Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / VỀ CÁI CHẾT CỦA HAI ÔNG CÁN BỘ ĐẦU TỈNH

VỀ CÁI CHẾT CỦA HAI ÔNG CÁN BỘ ĐẦU TỈNH

- Đào Tiến Thi — published 21/08/2016 17:41, cập nhật lần cuối 21/08/2016 17:41

VỀ CÁI CHẾT CỦA
HAI ÔNG CÁN BỘ ĐẦU TỈNH


Đào Tiến Thi



Mấy ngày qua mạng xã hội cũng như dư luận vỉa hè xôn xao về cái chết bất thường của ba vị cán bộ tỉnh Yên Bái, đặc biệt là hai vị hàng đầu tỉnh – ông Phạm Duy Cường, Bí thư tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.


hinh-1

Gia đình ông Cường đang tổ̉ chức tang lễ̃ (theo Kênh 14.vn)

Thái độ của cộng đồng nhìn chung khác hẳn với những cái chết bất thường khác: rất ít sự thương xót (nếu có thì lại dành cho ông Đỗ Cường Minh – người bắn hai ông kia rồi tự sát) mà có khi còn cho là “đáng đời”. Thái độ này làm cho một số báo “lề phải” bực tức và hạ những lời thóa mạ cay độc đối với cộng đồng mạng. Một bài báo đăng trên Văn nghệ viết: “… mạng xã hội lại tràn ngập những lời đùa cợt, những bình luận hả hê, chà đạp lên nỗi đau đớn tột cùng của gia đình người bị nạn, của chính quyền tỉnh Yên Bái”. Tác giả không lý giải mà chỉ kết tội đó là “những kẻ vô lương”. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều người trong số “những kẻ vô lương” này lại là những người rất nhạy cảm với nỗi đau của đồng loại, chẳng hạn khi họ thấy cái chết tức tưởi của một công dân trong đồn công an, hay cái chết tha hương của một người nghèo. Như vậy vấn đề ở đây trước hết là thái độ của nhân dân đối với cái chết của những ông quan chứ không phải cái chết nói chung; nếu đó là cái chết của những người thường dân thì chắc chắn họ có thái độ khác.

Bây giờ ta lại xét riêng cái chết của những ông quan, thì không phải bao giờ nhân dân cũng “hảhê”. Ví dụ, cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Đà Nẵng, chức tương đương với ông Đỗ Bá Cường – cũng được không ít người dân Đà Nẵng tiếc thương. Như vậy, điều thứ hai là: thái độ của nhân dân đối với những ông quan tốt hay quan xấu cũng khác nhau. Ấy là chưa kể, ngay cả đối với một ông quan thì cũng tùy giai đoạn, tùy việc mà nhân dân có thái độ khác nhau. Thời Nguyễn Công Trứ mà có mạng xã hội như ngày nay thì chắc chắn những việc khai hoang lập làng, tạo dựng cuộc sống cho dân nghèo của ông sẽ được ca tụng; trái lại, việc ông đi đánh dẹp khởi nghĩa nông dân sẽ bị lên án gay gắt. Nếu trong khi đi đàn áp khởi nghĩa nông dân mà ông Trứ bị chết thì dân chúng cũng sẽ rất hả hê.


hinh-2

Gia đình ông Minh đang tổ chức tang lễ (theo Kênh 14.vn)

Thứ ba, hai ông Cường và Tuấn chết vì bị bắn mà kẻ bắn lại là ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái – cũng là quan nhưng nhỏ hơn hai ông kia nhiều, lại là thuộc hạ trực tiếp của hai ông – khiến cho dư luận phải nghĩ: hai ông quan to kia “phải thế nào thì mới bị ông Minh bắn chứ”. Trông vẻ mặt ông Minh thì ai cũng cảm nhận đó là gương mặt của một người hiền lành. Chính bà chủ tịch tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cũng khẳng định ông Minh “hiền, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, “ông Minh được đông đảo người dân tín nhiệm”. Ông Minh sau khi bắn ông Cường đi tiếp sang phòng ông Tuấn, cách 150m để bắn tiếp ông Tuấn. Như vậy là ông Minh hành động một cách bình tĩnh, thể hiện một sự chuẩn bị kĩ lưỡng chứ không thể là hành động ngộ sát. Điều đó cho thấy ông Minh phải đau đớn, phẫn uất đến tột cùng nên mới hành động như vậy. Chưa ai biết trong chuyện này ông Cường và ông Tuấn gây ra cho ông Minh chuyện gì nhưng có thể dùng câu chuyện sau đây để tham khảo:

Xưa có người hỏi Mạnh Tử:

– Chu Văn Vương vốn là bề tôi của Trụ Vương. Thế mà Chu Văn Vương nổi lên đánh giết Trụ Vương để lập nên nhà Chu. Bề tôi mà giết vua thì có đáng tội hay không?

Mạnh Tử trả lời:

– Ta nghe nói Chu Văn Vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chứ ta chưa hề nghe nói có giết vua Trụ bao giờ.

Đó, chí ít là ba lý do để cộng đồng mạng nói riêng và dư luận xã hội nói chung trở nên “vô lương” trước cái chết của hai vị cán bộ đầu tỉnh.

Tuy nhiên, tất cả những điều nói trên người viết dựa vào lô gích hình thức để suy luận, để giải thích thái độ của nhân dân. Còn cá nhân tôi, tôi cũng chưa biết ông Cường, ông Tuấn là các ông quan tốt hay xấu. Nhân cái chết của hai ông đúng vào lúc “Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt”, tôi tạm lấy một ý thơ Nguyễn Du trong Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh) để hiểu và cảm thông các ông ở góc độ “thân phận nhà quan”. Tứ thơ này cũng là thông điệp muốn gửi đến các ông quan đang tại vị, ngõ hầu tránh bớt rủi ro nghề nghiệp cho các ông:

– Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác, sống ở tay,
Kinh luân găm một túi đầy,
Đã đêm Quản, Cát lại ngày Y, Chu.
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh,
Nghìn vàng khôn đổi được mình
Lầu ca, viện hát, tan tành còn đâu?

– Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời.

Đ.T.T.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss