Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Về bản dự thảo "chiến lược giáo dục"

Về bản dự thảo "chiến lược giáo dục"

- Phạm Toàn — published 23/12/2008 17:00, cập nhật lần cuối 23/12/2008 16:53
Không phải hễ cứ đặt tên cho một đề cương nào đó là “đề cương chiến lược” thì nó thành chiến lược.

Nhận xét 

Dự thảo CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT NAM 2009 - 2020


Phạm Toàn


1./ Không phải hễ cứ đặt tên cho một đề cương nào đó là “đề cương chiến lược” thì nó thành chiến lược. Muốn là một đề cương chiến lược, cần phải có một tác giả và đi kèm với tác giả đó là một tư tưởng. Cái tư tưởng mang tên một tác giả đó (sai đúng chưa bàn) sẽ tạo ra một “tên gọi” riêng cho bản đề cương chiến lược, chỉ đạo hành động thực thi toàn bộ hệ thống chiến lược.

Đây là ba thí dụ:

  • Năm 1905, tư tưởng chiến lược của tác giả Alfred Binet định hướng cho đường lối giáo dục tiểu học phổ cập ở Pháp thời đó. Hệ thống đó chủ trương “tiến hành giáo dục tiểu học bắt buộc dựa trên việc phát triển và lượng hóa trí khôn trẻ em” với các tiêu chuẩn trí khôn là “sức suy lý, trình độ phán xét, khả năng ghi nhớ và khả năng trừu tượng hóa”.

  • Năm 1944-1946, cũng ở Pháp, tư tưởng của tác giả Paul Langevin (và khi Langevin chết thì được Henri Wallon tiếp nối, nên vẫn được gọi là “chương trình Langevin-Wallon) mang tư tưởng “dân chủ hóa nền giáo dục bằng việc giáo dục bắt buộc và không mất tiền cho mọi người dân cho tới năm 18 tuổi, tạo cơ hội học cả đời cho từng công dân”.

  • Những năm 1940 ở Việt Nam, cả trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, tư tưởng chiến lược giáo dục mang tên Hoàng Xuân Hãn có thể tóm tắt trong khẩu hiệu hành động “người Việt Nam học bằng tiếng Việt, nền giáo dục Việt Nam tiến hành bằng tiếng Việt”. Các công trình “Danh từ khoa học” (1942), “Phương pháp dạy Truyền bá Quốc ngữ” (1936), và “Chương trình Hoàng Xuân Hãn” (1946) đều tập trung làm rõ tư tưởng đó; và tư tưởng đó chỉ đạo công việc thực thi các chương trình Hoàng Xuân Hãn.

Khi một cuộc cải cách giáo dục sắp diễn ra hoặc đang diễn ra mà không có tư tưởng và không có tác giả, chắc chắn nó sẽ như rắn không đầu, như khởi nghĩa không lãnh tụ, như ra khơi không la bàn.


2./ Đề cương “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020” (cũng như cuộc “cải cách” năm 1980-81 và cuộc “cải cách” đẻ ra bộ chương trình và sách giáo khoa năm 2000) hoàn toàn thiếu tên tác giả và thiếu một tư tưởng. Nếu chỉ thiếu tên tác giả thì còn có thể lý giải được rằng, đó là sự ẩn tên trong công việc do đội ngũ chuyên gia tiến hành dưới sự điều hành trực tiếp của tác giả. Thiếu sót nghiêm trọng trong các đề cương chiến lược này là không có lấy một tư tưởng. Không có tư tưởng thì tác giả không tóm tắt được đề cương của chính mình và không tạo ra được nhận thức và hành động cho những người tiếp nhận bản đề cương, và “chiến lược” sẽ mất đi hẳn tính chiến lược.

Một tư tưởng chiến lược phải như thế nào? Trước hết, nó phải chứa đựng cái lâu nay vẫn được gọi bằng “triết lý giáo dục”. Cái gọi bằng triết lý giáo dục không phải là những điều nói năng to tát. Một triết lý giáo dục phải là một “cơ thể” gồm hai phần, một phần là cái tư tưởng có thể phát ngôn ra một cách gọn gàng, rõ ràng, trong sáng để không thể bị hiểu sai hoặc hiểu lầm, và một phần là những biện pháp mang tính chiến lược đã được thử thách, đủ để bảo đảm triển khai trong thực tiễn toàn bộ chiến lược bao hàm trong triết lý đó.

Bản đề cương “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020” chưa có một tư tưởng đủ sức thuyết phục nổi công luận. Mà nếu như rồi ra có nhờ khéo léo “thuyết phục” công luận mà nó được “hoan nghênh” rồi sau đó còn có thể được hẳn một cấp cao nhất thông qua, thì chỉ riêng lời lẽ hoa mỹ không đủ để chỉ đạo từng việc làm nhằm thực thi nội dung chiến lược. Có thể thấy điều đó ở ngay trong phần “Các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục”, trích nguyên văn từ đề cương như sau (in nghiêng):

Phát triển sự nghiệp giáo dục cần dựa trên một hệ thống triết lý. Đó chính là một hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được vận dụng một cách sáng tạo phù hợp thực tiễn giai đoạn mới. Đó là:

  1. Giáo dục và đào tạo có sứ mạng đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời tạo lập nền tảng và động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  2. Phát triển nền giáo dục của dân, do dân và vì dân là quốc sách hàng đầu.

  3. Giáo dục vừa đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân, mang đến niềm vui học tập cho mỗi người và tiến tới một xã hội học tập.

  4. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục phải dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền giáo dục giàu tính nhân văn, tiên tiến, hiện đại.

  5. Phát triển dịch vụ giáo dục và tăng cường yếu tố cạnh tranh trong hệ thống giáo dục là một trong những động lực phát triển giáo dục.

  6. Giáo dục phải đảm bảo chất lượng tốt nhất trong điều kiện chi phí còn hạn hẹp.”

Có thể nói gì về “tư tưởng” hoặc “hệ thống triết lý” trên? Ngoài việc nó dùng “đường lối của Đảng” như một cái khiên che chắn, còn có mấy điều sau:

Một, ta không thấy trong phần “triết lý” trên, chỗ nào mang tính nguyên lý chi phối toàn bộ sự phát triển giáo dục trong lâu dài và chỗ nào là nguyên lý chi phối sự phát triển giáo dục trong giai đoạn được quy định bởi chiến lược cải cách 10 năm (hay 20 năm) này.

Hai, ta không thấy chỗ nào là nguyên văn “triết lý” của Đảng, và chỗ nào được “bổ sung” nhằm có lợi cho công việc: chẳng nhẽ, chiến lược giáo dục của Đảng lãnh đạo mà lại nói một cách chi tiết cả đến việc “phát triển dịch vụ giáo dục” và “tăng cường yếu tố cạnh tranh”?

Ba, sự thiếu hụt, hoặc sự luộm thuộm về tư duy đó, khiến cho 6 điểm triết lý, hoặc quan điểm, thành ra không mang tính chất một tư tưởng cần thiết phải có cho một văn bản chiến lược mang tầm cỡ này.


3./ Thiếu một tư tưởng quán xuyến, những mục tiêu, những công việc, những dự án đề ra tốt đến đâu và đúng đến đâu cũng đều trở thành rời rạc.

Để cho bản nhận xét này có tính xây dựng hơn, xin phép gợi ý về một chiến lược giáo dục mười năm tới, bằng cách đặt ra cho tác giả (hoặc người chấp bút soạn thảo đề cương) những câu hỏi như sau.

Câu hỏi một: Công cuộc công nghiệp hóa để hiện đại hóa đất nước cho tới năm 2020 đề ra những yêu cầu gì về kỹ năng lao động và tư duy của thiếu niên và thanh niên Việt Nam? Có những số liệu thực chứng gì chứng minh cho những yêu cầu đó?

Giả sử trả lời cho câu hỏi một đã được coi là đủ và đúng, vậy sẽ phải trả lời tiếp

Câu hỏi hai: Công cuộc giáo dục trong giai đoạn vừa qua có đáp ứng được nhiệm vụ chuẩn bị kỹ năng và tư duy cho thanh thiếu niên cho nhu cầu công nghiệp hóa để hiện đại hóa đất nước đó không? Những số liệu thực chứng nào cho thấy câu trả lời là “Có” hoặc “Không” và tại sao lại là Có, tại sao lại là Không?

Giả sử trả lời cho câu hỏi hai đã được coi là đủ và đúng, vậy sẽ phải trả lời tiếp

Câu hỏi ba: Vì sao đề cương này định chiến lược giáo dục chỉ tính đến năm 2020? Nó nhằm chuẩn bị gì cho giai đoạn kế tiếp? Mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn kế tiếp là gì? Và mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn 2020 là gì? Đã có những sở cứ nào để định ra những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn đó?

Giả sử trả lời cho câu hỏi ba đã được coi là đủ và đúng, vậy sẽ phải trả lời tiếp

Câu hỏi bốn: Giải pháp trung tâm để công cuộc giáo dục thực hiện được mục tiêu chiến lược năm 2020 và xa hơn là gì? Giải pháp trung tâm đó chi phối các giải pháp lẻ ra sao? Có bao nhiêu giải pháp lẻ đó và vì sao lại định ra các giải pháp lẻ đó? Khi xác định từng giải pháp lẻ cũng phải trả lời ba câu hỏi nhỏ sau: mục tiêu phải đạt là gì? Vì sao đặt ra mục tiêu đó? Giải pháp riêng trong giải pháp tổng thể là gì để đạt mục tiêu đó?

Giả sử trả lời cho câu hỏi bốn đã được coi là đủ và đúng, vậy sẽ phải trả lời tiếp

Câu hỏi năm: Cái tinh thần trung tâm của chiến lược giáo dục đến năm 2020 là gì? Tinh thần đó sẽ thể hiện như thế nào trong các mục tiêu nằm trong chiến lược giáo dục 2020? Tinh thần đó sẽ chi phối toàn bộ các giải pháp như thế nào?

Nghĩ rằng, năm câu hỏi trên đây sẽ chẳng cần đặt ra nếu bản đề cương chiến lược giáo dục đến năm 2020 đã đủ sức thuyết phục.

Soạn thảo một đề cương chiến lược là viết văn bản, song lại không phải là chuyện “viết văn”, càng không phải là “tập làm văn”.

Làm cách gì để cái nền giáo dục đang suy thoái đến độ tuyệt vọng lại đủ sức gượng dậy và thoát ra khỏi cảnh dặt dẹo để vươn vai và hành động như một Phù Đổng, điều đó đòi hỏi một tư tưởng chiến lược và nhiều hành động thực thi tư tưởng đó. Hai mặt tư tưởng và hành động đó sẽ làm cho bản đề cương có sức thuyết phục, chứ không chỉ là những câu văn.

Một đề cương có thể được soạn xong trong một đêm; Hồ Ngọc Đại từng làm như thế; nhưng một đêm ấy đã được chuẩn bị bởi 7 năm thực nghiệm trên trẻ em Nga, 7 năm thực nghiệm trên trẻ em Việt Nam ở Giảng Võ, Hà Nội, hơn 20 năm nữa mở rộng thực nghiệm ra 43 tỉnh và thành phố bao gồm đủ các vùng các miền, rồi lại kiên trì mất 2 năm mở lớp lại ở cùng sâu xa tít tắp tỉnh Lao Cai để sau đó lại triển khai thành dự án “Ba Tây” ở 6 tỉnh với mười nghìn học sinh.

Bề dầy sức sống của một đề cương có cách tính toán như thế!

Hà Nội, 23-12-2008

Phạm Toàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss