Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vấn đề điện trong nền kinh tế thị trường

Vấn đề điện trong nền kinh tế thị trường

- Vũ Quang Việt — published 20/05/2019 17:20, cập nhật lần cuối 20/05/2019 18:31

Điển hình tổ chức thị trường điện trong nền kinh tế thị trường



Vũ Quang Việt



Vài lời nói đầu


Trong một bài báo trên Kinh tế Sài Gòn (tháng 7/2017)1 tôi cho rằng Việt Nam hiện có giá điện thấp nhất thế giới, do đó khuyến khích tiêu dùng và hấp thụ các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm nhưng cần nhiều điện từ TQ. Giá bán điện của VN năm 2015 là 7.5 xu Mỹ còn ở Ở Trung Quốc là 8 xu, ở Mỹ là 13 xu, ở nhiều nước châu Âu điện bán trên 20 xu, có nơi gần 40 xu. Rẻ như thế nên mức độ dùng điện rất lớn, tính trên GDP theo giá thị trường và cả GDP-PPP theo mức so sánh chi tiêu đều cao hơn nhiều so các nước khác trong khu vực, chính vì thế mức tăng điện bình quân năm những năm vừa qua là 12% gấp đôi so với mức tăng GDP 6% năm. Trong khi đó các nước xung quanh tăng điện chỉ cao hơn một chút, còn ở các nước phát triển, điện tăng thấp hơn mức tăng GDP. Do đó mà yêu cầu đầu tư điện ở VN là rất lớn, tăng gấp đôi mỗi 6 năm, mỗi năm đòi hỏi đầu tư gần 8 tỷ US. Nhưng nếu cứ theo nhịp độ như Tập đoàn Điện lực EVN dự đoán thì đầu tư từ sau 2016 sẽ lên trung bình 8-12 tỷ US một năm, tức là cần 152-182 tỷ US từ 2016-2030.2 Bản báo cáo năm 2018 của World Bank nhấn mạnh đến mở rộng thị trường cho đầu tư tư nhân nhưng không nói gì đến việc cần tăng giá điện để giảm cầu và để khuyến khích các công nghệ sản xuất ít cần điện trên một cùng một đồng GDP tạo thêm ra.



Quyết định của Bộ Công Thương tăng giá điện là đúng đắn nhằm khuyến khích đầu tư vào điện và tiết kiệm sử dụng điện. Chi dùng điện trong công nghiệp năm 2015 (không có số liệu những năm sau 2015) chiếm tới 54% lượng điện sản xuất, và tăng 73% trong 5 năm (2015-2010) trong khi GDP xuất phát từ hoạt động công nghiệp chỉ tăng 44%. Điện rẻ đã hấp dẫn công nghiệp tiêu dùng nhiều điện.

Tuy nhiên việc áp dụng tăng giá 8.3% ngay một lúc và vào mùa hè cho thấy Bộ Công Thương thiếu người có khả năng thực hiện chính sách đúng đắn. Ở Thành phố New York, Mỹ việc tăng giá điện 2.3% cũng được thực thi kéo dài trong 3 năm. Và có lẽ việc tăng giá chỉ là một hành động cần nhưng không đủ để tăng tính hiệu quả của thị trường điện, vì cho đến nay vẫn chưa thấy rõ chính sách và lộ trình tư nhân hóa sản xuất cung ứng điện, một trong những khâu quan trọng nhất để tăng cung và giảm giá điện.

Cải cách thị trường điện ở Việt Nam đòi hỏi thay đổi ở nhiều lãnh vực chứ không chỉ là tăng giá, và đòi hỏi nhiều thông tin để phân tích, hơn là những gì EVN hiện cung cấp.

Thị trường điện cũng như thị trường hàng hóa khác bao gồm 3 khu vực: sản xuất, chuyển tải. bán buôn/bán lẻ và sử dụng. Mỗi khâu tạo chi phí riêng, bao gồm: giá sản xuất, phí chuyển tải, phí bán buôn và bán lẻ để đưa đến cuối cùng là giá bán lẻ. Mức độ cạnh tranh, cũng như yêu cầu bảo vệ môi trường và người sử dụng quyết định vai trò kiểm soát và qui định giá của cơ quan nhà nước.

EVN cơ bản là độc quyền nhà nước dù họ đã mở ra mua điện từ một số công ty sản xuất điện. Thông tin mới nhất do quan chức EVN cung cấp trên báo Vietnamnet cho thấy EVN mua điện mặt trời với 9 xu $US (2080 đồng/1kwh)3 trong khi bán trên thị trường với giá trung bình là 8 xu $US (1864 đồngng/1kwh), tức là lỗ chỏng gọng dù chưa tính đến chi phí truyền mạng, phí bán buôn và bán lẻ.

Thông tin về tài chính của EVN không đầy đủ. Không đầy đủ nhất là chi phí của từng trong 3 khâu đưa đến giá bán lẻ cuối cùng. Bản báo cáo quí 2 năm 2018 cho thấy EVN có lãi, dù nhỏ và không có báo cáo về năm 2017. Báo cáo về hai năm trước đó 20015-2016 cũng thế. Doanh thu và tiền lãi được sử dụng như thế nào là vấn đề cần làm sáng tỏ. Ta thấy EVN lỗ nặng về hoạt động tài chính, vậy chi phí lớn này gồm những gì ngoài trả lãi nợ? Chi phí quản lý cũng rất lớn, vậy chi cái gì vậy? Bài viết này đi sâu thêm về thị trường điện, bằng cách phân tích thị trường điện ở Mỹ và nhìn qua thị trường VN.


I. Hệ thống tổ chức cung cấp điện điển hình


Thị trường điện có thể nhìn nhận tương tự như bất cứ một thị trường sản xuất hàng hóa nào: có người sản xuất, bán hàng cho người bán buôn để người bán buôn cung cấp cho người tiêu thụ. Giá sản xuất điện từ nhà máy sản xuất khi qua hệ thống bán buôn (đường chuyển tải cấp quốc gia, hay cấp vùng) để tới hệ thống bán lẻ thường là doanh nghiệp điện thành phố, doanh nghiệp bán lẻ này phải trả phí chuyển tải và phí bán buôn. Từ doanh nghiệp bán lẻ cấp thành phố này khi tới tay người tiêu dùng (có thể là nhà máy sản xuất, văn phòng) họ phải trả giá hình thành từ giá bán buôn cộng với phí chuyển tải và phí bán lẻ. Tất nhiên trong mỗi cấp bán buôn hay bán lẻ, các doanh nghiệp này cũng có thể có nhà máy sản xuất điện riêng. Mỗi khâu bán, người mua có thể đều phải trả thuế tiêu thụ. Ở Mỹ, giá sản xuất điện trung bình4 là 7 xu kwh, nhưng đến tay người tiêu dùng trung bình là 13 xu, tức là them 85% chi phí chuyển tải, bán buôn, bán lẻ và thuế. Coi thêm hình 6 và 7, để thấy giá sản xuất – levelized cost of energy (LCOE) cho MKwh. Lấy giá MKwh, chia cho 1000 để có giá Kwh.

Có lúc điện nằm hoàn toàn trong tay nhà nước, tức hệ thống sản xuất và cung cấp điện nằm hoàn toàn nằm trong một doanh nghiệp nhà nước. Nhưng để khuyến khích tư nhân tham gia vào sản xuất điện, các nước dần dần tổ chức thành các mảng thị trường khác nhau. Mảng sản xuất. Mảng chuyển tải bán buôn. Mạng chuyển tải bán lẻ. Thường là mạng chuyển tải đường xa bán buôn để giảm chi phí thường vẫn do một công ty độc quyền kiểm soát. Mảng bán lẻ ở cấp thành phố có thể không độc quyền nhưng mảng sản xuất không nên độc quyền.

Trình bày dưới đây dựa vào tổ chức hệ thống điện ở Mỹ được thành hình từ những năm 1970 nhưng các nước tiên tiến khác cũng áp dụng một hệ thống tương tự.. Cơ bản của hệ thống này là tạo cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng điện, nhưng độc quyền trong chuyển tải vì việc có hai hay nhiều hệ thống đường dây chuyển tải song hành cạnh tranh nhau sẽ không kinh tế. Liên quan đến vấn đề cung ứng điện, nên phân biệt rõ ràng ba bộ phận liên quan: hoạt động sản xuất điện qua nhà máy điện, hoạt động chuyển tải cao áp và hoạt động bán buôn bán lẻ điện.


1. Hoạt động sản xuất (production)


Sản xuất điện có thể từ rất nhiều nhà máy tư nhân thuộc một hay nhiều doanh nghiệp khác nhau, sử dụng công nghệ dùng nhiên liệu khác nhau như thủy điện, điện hạt nhân, than, khí, dầu, gió, mặt trời. Các công ty sản xuất điện ở từng bang đều bị nằm dưới sự điều chỉnh và kiểm tra của Ủy ban Công quản Điện lực Bang (State Public Utility Commission). Đây là các ủy ban độc lập do hạ viện bang bổ nhiệm. Nhà máy phải được Ủy ban Công quản cho phép mới được xây. Ủy ban cũng quyết định giá bán điện ở bang.

Hình 2. Nhà máy (generator)


2. Hoạt động chuyển tải (transmission)


Chuyển tải điện thường trên đường dây cao áp (trên trời hoặc ngầm dưới đất). Yếu tố quan trọng nhất là nhằm chuyển điện áp từ khu vực này đến khu vực khác, có khi rất xa nhau. Do đó điện chuyển tải thường ở mức áp rất cao, thấp nhất là 110,000 (110kV) và thường từ 110-765 kV nhằm giảm tỷ lệ lượng mất điện qua chuyển tải, mà ở Mỹ là khoảng 5% năm 20175. Khi tới đường truyền địa phương, áp giảm xuống 13.8 kV.

Điện dùng trong kỹ nghệ thường khoảng 220-440 volts và trong hộ gia đình thường là 110 volts.

Ở Mỹ có 3 mạng luới khu vực chuyển tải điện cao áp: Hệ thống Nối mạng Miền Đông, Hệ thống Nối mạng Miền Tây và Hệ thống Nối mạng Texas. Mỗi mạng chuyển tải nằm dưới quyền điều hành của một công ty vô vị lợi, tiền lãi phải dùng vào tái đầu tư vì không có cổ phần viên. Việc bán buôn điện giữa ba hệ thống mạng trên đặt dưới sự kiểm soát của Ủy ban Kiếm tra Liên bang (Federal Energy Regulatory Commission (FERC) trực thuộc Bộ Năng lượng, nhưng độc lập, thành viên do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện thông quah.6 Ba công ty chuyển tải chuyển tải đang được được áp dụng ở 33 bang. Ở 17 bang khác, toàn bộ hệ thống từ sản xuất, chuyển tải và bán lẻ vẫn nằm trong một doanh nghiệp độc quyền.7 Ngoài ra, ở Mỹ trong chính quyền liên bang, có Cục Thông tin Năng Lượng Mỹ (US Energy Information Administration), chuyên về thu thập và phân tích thống kê về năng lượng (trong đó điện là một loại năng lượng) của chính quyền liên bang.8

Cơ quan này đã đưa lên mạng về từng nhà máy sản xuất điện ở Mỹ, có thông tin về địa điểm, kỹ thuật, sản lượng điện theo nguồn nhiên liệu, lượng nhiên liệu và nước sử dụng, lượng CO2, SO2 và NOx phát thải.


Hình 3. Mạng chuyển tải cao áp (transmission lines)


3. Trạm biến áp (transformer)


Máy biến áp chuyển điện hạ áp từ nhà máy sản xuất điện sang đến điện cao áp, và đưa vào mạng chuyển tải, sau đó chúng lại được máy biến áp ở gần nơi sử dụng chuyển từ điện cao áp sang sang điện áp để đưa tới người sử dụng.


Hình 4. Trạm biến áp (transformer)



4. Hoạt động bán buôn, bán lẻ (distribution)


Ở bang và địa phương còn có các mạng chuyển tải riêng. Mạng chuyển tải địa phương (thường là ở cấp thành phố) và thường thuộc một doanh nghiệp tư mà trước đây đã từng là công ty công quản điện (local utility), và vì độc quyền hệ thống chuyển tải nên giá chuyển tải bị khống chế bởi ủy ban công quản điện. Mọi công ty làm chủ đường dây phải để cho người khác sử dụng chuyển điện theo giá đã quyết.

Ở thành phố New York công ty ConEdition làm chủ toàn độ hệ thống dây dẫn điện trong thành phố và có trách nhiệm bảo trì cũng như thay mới hệ thống này, giá chuyển tải do ủy ban công quản định, và bắt buộc theo luật phải chuyển tải điện do các công ty khác sản xuất. Công ty ConEdtion cũng có nhà máy sản xuất điện riêng.

Công ty sản xuất điện điện quyết định giá bán, cũng như người tiêu dùng được quyền tự sản xuất hoặc mua điện từ bất cứ công ty sản xuất điện nào theo giá mà hai bên đồng ý. Có nhiều loại hợp đồng, từ bán buôn, bán lẻ mà bán lẻ cũng có nhiều loại hợp đồng khác nhau, giá điện cũng tùy theo giờ sử dụng và loại người sử dụng (sản xuất, văn phòng hay hộ gia đình). Hiện nay ở bang New York, toàn bộ các nhà máy chạy than đã bị đóng cửa nhằm bảo vệ môi trường.

Lượng điện lớn được chuyển qua mạng cao áp, và sau đó qua trạm hạ áp giảm điện cao áp thành điện bán cho khách hàng.

Công ty ConEd độc quyền mạng chuyển điện ở thành phố lớn như Thành phố New York9, cũng có 64 nhà máy khác, bằng ½ toàn bộ nhà máy ở Bang New York. Hệ thống dây dẫn dài 11,124 dặm (gần 18,000 km) hoặc ở trên cao hoặc ngầm dưới đất, và trong thành phố đều nằm ngầm dưới đất dưới dạng cáp. Hệ thống có 220 tiểu hệ thống (networks) để chuyển tải và cung cấp điện. Ngay trung tâm cao ốc văn phòng Rockeffeller có hệ thống ngầm riêng. Hệ thống ngầm gần sông cũng phải có cấu trúc chống ngập nước do bão gây ra. Năm 2012 là năm đầu tiên cơn bão khủng khiếp Sandy đánh ngập nhiều vùng trong thành phố, làm nổ trạm chuyển điện, gây mất điện ở nhiều khu vực, ConEd sau đó đã phải bỏ ra 1.2 tỷ US xây hệ thống chống ngấm nước. Để trang trải, giá chuyển tải điện được phép tăng 2.3-2.4% thực hiện kéo dài trong 3 năm.


Hình 5. Hệ thống cung ứng điện


Chính sách của bang là các hộ nghèo không phải trả tiền điện cao hơn 6% thu nhập. Hiện nay giá 1kwh là 24.7 xu, so với Hawaii là 27.5 xu, Louisiana là 9.3 xu, Geogia là 11 xu, California là 13.9 xu. Giá trung bình ở Mỹ vào năm 2016 là dưới 10 xu nhưng vào năm 2019 là 10.5 xu. Giá hộ gia đình là 12.7 xu, luôn luôn cao hơn giá dùng trong sản xuất và giao thông, cao hơn trung bình 22%. Riêng ở bang New York, giá bình quân cho hộ gia đình là 17.64 xu và ở Thành phố New York là 21 xu.10,11

Hiện nay ở Mỹ có 15 bang cho phép cạnh tranh giá trong cung ứng điện, bao gồm California, Connecticut, Delaware, Illinois, Main, Maryland, Massachusetts, Michigan, New Hampshire, New Jersey, New York, Ohio, Pennsylvania, Texas, Virginia. Tuy vậy có địa phương ở Ohio hay Texas cũng vẫn giữ độc quyền và do đó bị quản chế giá. Và ngay ở thị trường giải quản chế ở địa phương, công ty chuyển tải/phân phối điện (electric utility) vẫn giữa trách nhiệm chuyển tải và phân phối điện đến người sử dụng và giá chuyển tải và phân phối của công ty chuyển tải vẫn chịu quản lý, tuy vậy người sử dụng có thể mua bán buôn và bán lẻ từ công ty sản xuất điện theo giá thỏa thuận.

Chi phí hình thành giá điện đối với người tiêu dùng ở Mỹ là 54% là chi phí sản xuất điện và 36% là chi phí chuyển tải (transmission) và cung cấp (delivery), phần còn lại là thuế chỉ khoảng 4% (coi hình 6).12


Hình 6. Thành phần cấu thành chi phí về điện
U.S. Energy Information Administration, Federal Energy Regulatory Commission (FERC) Financial Reports, as accessed by Ventyx Velocity Suite.


Hình 7 phía dưới cho thấy giá sản xuất điện, tức chi phí so sánh trong công nghệ sản xuất điện LCOE (levelized cost of electricity) ở Mỹ. Đây là chi phí bình quân một kw giờ điện bao gồm chi phí xây dựng và sửa chữa lớn nhà máy tính cho suốt đời vận hành của nhà máy và tính theo giá hiện hành, chi phí vận hành và bảo dưỡng thường xuyên, chi phí năng lượng. Giá sản xuất này cũng có thể đã có thay đổi về mặt công nghệ, trong báo cáo gần nhất (2019) nhưng cho than, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Rẻ nhất vẫn là điện than, rồi đến điện mặt trời, và đắt nhất là điện gió ngoài khơi. Năm 2015, theo tổ chức AIE của Mỹ, LCOE điện ngoài khơi là $197 (MWh) theo giá năm 2015. Tuy vậy, theo đánh giá của Mỹ năm 2019, giá sản xuất trung bình LCOE đã giảm xuống $119.7 (MWh) tính theo giá 2018. Nếu so sánh cùng một giá cố định năm 2018, thì LCOE chỉ còn bằng 56% so với trước do tiến bộ công nghệ, tuy vậy điện ngoài khơi vẫn gần bằng 3 lần điện gió trên đất. 13


Hình 7. Đánh giá so sánh về giá hay chi phí sản xuất 1MWh với công nghệ khác khau của AIE 14


Rẻ nhất là địa nhiệt, gió trên đất liền, thủy điện rồi đến than bình thường và điện hạt nhân. Đắt hơn là chuyển than thành khí, khí bình thường. Đắt nhất là dùng khí bình thường, điện gió ngoài khơi. Những đánh gía này dựa vào chi phí so sánh nói đến ở trên của Cục Quản lý Thông tin về Năng lượng (AIE) Mỹ từ 2015. Gần đây có đánh giá lại một số công nghệ. 15

Dùng khí tạo điện đắt hơn dùng than 50% nhưng sẽ tạo ra ít ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính. lượng khí ô nhiễm co2 để sản xuất 1 btu năng lượng từ khí chỉ bằng ½ từ than.

Ở một số bang ủng hộ Trump và chống áp dụng các biện pháp giảm hiệu ứng nhà kính là các bang chủ yếu dùng than để sản xuất điện là chủ yếu bao gồm: West Virginia: 93%, Missouri: 80%, Kentucky: 78%, Indiana: 73%, Utah: 70%, North Dakota: 64%, Nebraska: 60%, Ohio: 57%, Wisconsin: 55%, New Mexico: 54%, Colorado: 54%.

Các bang chống Trump là các bang đã gần như xóa sách việc dùng than: Massachusetts, New Hampshire, New Jersey, Oregon, Rhode Island, Washington: ít hơn 5%; California, Maine, New York, Vermont: 0%. Bang New York có kế hoạch dùng 50% điện tái tạo vào năm 2030.


II. Nguyên tắc định giá


Hệ thống cung điện khởi đầu từ một doanh nghiệp độc quyền, và vì độc quyền nên chính quyền thường thiết lập Ủy ban công quản để quyết định giá. Quyết định giá là vấn đề chính trị. Mục đích có thể nhằm bảo đảm quân bình thị trường cung cầu điện trong nền kinh tế, cũng có khi nhằm bảo đảm giá rẻ để nâng cao mức sống của đân chúng và do đó có thể gây ra lỗ, mà chinh quyền phải bù lỗ qua ngân sách, nhưng đồng thời nó cũng phải bảo đảm hiệu suất, và bảo đảm thu nhập của doanh nghiệp và thành phần quản lý. Vì vậy, giá phải bảo đảm là thu nhập doanh nghiệp điện (R) bằng chi phí điều hành thường xuyên (O) cộng với tỷ lệ lãi nhất định (r) đối với vốn đầu tư (tính bằng giá trị tài sản cố định đầu tư còn lại tức là trừ đi khấu hao (D)). 16

R = O + (V − D)r


Giá từng thời điểm quyết định như sau:

P(t) = (1 + RPI - X) . P(t-1)


Giá thời điểm t (P(t)) là giá thời điểm trước nhân với tỷ lệ lạm phát (RPI) trừ đi yếu tố tăng hiệu quả (X) mà Ủy ban đòi hỏi.

Sản xuất thì rõ, điện do các công ty tư nhân sản xuất. Giá là do họ quyết định và tất nhiên khi bán thì phải có người mua, và người mua có thể mua từ các nguồn khác nhau.

- Chuyển tải qua đường dây "quốc gia" (national grid). Ở nước khác thì đường dây quốc gia rất rõ ràng. 

Ỏ Mỹ có 4 đường dây "quốc gia". Đường dây truyền tải ở miền Đông bao gồm Canada, miền Đông nước Mỹ và một phần Mexico.17 Đây là công ty vô vị lợi (nonprofìt company, tiền lãi phải dùng đầu tư mới, không được phân chia vì không có cổ phàn viên). Công ty này quyết định chuẩn truyền tải và tất nhiên là phí chuyển tải. Vì là công ty vô vị lợi và đại diện quyền lợi của nhiều bang và Canada và mio thì do chính phủ liên bang định. Mỹ hiện có 4 đường dây quốc gia. 

- Bán buôn (Distribution) thì do thành phố, công xưởng mua điện quyết định và thành lập đường dây.  Họ mua điện từ công ty sản xuất và truyền tải qua đường dây quốc gia, rồi đưa vào đường dây đưa đến người tiêu dùng. Ở địa phương, như thế lại có truyền tải địa phương. 

Biên lai điện cho người tiêu dùng thường tính như sau ở California (Chi phí trước thuế - before taxes or fees):18

Giá điện*kwh sử dụng + Phí chuyển tải*kwh sử dụng + Phí không đổi + Phí sử dụng tối thiếu = Biên lai điện trước khi chịu thuế.

(Energy charge * kWh used) + (Utility charge * kWh used) + (Fixed Utility charge + (Base charge or minimum usage fee) = Electric bill 

Và giá điện là tùy theo mức sử dụng:

Giá theo mức cơ bản ($kwh): $0.22281

Giá theo mức dùng trên 100% tới 400% mức cơ bản: $0.28039

Giá theo mức cao hơn mức cơ bản 400%: $0.9124

Biên lai tối thiểu 1 đồng hồ điện một ngày: ($per meter per day): $0.32854

Mục đích của cơ quan công quản là quyết định giá để người doanh nghiệp phân phối điện có đủ tiền chi trả lại vốn cho sở hữu chủ nhà máy điện, chí phí thường xuyên sản xuất điện, và bảo hành nhà máy cũng như chuyển tải điện tới người tiêu dùng. Cách tính thường chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là tính tổng thu nhập cần có của nhà doanh nghiệp phân phối điện. Giai đoạn hai là phân thành chi phí cho từng loại người tiêu thụ.
 

III. Lộ trình cho Việt Nam


Để khuyến khích tư nhân sản xuất điện, đồng thời tách biệt giữa hoạt động chuyển tải điện (ở cấp cả nước, cấp vùng và cấp thành phố) và sản xuất điện, cũng như bán điện cho người tiêu dùng, cần phân biệt các hoạt động chuyển tải, phục vụ mọi doanh nghiệp sản xuất điện, là hoạt động cần độc quyền để giảm cạnh tranh lãng phí, và do đó cần đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan công quản, cả về chất lượng và giá. Sản xuất điện có thể hoàn toàn tư nhân hóa. Ở mức cuối cùng ở cấp thành phố, nếu cần vẫn có thể có doanh nghiệp điện bao trùm việc chuyển tải điện ở thành phố đồng thời sản xuất điện, nhưng hoạt động chuyển tải phải đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan công quản.

Nếu làm như trên vài trò của EVN sẽ có thể chỉ là doanh nghiệp vô vị lợi trách nhiệm chuyển tải điện cao áp giữa các vùng, đồng thời có thể làm chủ vài nhà máy có tầm quan trọng quốc gia như Thủy điện Sông Đà. Cần thiết lập một cơ quan công quản điện cả nước để lưu trữ, phổ biến thông tin về nhu cầu và cung điện từng tỉnh và thành phố, kiểm soát giá ở các khâu cần kiểm soát cũng như đưa ra dự báo cung cầu điện.

Do đó,vấn đề của Bộ Công thương hiện nay là cần đưa ra lộ trình và mẫu hình tổ chức để vừa tạo cạnh tranh, vừa kiểm soát hoạt động cung điện theo lộ trình nhất định. Hệ thống này bao gồm những khâu như sau:

  1. Cơ quan công quản điện quốc gia: nhằm mục đích quản và quyết định cho phép công nghệ sản xuất điện và đưa ra các nguyên tắc định giá chuyển điện, cũng như định giá điện.

  2. Lưới điện quốc gia thuộc một công ty vô vị lợi với mục đích chuyển điện liên vùng.

  3. Lưới điện vùng địa phương dưới sự kiểm soát của cơ quan công quản vùng.

  4. Lưới điện thành phố dưới sự kiểm soát của cơ quan công quản thành phố.

  5. Các lưới điện quốc gia đều có thể có công ty sản xuất điện, nhưng giá sẽ bị cơ quan công quản quyết định.

Như vậy tại các địa phương, việc mua bán điện có thể do thị trường địa phương tự quyết, và không cần một công ty khổng lồ bao trùm cả nước như EVN. Lộ trình này tất nhiên phải dựa vào việc xem xét kỹ lưỡng và tính hiệu quả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (xem Phụ lục).


Phụ lục về tổ chức và tài chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam


Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện nay nắm toàn bộ đường dây chuyển điện ở Việt Nam, và nắm toàn bộ mạng chuyển tải, bán buôn và bán lẻ trong cả nước, bao gồm:19

- Các công ty mang tiếng chuyển tải hoặc vừa chuyển tải vừa bán điện: trong đó có một Tổng công ty chuyển tải điện quốc gia, và 5 công ty vừa chuyển tải, bán buôn và bán lẻ: Tổng công ty điện lực miền Bắc, Tổng công ty điện lực miền Trung, Tổng công ty điện lực miền Nam, Tổng công ty điện lực TP HCM, Tổng công ty điện lực TP Hà Nội.

- 20 công ty liên quan đến điện trong đó có 13 công ty sản xuất thủy điện ở khắp nước.

- 6 công ty phát điện cổ phần (nhưng có lẽ nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần tuyệt đối).

- 3 công ty liên kết trong đó có Vĩnh Tân 3 liên kết sản xuất điện, và một liên kết đầu tư tài chính, một liên kết điện gió.

- Số liệu năm 2016 cho thấy năng lực cung điện như sau: 61.4% do tập đoàn kiểm soát, 10.5% do Tập đoàn Dầu hỏ PetroVietnam kiểm soát, Tập đoàn Than VinaComin: 4.2%. Cuối cùng 23.9% còn lại là tư nhân, hợp tác kinh doanh và mua nước ngoài (1.2%). Không thấy rõ thống kê nhưng có thể thấy tập đoàn làm chủ hoàn toàn thị trường bán điện đến người sử dụng.

Bản báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Quí 2 năm 2018 cho thấy (lập lại theo cách trình bày của EVN) một số điểm như sau:20

- Lãi của Tập đoàn Điện lực Quí 2 là 1.6 ngàn tỷ, lãi trong quí là 0.0074% và lãi tính theo năm là 3.0%, coi như thấp hơn tăng giá tiêu dùng là 3.5% cả năm 2018.

- Bản báo cáo không giải thích rõ chi phí lớn về hoạt động tài chính và đưa đến lỗ lớn (nếu không phải là chi lãi trả nợ thì lại cần phải giải thích)

- Chi phí quản lý ở tập đoàn chỉ mang tính quản lý mạng chuyển tải và công ty thành viên cũng ở mức lớn, 5.3 ngàn tỷ chỉ trong quí 2, tức là có thể đến 21 ngàn tỷ năm 2018, so với 10 ngàn tỷ cả năm 2016.21 Chí phí này gấp đôi chi phí bán hàng và bằng tới 27.6% (5.2/19.2) thu nhập thuần từ bán hàng.

- Nợ hiện nay bằng 2.2 lần vốn chủ sở hữu cũng vượt quá giới hạn cho phép là 100% là điều đáng quan tâm, nhất là bản cáo cáo cho thấy nợ chủ yếu dựa vào vay ngân hàng thay vì qua trái phiếu công ty.

Vũ Quang Việt

18.5.2019


Chú thích :

1 https://www.thesaigontimes.vn/162679/khong-nen-duy-tri-gia-dien-re.html/.

2 http://documents.worldbank.org/curated/en/290361547820276005/pdf/133788-WP-OUO-9-Vietnam-Energy-MFD-Report-ENG-for-printing.pdf.

3 https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bung-no-dien-mat-troi-ky-luc-chua-tung-co-trong-lich-su-532534.html

4 Giá sản xuất điện- levelized cost of energy (LCOE) cho là nhằm so sánh toàn bộ chi phí sản xuất ra MKwh điện, bao gồm chi phí đầu tư, chi phí bảo hành và vận hành thường xuyên. Chi phí đầu tư là giá trị hao mòn tài sản vô hình và hữu hình trong toàn quá trình đời sống của nhà máy và được chiết khấu để đưa về giá tại điểm tính giá sản xuất. Tỷ lệ chiết khấu hay lãi thường là 3% nếu loại trừ yếu tố lạm phát. Coi thêm ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Cost_of_electricity_by_source

5 https://www.eia.gov/tools/faqs/faq.php?id=105&t=3.

6 https://ferc.gov/about/ferc-does/ferc101.pdf

7 Có thể xem tổ chức cung ứng điện qua mạng lưới ở Mỹ ở đây:  
https://www.ucsusa.org/clean-energy/how-electricity-grid-works

8 https://www.eia.gov/tools/faqs/faq.php?id=767&t=3.

9 https://www.nytimes.com/interactive/2017/02/10/nyregion/how-new-york-city-gets-its-electricity-power-grid.html.

10 https://www.eia.gov/electricity/monthly/epm_table_grapher.php?t=epmt_5_6_a.

11 Số liệu của các cơ quan nhà nước có chênh nhau.
Thí dụ số liệu về giá bình quân điện ở Mỹ theo Cục Lao Động là cao hơn 13 xu.Xem  https://www.bls.gov/regions/new-york-new-jersey/news-release/2018/averageenergyprices_newyorkarea_20180613.htm

12 https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=32812.

13 https://www.eia.gov/outlooks/aeo/pdf/electricity_generation.pdf.

14 https://en.wikipedia.org/wiki/Cost_of_electricity_by_source.

15 https://www.eia.gov/outlooks/aeo/pdf/electricity_generation.pdf.

16 https://en.wikipedia.org/wiki/Utility_ratemaking

17 https://en.wikipedia.org/wiki/Continental_U.S._power_transmission_grid 

18 https://www.pge.com/tariffs/assets/pdf/tariffbook/ELEC_SCHEDS_E-1.pdf

19 https://www.evn.com.vn/userfile/User/tcdl/files/EVNAnnualReport2017-web.pdf.

20 https://www.evn.com.vn/userfile/User/tcdl/files/2018/9/Baocaotaichinh6thang2018.pdf.

21 https://www.evn.com.vn/userfile/User/tcdl/files/EVNAnnualReport2017-web.pdf.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us