tư, nó đi học !

– Mèng đéc ơi ! Bộ mình giỡn sao ?

Trời khuya, hơi sương lạnh tạt vào căn nhà trống hoác. Bà Năm thở dài, tiếng thở dài dùng dằng theo tiếng chuông chùa thay tiếng canh gà gáy báo thức dân làng trở dậy nhóm lửa bếp nấu cơm, chuẩn bị ra đồng ruộng, ngày mới.

– Mạt hạng nghèo, tiền ăn không có, có đâu tiền con đi học ?

Hồi lâu, bà thỏ thẻ tâm sự :

– Mấy tháng nay, tui tính nát nước trong bụng...

– Má con Hai, tính sao ?

Ông Năm nóng ruột, hỏi gấp.

– Tui tính kiếm chút ít gạo và bán đôi bông cưới của mình, rồi qua Cao Lãnh gặp thầy Tú Thận gởi thằng Tư học năm ba chữ thánh hiền lận lưng để lúc vào đời, nó biết lễ nghĩa.

– Bộ má con Hai muốn cho con học chữ Nho ?

– Thì, học chữ Nho chớ học chữ gì ?

– Chữ Tây !

– Trời đất ! Tía thằng Tư muốn nó theo Tây ?

– ???

Im ắng, không gian làng quê nửa đêm về sáng chìm lẩn trong tiếng chuông chùa.

– Đâu phải hễ học chữ Tây, là theo Tây !

Hình như, bà Năm khóc !

Tiếng khóc người vợ hiền khiến ông nhớ lại cái chết thảm của ông ngoại tụi nhỏ bị Tây giết vì nghi là tàn quân của nghĩa binh Đỗ Thừa Luông 2 và người đời sau, nhớ câu hò sông nước miền Tây sông Hậu như là sự ghi ơn đời đời đối với những người xả thân vì quê hương xứ sở :

“ Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự

Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự với chú Lào Bang .



Thương má con Hai, người vợ ở với ông bảy mặt con mà vẫn chưa một ngày thảnh thơi và được ăn no đủ. Hai chị gái đầu của thằng Tư khờ khệt ; thời may, tới thằng Tư, nó khỏe mạnh, sáng dạ và nhứt là, ăn nói lưu loát... Chồng gọi vợ theo thứ con gái trưởng nữ, vợ gọi chồng theo thứ con trai trưởng nam. Gái theo mẹ, trai theo cha !

– Tía thằng Tư ! Mình tính cho thằng Tư học chữ Tây, thiệt hả ?

Bà Năm cắt đứt dòng suy nghĩ lan man trong đàu óc vẩn vơ của chồng.

– Thì, tính thiệt nào có tính chơi đâu !

– Tiền !

Bà Năm buông thỏng câu trọn lỏn.

Chậm rãi, ông Năm nói :

– Bạo gan, tui qua nhà Quản Từ 3 lãnh đóng tủ thờ, lấy trước tiền công...

Chưa dứt lời, bà Năm cắt ngang :

– “ Gối rơm theo phận gối rơm , chắc gì người ta tin mà đưa tiền ?

– Tui đã nhứt quyết rồi, mình đừng lo !

Giọng ông Năm cứng khắn.

– Tía má ! Con thích đi học lắm !

Tư Thâu ngồi bật dậy, nhảy dựng xuống đất.

Trời rựng sáng.



2.

Bà Năm nghe chồng kể lại :

“ Đã hẹn trước, hôm tui tới nhà Quản Từ, ông bỏ ngang việc đánh bài tứ sắc để nghe tui nói chuyện đóng tủ thờ, Quản Từ ưng cái bụng lắm. Ông biểu tui dọn đồ nghề mộc qua ăn ở nhà ông và chừng nào đóng xong tủ thờ thì mới được về. E dè, tui hỏi mượn tiền trước, Quản Từ hỏi : “ Mượn mần chi ? ”. Tui nói huỵch toẹt : “ Mượn cho thằng Tư đi học ”. Quản Từ, khen : “ Nghèo, không truyền nghề mộc cho con mưu sinh mà lại, cho con rèn chữ luyện nghĩa. Được lắm, chú Năm mầy ! ”. Rồi, ông còn nói thêm : “ Thằng Thâu, có tố chất của một kẻ sĩ ! ”. Nghe ông Quản nói, tui sợ quá vì không hiểu kẻ sĩ là kẻ gì ? Rồi, Quản Từ nói không cần phải nghĩ ngợi : “ Việc đó, Quản nầy giải quyết cho ! ”.

Nghe xong, bà Năm mừng húm.

Giữ lời, Quản Từ giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tư Thâu cắp sách đến trường nam tiểu học tỉnh Long Xuyên.

Những chuyến đò ngang sông Hậu đã đưa Tư Thâu đến con chữ – con chữ mẫu quốc – chớ không là con chữ mẹ đẻ trên quê hương đã là thuộc địa của người. Dần hiểu ra, Tư Thâu thấm và ngấm cái nhục mất nước !

Năm Đinh Tỵ (1917), Tư Thâu mất mẹ ngay trong chiều treo nắng trên hàng cau ngoài ngõ.

Vợ mất, cảnh nhà sa sút lại càng sa sút thêm và một mình ông Năm Sóc, không thể xoay chuyển nổi miếng ăn cho cả bầy con. Thương tình, bà con chòm xóm đùm bọc, nhưng cũng chỉ là đùm bọc của lá rách đùm lá nát !

– Chào Thầy Thông, khỏe !

– Moa khỏe, còn toa thì sao ?

Thầy Thông vừa cười vừa hỏi Quản Từ.

Tiếng chim sẻ ríu rít ở hiên nhà.

– Ông Quản mời tui sang nhà chơi, hay có việc ?

Bâng khuâng, Thầy Thông hỏi.

– Nửa năm có hơn, moa với toa chưa gặp. Nhớ nhau, moa mời toa sang uống chung rượu bằng hữu vậy mà !

Xởi lởi, Quản Từ nói.

Rượu vô lời ra, Quản Từ ôn tồn :

– Đất sanh người, nước sanh tánh. Năm Thợ Mộc có thằng con đáng đồng tiền bát gạo chớ chẳng chơi !

Lắng nghe, dù Thầy Thông chưa hiểu ất giáp gì điều Quản Từ muốn nói.

Quản Từ nói tiếp :

– Cháu Thâu, con trai Năm Thợ Mộc học giỏi, học rất giỏi.

Quản Từ cố nhấn mạnh ba tiếng học rất giỏi !

– Rồi, sao nữa, toa ?

– Nghiệt nỗi, nhà nghèo dưới hạng nghèo ; vợ chết, Năm Thợ Mộc như con gà trống, một mình bươi nuôi bầy con chưa xuể, nói chi cho thằng con tiếp tục việc học.

– Vậy, từ trước thì sao ?

Thầy Thông chiêu ngụm rượu, trở bộ ngồi, ra chiều chăm chú nghe.

– Từ trước, tui giúp đỡ bằng cách mượn Năm Thợ Mộc hết đóng tủ thờ, tới cửa nẻo, giường nằm... Nay, nhà chẳng còn thứ gì để mà mà đóng mà sửa.

– Hết việc, sao Quản không giúp bằng cách cho tiền va !

– Va, không chịu lấy tiền nếu tiền đó, không phải là công sức lao động của va bỏ ra.

– Cũng nghiệt thiệt !

Có vẻ Thầy Thông thích thú tính cách của Năm Thợ Mộc.

Đột nhiên, Thầy Thông hỏi :

– Thằng nhỏ đang học lớp mấy ?

– Nó hoàn tất Sơ đẳng (Cours Élémentaire) và đang học lớp Nhì một năm (Cours Moyen de 1ère Année).

– Giỏi đa !

Thầy Thông tắm tắc khen.

– Vậy, moa muốn toa giúp gì thằng nhỏ ?

– Toa coi chỗ nào cần kèm dạy trẻ, giới thiệu giúp cháu.

Thầy Thông chưa kịp trả lời, Quản Từ nói luôn :

– Phải là trẻ, con nhà dư ăn dư để mới được !

– Tất nhiên, nghèo thì ai dám mượn thầy dạy kèm.

Mải nói chuyện, cả hai không để ý ngày sắp hết !

Trước lúc chia tay Quản Từ, Thầy Thông cạn chung rượu bằng hữu và thuận lời yêu cầu của bạn. Hơn thế, Thầy Thông còn bảo đảm với Quản Từ, rằng sẽ lo cho Tư Thâu lên Sài Gòn ăn học tới nơi tới chốn nếu cháu nó đủ hứng thú.

Bóng tối từ bến đò Vàm Cống 4 dần lan tỏa phố chợ Lấp Vò và đâu đó, tiếng chim vịt kêu chiều lạc giữa chiều không !

Thầy Thông, hấp tấp bước xuống đò ngang – chuyến cuối ngày – qua sông Hậu về Long Xuyên.

Long Xuyên, ban mai cuối hè.

Thầy Thông gởi Tư Thâu cho người bạn ở Sài Gòn làm cùng ngành dây thép để Tư Thâu có điều kiện tiếp tục việc học hành.



3.

Thời niên thiếu, Tư Thâu 5 gởi lại quê nhà !

Chàng trai làng Tân Bình bùi ngùi và lặng lẽ ra đi trong tâm trạng trĩu nặng :

“ Đất quê mình, sao lại là thuộc địa Pháp !? ”.



Trần Bảo Định



1  Tạ Văn Sóc, cha của Tạ Thu Thâu.

2  Đỗ Thừa Luông, sinh quán tại Lai Vung, tỉnh Sa Đéc. Năm 1872, Đỗ Thừa Luông cùng em là Đỗ Thừa Tự (Nguơn) khởi nghĩa chống Tây từ rạch Cái Tàu (U Minh, Cà Mau) kéo dài tới An Biên (Rạch Giá).

3  Quản mã tà, chợ Lấp Vò.

4  Phà Vàm Cống 1929.

5  Tạ Thu Thâu (1906 - 1945), sinh ngày 13 tháng 4 năm Bính Ngọ (5.5.1906) tại làng Tân Bình, tổng An Phú, huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Tân Bình, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp). Tạ Thu Thâu đậu bằng Brevet Supérieur, năm đó cả Đông Dương chỉ mỗi một mình ông. Vì vậy, Chánh chủ khảo Grandjean đã gợi ý mời ông dạy học trường Nhà nước và đồng thời, cho ông nhập quốc tịch Pháp. Song, Tạ Thu Thâu thẳng thừng từ chối.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us